Nội san

Rèn luyện tiết tấu cho sinh viên đại học sư phạm âm nhạc khi học ký xướng âm

29 Tháng Mười Hai 2016

Trần Thị Hiếu Trung [*]

 

Ký xướng âm là một trong những môn học chuyên ngành cơ bản đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong chương trình học. Đó là môn học có vai trò vô cùng quan trọng đối với người học âm nhạc và có ý nghĩa nền tảng trong chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc phổ thông.

Môn Ký xướng âm là một trong những môn bắt buộc, là chìa khóa để học các môn âm nhạc khác. Môn học sẽ cung cấp cho sinh viên phương pháp luyện đọc, nghe cao độ, trường độ, tiết tấu tiến tới nghe, đọc hoàn chỉnh một giai điệu, một tác phẩm âm nhạc. Bên cạnh kỹ năng đọc cao độ, tiết tấu cũng là phần kỹ năng xuyên suốt ở cả ba nội dung của môn học đòi hỏi người học phải thực hiện tốt phục vụ công việc giảng dạy phân môn Tập đọc nhạc, Học hát trong bộ môn Âm nhạc ở các trường tiểu học và THCS. Chính vì vậy, rèn luyện kỹ năng thực hiện tiết tấu cho sinh viên là một nội dung không thể thiếu trong chương trình đào tạo ĐHSP âm nhạc. Người học có kỹ năng thực hành tiết tấu tốt sẽ là một thuận lợi khi học ký xướng âm cũng như cả quá trình học âm nhạc.

Nhằm tăng tính tích cực giúp người học có cơ cở rèn luyện tốt khả năng thực hành tiết tấu, người học cần phải nắm vững một số kiến thức nhạc lý cơ bản, có biện pháp và phương pháp rèn luyện kỹ năng thực hiện tiết tấu theo quy trình mới đạt được hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng môn học.

Cấp độ một: Luyện gõ/đọc tên nốt/đếm số riêng lẻ từ những trường độ, những âm hình tiết tấu dễ và cơ bản như các trường độ nốt đen, nốt trắng, nốt tròn, nhóm nốt đen kết hợp nốt đơn hay ba nốt đơn; tiếp đến là âm hình nốt đơn, nốt khép, nốt có chấm dôi; nâng cao hơn là âm hình móc giật, nốt móc kép hai đầu (còn gọi là đòn gánh), đảo phách, nghịch phách, nốt móc kép lệch trái/phải; cuối cùng là các âm hình tiết tấu chùm (ước lệ) như chùm ba, chùm năm, chùm sáu, chùm bảy, chùm chín, chùm hai...

Cấp độ hai: Sau khi luyện các âm hình tiết tấu đơn lẻ theo từng mức độ ở cấp độ một, cứ kết thúc một chuỗi âm hình, người học có thể tự ghép các âm hình tiết tấu đó với nhau để tạo thành một chuỗi tết tấu tổng hợp để luyện tập. Có thể ghép các âm hình dễ với nhau, cũng có thể sắp xếp các âm hình dễ xen kẽ với âm hình khó, khi đã thuần thục người học có thể ghép các chuỗi âm hình khó liên tiếp nhau để kết hợp rèn luyện tiết tấu, đồng thời rèn được cả phản xạ nhanh nhạy trong quá trình tập luyện.

Cấp độ ba: Có thể gọi đây là cấp độ tự giác, có nghĩa là cấp độ rèn luyện chủ động có chủ đích của cá nhân người học mà không theo một quy trình cụ thể hay theo sự hướng dẫn của giảng viên. Đến cấp độ này, người học đã có một số kỹ năng nhất định. Vì thế, bất kể thời gian người học có thể tự ý thức luyện tập khi nghe bất kỳ chuỗi âm thanh nào có tiết tấu, chẳng hạn như nghe thấy một bài hát, một đoạn nhạc...

Bên cạnh đó, người học phải có ý thức rèn luyện trên lớp và tự học theo một quy trình nhất định (luyện tập theo giai đoạn), đó là:

Giai đoạn 1: Giai đoạn nhận thức

Đòi hỏi người học phải nắm được những kiến thức cơ bản về lý thuyết nhạc và ký xướng âm do giảng viên truyền đạt trên lớp hoặc trong quá trình người học tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Giai đoạn 2: Giai đoạn thực hành thử (trên cơ sở đã được nghiên cứu mẫu giảng viên cung cấp). Đây là giai đoạn người học trực tiếp thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Giai đoạn này chưa yêu cầu kết quả cao.

Giai đoạn 3: Giai đoạn luyện tập có chủ đích, người học đã nắm bắt được cánh thức và bước đầu hình thành một số kỹ năng đơn giản, ít gặp sai sót và thao tác thuần thục hơn. Ở giai đoạn này, sinh viên dần dần thuần thục hơn, có thể chủ động sáng tạo trong cách luyện tập, có thể đánh giá kết quả khá chính xác về kỹ năng thực hành tiết tấu một cách khả quan.

Trong quá trình luyện tập, đối với dạng tiết tấu có trường độ dễ như nốt đen, nốt đơn, nốt trắng, nốt tròn, nốt có chấm dôi..., trên cơ sở kiến nhạc lý về phách người học có thể dễ dàng nắm bắt cách thực hiện các dạng tiết tấu này. Còn với một số âm hình tiết tấu khó, người học phải có những biện pháp luyện tập cụ thể.

Âm hình tiết tấu có trường độ là 4 nốt kép: Người học cần lưu ý, khi nghe thấy 5 âm thanh liền nhau  vang lên, trong đó 4 âm có trường độ bằng nhau trong một phách, còn âm thứ 5 rơi vào điểm gõ của phách sau thì 4 âm đầu là móc kép.

Thực hiện nhóm tiết tấu này, tay gõ phách gõ xuống ở nốt móc kép đầu tiên rồi giữ nguyên đến hết nốt thứ hai, nhấc tay lên ở nốt thứ 3 đồng thời đọc nốt thứ 4 rồi chạm tay về vị trí ban đầu; tay gõ tiết tấu sẽ gõ 2 nốt đầu rơi vào nhịp gõ xuống của tay gõ phách và hai nốt sau rơi vào nhịp nhấc tay lên của tay gõ phách.

Nếu đọc số đếm cho tiết tấu móc kép, người học thường bị cuống vì thấy nhiều âm liên tục phát ra. Trong trường hợp đó, ban đầu phải gõ rất thong thả, làm sao để đếm đủ số âm có trong một phách.

            Âm hình tiết tấu móc giật: là tiết tấu phân hai thay vì phân ba từ một nốt nguyên, có hai dạng gồm móc giật trái và móc giật phải. Để đọc đúng hai âm hình tiết tấu này người học cần rèn luyện thật kỹ các kỹ năng đọc/gõ từng âm hình tiết tấu.

             Âm hình tiết tấu móc kép hai đầu (đòn gánh) : Đây là âm hình không có móc giật nhưng bản chất lại được ghép từ hai âm hình tiết tấu móc giật trái và móc giật phải nên cách thực hiện tương tự.

 Âm hình tiết tấu đảo phách và nghịch phách: Có hai trường hợp, đó là đảo phách cân: thời gian yếu và thời gian mạnh bằng nhau. Là nhóm tiết tấu bao gồm: một nốt đơn, nốt đen và một nốt đơn; Đảo phách lệch: có hai trường hợp. Dạng một là đảo phách lệch ở thời gian yếu lớn hơn thời gian mạnh và dạng hai là đảo phách lệch ở thời gian mạnh lớn hơn thời gian yếu (trường hợp này ít gặp).

Khi thực hiện âm hình tiết tấu đảo phách yêu cầu gõ xuống ở nốt móc đơn đồng thời đọc nốt thứ nhất, hất lên ở nửa đầu của nốt đen đồng thời đọc nốt thứ 2, gõ xuống ở nửa sau của nốt đen (gõ phách đồng thời ngân dài nốt thứ 2), sau đó hất lên (nốt móc đơn) và đọc nốt thứ 2 rồi đưa tay về vị trí ban đầu.

Nhóm tiết tấu gần giống nhóm tiết tấu đảo phách. Khi thực hiện sẽ tương tự như âm hình tiết tấu đảo phách, nhưng nốt móc đơn đầu tiên được thay bằng dấu lặng đơn.

            Sau khi thực hiện thành thạo kỹ năng gõ phách và các dạng trường độ đơn giản sẽ chuyển sang luyện âm hình tiết tấu khó khác: kép lệch phải, kép lệch trái, đảo phách, nghịch phách...

             Âm hình tiết tấu có kép phải: gồm 3 nốt trong một phách, nốt móc đơn ở nửa đầu, hai nốt kép ở nửa sau của phách.

      Nốt đơn ở phần mạnh (gõ xuống) của phách, hai nốt móc kép thuộc phần yếu (nhấc lên). Tiết tấu kép lệch phải thường tạo cảm giác nốt đầu được ngân dài hơn hai nốt kép tiếp theo. Vì thế, khi nghe âm hình này cần chú ý đặc điểm đó để không lẫn sang kép trái.

            Âm hình tiết tấu có kép trái: gồm có 3 nốt trong một phách như kép phải nhưng bố trí trường độ khác kép phải ở chỗ 2 nốt móc kép ở phần nửa đầu, móc đơn ở nửa sau của phách. Khi âm thanh vang lên sẽ nghe thấy 3 âm liền vào nhau, âm thứ 3 dài hơn cả.

            Chùm ba: Là nhóm tiết tấu phân ba được tạo nên do sự phân chia trường độ cơ bản không thành hai phần mà thành ba phần từ một nốt nguyên. Với chùm ba, nửa đầu đập xuống rơi vào nốt thứ nhất, nhấc tay lên khi đọc nốt thứ hai và trở về vị trí ban đầu khi đọc nốt thứ ba. Ở đây, không thể chia một phách bằng đúng ba phần (1:3 = 0,33) mà phải đọc ước lượng và cảm nhận được ba phần bằng nhau một cách tương đối như ba điểm góc của tam giác cân.

            Ngoài dạng tiết tấu chùm ba đó còn có các dạng: , , . Dù ở dạng tiết tấu nào người học cũng chia nhỏ chùm ba thành chùm sáu để tạo điểm tựa dễ nhận thức được kỹ năng đọc/gõ loại tiết tấu này như chùm ba.

             Chùm năm: Là nhóm tiết tấu được tạo nên do sự phân chia trường độ cơ bản không thành bốn mà thành năm phần. Với âm hình tiết tấu chùm năm sẽ gõ xuống đồng thời đọc thật đều 1, 2, 3 nốt, đến nốt thứ 3 vừa đọc vừa hất tay lên đồng thời đọc thật đều nốt thứ 3, 4, 5 và kết thúc khi tay dừng ở vị trí ban đầu để gõ vào phách tiếp theo.

 Chùm sáu: Là nhóm tiết tấu được tạo nên do sự phân chia trường độ cơ bản không thành bốn mà thành sáu phần.Thực hiện âm hình tiết tấu chùm 6 sẽ gõ xuống đồng thời đọc thật đều nốt thứ 1,2,3, sau nốt thứ 3 hất tay lên đồng thời đọc liền sang nốt thứ 4,5,6 rồi đưa tay về vị trí ban đầu để gõ vào phách tiếp theo.

             Chùm bảy: Là nhóm tiết tấu được tạo nên do sự phân chia trường độ cơ bản không thành bốn mà thành bảy phần. Ở nhóm tiết tấu này, thực hiện gõ xuống khi đọc nốt thứ nhất, đọc liền và đều sang nốt thứ 2, 3; tiếp theo đọc nốt thứ 4 đồng thời hất tay lên rồi đọc liền sang nốt thứ 5, 6, 7. Chú ý: Mỗi nhóm trường độ cơ bản được chia thành 2, 3, 4, 5, 6, 7,... phần, cần lưu ý tốc độ và khoảng cách giữa các nốt đều nhau. Nhóm trường độ có số lượng nốt càng lớn thì tốc độ đọc càng nhanh và khoảng cách giữa các nốt càng ngắn lại.

            Chùm hai: Là nhóm tiết tấu được tạo nên do sự phân chia trường độ cơ bản có chấm dôi không thành ba mà thành hai phần. Tương tự như cách thực hiện nhóm tiết tấu chùm ba,thực hiện một cách ước lượng trên cơ sở chia đều 3 phách cho hai nốt, điều quan trọng người học cần chú ý: không được quá lơi nhịp, tránh làm ảnh hưởng đến các nhóm tiết tấu khác.

            Lưu ý: Khi đọc chuyển giữa các dạng tiết tấu, từ nhóm tiết tấu phức tạp (đảo phách, nghịch phách,...) hay nhóm tiết tấu phải đếm nhanh (chùm 4 nốt móc kép) sang nhóm tiết tấu đơn giản (nốt đen, nốt móc đơn), một phần không ít người học thường gặp phải vấn đề cuốn nhịp. Do vậy, để đọc tốt xướng âm, thực hiện tốt các dạng tiết tấu khác nhau, người học cần phải giữ nhịp ổn định.

Tóm lại, nếu như nói Ký xướng âm là môn học mang tính cơ hữu trong hệ thống chương trình đào tạo âm nhạc, đặc biệt là đối với quá trình đào tạo giáo viên Sư phạm âm nhạc, thì việc rèn luyện để hình thành kỹ năng thực hiện tiết tấu khi học môn ký xướng âm là một trong những mắt xích đầu tiên hết sức quan trọng và cần thiết trong quá trình học âm nhạc. Đó cũng là kỹ năng chuyên môn không thể thiếu đối với công việc dạy học âm nhạc tại các trường phổ thông. Đó là điều kiện cần trong năng lực chuyên môn của một người giáo viên âm nhạc trong tương lai mà một sinh viên Sư phạm Âm nhạc cần phải có.

 

                                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ, Nghị quyết (ngày 02 tháng 11 năm 2005), Về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, số: 14/2005/NQ-CP, Hà Nội.

2. Ninh Thị Thu Hằng (2007), Nghiên cứu một số biện pháp rèn luyện kỹ năng đọc các quãng và tiết tấu khó trong chương trình học Xướng âm cho sinh viên lớp THSP K5 - Chuyên nhạc trường CĐSP Bắc Ninh, Đại học Sư phạm Âm nhạc CQK3, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Hà Nội.

3. Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4.    Nguyễn Thị Tố Mai - Nguyễn Đắc Quỳnh - Nguyễn Thị Phương Mai - Nguyễn Khải (2015), Tài liệu môn Xướng âm giọng C-dur và a-moll cho hệ ĐHSP Âm nhạc - Lưu hành nội bộ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.

5. Doãn Mẫn (1980), Phương pháp xướng âm, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

6. Trịnh Hoài Thu, Nguyễn Tố Mai, Nguyễn Hải Phượng (2011), Phương pháp dạy học ký xướng âm trong đào tạo giáo viên âm nhạc phổ thông, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

7.       Vũ Kim Thu (2003), Một vài suy nghĩ về phương pháp thực hiện tiết tấu trong giảng dạy bộ môn xướng âm năm thứ nhất, Bài viết nghiên cứu khoa học cấp trường, trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa TW, Hà Nội.

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc