Nội san

Hướng dẫn thực hành Piano cho sinh viên Thanh nhạc trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

27 Tháng Mười Hai 2017

 Lê Hải Thuận[*]

 

Trong sự phát triển của nền khí nhạc đương đại Việt Nam, cần phải kể đến cây đàn piano - một nhạc cụ có xuất xứ từ châu Âu và có lịch sử phát triển qua nhiều thế kỷ. Đối với nhiều nước có nền âm nhạc tiên tiến trên thế giới, piano là môn học bắt buộc trong các Nhạc viện, Học viện và là môn học bổ trợ thiết thực cho các môn khác.

Trong một môi trường đào tạo chuyên nghiệp, các sinh viên, học viên chuyên ngành Thanh nhạc, Sư phạm Âm nhạc, Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc được trang bị những kiến thức và kỹ năng chơi đàn cơ bản, đảm bảo khả năng chơi Piano và đệm đàn phục vụ tốt cho công tác sau này.

1. Các kỹ năng thực hành

Để đạt hiệu quả môn piano cho sinh viên thanh nhạc trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSPNTTW), giảng viên cần nắm vững những yêu cầu, mục tiêu và nội dung học phần, bên cạnh đó cũng cần định hướng và xây dựng tiêu chí cụ thể cho từng nội dung dạy học.

Thả lỏng cơ thể là điều cần thiết để từ đó có thể làm tốt các kỹ năng quan trọng khác khi chơi đàn piano. Để hướng tới hiệu quả của việc học piano, giảng viên cần quan tâm đến vấn đề thả lỏng ngay từ những tiết học đầu tiên, sau đó phải duy trì trong suốt quá trình học tập. Thả lỏng cơ thể không những làm cho người chơi đàn có thể dễ dàng hơn khi thể hiện tác phẩm mà còn là giải pháp tránh được tình trạng căng cứng, người chơi đàn sẽ giải quyết được những kỹ thuật piano một cách nhuần nhuyễn hơn, đồng thời thể hiện được sắc thái của tác phẩm tự nhiên mà không bị gò bó. Thả lỏng cơ thể cũng làm cho tư thế người chơi đàn được thoải mái, thư thái, giúp cho các em dễ thực hiện các kỹ năng, kỹ thuật luyện ngón cũng như những tác phẩm thực hành để có thể trợ giúp một cách tốt nhất trong quá trình rèn luyện những kỹ năng đó.

Mặc dù, đối tượng sinh viên thanh nhạc không học piano để trở thành nghệ sĩ biểu diễn mà được trang bị những kiến thức cơ bản để có thể ứng dụng piano đệm hát, luyện thanh một cách tự nhiên nhưng cũng cần hướng dẫn cho các em những kiến thức cơ bản nhất. Bên cạnh thả lỏng cơ thể thì xoay cổ tay cũng là kỹ thuật quan trọng cần được trang bị ngay từ đầu.

Tiếng đàn piano có đặc điểm là sau khi gõ phím âm thanh sẽ tắt nhanh. Vì vậy, giai điệu tác phẩm dễ bị mờ nhạt, tiếng đàn rời rạc nếu không biết cách xử lý khéo léo. Để tạo nên tiếng đàn đẹp và ngân vang hơn, cần khắc phục nhược điểm đó bằng cách xoay cổ tay khi chơi đàn trong khi ngón tay vẫn giữ trên phím. Đây là một trong những kỹ thuật cơ bản hỗ trợ cho thả lỏng cơ thể.

Xoay cổ tay tạo nên hiệu quả tiếng đàn ngân vang và không đanh, đồng thời tránh được tình trạng mỏi tay đối với những người mới bắt đầu học. Động tác xoay cổ tay thường được dùng ở những nốt ngân dài, những motif chạy ngón kiểu mô tiến, những nét nhạc có kỹ thuật legato, các kiểu chạy thêu dệt,... Khi thực hành, giảng viên cần hướng dẫn cho các em đánh vào nốt trước, sau đó mới thực hiện xoay cổ tay sang phải (đối với tay phải) hoặc sang trái (đối với tay trái) tùy thuộc vào sự chuyển động của giai điệu. Để thực hiện động tác này, phải thả lỏng mềm từ vai xuống cách tay, cũng như mềm cả cổ tay để lấy tiếng đàn mềm mại, như ý.

Phân câu nhạc để hỗ trợ và khắc phục căng cứng cũng là một trong những biện pháp cần thực hiện khi dạy piano. Việc phân câu giúp cho người học thích ứng chuẩn xác với tác phẩm, từ đó mới có thể tiến hành theo yêu cầu của tác phẩm đó. Với sinh viên chuyên ngành thanh nhạc, việc phân câu sẽ hỗ trợ cho các em thể hiện tác phẩm có hồn, có hơi thở, tựa như hơi thở trong thanh nhạc vậy. Phân tích và phân câu nhạc sẽ tránh được lỗi chơi mạnh ngay từ đầu, giúp cho sinh viên chơi câu nhạc được trọn vẹn và tránh cho các em lỗi chơi bản nhạc không rõ ràng về sắc thái. Đây là yếu tố quan trọng nên cần trang bị cho sinh viên thói quen xác định câu trên bản nhạc trước khi thể hiện tác phẩm trên đàn. Câu nhạc ảnh hưởng trực tiếp đến âm lượng tiếng đàn. Nếu phân câu không hợp lý sẽ làm cho tiếng đàn bị yếu đi cả về âm lượng và sắc thái, làm cho câu nhạc bị rời rạc.

2. Kỹ thuật của ngón tay trên phím đàn piano

Đối với sinh viên năm thứ nhất thanh nhạc trường ĐHSPNTTW, đầu vào đã có một số em được học piano nhưng cũng có những em chưa từng học qua loại đàn này. Vì có sự chênh lệch về trình độ nên bên cạnh việc trang bị những kiến thức chung, cũng cần phải có hướng mở đối với những sinh viên đã vững tay đàn. Với tiêu chí đó, cần trang bị cho các em những kỹ thuật, kỹ năng ban đầu nhằm trang bị những kiến thức cơ bản đối với người mới bắt đầu học piano. Trên cơ sở đó, tùy theo trình độ của mỗi sinh viên, giảng viên sẽ dần nâng cao, phù hợp với khả năng của các em, đặc biệt là nâng cao vào cuối học kỳ II năm thứ nhất và học kỳ I, II năm thứ hai.

Trước tiên cần hướng dẫn sinh viên tập di chuyển ngón tay trên phím đàn một cách tự nhiên, sửa kỹ ngón tay và thế ngồi để các em không bị gồng người, gồng tay. Theo quy định, các ngón tay từ ngón cái đến ngón út sẽ tương ứng với các số từ 1 đến 5. Ngón 1 (ngón cái) đánh vào cạnh ngón, khớp ngón phải vuông góc với phím đàn, các ngón còn lại phải khum tròn không bị gãy ngón hoặc vểnh ngón lên khỏi phím đàn. Để tránh gãy ngón, bàn tay và ngón tay không những phải khum tròn mà phần vai, cánh tay và bàn tay cũng phải thả lỏng, tránh gồng cứng khiến cho lực chơi đàn bị hạn chế. Sinh viên cũng cần biết tác dụng của bàn tay và ngón tay khum tròn sẽ dẫn đến tiếng đàn đầy, đẹp, không bị cứng nhắc. Đồng thời với đó là thả lỏng cơ thể, thả lỏng cánh tay, bàn tay để tránh làm mất sức và nhanh mỏi.

3. Ứng dụng kĩ thuật piano cơ bản trên luyện gam và hợp âm rải

Luyện gam

Khi học piano, sinh viên thanh nhạc cũng cần phải học gam bởi đây kỹ năng cơ bản cho luyện ngón tay, về sự luân chuyển âm thanh liền bậc, đồng thời định hình cho người học những tư duy về hòa thanh trong điệu thức trưởng, thứ. Cũng giống như luyện bài tập, cần chú ý tư thế ngồi, độ cao của ghế phù hợp, cánh tay, cổ tay, ngón tay có đường cong khum lại, cánh tay thả lỏng, ngón tay chắc, khỏe, đầy đặn và tuân thủ đúng số ngón tay tương ứng với từng nốt nhạc.

Khi luyện gam, cần di chuyển ngón tay, xử lý đặt ngón tay sao cho di chuyển đi lên và đi xuống một cách thoải mái trên phím đàn piano, nếu càng gồng tay thì tốc độ chơi đàn piano sẽ càng chậm lại. Vì vậy, thả lỏng bàn tay sẽ giúp cho người chơi thoải mái, đỡ mỏi hơn, cũng như chơi đàn được nhanh hơn. Ngoài cách luyện cơ bản, có thể cho sinh viên luyện tập gam theo các mô hình tiết tấu và kỹ thuật nhằm bổ trợ ngón đàn được khỏe và nhanh nhạy hơn.

Với sinh viên thanh nhạc nên luyện tập ba kỹ thuật cơ bản của piano là nonlegato, legarto và staccato.

Nonlegato là kỹ thuật sử dụng cánh tay, nâng cánh tay để chơi từng nốt, legato nâng ngón tay để chơi và liền tiếng đàn, staccato bám vào phím đàn và nẩy cổ tay. Để chơi được kỹ thuật này, các em cần phải nâng cánh tay rồi thả từng ngón chắc và khỏe xuống phím đàn, làm cho tiếng đàn dõng dạc, khỏe khoắn.

Legato là một trong những kĩ thuật quan trọng để phát triển ngón tay cho những người mới tập. Đây là kĩ thuật chơi liền tiếng do sự kết nối những nốt nhạc liên tiếp. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách ngón tay khi ấn xuống phím đàn sẽ không nhấc ngón lên mà phải có sự nối tiếp của ngón tay tiếp theo một cách liền mạch. Legato cần được chuẩn bị tập luyện một khoảng thời gian dài để trở thành một thói quen khi chơi đàn.

           

Staccato có rất nhiều loại: Staccato ngón tay, staccato cổ tay, staccato-martellato, staccato-pizzcato,… Với sinh viên thanh nhạc, nên lựa chọn staccato ngón tay. Do kỹ thuật staccato có nhiều trọng lượng được thêm vào đằng sau ngón tay, tạo các các nốt nhẹ, nhanh và mang đến cảm giác nặng, hữu ích cho các đoạn to tiếng và hợp âm với nhiều nốt nên cần lựa chọn những bài luyện tập có tốc độ vừa phải. Cũng có thể dùng staccato cơ bản và áp dụng kỹ thuật này trong quá trình luyện gam cho sinh viên thanh nhạc. Trong quá trình luyện gam, phải đảm bảo kỹ thuật staccato được thực hiện bằng cách ấn phím đàn được nhấn sâu xuống một nửa, làm cho trường độ nốt ngắn hơn và các ngón tay di chuyển lên xuống đều đặn liên tục.

         Luyện hợp âm rải

Với đối tượng sinh viên thanh nhạc, cần trang bị cho các em kỹ năng luyện tập các hợp âm ba trưởng và thứ. Đó là các dạng hợp âm ba được thành lập từ âm bậc I, bậc IV và bậc V của gam. Nếu ở gam trưởng, cả ba hợp âm này đều cấu tạo là hợp âm ba trưởng; nếu ở gam thứ, hợp âm ở bậc I và IV sẽ là hợp âm ba thứ, ở bậc V sẽ là hợp âm ba trưởng.

Hợp âm rải dài: Khi thực hiện hợp âm rải dài phải áp dụng kỹ thuật dãn ngón tay tương ứng với những nốt có trong hợp âm, các kỹ thuật “luồn ngón” đối với ngón 1 và “vắt ngón” đối với ngón 3 cũng sẽ được củng cố. Các ngón tay phải tuân thủ theo quy luật nhất định. Tay phải: ngón 1, 3, 5 tương ứng với âm bậc I, III, V; Tay trái: ngón 5, 3, 2 tương ứng với âm bậc I, III, V. Khi luyện tập, GV cần hướng dẫn các em xoay nhẹ cổ tay sao cho khi luồn ngón và vắt ngón không bị nghiêng ngón tay (đánh bằng cạnh ngón), thế ngồi cũng không bị nghiêng ngả.

            Có thể thực hiện luyện theo cách trên cho các hợp âm hạ át (S) và hợp âm át (D). Luyện hợp âm rải như vậy sẽ làm cho ngón tay quen dần với cách dãn ngón cách bậc trên phím đàn. Đây là một trong những cơ sở vững vàng để có thể học tốt nội dung đệm đàn ở năm thứ hai. Để phát huy hiệu quả của luyện hợp âm rải, ở mỗi loại gam, mỗi trình độ, GV cần hướng dẫn thêm một số mẫu tiết tấu tấu khác nhau để nâng cao phản xạ và sự nhanh nhạy của các ngón tay.

4. Luyện ngón, kỹ thuật

Mỗi ngón tay có đặc điểm riêng nên cần phát triển biệt về độ nhấn của từng ngón. Mỗi ngón tay có sức mạnh khác nhau: ngón tay cái to nhất, ngắn và khoẻ nhất; ngón út và ngón áp út yếu nhất.

Khi chơi piano cần giúp cho sinh viên hiểu về các thế bấm của ngón tay trên phím đàn. Lấy ngón giữa làm trụ, đặt phần tiếp xúc giữa tay với phím đàn và đầu ngón tay cần chắc chắn để tiếng đàn được khỏe và rõ nét.

Bài tập luyện ngón không nhất thiết phải quá khó, nhưng cần đầy đủ các kỹ thuật cơ bản nhằm khắc phục những điểm yếu của ngón tay. Các bài tập kỹ thuật chơi đàn piano nói chung khá đa dạng. Ngoài gam, hợp âm, còn có các dạng bài tập luyện ngón của Hanon, Etude,… là những bài luyện quãng và kỹ thuật rất hiệu quả. Việc luyện tập các bài tập kỹ thuật trở thành một đòi hỏi tất yếu, thường xuyên, liên tục, bền bỉ nên cũng cần được chia thành các giai đoạn, tương ứng với từng trình độ. Tập luyện nhiều các dạng bài tập này sẽ làm cho các ngón tay mạnh hơn và nhanh nhậy hơn.

5. Luyện tập bài thực hành

            Khác với các nhạc cụ khác như ghita, violon hay các nhạc cụ dân tộc được viết trên một dòng nhạc. Những bản nhạc piano có đặc điểm là khuông nhạc có hai dòng, thông thường dòng trên dùng khóa son dành cho tay phải và dòng dưới dùng khóa pha dành cho tay trái. Vì vậy, đối với những người mới bắt đầu học cần phải có quy trình luyện tập cơ bản từ khâu vỡ bài cho đến khi hoàn thiện.

Vỡ bài

Khi vỡ bài, giảng viên nên cho sinh viên đọc bản nhạc 1, 2 lần trước khi bắt đầu tập. Đọc bản nhạc để hình dung một cách tổng quát về tác phẩm để có thể hình dung ra giai điệu. Việc đọc tác phẩm trước có thể tạo ra một khởi đầu tốt với việc hình dung được giai điệu.

Sau khi đọc bản nhạc, giảng viên nên giúp sinh viên chia tác phẩm thành từng câu, từng đoạn. Ở đây, nên để chia dài hoặc ngắn, ngoài ra còn tùy thuộc vào trình độ của mỗi sinh viên. Mục đích của việc phân chia này là để giảm thiểu các lỗi trong quá trình luyện tập.

Khi vỡ bài, cần sắp xếp số ngón tay phù hợp. Có thể hướng dẫn sinh viên thử số ngón tay được ghi trong tác phẩm, nếu thấy không thích hợp thì có thể sáng tạo phù hợp với ngón tay của riêng mình, đảm bảo nó thực sự thoải mái cho đôi tay. Đối với những tác phẩm dài, không cần thiết đặt số ngón tay cho từng đoạn nhỏ. Giảng viên cần để ý kiểm tra thật kỹ số ngón tay thích hợp trước khi tập luyện sẽ giúp cho công đoạn ghép bài của các em được thuận lợi hơn.

Ghép bài

Sau luyện tập riêng hai tay, sẽ thực hiện ghép bài. Khi ghép, cần hướng dẫn sinh viên bắt đầu tập một cách chậm rãi và chú ý đến việc điều khiển các ngón tay. Trong quá trình ghép, nếu đoạn nhạc hay ô nhịp nào đó chưa vững nên tách riêng từng tay để tập riêng lẻ, sau đó mới được ghép 2 tay. Ngoài ra, cần chú ý chi tiết của sự chuyển động tương ứng với từng nốt hoặc hợp âm thật chắc chắn và rành mạch đến khi cảm thấy có thể đàn một cách trơn tru. Sau đó tập luyện với phương pháp tương tự cho những đoạn còn lại, chắc chắn mình đã tập một cách chính xác và chắc chắn tác phẩm, không được tập hấp tấp, cẩu thả.

Hoàn thiện bài

            Sau khi ghép hết tác phẩm, cần chau chuốt tác phẩm đó để có thể chơi được bản nhạc một cách tốt nhất.

Nên đảm bảo độ dài chuẩn xác của mỗi nốt bởi một tác phẩm với từng nốt được vang lên đúng và đủ trường độ, âm thanh sẽ hay hơn nhiều. Việc thả nốt ra quá sớm hoặc giữ lại quá lâu sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc bài nhạc.

            Giảng viên cũng cần phải hướng dẫn các em đàn theo sắc thái và chú ý tốc độ thay đổi trong tác phẩm, đảm bảo các kí hiệu về sắc thái, thay đổi tốc độ, thuật ngữ trong bản nhạc,… để có thể chơi một cách chính xác về tính chất của tác phẩm. Hiện nay, các giáo trình piano được sử dụng ở Việt Nam các thuật ngữ thường được viết bằng tiếng Ý, Đức và Anh, giảng viên cần thiết phải có sách từ điển bách khoa âm nhạc hoặc thuật ngữ âm nhạc thông dụng. Hiện tại, ở Việt Nam cũng đã có một số tác giả biên soạn và phiên dịch các thuật ngữ âm nhạc nên khá thuận lợi trong việc tra cứu. Có thể đến như: Thuật ngữ âm nhạc của Nguyễn Bách (Nxb Thanh niên, 2011); Từ điển âm nhạc của Vũ Tự Lân (Nxb Hà Nội, 2015); Giải thích thuật ngữ âm nhạc của Đỗ Xuân Tùng (Nhạc viện Hà Nội, 2007);…

Với chương trình dạy học piano cho sinh viên thanh nhạc hiện nay, cần tích hợp nhiều nội dung trong quá trình lên lớp. Các tiết học nên hài hòa giữa rèn luyện kỹ thuật và bài thực hành. Tuy nhiên, để khai thác phương pháp dạy tích hợp, bên cạnh việc tập trung vấn đề kỹ thuật, giảng viên cũng cần hướng dẫn những nội dung khác tùy thuộc vào mức độ yêu cầu và tiếp thu của sinh viên. Như vậy, mỗi tiết học piano bao giờ cũng có sự phối hợp hài hòa nhiều nội dung và phương pháp dạy học, trong đó có nội dung chính và các nội dung bổ trợ nhằm giúp sinh viên tiếp thu hiệu quả tiết học.

Trước tình hình phát triển của xã hội, ngành thanh nhạc ngày càng nở rộ và piano là một môn học hữu ích, có thể được coi là song hành với thanh nhạc trong suốt quá trình từ khi thực học cho tới khi tốt nghiệp ra trường và làm nghề. Một số vấn đề then chốt nêu trên nhằm góp phần giải quyết những tồn đọng, nâng cao hiệu quả dạy và học môn piano cho sinh viên chuyên ngành thanh nhạc, trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Minh Anh (2008), Sự phát triển nghệ thuật Piano Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 
  2. Tạ Quang Đông (2013), Một số hình thức kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật chơi đàn piano, Nxb Âm nhạc.
  3. Hà Mai Hương (2009), Đàn Piano trong việc phát triển tư duy âm nhạc và nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật của sinh viên học sinh các trường âm nhạc chuyên nghiệp, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam Panorama - Hội nhạc sĩ Việt Nam, số 18/2011 (trang 24 - 2).
  4. Thái Thị Liên (1974), Phương pháp học đàn Piano, Nxb Giáo dục.
  5. Vũ Thị Phương Mai (2003), Một số vấn đề trong việc giảng dạy học sinh Piano nhỏ tuổi ở Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ Nghệ thuật, Nhạc viện Hà Nội. 

______________________

[*] Lớp Cao học k4 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc