Nội san

Những thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thư viện tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ hiện nay

03 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thị Thủy [*]

 

Thư viện là một thiết chế văn hóa quan trọng, góp phần truyền bá tri thức, cung cấp thông tin, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới thư viện là một trong những yêu cầu cấp thiết của xã hội hiện đại, đồng thời là đòi hỏi của nước ta trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, hệ thống thư viện trên cả nước nói chung và thư viện tỉnh Quảng Ninh nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Cơ hội là mỗi người đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Song thách thức đặt ra là làm như thế nào để thư viện xây dựng và phát triển văn hóa đọc theo xu hướng hội nhập nhưng vẫn duy trì được bản sắc của mình trong thời đại bùng nổ thông tin. 

1. Những thách thức trong quản lý thư viện tỉnh Quảng Ninh hiện nay

Thách thức từ sự bùng nổ thông tin và các thiết bị nghe nhìn

Hiện nay, sự phát triển vượt bậc, đa dạng của văn hóa nghe, nhìn, các loại hình giải trí, internet… rất phổ biến và tiếp cận sâu rộng tới mọi người, từ đó khiến thời gian đọc sách bị hạn chế hơn. Thế giới đang chuyển mình để hòa vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy. Trước tình hình đó, hệ thống thư viện cần có những bước biến chuyển mạnh mẽ, không chỉ là nơi lưu trữ, phục vụ tài liệu truyền thống, mà sẽ trở thành các trung tâm thông tin điện tử với một đội ngũ cán bộ thư viện thực sự là những chuyên gia thông tin.

Thách thức từ việc thực hiện cơ chế tự chủ

Từ năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tinh giản bộ máy, biên chế, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp.

Thực hiện theo QĐ 4217/QĐ - UBND năm 2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh “về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với sự nghiệp công lập”, thư viện tỉnh Quảng Ninh được giao tự chủ tài chính 20%. Thư viện là một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, vì vậy khi thực hiện hoạt động theo cơ chế tự chủ thật sự đã có những áp lực không nhỏ trong quá trình điều hành quản lý thư viện.

Thách thức từ nguồn nhân lực

Để có thể vận hành và phát triển thư viện theo xu thế hiện đại hóa, bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đòi hỏi người cán bộ thư viện phải có cả những tố chất cần thiết khác như: sự năng động, sáng tạo trong công việc; có trình độ tin học và ngoại ngữ; có kiến thức xã hội và các kỹ năng mềm (khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, khả năng thuyết trình… ) để có thể quảng bá hình ảnh, giới thiệu những sản phẩm và dịch vụ thông tin hiện đại của thư viện tới người dùng, thu hút được ngày càng đông bạn đọc đến với thư viện. Đây là những kỹ năng cần phải trau dồi thêm đối với cán bộ thư viện tỉnh Quảng Ninh nói riêng cũng như hệ thống thư viện trên cả nước nói chung. Thực hiện cơ chế tự chủ trong điều kiện xuất phát điểm thấp, một số viên chức thư viện chưa thích ứng kịp với sự thay đổi của cơ chế tự chủ và vận hành quản lý thư viện của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Thách thức từ yêu cầu của thời kỳ kinh tế thị trường

Thư viện tỉnh Quảng Ninh là một trong những thư viện thuộc nhóm đầu cả nước về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Song song với sự quan tâm, đầu tư về trụ sở, hạ tầng của tỉnh là sự kỳ vọng vào một thiết chế văn hóa có những bước phát triển nhảy vọt xứng tầm với những thế mạnh đã có.

Chính vì vậy, mặc dù không đòi hỏi ngành thư viện làm ra của cải vật chất như các doanh nghiệp nhưng lại có sự đòi hỏi gắt gao hơn về hiệu quả trong hoạt động thư viện. Thách thức đối với công tác quản lý của thư viện tỉnh Quảng Ninh là làm sao tìm ra những bước đi phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh, làm tốt công tác chấn hưng văn hóa đọc, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương,... phát huy tối đa những tiềm năng và thế mạnh hiện có để thực sự là một thiết chế văn hóa năng động, hiện đại xứng tầm với sự đầu tư và kỳ vọng của lãnh đạo các cấp cũng như quần chúng nhân dân.

2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thư viện tỉnh Quảng Ninh

Với các phương thức quản lý phù hợp đã góp phần rất lớn nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Hoạt động thư viện ngày càng đi vào chiều sâu, bám sát, phục vụ đắc lực, thiết thực, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Công tác chuyên môn được đổi mới theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Chủ động phối hợp rộng rãi với các cơ quan, tổ chức, các phương tiện truyền thông đại chúng ở địa phương trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, tạo hiệu ứng xã hội tốt và có nhận thức tích cực hơn về hoạt động thư viện. Các cơ sở dữ liệu thư mục trên máy được xây dựng, tổ chức một cách khoa học và tương đối hoàn chỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc trong việc tiếp cận với nguồn lực thông tin mà thư viện hiện có, đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong xu thế xây dựng mô hình thư viện hiện đại ngày nay.

Tuy nhiên, trước những thách thức của thời kỳ mới, công tác quản lý hoạt động thư viện tỉnh Quảng Ninh vẫn còn những khó khăn và hạn chế nhất định như: Đội ngũ cán bộ thư viện còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc vận hành thư viện hiện đại, thư viện điện tử; Chưa có biện pháp phát huy được thế mạnh các sản phẩm thông tin hiện đại; Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho mạng lưới thư viện huyện, cơ sở còn nhiều hạn chế…

Từ những ưu điểm và hạn chế như trên, để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động, thư viện tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục đổi mới phương thức quản lý thông qua một số giải pháp cụ thể như sau:

Tăng cường công tác chỉ đạo và thanh tra, kiểm tra

Để thực hiện tốt công tác này, thư viện cần thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất, trên tất cả các hoạt động của 4 phòng chức năng: hoạt động bổ sung, xử lý tài liệu, công tác phục vụ bạn đọc,… cũng như mạng lưới thư viện cơ sở. Qua đó có hình thức và phương hướng giải quyết kịp thời đối với những vấn đề còn tồn tại.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý hoạt động nghiệp vụ theo hướng hiện đại

+ Tăng cường công tác chỉ đạo, đào tạo, tập huấn cho các thư viện cơ sở

Có sự phối hợp và liên kết chặt chẽ hơn nữa đối với các thư viện, tủ sách cơ sở. Tăng cường công tác luân chuyển sách báo, đặc biệt tới các vùng sâu, vùng sa, vùng biển đảo như: Tiên Yên, Ba Chẽ, Cô Tô,… Có thể sử dụng hình thức luân phiên tổ chức các sự kiện lớn gắn với hoạt động thư viện (các cuộc thi tuyên truyền, giới thiệu sách, Hội Báo xuân, tổ chức đường sách,…) tại các thư viện huyện, thị, thành phố để tuyên truyền rộng rãi hơn nữa các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm thư viện tới đông đảo quần chúng nhân dân.

Củng cố về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thư viện cơ sở thông qua việc thường xuyên mở các lớp tập huấn, các hội nghị, hội thảo… Đặc biệt, cần từng bước tạo sự đồng bộ, thống nhất về nghiệp vụ giữa các thư viện trên địa bàn toàn tỉnh.

+ Chú trọng  phát  triển  đa  dạng  hóa  nguồn  tài liệu, tạo lập các bộ sưu tập số, các sản phẩm và dịch vụ thông tin mới

Với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi hoạt động thư viện cần phải phát triển theo hướng tiếp tục kế thừa, củng cố hoạt động truyền thống, vừa phải tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới để ứng dụng và phát triển thành những thành tựu khoa học công nghệ thông tin mới. Bên cạnh việc bổ sung tài liệu truyền thống, thư viện cần tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu toàn văn. Đầu tư hơn nữa kinh phí cho việc số hóa các tài liệu, đặc biệt là tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm.

Bên cạnh đó, thư viện cần xác định nội dung và xây dựng chiến lược phát triển các loại hình sản phẩm thông tin và dịch vụ mới dựa trên cơ sở nhu cầu của người dùng tin cũng như xu thế phát triển chung của ngành.

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, kết nối người sử dụng với các dịch vụ và sản phẩm của thư viện

Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền sẽ giúp cho thư viện xây dựng và quảng bá được hình ảnh tích cực đối với người sử dụng, từ đó thu hút được đông đảo bạn đọc đến với thư viện. Để đạt được mục tiêu này, thư viện cần đa dạng hóa các phương thức thực hiện như: tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, xây dựng bản tin, phóng sự; giới thiệu trên website, liên kết website hoặc gửi qua email, thiết kế và xuất bản tờ rơi… để quảng bá; tăng cường tổ chức các sự kiện gắn với hoạt động chuyên môn thư viện như: tổ chức các cuộc thi kể chuyện sách, vẽ tranh theo sách,... chú trọng phối hợp với các đơn vị như các nhà sách, các trường học, công ty, doanh nghiệp,… cùng tham gia tổ chức sự kiện. Cán bộ thư viện cần phải nâng cao kỹ năng giao tiếp, chủ động tuyên truyền và giới thiệu để thu hút bạn đọc đến với thư viện.

+ Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ

 Hiện nay, ngoài việc duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ đọc, mượn tài liệu truyền thống, thư viện tỉnh Quảng Ninh cần chú trọng phát triển nhiều loại hình dịch vụ mới, tăng cường mở nhiều phòng đọc tự chọn hơn nữa và hướng tới việc cho mượn tài liệu tự động, tra cứu nội dung, tình trạng tài liệu, mượn sách, gia hạn,… thông qua website thư viện. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu nhu cầu tin định kỳ và xây dựng chương trình đào tạo người dùng tin hiệu quả. Công tác đào tạo người dùng tin là nhiệm vụ cần được chú trọng, quan tâm, làm tốt điều này sẽ tạo ra sự tương tác, gắn kết chặt chẽ hơn giữa thư viện và người dùng tin.

+ Tăng cường và nâng cao hơn hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện

Thư viện Quảng Ninh cần tiếp tục hiện đại hoá các quy trình nghiệp vụ, đầu tư cơ sở vật chất  kỹ thuật, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ cho việc tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thư viện mới. Nâng cấp phần mềm quản lý thư viện, hoàn thiện và khai thác có hiệu phần mềm Thư viện số, đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ thư viện.

Nâng cao chất lượng các nguồn lực thư  viện  như  nguồn  nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất trang thiết bị

Thư viện cần rà soát, đánh giá lại năng lực của cán bộ, viên chức và người lao động cơ quan để sắp xếp khoa học, hợp lý trong từng bộ phận, từ bộ phận hành chính đến các bộ phận chuyên môn. Tăng cường hợp tác, liên kết với các trường đại học để gửi cán bộ đi đào tạo sau đại học và quản lý nhà nước. Xây dựng kế hoạch và cơ chế đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ để hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ, viên chức, người lao động. Việc đào tạo cần có mục đích để xây dựng nguồn nối tiếp không bị gián đoạn, tránh đào tạo tràn lan.

Trên thực tế, các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ thư viện là không đáng kể, trong khi đó thư viện tỉnh Quảng Ninh phải tự chủ 20% kinh phí, đây thực sự là khó khăn, thách thức rất lớn đối với đơn vị. Đứng trước bài toán đó, đa dạng hóa nguồn kinh phí hoạt động là giải pháp then chốt để củng cố và phát triển hoạt động thư viện. Trước mắt, thư viện tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện tốt việc thu chi tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, mặt khác cần phát triển các dịch vụ hiện đại có thu phí, phải tạo cho người dùng tin thấy được hiệu quả của việc thu phí các dịch vụ theo quy định nhằm thúc đẩy hoạt động của thư viện. Bên cạnh đó phải vận động các nguồn xã hội hóa từ các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị, doanh nghiệp. Thư viện cần quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn đóng góp và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò quan trọng của thư viện trong thời kỳ mới.

Tiếp tục đầu tư trang bị máy móc, trang thiết bị hiện đại, phương tiện vận chuyển phục vụ cho phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó góp phần tăng nguồn thu cho thư viện.

Với thực trạng công tác quản lý hoạt động thư viện tỉnh Quảng Ninh, mặc dù vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng về cơ bản đã phát huy được hiệu quả cùng với sự quan tâm, chú trọng và những bước đổi mới từ quan điểm nhận thức đến việc định hướng và tổ chức triển khai các hoạt động.

Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nghiệp vụ thư viện tỉnh Quảng Ninh, từ đó bảo đảm chất lượng phục vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cần thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trên với những bước đi tích cực và cụ thể, từ đó phát huy tối đa sức mạnh và tiềm lực hiện có của thư viện tỉnh Quảng Ninh, củng cố và có bước phát triển mới, vượt qua những khó khăn trước mắt đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tài liệu tham khảo

1.  Bộ Văn hóa - Thông tin (2007), Quyết định số 10/QĐ-BVHTT về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

2. Nguyễn Hữu Giới (2013), “Tổng quan chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2020”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, (2), tr.3 - 7.

3. Nguyễn Hữu Giới (2014), “Cơ chế chính sách của Nhà nước và công tác xã hội hóa để góp phần phát triển ngành Thư viện Việt Nam”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, (30), tr.65 - 68.

4. Nguyễn Tiến Hiển, Nguyễn Thị Lan Thanh (2002), Quản lý thư viện và trung tâm thông tin, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.

5. Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Hữu Giới (chủ biên) (2008), Về công tác thư viện, Vụ Thư viện, Hà Nội.

6. Nguyễn Thị Lan Thanh (2001), “Đổi mới phương pháp quản lý thư viện trong nền kinh tế thị trường”, Văn hóa nghệ thuật (1), tr.83 - 86.

7. Bùi Loan Thùy (1997), Hiện trạng & tương lai phát triển khoa học thư viện ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

8. Nguyễn Thị Thư (2008), “Thư viện công cộng trong xã hội hiện đại”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, (288), tr. 43 - 47.

9. Lê Văn Viết (2000), Cẩm nang nghề thư viện, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

----------------------------------------------------------

         [*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa