Nội san

Vai trò của Dàn dựng hợp xướng A cappella đối với sinh viên đại học Sư phạm Âm nhạc

20 Tháng Bảy 2018

Phạm Xuân Danh [*]

       Tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, hát hợp xướng là một trong những môn học được chú trọng trong việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc trong đời sống xã hội; góp phần cung cấp cho sinh viên sư phạm âm nhạc tri thức về âm nhạc, phát triển tư duy thẩm mỹ âm nhạc. Trong đó, hát hợp xướng a cappella là loại hình không chỉ hấp dẫn bởi thế mạnh “thuần giọng người” trong việc diễn tả những vấn đề trong đời sống của xã hội, mà còn đòi hỏi khả năng về tri thức khoa học âm nhạc của người sáng tạo một cách sâu sắc giữa âm nhạc với lời ca.

       Dàn dựng hợp xướng a cappella được hiểu là công việc của người chỉ huy/nhạc trưởng. Trong đó, người chỉ huy sử dụng các thủ pháp của nghệ thuật âm nhạc để truyền cho các thành viên của dàn hợp xướng thực hiện các nhiệm vụ chuyển tải chủ đề tư tưởng của tác phẩm hợp xướng a cappella trước công chúng và đóng vai trò quyết định chất lượng biểu diễn. Đặc trưng của dàn dựng hợp xướng a cappella là dùng giọng người để thể hiện sự phong phú của hòa thanh, tiêu chí nghệ thuật quan trọng cần đạt được là các bè giọng phải biểu hiện được âm sắc, âm vực chuẩn xác, tự nhiên. Chính sự đòi hỏi đó sẽ tạo động lực thúc đẩy cho sinh viên hát hợp xướng a cappella phải tự hoàn thiện mình trong việc hát chuẩn xác giai điệu, phối hợp để thể hiện đúng sắc thái.

       Vai trò của việc dàn dựng hợp xướng a cappella là giúp cho sinh viên phát triển kỹ năng hát bè, nghe nhiều bè, nhìn tổng phổ, đọc tổng phổ... nhằm phát triển tư duy, thẩm mỹ âm nhạc nhiều bè. Dàn dựng hợp xướng a cappella không chỉ tạo môi trường rèn luyện nghề, học hỏi thêm nhiều kiến thức âm nhạc cho sinh viên, mà đặc biệt là thông qua sự hỗ trợ, bổ sung giữa các bè giọng với nhau sẽ tạo tính kỷ luật trong hoạt động tập thể và sự phối hợp trong làm việc nhóm. Hơn nữa, chính tính chất nhiều bè, nhiều giọng của hợp xướng a cappella sẽ tạo ra khả năng nhận thức nhiều cấp độ, nhiều ý nghĩa, nhìn thấy cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong, cả quá khứ, hiện tại và tương lai cho sinh viên. Sự hòa hợp tuyệt diệu của hòa thanh và nhịp điệu sinh động của hợp xướng a cappella sẽ phát triển khả năng nghe âm nhạc nhiều bè nhằm nâng cao thẩm mỹ âm nhạc. Có thể khẳng định, việc dàn dựng hợp xướng a cappella có tác dụng nâng cao nhận thức thẩm mỹ âm nhạc, cảm thụ âm nhạc của sinh viên tinh tế hơn, khơi dậy thế giới nội tâm của sinh viên thêm phong phú.

       Việc dàn dựng hợp xướng a cappella không chỉ thuần túy áp dụng cho môn học Hát hợp xướng mà còn được bổ trợ cho các môn học khác. Chẳng hạn như vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc là không thể thiếu khi dàn dựng hợp xướng a cappella. Thanh nhạc là yếu tố chính trong việc thể hiện các tác phẩm hợp xướng a cappella. Nó liên quan đến cách phát âm và sự biến hóa về tầng lớp âm thanh. Chính từ hát hợp xướng a cappella đã làm nảy sinh những tinh túy giọng hát, thúc đẩy sự phát triển giọng cho sinh viên. Ngược lại, sinh viên có giọng hát tốt nếu từng được tham gia hợp xướng thì hợp xướng là môi trường lý tưởng sinh viên phát triển tài năng âm nhạc. Điều này đã được minh chứng rất nhiều sinh viên đã từng tham gia trong dàn hợp xướng của Nhà trường, hiện nay trở thành những người nổi tiếng có chuyên môn vững vàng trong các lĩnh vực hoạt động âm nhạc ở Việt Nam như ca sĩ Mạnh Dũng, ca sĩ Hà Phạm Thăng Long, Nguyễn Bảo Yến (Đại học Sư phạm Âm nhạc, Khóa 3 - hiện đang học thanh nhạc tại Nga), Ninh Đức Hoàng Long (Đại học Sư phạm Âm nhạc, Khóa 4 - hiện đang học thanh nhạc tại Budapest - Hungary)… Thêm vào đó, việc dàn dựng hợp xướng a cappella đạt hiệu quả tốt còn giúp cho sinh viên của dàn hợp xướng có những trải nghiệm tuyệt vời “thuần giọng người” về âm nhạc, giáo dục và văn hóa. Hợp xướng a cappella còn là thể thức có ưu thế rất mạnh trong biểu diễn thanh nhạc, trau dồi học thuật, tọa đàm học thuật... góp phần thúc đẩy sự phát triển các loại hình thanh nhạc thính phòng khác. Đối với môn học Chỉ huy hợp xướng, hát hợp xướng a cappella còn cung cấp cho sinh viên nắm bắt tác phẩm chi tiết; xử lý sự cân bằng giữa các bè là vấn đề hết sức phức tạp mà không thể chỉ học trên lớp với đàn piano đệm, mà phải thông qua quá trình hát thì mới cảm nhận được âm thanh hợp xướng một cách đích thực, dần dần hình thành cho mình khả năng điều chỉnh liều lượng để đạt hiệu quả.

       Việc truyền đạt nội dung một cách chính xác, rõ ràng, giàu hình ảnh, gợi cảm và gây thiện cảm trong nghề sư phạm là một trong những tiêu chí mà người thày/cô giáo nào cũng cần phải có. Lời ca ở trong các tác phẩm hợp xướng a cappella của tác giả Việt Nam thường có chất thơ, chất trữ tình, sức truyền cảm, gọt giũa cao về mặt tu từ và ngữ pháp; thường khúc chiết, mang tính khái quát cao và còn thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của các tác giả… nên nó có giá trị nghệ thuật và sức mạnh giáo dục rất cao. Hơn nữa, trong hợp xướng a cappella, một lời ca thường được nhắc lại bởi các giai điệu khác nhau của các bè, tạo được nhiều cung bậc cảm xúc, những ý nghĩa sâu sắc của lời ca và có tác dụng nhất định trong việc rèn luyện biểu đạt lời nói của sinh viên trong các tình huống ứng xử sư phạm. Những giá trị đó được sinh viên chuyển hoá thành giá trị khoa học sư phạm hết sức bổ ích cho quá trình hoạt động giáo dục âm nhạc của các em sau này.

       Hơn 10 năm qua, hoạt động hợp xướng tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có nhiều khởi sắc. Các giảng viên chỉ huy hợp xướng đã tích cực học hỏi, tìm tòi nghiên cứu tư liệu để dần dần từng bước đáp ứng việc dàn dựng hợp xướng hợp xướng và hợp xướng a cappella. Những cống hiến của các giảng viên và sinh viên sư phạm âm nhạc đã đạt những thành công nhất định, được giới âm nhạc cũng như công chúng ghi nhận thông qua các chương trình biểu diễn.

       Năm 2006, Trường trở thành trường đại học Sư phạm Nghệ thuật duy nhất của cả nước, Hiệu trưởng Phạm Lê Hòa đã ký Quyết định cho phép Khoa Sư phạm Âm nhạc thành lập Dàn hợp xướng (Văn bản số 187/ĐHSPNTTW - TCHC) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa phục vụ hoạt động chính trị, giao lưu văn hóa âm nhạc trong và ngoài trường. Đối với sinh viên sư phạm âm nhạc thì biểu diễn hợp xướng là cơ hội để các em bộc lộ tài năng của mình, vì vậy đã thu hút các em tham gia một cách tự nguyện. Từ đó đến nay, việc biểu diễn hợp xướng luôn được hiện hữu qua các số lượng tiết mục cũng như chất lượng nghệ thuật trong các chương trình biểu diễn trong Nhà trường và ngoài xã hội như: Khai giảng và bế giảng năm học, Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, Liên hoan hợp xướng học sinh - sinh viên “Những bài ca dâng Đảng” kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, Hòa nhạc “Điều còn mãi”, Hòa nhạc “Bài ca không quên”, Hòa nhạc “Ngày Âm nhạc Việt Nam”, Đại hoà nhạc Giao hưởng - hợp xướng “Symphony No. 8” của Gustav Mahler …

       Việc luyện tập một 2 buổi/tuần thường xuyên được diễn ra vào buổi tối (17h30’ đến 19h30’), hoặc buổi trưa (11h00’ đến 13h00’) đã đem lại cho việc biểu diễn đạt chất lượng cao. Việc biểu diễn hợp xướng a cappella ngày càng được cải thiện không chỉ đa dạng về nội dung, mà hình thức biểu diễn còn hết sức phong phú, đặc biệt chú trọng đến sự kết hợp của các động tác biểu diễn, sự biến hóa về thiết kế đội hình, màu sắc của trang phục. Thông qua giao lưu biểu diễn với các dàn hợp xướng nước ngoài, sinh viên sư phạm âm nhạc đã được thưởng thức những tài nghệ, những kỹ năng tinh tế, những phong cách sáng tạo mới lạ giữa nghệ thuật hợp xướng truyền thống và nghệ thuật hợp xướng hiện đại có pha trộn đường nét nhạc Pop, Blue, Jazz… Đó là sự trình diễn các tác phẩm hợp xướng a cappella của các nhạc sĩ tên tuổi trên thế giới như: J.S. Bach, G.F. Handel, J. Haydn, W.A. Mozart, F.P. Schubert, F. Mendelssohn, L. Bernstein, G. Mahler, Andre Thomas… và cả những tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam, với các dàn hợp xướng nước ngoài: Plymouth State University (Hoa Kỳ), Untertanen (Đức)… Ngày 15/5/2018, ông Andrew Crane, chỉ huy Dàn hợp xướng Brigham Young University (Hoa Kỳ) và Dàn hợp xướng của Nhà trường biểu diễn tác phẩm hợp xướng a cappella Lý ngựa ô đã đánh giá “Dàn hợp xướng của tôi đã hát cùng rất nhiều các dàn hợp xướng, nhưng chúng tôi hài lòng nhất khi hát cùng các bạn”. Có thể thấy, hát hợp xướng a cappella tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương ngày càng đạt trình độ cao. Những thành công đó thực sự là nhân tố kích thích lòng ham mê sáng tạo, yêu loại hình hợp xướng a cappella giàu sức biểu cảm cho giảng viên và sinh viên.

       Tại các Festival hợp xướng quốc tế, Dàn hợp xướng của Nhà trường đã thu được những thành công đáng kể về biểu diễn hợp xướng a cappella. Tháng 03 năm 2011, Dàn hợp xướng là đoàn đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thi Hợp xướng quốc tế đạt Huy chương vàng (đứng đầu hạng thi A1 - hợp xướng hỗn hợp), được kéo cờ Tổ quốc và cùng bạn bè quốc tế hát vang Quốc ca Việt Nam. Tiếp sau đó (tháng 12 năm 2012), cũng tại Hội thi Hợp xướng Quốc tế lần thứ hai tại thành phố Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế, Dàn hợp xướng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đạt liên tiếp 03 Huy chương vàng - đứng đầu ba hạng thi: A1 (hợp xướng hỗn hợp), A2 (hợp xướng nữ), C4 (hợp xướng nam - thính phòng) và một giải đặc biệt của Ban giám khảo trao cho việc thể hiện xuất sắc tác phẩm hợp xướng a cappella Ru con mùa đông của Đặng Hữu Phúc. Để tham gia các hạng thi trên, trong chương trình tham gia của Dàn hợp xướng phải đạt 3/4 số lượng tác phẩm hợp xướng a cappella.

       Có thể nói, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là cơ sở đào tạo có tiềm năng và điều kiện để phát triển nghệ thuật biểu diễn hợp xướng a cappella. Để phát triển loại hình này, Nhà trường cần phát động thường xuyên các cuộc thi hợp xướng nhằm tăng giá trị của nó trong việc giáo dục đạo đức - thẩm mỹ; cần có chủ trương giao lưu, học hỏi với các tổ chức hoạt động hát hợp xướng trong nước và ngoài nước; cần mời các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước đến Trường dàn dựng hát hợp xướng, nói chuyện chuyên đề về hợp xướng.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Minh Cầm (1982), Chỉ huy và biểu diễn hợp xướng, Vụ Đào tạo, Bộ Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
  2. Lê Vinh Hưng và nhóm thức hiện đề tài (2011), Hệ thống phương pháp dạy và học Hát  hợp xướng hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, Đề tài Khoa học và công nghệ cấp Bộ, mã số B2009-36-17, Hà Nội.
  3.  Lê Vinh Hưng (2016), Nghệ thuật hợp xướng trong sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
  4. Imogen Holst (1973), Conducting & Choir, Oxford University, Ely House, London.
  5. Gordon Lamb (2010), Choral Techniques, Rice University, Houston, Texas, USA.

-------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K4 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc