Nội san

Hội thảo khoa học "Bàn về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc"

26 Tháng Mười Hai 2007

HỘI THẢO KHOA HỌC 'BÀN VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ

BẢN QUYỀN TRONG LĨNH VỰC ÂM NHẠC'

-----------------------------------

 

QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ BẢN QUYỀN TRONG LĨNH VỰC

ÂM NHẠC TẠI TRƯỜNG ĐHSP NGHỆ THUẬT TW

 

 

TSKH. Phạm Lê Hòa

 

1.      Trong lịch sử của vấn đề bản quyền âm nhạc thế giới, Việt Nam có lẽ là một trong số những quốc gia còn đang chập chững những bước đầu tiên trong thời đại mang tính/xu thế hội nhập. Nhưng để có thể cùng tham gia một sân chơi chung mang tính toàn cầu, Đảng và Nhà nước đã chủ trương tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Điều đó đặt ra cho Việt Nam không chỉ đứng trước những thuận lợi của một thời đại mang tính hội nhập cao, mà còn đứng trước những thách thức không nhỏ bởi trình độ phát triển còn ở mức độ thấp của nước ta. Chính vì vậy, vấn đề Hội thảo bàn về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả âm nhạc được đặt ra là rất cần thiết và có ý nghĩa cấp bách.

2.      Cho đến nay, trường ĐHSP Nghệ thuật TW là trường Đại học sư phạm Nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. Trải qua hơn 37 năm xây dựng và trưởng thành, trường đã đào tạo được hàng nghìn các nhà giáo làm công tác giảng dạy hai bộ môn âm nhạc và mỹ thuật trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Chính vì vậy, có thể nói, trường ĐHSP Nghệ thuật TW và các thế hệ sinh viên tốt nghiệp từ trường ra hiện đang công tác khắp mọi miền Tổ quốc chính là một lực lượng đông đảo đang sử dụng các tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật nói riêng, các tác phẩm văn hoá - nghệ thuật nói chung cho các hoạt động giảng dạy/công tác của mình.

Để đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống, trong thời gian vừa qua, trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã và đang tiến hành mở thêm nhiều mã ngành đào tạo như: Quản lý Văn hoá, Thiết kế thời trang, Dân tộc nhạc học, Sư phạm biên đạo múa v.v... Trường cũng đang tổ chức biên soạn Chương trình khung đào tạo sau đại học ở hai chuyên ngành Sư phạm âm nhạc và Sư phạm mỹ thuật. Do vậy, số lượng tài liệu văn hoá - nghệ thuật tham khảo cần thiết cho/nhằm nâng cao chất lượng các bài giảng là rất lớn. Và như vậy, việc đưa những kiến thức về Quyền sở hữu trí tuệ đến với đối tượng này là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua và cho đến tận hôm nay, vấn đề này còn bị bỏ ngỏ. Chúng tôi cho rằng những cơ quan có trách nhiệm cần có một sự tuyên truyền mạnh mẽ/hiệu quả hơn nữa đến những cơ sở đào tạo nghệ thuật, làm sao để mỗi cơ sở đào tạo/mỗi thành viên ý thức hơn ý nghĩa của Luật sở hữu trí tuệ và từ đó có thể sử dụng tốt những thành tựu văn hoá nghệ thuật của nhân loại.

3.      Mỗi ngày, mỗi phút trên hành tinh yêu quí của chúng ta đã và đang xuất hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc - những sản phẩm vô giá của thế giới loài người. Nhu cầu thưởng thức/hưởng thụ những giá trị nghệ thuật luôn tồn tại trong những giá trị mang tên CON NGƯỜI. Và điều đó không đơn giản chỉ là nhu cầu hưởng thụ, mà hơn vậy là nhu cầu cho sự phát triển của chính mình và đồng loại. Tôi vẫn thường nghĩ và nhắc lại với các học viên/các NCS của tôi rằng: muốn lớn được phải nhớ lời của ai đó đã nói: 'phải biết đứng trên đôi vai của những người khổng lồ'. Thế hệ sau phải biết tiếp thu/kế thừa những thành quả lao động sáng tạo của thế hệ đi trước. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là: làm sao để những người làm công tác giáo dục nghệ thuật Việt Nam có thể tiếp cận tốt nhất với những tác phẩm nghệ thuật kinh điển và hiện đại - tinh hoa sáng tạo của thế giới loài người một cách hữu hiệu nhất mà vẫn phù hợp với những thông lệ trên thế giới về luật bản quyền tác giả.

4.      Sau khi nghiên cứu Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là những người làm công tác quản lý và giảng dạy tại một trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật, chúng tôi nhận thấy: Luật sở hữu trí tuệ không chỉ phù hợp với những qui định thông thường của thế giới mà còn thể hiện trong đó những đặc thù tạo điều kiện cho người dân nói chung, cho các cơ sở đào tạo nói riêng có cơ hội tốt nhất để có thể tiếp cận với những tri thức văn hoá/nghệ thuật vốn là tinh hoa của kho tàng văn hoá nhân loại. Chẳng hạn, Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ có cho phép các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao:

- 'a. Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

- b. Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình;

- d. Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

- đ. Sao chép tác phẩm đẻ lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

- g. Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy'.

Nhưng vấn đề ở đây, theo tôi vẫn còn chưa tạo được những điều kiện tốt hơn cho việc sử dụng các tài liệu cho đông đảo học sinh - sinh viên - giảng viên của nhà trường bởi chỉ được 'sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân'. Trong khi đó, số sinh viên đã và đang đào tạo trong trường của chúng tôi là rất lớn. Họ rất cần phải được tiếp cận với những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc/kinh điển, tuy nhiên thực tế phần đồng trong số họ rất khó có thể đủ điều kiện để thực thi những điều khoản qui định của Luật bản quyền.

5.      Không chỉ Việt Nam có Luật sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, từ lâu trên thế giới ngoài Công ước Berne còn có Công ước toàn cầu về bản quyền (được sửa đổi tại Paris ngày 24 tháng 7 năm 1971), Công ước Rome 1961 (ngày 26/10/1961), Công ước Quốc tế bảo hộ người biểu diễn, người ghi âm, tổ chức phát sóng .v.v... Những quy định của các văn bản này được soạn thảo cho những đất nước có nhiều nét rất khác biệt về điều kiện kinh tế/truyền thống văn hoá so với Việt Nam. Và vì vậy, trong nhiều trường hợp còn có những điều khoản chưa hoàn toàn phù hợp với xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Chẳng hạn, trong xu thế hợp tác cùng phát triển của các cơ sở đào tạo trên phạm vi toàn thế giới, các trường Đại học chúng tôi rất muốn có những trao đổi thông tin/tài liệu/tác phẩm nghệ thuật với nhau. Nhưng vấn đề làm sao để có thể sử dụng những tác phẩm này một cách có hiệu quả mà không vi phạm. Luật sở hữu trí tuệ vẫn còn là vấn đề còn nhiều khó khăn, nhất là những quan hệ giữa hai trường thuộc hai quốc gia khác nhau. Về vấn đề này chúng tôi hy vọng có những chỉ dẫn, những ngoại lệ để các cơ sở đào tạo có thể tiến hành tốt việc trao đổi tác phẩm không vì mục đích thương mại.

6.      Cuộc sống luôn đặt ra trước mỗi con người những thách thức mới - những thử thách để con người trưởng thành và khẳng định mình trong cuộc sống. Vấn đề bản quyền tác giả ở Việt Nam đã và đang là một thách thức giữa quyền hưởng thụ thành tựu văn hoá nghệ thuật của loài người và quyền lợi của người sáng tạo. Chỉ có thể giải quyết tốt mối quan hệ này chúng ta mới không chỉ góp phần tạo dựng được sự công bằng xã hội, mà hơn thế, góp phần vào sự phát triển mạnh/bền vững của toàn xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, chúng ta cần phải thường xuyên có những cuộc Hội thảo như cuộc Hội thảo này nhằm góp phần hữu hiệu mang đến cho đông đảo công chúng sự hưởng thụ một cách tốt nhất những tinh hoa của kho tàng trí tuệ nhân loại. Và với tâm tưởng như vậy, tôi xin được kết thúc tham luận của mình ở đây.

Xin cảm ơn quí vị đại biểu.