Nội san

CARL MARIA VON WEBER

14 Tháng Bảy 2010

 

(1786-1826)

 

          

 Carl Maria von Veber (Carl Maria von Weber) đi vào lịch sử âm nhạc thế giới với vai trò người sáng lập của nghệ thuật opera dân tộc Đức.

            Carl Maria von Veber sinh ngày 18 tháng 11 năm 1786 ở thành phố Ây-tin (Eutin) nước Đức. Mẹ nhạc sĩ là một danh ca. Cha là nghệ sĩ violon tài năng và là chủ của một gánh hát rong. Rong ruổi cùng gánh hát của gia đình, từ nhỏ Veber đã được tiếp xúc và làm quen với thị hiếu công chúng rộng rãi của nước Đức thời bấy giờ. Sự hiểu biết sâu sắc những trạng thái tâm lý và thị hiếu của khán giả đã giúp nhiều cho Veber khi viết thành công vở opera “Mũi tên thần” sau này.

            Veber là một người có tài biểu diễn đàn piano xuất sắc ngay từ khi chưa đầy 11 tuổi. Trong nhiều tác phẩm được sáng tác thời gian sau người ta có thể nhận thấy dấu ấn của một nghệ sỹ đàn piano tài năng. Cũng chính những năm tháng sống nay đây mai đó, dù ông luôn có ý thức học hỏi và đã được học nhiều người thầy trên mỗi nơi dừng chân, nhưng nói chung, Veber vẫn chưa được học hành âm nhạc một cách có hệ thống.

            Ngày 13 tháng 3 năm 1798 mẹ của Veber qua đời vì bệnh lao. Cũng năm này Veber đến Salzburg học Michaen Haydn; sau dó ông đến Munich (Munchen) học danh ca Johann Evangelist Wallishause (thường được người đời gọi là Valesi) và nghệ sĩ đàn organ J.N. Kalcher. Năm 1798 Veber xuất bản tập tác phẩm đầu tiên của mình “Sáu fughetta cho piano” (Six fughettas for piano) tại thành phố Leipzig.

            Năm 1800 gia đình Veber chuyển đến Freiberg, ở Saxony, nơi mà vào tuổi 14 Veber đã viết vở opera có tên gọi “Cô gái im lặng nơi rừng xanh” (The silent forest maiden).

            Năm 1803, sự kiện có ý nghĩa lớn lao đối với người nhạc sĩ trẻ tuổi Veber là được làm quen và học sáng tác linh mục Abbe Vogler tại Vienna. Abbe Vogler không chỉ là một nhà hoạt động âm nhạc tiến bộ mà còn là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian một cách rất bài bản. Chính vì vậy, âm nhạc dân gian luôn được ông coi trọng và tìm tòi cho sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của mình.

            Trước thời gian đó (trong khoảng từ 1801 đến 1802) Veber cũng đã sáng tác được một số opera như: “Sức mạnh tình yêu và lỗi lầm”, “Cô gái rừng xanh”, “Peter Smol và những người láng giềng”. Nhưng đến với Abbe Vogler, Veber đã thu nhận được rất nhiều kiến thức phong phú mà trước đó cậu chưa hề biết đến. Chính Abbe Vogler đã hướng tới và làm thức tỉnh ở Veber tình yêu đối với nền âm nhạc dân gian Đức, nhất là tình yêu đối với những bài hát dân gian Đức. Nhiều ca khúc Veber sáng tác sau này thể hiện rất rõ sự tiếp thu/mối quan hệ với kho tàng âm nhạc dân gian Đức. Những opera cuối đời với những giai điệu đầy chất dân gian cũng là kết quả của tình yêu đối với âm nhạc dân gian Đức của Veber.

            Abbe Vogler cũng hướng Veber làm quen/nghiên cứu vở opera “Cây sáo thần” nổi tiếng của Mozart để từ đó tiếp thu những kinh nghiệm quý báu và tìm ra con đường sáng tạo riêng của mình sau này. Cũng từ Abbe Vogler, Veber được học những bài học đầu tiên về phối khí cho dàn nhạc – một môn học không thể thiếu được của một người sáng tác âm nhạc, một người sáng tác opera. Đây cũng là cơ sở để sau này Veber đã sáng tạo nên một phong cách độc đáo trong nghệ thuật phối khí mang màu sắc lãng mạn cho các vở opera của mình.

            Từ năm 1804 Carl Maria von Veber bắt đầu hoạt động nghệ thuật của mình trên cương vị một người chỉ huy opera. Cuộc đời ông đầy sự phiêu lãng, nay đây mai đó. Năm 1804 Veber làm việc ở Breclavla; từ năm 1806 đến 1807 ở Karlxrue thuộc công tước Viuchemberxkyi; từ 1801 đến 1810 thuộc cung đình Stugat. Sau đó ông làm việc ở Mangay, Đarstadte, Phranphuốc, Munich, Berlin và nhiều thành phố khác. Từ 1813 đến 1816 Veber là chỉ huy Nhà hát opera ở Praha. Ngoài ra Veber còn đi biểu diễn ở nhiều thành phố của Đức, Áo, Thuỵ Sĩ v.v.. Cho đến tận năm 1817, ông mới định cư lại ở Dresden trên cương vị lãnh đạo của Nhà hát âm nhạc Đức. Nhưng chính những năm tháng phiêu lãng đã mang đến cho ông sự đa dạng của cuộc sống. Ông làm rất nhiều nghề: nhạc sĩ, nhà văn, nhà tư tưởng, nhà phê bình, nhà hoạt động xã hội. Nhưng trước hết, ông là một công dân yêu nước.

            Luôn suy tư về số phận/tương lai của âm nhạc Đức, Carl Maria von Veber đã hiến dâng sức lực của mình cho sự phát triển của nền nghệ thuật dân tộc. Khi tìm kiếm con đường xây dựng nền nghệ thuật opera dân gian truyền thống Veber đặc biệt chú ý tới nền văn học mới của nước Đức. Trong sáng tác của các nhà văn đương đại đã phản ánh cuộc đấu tranh của nhân dân Đức vì độc lập dân tộc. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện: Tuyển tập những bài hát dân ca Đức “Cái tù và kỳ diệu của cậu bé” dưới sự hiệu đính của các nhà thơ Arnhin và Brentan; “Những câu chuyện dân gian Đức” của anh em Grim .v.v…Văn học lãng mạn đương thời đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành những nguyên tắc nghệ thuật của Veber. Chính những câu chuyện kể dân gian đã giúp Veber tìm thấy bản sắc mới cho vở opera bất hủ "Mũi tên thần" của mình.

            Phần lớn các tác phẩm sáng tác trong giai đoạn phiêu lãng của Carl Maria von Veber có ý nghĩa chuyển tiếp/thể nghiệm. Tuy nhiên, trong một số opera như “Riubesal” (1804-1805), “Xilvana” (1810), “Abu Gassan” (1811) đã xuất hiện những đặc điểm chín muồi của bút pháp sáng tạo mang dấu ấn Veber.

            Năm 1814 là một trong những đỉnh cao của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước Đức. Tất cả sức mạnh dân tộc được tập hợp và hướng tới một mục đích duy nhất là giải phóng khỏi ách áp bức của triều đình Napoleon. Thời gian này nhà soạn nhạc Senter đã thành lập Hội hợp xướng “Lidertafel”. Năm 1820, sau nhiều năm làm việc, Veber đã hoàn thành vở opera “Mũi tên thần”. Buổi biểu diễn đầu tiên được tổ chức tại Berlin vào ngày 18 tháng 6 năm 1821 trong Nhà hát Đức mới “Schauspielhaus” đã trở thành một sự kiện lịch sử. Không có vở diễn nào trước đây ở nước Đức có được sự hưởng ứng của dư luận xã hội một cách rộng lớn như vậy. Thắng lợi của vở nhạc kịch mang đặc tính của một cuộc biểu dương sức mạnh dân tộc. Vở diễn sau đó còn được trình diễn trong tất cả các Nhà hát lớn nhất của nước Đức đã đưa tên tuổi Veber lên hàng những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nước Đức.

           Năm 1826 Carl Maria von Veber đã sáng tác vở opera cuối cùng của ông: Oberon theo kịch bản của Viland. Đây cũng chính là vở opera ông viết theo sự đặt trước của Nhà hát London. Những ngày làm việc vất vả và căng thẳng khi dàn dựng vở opera đã tiêu hao nhiều sức lực của người nhạc sĩ, nhất là từ lâu trước đó ông đã bị mắc bệnh lao.

Ông từ trần tại London ngày 5 tháng 6 năm 1826.

 

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA CARL MARIA VON VEBER

 

I. Các opera:

1. "Peter Smoll và những người láng giềng" (1801-1802).

2. "Xinvana" (1810).

3. "Mũi tên thần" (1820).

4. "Oberon" (1826).

II. Tác phẩm cho piano:

1. Sonata số 1 giọng Đô trưởng (C-dur) op.24 (1812).

2. Sonata số 2 giọng La giáng trưởng (As-dur) op.39 (1816).

3. Sonata số 3 giọng rê thứ (d-mollr) op.49 (1816).

4. Sonata số 4 giọng mi thứ (e-moll) op.70 (1822).

III. Các concerto:

1. Concerto cho piano và dàn nhạc giọng Đô trưởng (C-dur) op.11 (1810).

2. Concerto cho piano và dàn nhạc giọng Mi giáng trưởng (Es-dur) op.32 (1812).

3. Concerto cho Clarinette và dàn nhạc giọng fa thứ (f-moll) op.73 (1811).

4. Concerto cho fagotte và dàn nhạc giọng Fa trưởng (F-dur) op.75 (1811).

5. Concerto cho cor và dàn nhạc giọng Mi thứ (e-moll) op.45 (1815).

IV. Giao hưởng:

1. Giao hưởng số 1 giọng Đô trưởng (C-dur) (1806-1807).

2. Giao hưởng số 2 giọng Đô trưởng (C-dur) (1807).