Tin tức

ĐÁNH GIÁ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BẠCH THÔNG, TỈNH BẮC KẠN

17 Tháng Tám 2021

                                                                           Hà Thị Kim Oanh

 K10 - Thạc sĩ Quản lý văn hóa

           Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm lịch sử hay còn được coi là biểu tượng trường tồn, cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đất nước. Ngày nay, kho tàng di sản văn hóa không chỉ góp phần tạo nên một Việt Nam thống nhất trong đa dạng mà còn đem lại giá trị phát triển kinh tế, xã hội.

Hiện nay, vấn đề quản lý di tích quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, được các cấp, các ngành và cộng đồng quan tâm. Tuy nhiên thực tiễn công tác quản lý di tích lịch sử, nhất là đối với di tích cấp quốc gia còn có một số vấn đề khó khăn, trở ngại, chưa được quan tâm tháo gỡ hướng đến khai thác tốt tiểm nảng và phát triển bền vững du lịch văn hoá di sản của địa phương. Bài viết đi đến đánh giá khái quát các yếu tố tác động và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý di tích lịch sử quốc gia thuộc huyện Bạch Thông.

1. Các yếu tố tác động đến công tác quản lý di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn

1.1.  Yếu tố thuận lợi            

* Cơ chế chính sách: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý về di sản văn hóa nói chung và di tich lịch sử được Nhà nước ban hành đầy đủ, rõ ràng, kịp thời, việc quản lý di tích lịch sử quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông

* Công tác bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ: Các cấp, các ngành từ tỉnh, đến huyện quan tâm chỉ đạo, quán triệt, phổ biến các văn bản của Nhà nước về quản lý di sản và di tích đến đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn huyện; đối tượng cán bộ trực tiếp tham mưu về di tích đã được tham dự các cuộc họp phổ biến, quán triệt văn bản và tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ trang bị kiến thức cơ bản về quản lý di sản văn hóa.

* Nhận thức của hệ thống: Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể huyện và đội ngũ cán bộ, công chức và toàn xã hội về công tác quản lý di tích lịch sử quốc gia ngày càng nâng cao, nhận thức đầy đủ hơn; lãnh đạo các cơ quan ban, ngàn, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quản lý di tích quốc gia thuận lợi, nhịp nhàng.

* Công tác tổ chức quản lý: Hoạt động quản lý di tích lịch sử quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông được UBND huyện quan tâm triển khai thực hiện như: Xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại di tích, thanh tra, kiểm tra. Đã thành lập được Ban quản lý  di tích.

1.2. Đánh giá các yếu tố trở ngại, khó khăn

Thứ nhất, việc huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông gặp nhiều trở ngại; Công tác tuyên truyền giá trị các di tích còn nhiều hạn chế. Việc tham quan, học tập tại các di tích mang tính bắt buộc, hình thức mà không xuất phát từ nhu cầu đối với loại hình di tích này;

Thứ hai, mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của kinh tế xã hội với quá trình bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Bạch Thông chưa xử lý theo hướng vừa đảm bảo được phát huy vai trò của các di tích lịch sử trong đời sống xã hội đương đại vừa với giá trị lịch sử vốn có của các di tích lịch sử.

Thứ ba, việc xây dựng và thực hiện quy hoạch một cách đồng bộ giữa bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử  gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.

2. Các giải pháp quản lý di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn

2.1. Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý di tích của địa phương

Rà soát và hoàn thiện hệ thống quy hoạch các khu, điểm, tuyến du lịch gắn với di tích lịch sử quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông để làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư về văn hóa, du lịch gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện Bạch Thông và của tỉnh Bắc Kạn.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực di sản văn hóa gắn với du lịch trong chương trình văn hóa trên truyền hình, phát thanh, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của huyện như: Hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn về văn hóa, di sản văn hóa; có cơ chế, chính sách đãi ngộ những người tiêu biểu có công bảo vệ, chăm sóc phát huy giá trị di tích quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông.

Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích động viên sự tham gia của toàn xã hội; huy động nhân lực, vật lực trong hoạt động quản lý và phát huy giá trị của di tích; sử dụng đúng mục đích, hiệu quả sự đóng góp của nhân dân cho hoạt động quản lý di tích; tạo môi trường và điều kiện tốt nhất để quần chúng nhân dân được trực tiếp tham gia và thụ hưởng kết quả di tích mang lại.

Cần chủ động trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nói chung và Ban quản lý di tích nói riêng nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn. Cử cán bộ theo học các khóa học quản lý văn hóa, di tích ngắn hạn cũng như dài hạn. Chủ động tạo điều kiện và định hướng cho cán bộ tự tìm hiểu những vấn đề về di tích, giới thiệu những sách báo, tài liệu liên quan đến vấn đề di tích để họ tự nghiên cứu, tìm hiểu; giới thiệu, mời các chuyên gia đầu ngành, có uy tín trong lĩnh vực để giúp giải đáp những khó khăn vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ. Xây dựng kế hoạch hoạt động, họp giao ban, hội nghị để cán bộ quản lý di tích báo kết quả đạt được, những vấn đề còn hạn chế và phương pháp giải quyết; tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý di tích đối với Ban quản lý di tích, UBND xã.

2.2. Đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo di tích

Hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông hiện nay chủ yếu là nguồn đầu tư của nhà nước. Vai trò của cộng đồng dân cư chưa được thể hiện, vì vậy cần có chính sách động viên khuyến khích người dân trên địa bàn trực tiếp tham gia vào hoạt động tu bổ. Khuyến khích các thành phần kinh tế có tham gia kết hợp các loại hình kinh doanh phù hợp hỗ trợ sự phát triển di tích như: đặc sản OCOP của huyện, tỉnh…

Việc huy động nguồn lực bảo vệ và quản lý và phát huy giá trị di tích đóng vai trò quan trọng, do vậy chính quyền UBND huyện Bạch Thông và các cấp quản lý các di tích lịch sử quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông cần quan tâm chú trọng việc đẩy mạnh hợp tác với cơ quan giáo dục về bảo tồn di tích đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp, cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ di tích. Khuyến khích phát triển các nghề truyền thống; bảo tồn và phát huy các di sản - văn hóa phi vật thể của địa phương.

2.3. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động nhằm phát huy giá trị di tích

UBND huyện Bạch Thông cần tiến hành kiểm kê thường xuyên hàng năm, làm cơ sở quy hoạch, đề xuất chủ trương đầu tư tu bổ tôn tạo di tích quốc gia thuộc địa bàn huyện Bạch Thông.

Tăng cường hoạt động phối hợp với các cơ quan ban, ngành đoàn thể, tổ chức các buổi học ngoại khóa, tiết học lịch sử địa phương tại di tích quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc; các tổ chức công đoàn thuộc các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức đến tham quan, tìm hiểu về 02 di tích quốc gia thuộc huyện Bạch Thông; Tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ các giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã đăng ký nhận chăm sóc; Phối hợp đẩy mạnh hoạt động Tua, tuyến du lịch, đưa khách du lịch tham quan di tích lịch sử quốc gia trong chương trình Tua du lịch Hồ Ba Bể.

2.4. Tăng cường tuyên truyền di tích bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú

 UBND huyện Bạch Thông chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật về vị trí, vai trò của di sản văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của địa phương; các quy định liên quan đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng các mô hình giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ tại di tích.

Cần bố trí nguồn kinh phí cho xuất bản các ấn phẩm như sách, tờ rơi, tờ gấp, bưu ảnh để giới thiệu về khu di tích. Có thể phát ấn phẩm, tuyên truyền ở các địa điểm thu hút khách tham quan, du lịch. Viết bài đăng trên các báo, tạp chí nhằm giới thiệu về giá trị của di tích với đông đảo bạn đọc. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn sản xuất các thước phim giới thiệu về di tích để lưu trữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị của di tích.

Thực hiện tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di tích thông qua hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch trong khuôn khổ xúc tiến du lịch các tỉnh khu vực Đông Bắc; thông qua các chương trình, sự kiện văn hóa.

Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin để giới thiệu truyền bá di tích lịch sử quốc gia thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

2.5. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường di tích

            UBND huyện Bạch Thông tiếp tục chỉ đạo, phổ biến, quán triệt  thực  hiện Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quyết định 466/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2015;

            Tăng cường chỉ đạo Đoàn TNCSHCM các cấp tổ chức tổng vệ sinh toàn bộ khuôn viên di tích quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông, mỗi năm 12 cuộc/năm. Các trường đăng ký chăm sóc, bảo vệ phát huy giá trị di tích thường xuyên thực hiện vệ sinh di tích, duy trì mỗi tháng quyét dọn 1 lần vì vậy môi trường, cảnh quan di tích được đảm bảo.

2.6. Phát huy vai trò của cộng đồng với quản lý di tích

Tập trung huy động, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di tích. Trong thời gian tới các cấp quản lý các di tích quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông cần tạo cơ chế để huy động và khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Khuyến khích, huy động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đóng góp kinh phí, vật chất, nhân công cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tạo cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực đầu tư cụ thể như: Chính sách ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích; có chính sách thuế, phí, lệ phí khuyến khích đầu tư; ưu đãi về sử dụng đất khu vực di tích; tạo cơ chế cho hưởng các ưu đãi khác về sử dụng cơ sở hạ tầng, cung cấp điện nước cho các nhà đầu tư; coi trọng quyền làm chủ của cộng đồng trong công tác quản lý di tích;...

Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao dân trí.

2.7. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng

UBND huyện Bạch Thông, cần có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý không để xảy ra các hiện tượng vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai, cảnh quan của di tích. Cần tiếp tục có phương án, kế hoạch đầu tư có trọng điểm trong công tác tôn tạo và phát huy di tích. Đầu tư kinh phí cần gắn với công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc quản lý, phục hồi di tích.

           Công tác thanh tra, kiểm tra phải thực sự hiệu quả, đồng bộ, sự phối hợp giữa các ngành các cấp phải nhịp nhàng. Cần có sự phối hợp trong việc kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về DSVH, phát hiện và xử lý kịp thời, giải quyết dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại hay trốn tránh trách nhiệm.

           *Tóm lại: Việc đánh giá các yếu tố tác động thuận lợi và khó khăn trong việc bảo vệ phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia trên địa bàn huyện Bạch Thông làm cơ sở để đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả di tích lịch sử cấp quốc gia là một việc cấp thiết trong quản lý di tích của các cấp ngành địa phương, góp phần nâng cao chất lượng quản lý di tích và khai thác tiềm năng để phát triển bền vững ngành du lịch của huyện Bạch Thông.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (2009), Chỉ thị số 7S/2009/CT- BVHTTDL ngày 19 tháng 5 về tăng cường công tác quản lý di tích và nâng cao chất lượng các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.
  2. Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao (1998), Lý lịch di tích lịch sử Đồn Phủ Thông – Thị trấn Phủ Thông- huyện Bạch Thông- tỉnh Bắc Kạn.
  3. UBND tỉnh Bắc Kạn (2018), Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.