Nội san

Quản lý quá trình “tự học” của sinh viên mỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dạy học

12 Tháng Mười Một 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống

 

Ths. Đinh Thị Nguyệt

Khoa Sư phạm Mỹ thuật

 

Giảng dạy nghệ thuật có xu hướng là một hoạt động mang tính độc lập sáng tạo.  Các thực nghiệm về học tập độc lập cho thấy giáo dục không đơn giản chỉ là sự hoạt động của thời gian trên lớp với giảng viên mà cần có thời gian cho sinh viên tự học. Nghiên cứu bộ môn cơ bản hình họa là một dạng lao động trí óc kết hợp với lao động của đôi bàn tay, môn học chủ yếu là giờ thực hành và được tiến hành trong một không gian, thời gian nhất định. Ngoài thời gian hướng dẫn có giảng viên, còn một nửa thời gian học của sinh viên là “tự học”; giờ học thực hành này khác với các môn học lý luận ở chỗ sinh viên bắt buộc phải có mặt trên lớp. Vì vậy giảng viên phải lập kế hoạch quản lý giờ “tự học” như thế nào để bài học đạt hiệu quả.

Dạy chuyên môn hội họa (có xu hướng là dạy nghề) là dạng hoạt động dạy – học cộng tác, giảng viên phải có nhiệm vụ cùng làm việc, giúp sinh viên nắm vững những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo tương ứng về một lĩnh vực chuyên môn nhất định; giảng viên cần coi sinh viên là đối tượng trung tâm để hướng dẫn, gợi mở, đưa ra các mục tiêu, yêu cầu cụ thể từng bài, để từ đó sinh viên nắm được đối tượng, phương pháp, khái niệm, quy luật, lý thuyết, học thuật của môn học.

Các tri thức đó phải được phát triển theo yêu cầu của thực tiễn, từ đó, những tri thức này giúp sinh viên bổ sung, phát triển thế giới quan, hoạt động đúng đắn hơn; nhờ đó, họ dễ dàng thích ứng với nhiệm vụ tương lai.

 Nguồn tri thức này không những giúp sinh viên hình dung được bức tranh khái quát về ngành chuyên môn của mình trong quá khứ và hiện tại, mà còn dự đoán được con đường phát triển của nó trong tương lai.

Trong quá trình dạy học cộng tác này, với những phương pháp học tập được cung cấp, sinh viên sẽ phát triển năng lực hoạt động trí tuệ, đặc biệt tư duy khoa học, tư duy nghề nghiệp, phương pháp tự học và nghiên cứu độc lập.

 Phát triển năng lực hoạt động trí tuệ là một vấn đề phức tạp, nó bao gồm cả số lượng và chất lượng tri thức đã tích lũy được, và cả chất lượng các thao tác tư duy để nhận thức và vận dụng. Năng lực  hành động trí tuệ đảm bảo cho con người hoạt động có hiệu quả là cơ sở của sự thông minh sáng tạo.

Phát triển năng lực hoạt động trí tuệ đó là năng lực định hướng đúng trong cuộc sống, phát triển năng lực tư duy trừu tượng, tư duy lý luận. Việc rèn luyện tư duy nghề nghiệp luôn gắn chặt với việc phát triển các loaị hình ngôn ngữ. Bước vào trường đại học, sinh viên phải tiếp xúc với nhiều bộ môn, và nhiều thuật ngữ khoa học, nghệ thuật. Giảng viên giúp sinh viên nắm vững nội dung các thuật ngữ mới và khả năng diễn đạt ý kiến của mình một cách rõ ràng, chính xác, lôgic.

Năng lực vận dụng tri thức vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp, các cách thức và biện pháp hành động trí tuệ đã nắm được vào những đối tượng và quá trình tìm tòi khám phá mới. Nhờ có năng lực vận dụng này, sinh viên có thể lĩnh hội tốt tri thức, kỹ năng, kỹ xảo trong các chuyên ngành học tập.

Tiếp theo đó, sinh viên cũng cần phải có năng lực tổ chức lao động trí óc một cách khoa học, tổ chức hợp lý chế độ học tập, phân bố hợp lý thời gian lao động trí óc (trên lớp, tự học, thảo luận ), biết lao động trí óc kết hợp với lao động cơ bắp và nghỉ ngơi giải trí, cũng như tuân thủ các quy tắc về vệ sinh lao động trí óc.

Để phát triển năng lực hoạt động trí tuệ ở đại học, chúng ta cần chú ý đầy đủ đến cả hai yếu tố cơ bản:

+ Một là lựa chọn được một nội dung dạy học khoa học, hợp lý

+ Hai là phải có được phương pháp tốt để giúp sinh viên nắm vững được nội dung đó.

Trong quá trình nắm vững tri thức, kỹ năng, kỹ xảo về nghề nghiệp chuyên môn, sinh viên đại học phải xây dựng cho mình một phương pháp tự học tốt. Đây là một yêu cầu khách quan và cấp bách của thời đại.

-          Cần phải độc lập suy nghĩ để nắm vững tri thức một cách tự giác

-           vận dụng tri thức một cách thông minh sáng tạo vào bài làm, vào thực tiễn khách quan

-          Tự đề cho mình một kế hoạch học tập khoa học, hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh

-          Kết hợp một cách cách hài hòa giữa việc tự học của bản thân với sự hướng dẫn của giảng viên, với các hoạt động học tập của nhóm, tổ.

-          Chuyển dần từ phương pháp học tập sang phương pháp nghiên cứu, rèn luyện được phương pháp tự học thì vào đời họ có thể vươn lên không ngường để đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại.

Chúng ta đều thấy được những thuận lợi và khó khăn của trường ĐHSP Nghệ thuật TW, khoa Sư phạm Mỹ thuật (SPMT) trong mấy năm học qua, trường mới lên đại học, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn, quy mô đào tạo của trường lại mở rộng, công việc trước mắt của khoa SPMT là phải khắc phục điều kiện trong một vài năm tới để tiến tới có một môi trường dạy học, khang trang, đủ tiêu chuẩn của một trường ĐH giảng dạy nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó.

* Những thuận lợi của khoa SPMT là đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao (tổng số 24 giảng viên, có 21 thạc sĩ, 02 giảng viên học viên cao học, 01 cử nhân), giảng viên được giảng dạy đúng chuyên môn, đều có phẩm chất đạo đức tốt, trong sáng, trung thực, yêu nghề. Giảng viên giảng dạy sư phạm nghệ thuật được xác định mục tiêu đào tạo của trường là đào tạo những giáo viên giảng dạy nghệ thuật, chứ không phải chỉ là đào tạo  các nghệ sĩ, người thầy phải lấy sinh viên làm trung tâm để hướng dẫn, gợi mở, sáng tạo.

 * Bên cạnh đó ta thấy có những khó khăn là giảng viên đều tốt nghiệp tại trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, có trình độ chuyên môn tốt, nhưng một số còn hạn chế về nghiệp vụ sư phạm. Trình độ đầu vào của sinh viên không đồng đều, các sinh viên đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, khả năng thẩm mỹ, cũng như cách nhìn còn phiến diện, hạn chế nhiều. Một số sinh viên chưa ý thức được mục tiêu học tập của mình, chưa xác định được động cơ học tập, họ tưởng rằng với các môn học nghệ thuật chỉ cần có năng khiếu là đủ, họ không thấy rằng việc  học tập bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự làm việc càng phải thật nghiêm túc, công phu. Từ những bài học nghiên cứu cơ bản đến sáng tạo là cả một quá trình nhận thức, từ thế giới xung quanh với các góc nhìn khác nhau đến năng lực cảm nhận, mỗi người phải tự điều tiết của bản thân cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh mới để liên tục có sự thay đổi, liên tục đổi mới, sáng tạo.

Vai trò của giảng viên hướng dẫn dạy học của người thày vô cùng quan trọng, thày phải có trình độ chuyên môn sâu rộng, có trình độ sư phạm lành nghề, có đầu óc sáng tạo và nhạy cảm mới có thể hướng dẫn, tổ chức các hoạt động của sinh viên mà đôi khi các hoạt động này diễn biến ngoài tầm kiểm soát của giảng viên. Vì vậy, việc rèn luyện thói quen tự học, tự nghiên cứu là vấn đề quan trọng trong trường đại học.

  Thực trạng về điều kiện học tập của khoa SPMT cho thấy còn nhiều hhó khăn về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học của bộ môn hình họa cơ bản chưa  được đáp ứng ở mức tối thiểu, thầy và trò của khoa tiếp tục, phải khắc phục điều kiện học tập trong một vài năm tới để có một môi trường dạy học tốt.

- Điều kiện học tập chưa đàm bảo, thái độ học tập của sinh viên chưa rõ ràng: tư tưởng bị phân tán, không tập trung, một số sinh viên chưa ý thức động cơ học tập cho bản thân mình. Một số giảng viên chưa thật nghiêm khắc với sinh viên ,thường hay “bỏ qua” các trường hợp vi phạm kỷ luật, hay những biểu hiện thái độ chưa nghiêm túc học tập, điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình giáo dục ý thức học tập và chất lượng bài học của sinh viên.

* Quản lý quá trình dạy – học với giờ  “tự học” thực hành trên lớp đạt hiệu quả.

Thực tế cho thấy, nơi nào có kết quả học tập thành công thì ở đó đều là có những nỗ lực của thầy và trò, thầy lập kế hoạch cho cả quá trình, đưa ra các điều kiện hoạt động thích ứng, trau chuốt quá trình thực hiện, duy trì kiểm tra các hoạt động đó, trò phải được hướng dẫn cụ thể để lựa chọn các kế hoạch, đôi khi trò chỉ cần nắm các quy trình giải quyết vấn đề chung cũng đủ để giải quyết một nhiệm vụ cụ thể. Trường hợp đặc biệt với trò yếu có khó khăn trong học tập thì phải hướng dẫn cụ thể, con những sinh viên khá trở nên đã có những kỹ năng cơ bản chỉ cần nắm các quy trình giải quyết vấn đề chung là thích hợp.

Những quy trình chung của lập kế hoạch được tóm lược như sau:

·         Xác định vấn đề. Chúng ta muốn đạt được điều gì?

·         Chúng ta cần biết gì khi giải quyết vấn đề?

·         Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề như thế nào?

·         Chúng ta đang giải quyết vấn đề như thế nào?

·         Theo dõi kết quả. Ta đã đạt mục tiêu chưa?

·         Đánh giá

Kế hoạch không nhất thiết phải là một trật tự cố định các bước, thường thì kế hoạch phải linh hoạt. Trong quá trình tiến đến giải pháp, có thể phải thử áp dụng những ý tưởng mới, tính đến trở ngại và tình huống mới ở dạng đơn giản nhất, kế hoạch chính là những suy nghĩ của ta về những gì mình sẽ làm.

Sử dụng các cấp độ kế hoạch, các cấp độ có thể được tóm tắt như sau:

* Lập kế hoạch vô thức

* Lập kế hoạch cụ thể

* Lập kế hoạch chiến lược

Từ các kế hoạch cụ thể như đặt ra các nhiệm vụ để đạt mục tiêu cho đến lập kế họạch mang tính chiến lược lâu dài. Người theo kế hoạch này cần phải xem xét, tính toán đến cả những trở ngại tiềm tàng và nhu cầu phải có sự linh hoạt trong việc sử dụng các kế hoạch và phải tính đến những thay đổi trong trình tự do hoàn cảnh, điều kiện. Để lập kế hoạch có hiệu quả cần có một yếu tố điêù kiện như được thể hiện ở câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu…  Tuy nhiên có kế hoạch mang tính vô thức, khi đó là hành động tự thân hơn là theo thiết kế, những hoạt động mang tính hài hòa như vẽ một bức tranh, xếp hình, hay đang ca hát... có thể không đòi hỏi phải có kế hoạch có ý thức.

- Lập kế hoạch phải xác định tính mục đích rõ ràng và động cơ học tập mạnh mẽ hơn để thúc đẩy việc học tập của sinh viên. Mỗi giảng viên cần phải quan tâm đến đối tượng dạy học của mình, xem xét động cơ học tập, phải biết kích thích động cơ đó. (Ví dụ, giảng viên cần hiểu rằng sinh viên được cha mẹ dạy dỗ và muốn học tập đạt kết quả tốt. Vì thế, chúg ta có thể coi động cơ học tập để đạt nhiều thành tích là rất quan trọng đối sinh viên).

 Ngoài ra sinh viên cần phải luyện tập thói quen làm việc nghiêm túc. Sự ham hiểu biết, sở thích, hứng thú khi giải quyết vấn đề và chấp nhận thử thách là những ví dụ về động cơ học tập tốt, sinh viên chủ động trao đổi, xây dựng kiến thức, khai thác tư duy, có những mối liên hệ qua lại. Biết kết hợp kiến thức mới với vận dụng những kiến thức đã có từ trước.

- Giảng viên thiết kế và tạo môi trường cho phương pháp “tự học” đạt hiệu quả, khuyến khích, ủng hộ, hướng dẫn hoạt động của sinh viên. Thử thách và tạo động cơ cho sinh viên.

Ví dụ: Theo dõi tiến trình giảng dạy bài tập hình họa.

Thời gian thực hiện một bài vẽ: 15 tiết (trong đó có 7,5 tiết tự học)

Phần chuẩn bị:

    - Giảng viên bày mẫu, sinh viên chuẩn bị đồ dùng: bảng, giá vẽ, giấy vẽ, bút, màu...

Phần lập kế hoạch (Hoạt động của giảng viên)           1 tiết

Kế hoạch của một học phần

Kế hoạch của một bài

Mục tiêu

Nội dung

         Các bước tiến hành    

 Phần thực hành

Hoạt động của Giảng viên + sinh viên                      13 tiết ( 5,5 t + 7,5 t tự học)

 Theo dõi

 Phản hồi

 Phần tổng kết đánh giá                                  1 tiết

  Giảng viên + sinh viên cùng đánh giá          

Nếu như giảng viên phải có mặt giờ đầu để bày mẫu và hướng dẫn phần lý thuyết, giảng viên phải lấy trình độ chung của cả lớp làm căn cứ, hình dung mức độ, yêu cầu khác nhau đối với các nhóm sinh viên có trình độ kiến thức và tư duy khác nhau để mỗi sinh viên được làm việc với sự nỗ lực trí tuệ vừa sức. Cần tính toán độ khó của yêu cầu sao cho thích hợp với nhóm sinh viên giỏi và nhóm sinh viên yếu. những dự tính này sẽ được thể hiện ra ở những phiếu làm việc trong đó qui định những công tác độc lập mà sinh viên sẽ lần lượt thực hiện trong tiết học.

 Giảng viên đưa ra các kế hoạch hướng dẫn, yêu cầu cần đạt, dự kiến phải tập trung chủ yếu vào hoạt động của sinh viên (quan sát mẫu, tiến hành bài tập, tập giải quyết các vấn đề đặt ra, giải các bài toán nhận thức..) trên cơ sở đó giảng viên hình dung sẽ phải tổ chức các hoạt động của sinh viên như thế nào cho phù hợp.

Cuối giờ giảng viên tổng kết đánh giá bài học, cần phân loại bài theo thứ bậc A, B, C, D… cho những thang điểm tương ứng kết hợp với những nhận xét, phân tích những ưu điểm và những hạn chế của từng bài cụ thể, khuyến khích sinh viên và cùng với sinh viên tham gia tự đánh giá quá trình học tập của mình, cùng nhau đưa ra các biện pháp giải quyết để khắc phục hạn chế của bài học, rút kinh nghiệm cho bài học tiếp theo. Với các buổi tự học, giảng viên phải có kế hoạch giám sát, theo dõi, phản hồi giờ “tự học”cho hiệu quả.

* Tùy từng trình độ nhận thức và cách thức học tập của sinh viên mà giảng viên đặt ra các yêu cầu cụ thể, đưa ra các câu hỏi để sinh viên tự giải đáp, mục tiêu, yêu cầu cần rõ ràng, theo dõi sự tiến bộ trong quá trình đi đến một mục tiêu cụ thể.

Ví dụ:   - Yêu cầu của bài là gì?

                      - Bài vẽ này đạt hay chưa đạt yêu cầu?

                         - Những khía cạch chứng minh bài vẽ là đáng giá?

                         - Những cản trở gì làm cho bài vẽ còn hạn chế?

                         - Trong các bước tiến hành bài tập thực hành, đối với anh, chị bước nào gặp khó khăn? bước nào thấy dễ dàng? có thể thay đổi vị trí các bước tiến hành được không?

                         - Anh, chị đã làm theo đúng, đủ các bước tiến hành? Bằng kinh nghiệm cá nhân, anh, chị có thể đưa ra nhận xét bài học của mình, đạt hay chưa đạt, ưu điểm, hạn chế tác động đến hiệu quả thẩm mỹ.    

                        - Làm thế nào để đẩy sâu bài vẽ mà không ảnh hưởng đến hình khối toàn bộ?

                       - Trọng tâm của bài là giải quyết vấn đề gì?

                       - Anh,chị đã giải quyết thế nào?

                         - Anh, chị có kế hoạch gì tiếp theo?

* Giảng viên giúp sinh viên hiểu rõ việc học tập và các kế hoạch thực hiện, việc quản lý thời gian và theo dõi tiến độ họ như thế nào?

* Đề nghị sinh viên trao đổi ý kiến và có được phản hồi về sự tiến bộ của các bạn sinh viên khác.

*Vấn đề đặt ra của giảng viên là giám sát giờ “tự học” của sinh viên như thế nào đối với giờ thực hành bộ môn hình họa học trên lớp. Ngoài phần hồi âm của sinh viên, giảng viên có thể lợi dụng nhiều ở phần lập kế hoạch và theo dõi, quản lý các cuộc họp với các nhóm nhỏ của sinh viên.

* Sinh viên được trợ giúp theo một mô hình thực hiện theo yêu cầu. Giảng viên có thể chứng minh một kỹ thuật qua giáo cụ trực quan, quan sát một người có kỹ năng, Đặc biệt là thu hút sự tập trung của sinh viên vào những khía cạnh chính của kỹ thuật.

 * Những điều cơ bản được mô phỏng hay thao diễn giản đơn thường có ích hơn là những tình huống phức tạp trong cuộc sống.

* Cho phép sinh viên được tự do tối đa để trải nghiệm việc hoàn thành tốt một bài được giao,  nhưng cần đưa ra những hướng dẫn cần thiết đủ để họ không mắc quá nhiều lỗi. Điều này muốn nói rằng kinh nghiệm học của sinh viên bắt đầu từ đơn giản đến phức tạp, với những bước đi được sắp xếp tốt để có thể giải quyết thành công một vấn đề mới.

* sinh viên cần thực hành phản hồi, phản hồi từ phía giảng viên, phản hồi của giảng viên đôi khi có thể làm nản lòng sinh viên, vì vậy giảng viên cần cố gắng cung cấp những phản hồi khích lệ cũng như xác định những sai sót, cần hướng dẫn về điều  sinh viên phải cố gắng tiếp theo.

* Những kỹ năng đạt mức cao được hình hành qua thực hành nhiều, càng thực hành nhiều sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm và có những cách thức giải quyết tối ưu nhất.

 *Hướng dẫn không đơn giản chỉ là một chiều. Hãy hỏi sinh viên về quan điểm của họ và cái họ đang làm và giúp họ tự đánh giá bản thân là điều cũng rất quan trọng. Trong giảng dạy tự đánh giá bản thân, sinh viên có thể tạo ra một số những phân tích cần thiết. Khi đánh giá công việc, hãy nói lên tiến trình sinh viên đang thực hiện và căn cứ đánh giá của họ. Cũng như các kỹ năng khác, tự đánh giá được rút ra từ thực hành cùng với phản hồi.

* Việc đánh giá thành công hương tới việc đạt được mục tiêu, đánh giá những sai sót, sai lầm trong quá trình, trong toàn bộ quá trình phải được kết hợp của giảng viên và sinh viên nhằm mục đích không chỉ nhận định thực trạng và điều chỉnh hoạt động học trò mà còn đồng thời tạo điều kiện nhận định thực trạng và điều chỉnh hoạt động của thầy.

* Các giảng viên của các nhóm dạy theo lớp phải cùng nhau xem xét việc đánh giá chất lượng  bài học của sinh viên cho thật công bằng, tránh những thắc mắc của sinh viên, để không được quá “dễ dãi”với các yêu cầu chất lượng bài học cũng như vấn đề kỷ luật của sinh viên. Tuy nhiên chúng ta cũng phải đối phó với những phản hồi của sinh viên, trường hợp sinh viên thiếu trung thực trong nghiên cứu độc lập như: Lấy bài vẽ người khác chấm, hoặc nhờ người vẽ hộ trong các giờ “tự học”.

Mục tiêu của lập kế hoạch – là giải phóng sinh viên khỏi sự trợ giúp của trực tiếp của giảng viên, nó là phương tiện cho việc học tập độc lập. Kế hoạch hội tụ sự tập trung, hành động, theo dõi, đánh giá. Kế hoạch có tác dụng nhất khi nó đáp ứng nhu cầu của sinh viên, giúp kiểm soát quá trình học tập, các khía cạnh quan trọng của quy trình lập kế hoạch bao gồm cả theo dõi và đánh giá. Việc lập kế hoạch phải được thiết kế sao cho nó chuyển từ cách lập kế hoạch xuất phát từ giảng viên sang sinh viên tham gia tích cực hơn vào việc lập kế hoạch của riêng mình

Dạy học hình họa là một quá trình cộng tác giữa thầy và trò, phát huy tối đa tính độc lập sáng tạo của sinh viên kết hợp với sự hướng dẫn của giảng viên. Qua đó giúp sinh viên nhận thức, chấp nhận giải quyết và tìm kiếm lời giải cho chính mình. Đặc trưng độc đáo của hoạt động này là sự tiếp thu tri thức, kỹ năng, kỹ xảo của sinh viên, quá trình xây dựng và củng cố phải được tiến hành trong khi giải một bài học cụ thể của hoạt động tư duy sáng tạo.

Giảng viên giảng dạy không chỉ đưa ra kiến thức mà phải chuyển sang dạy phương pháp học, nhất là phương pháp tự học. Từ dạy học thông báo, giải thích, minh họa. Giảng viên phải còn là người thiết kế, lên kế hoạch tổ chức hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm, để sinh viên tự lực chiếm lĩnh tri thức mới, hình thành các kỹ năng, thái độ mới theo yêu cầu của chương trình đào tạo.

 Phương pháp tự học là cầu nối giữa học tập và nghiên cứu khoa học, nó đảm bảo thành công trong học tập và nghiên cứu khoa học là khả năng phát hiện kịp thời và giải quyết hợp lý những vấn đề nảy sinh trong thưc tiễn. Rèn luyện cho người học có được kỹ năng, phương pháp, thói quen tự học, biết linh hoạt ứng dụng những điều đã học những tình huống mới, biết tự lực phát hiện và và giải quyết những vấn đề đặt ra thì sẽ tạo cho họ lòng ham học, khơi dậy tiềm năng vốn có của mỗi người. Ngày nay giáo dục đại học thường nhấn mạnh đến hoạt động trong quá trình dạy học, cố gắng tạo ra sự chuyển biến từ học tập thụ động sang tự học chủ động.

Trên đây tôi vừa nêu một số biện pháp nhằm quản lý qua trình “tự học” hình họa của sinh viên mỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dạy - học môn nghiên cứu cơ bản, có thể còn nhiều biện pháp quản lý giờ “tự học” đa dạng, hiệu quả hơn, với các kế hoạch theo dõi cụ thể, giám sát các giờ “tự học” khác nhau để các đồng nghiệp cùng tham khảo, thảo luận, đóng góp ý kiến.

 Rất mong các đồng nghiệp quan tâm./.