Nội san

Sử dụng bộ giáo trình John Thompson trong dạy học Piano cho trẻ em tại Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao quận Hà Đông

09 Tháng Sáu 2022

Sử dụng bộ giáo trình John Thompson trong dạy học Piano cho trẻ em tại Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao quận Hà Đông

TRƯƠNG MINH HẰNG

Học viên K13; ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm Nhạc

Số điện thoại: 0971034997

Trung tâm văn hóa và thông tin thể thao quận Hà Đông được thành lập hơn 3 năm với nhiều lớp năng khiếu khác nhau như múa, hát, piano, thanh nhạc. Nhằm mục đích giúp các em học sinh có thể phát triển toàn bộ về mọi mặt, Trung tâm luôn có những nghiên cứu nhằm mở rộng việc sử dụng các dạng giáo trình dạy học nói chung và giáo trình dạy học đàn piano nói riêng để có thể nâng cao được chất lượng dạy học. Ở bộ môn piano,Trung tâm đang sử dụng bộ giáo trình John Thompson’s để dạy piano cho học  sinh ở đây. Tất nhiên, do các em học sinh của Trung tâm còn nhỏ tuổi nên Trung tâm khuyến khích nghiên cứu về Giáo trình dạy piano John Thompson tập 1 và tập 2 nhằm mục đích phù hợp với đối tượng đào tạo. Trong đó việc nghiên cứu, cải tiến và  nâng cao chất lượng dạy piano bằng giáo trình John Thompson tại Trung tâm văn hoá thông tin thể thao quận Hà Đông là việc làm cần thiết không thể thiếu.

1. Vài nét về dạy học Piano bằng giáo trình John Thompson cho trẻ em tại Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao quận Hà Đông

Qua tìm hiểu thực tế về việc dạy học Piano cho trẻ em tại Trung tâm Văn hoá thông tin và thể thao quận Hà Đông, tác giả nhận thấy còn nhiều hạn chế và bất cập trong chương trình và phương pháp giảng dạy.

Về nội dung dạy học đàn piano: tại Trung tâm trong những năm qua trung tâm đã sử dụng  giáo trình Methode Rose và Giáo trình Piano “ Tuyển tập 220 tiểu phẩm nổi tiếng cho thiếu nhi” của tác giả Lê Dũng. Trong những năm gần đây, nhu cầu phát triển của xã hội đòi hỏi Trung tâm cần có những đổi mới về mặt nội dung giáo trình, mặc dù đã có giáo viên thể nghiệm sử dụng Giáo trình John Thompson nhưng còn chưa hiểu biết nhiều về nội dung và phương pháp dạy học giáo trình này. 

Về phương pháp dạy của giáo viên: Trong khi ở ngành giáo dục đào tạo đã có những đổi mới lớn về phương pháp đào tạo, việc dạy học đàn piano tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hà Đông các giáo viên còn chưa có khái niệm sâu sắc về các phương pháp dạy học mới này. Tác giả cũng mong muốn tìm hiểu và phân tích về các phương pháp dạy học mới và qua thực hiện đề tài này, bản thân cũng thu nhận được những phương pháp dạy học mới giúp cho việc nâng cao chất lượng dạy học đàn piano tại Trung tâm.

Về phía học sinh, các em học sinh học piano chủ yếu là con em các gia đình công nhân viên chức, gia đình lao động và chỉ có một số ít là xuất thân từ gia đình có quan hệ mật thiết tới văn hóa – âm nhạc. Nhìn chung, các em học sinh học đàn piano tại trung tâm đều yêu thích âm nhạc, tuy nhiên cũng có em chỉ học cho vui, cũng có một số ít say mê với âm nhạc, với cây đàn piano. Do sự nhiệt tình dạy học của các giáo viên, nhiều em sau một thời gian học tập đã say mê đối với cây đàn hơn. Về năng khiếu âm nhạc, nhìn chung là các em có năng khiếu tương đối tốt, tuy nhiên là không đồng đều. Mặc dù vậy, do trẻ em ngày nay khá thông minh nên cùng với thời gian, khả năng tiếp thu của các em sẽ ngày một tốt hơn.

2. Những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học Piano bằng giáo trình John Thompson tại Trung tâm Văn hoá thông tin và thể thao quận Hà Đông

  1. Kết hợp dạy học Giáo trình John Thompson với  Methode Rose

Qua nghiên cứu, tác giả thấy có thể kết hợp hai giáo trình này trong việc dạy đàn piano cho trẻ em. Nội dung của giáo trình John Thompson’s, tập I khá đơn giản, sẽ dễ gây sự nhàm chán cho các em, đặc biệt là các em học sinh có năng khiếu. Chính vì lý do trên, chúng tôi cho rằng việc sử dụng kết hợp  hai giáo trình này sẽ mang lại lợi ích bổ sung cho nhau và tương tác với nhau khiến giáo trình kết hợp thêm phong phú và đa dạng, gây sự hứng thú cho trẻ em

Tất nhiên, về phía khách quan nhìn nhận thì Giáo trình Methode Rose có nội dung kỹ thuật tương đối cao và gần với đào tạo đàn piano chuyên nghiệp hơn. Chính vì vậy, khi giao bài cho học sinh, chúng ta cần chọn lựa một số bài có trình độ kỹ thuật không khó quá để phù hợp với đối tượng các em học sinh của Trung tâm.

Sau đây là một số bài tác giả đã lựa chọn theo tiêu chí trên đề đưa vào dạy học kết hợp với Giáo trình John Thompson quyển 1 – 2:

Ví dụ 1:

Khi dạy học, Bài tập - Bài học trong giáo trình Methode Rose, hầu như bắt đầu phần tay trái và tay phải đều từ âm đô (C). Điều này, giúp cho học sinh khẳng định vị trí âm thanh của nốt Đô (C) trong bài 1. Sang đến bài 2, nốt bắt đầu được tiến hành theo hai chiều đi lên và đi xuống từ Sol (G) đến Đô (C) và từ Đô (C) đến Sol (G). Đối với trẻ ở lứa tuổi từ 4-6 tuổi, quãng 5 là khá phù hợp với độ giãn của bàn tay các em. Trong Giáo trình John Thompson quyển 1 – II, xuất hiện dạng “Bài tập – bài học” thực sự rất bổ ích và có hiệu quả trong dạy học piano tại các Trung tâm dạy nhạc. Trong ví dụ 1 này, chúng ta có thể thấy dạng “Bài tập – bài học” để các em có thể đọ được khóa Sol trên tay phải và khóa Fa trên tay trái.

Bên cạnh đó, tác giả còn giới thiệu về nốt Đô trên tay phải và tay trái cùng với số các ngón tay được ghi cụ thể trên bản phổ. Trong “Bài tập – bài học” này, chúng ta có thể thấy ví dụ 1 khi tay phải chơi các nốt đen thì tay trái chơi nốt tròn; sau 8 nhịp thì thứ tự đổi lại là tay phải chơi nốt tròn và tay trái chơi nốt đen.

2.2. Kết hợp dạy học Giáo trình John Thompson  quyển 2 với các bài dân ca và ca khúc thiếu nhi Việt Nam

2.2.1. Kết hợp dạy học Giáo trình John Thompson  quyển 2 với các bài dân ca Việt Nam

Bài “The Pipper’s are Coming!” (trang 23 – II) với bài dân ca “Hò Ba Lý – Dân ca Quảng Nam, phần chuyển soạn của tác gỉa:

  Ví dụ 2:

Sự kết hợp giữa bài “The Pipper’s are Coming!” (trang 23 – II) với bài dân ca “Hò Ba Lý – Dân ca Quảng Nam với phần chuyển soạn của Trương Minh Hằng là sự kết hợp giữa một nhạc cụ dân gian châu Âu với một điệu Hò trong dân ca người Việt. Pipper’s là một nhạc cụ hơi nên có những nét gần gũi với giọng hò của con người nên khi học bài này, các em học sinh thấy sự gần gũi giữa một tác phẩm của Giáo trình John Thompson với một tác phẩm chuyển biên từ điệu Hò Ba Lý của Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta có thể thêm một số dân ca và ca khúc thiếu nhi do tác giả luận văn tự chuyển soạn như là phần mở rộng. Các đối tượng học sinh cần được chọn lựa khi giao cho học thêm các bài này vì trình độ kỹ thuật  khá cao.

2.2.2. Kết hợp dạy học Giáo trình John Thompson  quyển 2 với ca khúc thiếu nhi Việt Nam

Bài “Throught the Woods” (trang 6 – II) và“The Trombone Player” (trang 7 – II) với bài Ca khúc “Ngày đầu tiên đi học” của Nguyễn Ngọc Thiện – Thơ Viễn Phương và phần chuyển soạn của tác giả.

Ví dụ 3:

Ngoài việc lựa chọn một số bài tiêu biểu trong Giáo trình John Thompson  quyển 1 – 2  cũng như việc kết hợp dạy học Giáo trình John Thompson quyển 1 – 2 với giáo trình Methode Rose, trong luận văn, chúng tôi còn đặc biệt qua tâm tới việc kết hợp với các bài dân ca và ca khúc thiếu nhi Việt Nam. Sự kết hợp này khiến cho các em học sinh cảm thấy gần gũi và thân quen với các bài dân ca và ca khúc thiếu nhi từ đó sẽ tăng thêm tình yêu đối với quê hương đất nước của các em. Trong ví dụ 9, chúng ta có thể kết hợp dạy bài “Throught the Woods” (trang 6 – 2) và  “The Trombone Player” (trang 7 – II) với bài Ca khúc “Ngày đầu tiên đi học” của Nguyễn Ngọc Thiện – Thơ Viễn Phương và phần chuyển soạn của Trương Minh Hằng. Hoặc có thể kết hợp Bài “The Ballet Dancer” (trang 13 – II) với Ca khúc “Cả nhà thương nhau” sáng tác của Phan Văn Minh, phần chuyển soạn của tác gỉa trong ví dụ 10.

Có thể nói rằng, nét giai điệu trong bài “ Ngày đầu tiên đi học” khá phức tạp, nếu so sánh với giáo trình John Thompson quyển 1 – 2. Điều thứ nhất là âm vực của giai điệu được mở rộng hơn, tiết tấu cũng có sự thay đổi với những nốt móc đơn đi liên tục. Tốc độ của bản nhạc này (Allegro) cũng được tăng nhanh lên hơn so với nhiều bài ở giáo trình John Thompson quyển 1 – 2. Tác giả của phần chuyển soạn này không những mang lại cho các em những ca khúc thiếu nhi mà các em yêu thích mà còn có những đòi hỏi phát triển kĩ thuật cao hơn đối với các em.

3. Kết luận

Giáo trình John Thompson là một giáo trình dạy Piano tuy phổ biến ở nước ngoài nhưng vì một số lí do nên bộ giáo trình này chưa được khai thác tốt tại Trung tâm văn hoá thông tin và thể thao quận Hà Đông  nên còn gặp nhiều hạn chế khi sử dụng với đối tượng học sinh cụ thể. Có thể nói rằng nhu cầu của xã hội đối với việc học đàn Piano của các em từ 4 đến 6 tuổi ngày càng tăng. Chính vì vậy, việc dạy đàn Piano tại các trung tâm trong thời gian qua ngày càng phát triển. Tại Trung tâm văn hoá thông tin và thể thao quận Hà Đông, trong những năm qua chúng tôi còn rất lúng túng về việc sử dụng giáo trình dạy học, vì vậy việc nghiên cứu về giáo trình Piano John Thompson ( quyển 1 và quyển 2 ) để đưa vào dạy học là điều cần thiết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục Đào tạo (2000), Âm nhạc phương pháp dạy học,Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Bộ Giáo dục Đào tạo (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc,Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Bộ Giáo dục Đào tạo (2004), Tâm lứa tuổi tâm học phạm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Đào Ngọc Dung sưu tầm biên soạn (2009), Âm nhạc thiếu nhi – tác giả, tác phẩm, Nxb Giáo dục Việt Nam.