Tin tức

Hành trình về với miền Trung - Hành trình của lòng biết ơn, học tập, khám phá, đoàn kết, hợp tác và phát triển

29 Tháng Ba 2014

 

Từ ngày 11/3/2014 đến ngày 16/3/2014, khoa Sau đại học, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức cho khóa 3 thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc và khóa 1 thạc sĩ Quản lý văn hóa đi thực tế tại các tỉnh miền Trung.

Miền Trung Việt Nam là dải đất gắn liền với hàng loạt các di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận như: Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) và Nhã nhạc cung đình Huế (Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại). Đây cũng là mảnh đất của gió Lào, cát trắng, của những bãi biển trong ngần như Nhật Lệ, Lăng Cô, Mỹ Khê, Cửa Đại… làm say lòng biết bao du khách trong nước và quốc tế.

Về với miền Trung, các học viên được ôn lại một thời kỳ lịch sử hùng tráng của dân tộc ta trong suốt những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, là nơi phải gánh chịu hàng ngàn tấn bom trải xuống cày xới từng mảnh đất, hủy diệt từng gốc cây ngọn cỏ. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải tại Vĩnh Linh, Quảng Trị chính là chứng nhân lịch sử biểu tượng cho nỗi đau chia cắt đất nước Việt Nam trong 21 năm trường (1954 - 1975). Tượng đài liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc là nơi hằn in nỗi đau của hàng ngàn liệt sĩ có tên và vô danh trên mọi miền Tổ quốc nói chung và sự hy sinh bất tử nói riêng của 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh cả tuổi xuân xanh của mình để phá bom, làm đường, nối liền huyết mạch giao thông cho quân và dân miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Thành cổ Quảng Trị - Nơi ghi dấu 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa” quân và dân nơi đây đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để giữ vững chủ quyền dân tộc. Dải đất miền Trung hôm nay còn đón thêm một người con thân yêu của Tổ quốc về yên giấc ngàn thu tại Vũng Chùa, Đảo Yến (Quảng Bình) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những người con đất Việt sẽ không bao giờ quên hình ảnh người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người chỉ huy rất nhiều trận đánh thắng lợi vang danh dân tộc Việt Nam ta như trận Điện Biên Phủ “rung động năm châu, trấn động địa cầu”, và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đem lại thống nhất, độc lập và hòa bình cho nước nhà. Tự hào thay khúc ruột miền Trung vất vả, nắng gió, đau thương nhưng cũng hết sức vẻ vang và anh hùng.

 

Đoàn dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc

 

Ngoài ra, các học viên cũng được tìm hiểu và khám phá các di tích lịch sử văn hóa và địa danh như: Quần thể di tích Cố đô Huế (Đại Nội, Chùa Thiên Mụ, Lăng Khải Định), Bán đảo Sơn Trà, Chùa Linh Ứng, Khu du lịch Non Nước - Ngũ Hành Sơn, Phố cổ Hội An... Chuyến đi cũng tạo cơ hội cho đoàn được tiếp xúc với nhiều lớp trầm tích văn hóa, tích lũy và củng cố các kiến thức về con đường di sản miền Trung. Về với mảnh đất Cố đô Huế, nơi ghi dấu những chứng tích về triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đoàn đã được tận mắt chứng kiến nơi sinh hoạt và làm việc của các bậc quân vương triều Nguyễn trong Đại Nội với hệ thống các cung điện, lầu, gác,…thống nhất thành một quần thể kiến trúc cung đình. Tuy nhiên, trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều phần của kinh thành Huế đã bị phá hủy hoàn toàn, và cho tới nay, quy trình phục dựng vẫn đang được thực hiện. Đây là một thách thức đối với các nhà khoa học, lịch sử và các nhà quản lý văn hóa để giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa thế giới trong tương lai. May mắn thay, cũng trải qua chiến tranh nhưng hệ thống các lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn không bị ảnh hưởng trầm trọng. Các lăng tẩm là những kỳ quan được thiết kế xây dựng rất kỳ công trong những không gian hoành tráng và hùng vĩ, là sự kết hợp hài hòa của kiến trúc với những cảnh quan thiên nhiên, mang đậm cá tính của mỗi vị vua và phản ánh một cách rõ nét, sống động các hình thái tâm linh, quan niệm vĩnh cửu và huyền bí phương Đông. Chính vì vậy, lăng tẩm được coi như cung điện thứ hai của các vị vua khi về thế giới bên kia. Trong số đó, lăng vua Khải Định - Vị vua thứ 12 của triều Nguyễn - được xây dựng trên núi Châu Chữ là lăng mộ tốn kém, kỳ công và hoành tráng bậc nhất. Các nguyên vật liệu như bê tông, cốt thép, đá hoa, các loại sành sứ, thủy tinh màu nhập khẩu từ Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc đã được sử dụng để làm nền móng vững chắc, kiên cố và trang trí dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, trong đó có Phan Văn Tách - tác giả của bức “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất nước ta được vẽ trên trần nhà ba gian giữa cung Thiên Định. Nghệ nhân đã sử dụng một loại mực đặc biệt mà trải qua bao năm tháng, bức tranh không bị phai màu và mạng nhện cũng không thể bám vào được. Đây thực sự là một công trình tiêu biểu có giá trị nghệ thuật và kiến trúc.

Tiếp tục hành trình thực tế, đoàn đã tới đô thị cổ Hội An, một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á, được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo với Chùa Cầu, các hội quán, đền, miếu... Bên cạnh những giá trị văn hóa được thể hiện sâu sắc qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị thông qua những hình ảnh cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, các lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Về thăm Hội An và được đắm mình trong ánh sáng mờ ảo của đèn lồng, đèn hoa đăng trong đêm 14 âm lịch và trong sự tấp nập tham quan đông đảo của du khách trong nước và quốc tế, được thưởng thức nghệ thuật hát bội, hát bài chòi, ta càng thấy thêm yêu và tự hào về sự giàu có của nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung của mảnh đất Hội An xưa và nay. Phố cổ cũng vinh dự trở thành một trong những điểm du lịch khiến du khách quốc tế muốn đến và trở lại nhất ở Việt Nam hiện nay. Từ góc nhìn của những người làm quản lý văn hóa, thiết nghĩ để có được thành công như vậy ắt phải có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân địa phương.

 

Thưởng thức nghệ thuật hát bội giữa phố cổ Hội An

 

Và đặc biệt, trong chuyến đi thực tế, học viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, học tập với Học viện Âm nhạc Huế và Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng. Các học viên cao học đã biểu diễn một chương trình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng. Chương trình giao lưu nghệ thuật đã thể hiện đúng tinh thần đoàn kết, học hỏi, hướng tới tương lai giữa các trường.

 

Giảng viên và học viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương

chụp hình lưu niệm với Học viện Âm nhạc Huế

 

PGS. TSKH. Phạm Lê Hòa trao quà lưu niệm cho đại diện

Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng

 

Chuyến đi 6 ngày 5 đêm vừa qua thực sự đã trở thành một kỷ niệm khó quên trong lòng tất cả các học viên cao học Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương. Đây thực sự là một hành trình của lòng biết ơn, học tập, khám phá, đoàn kết và phát triển./.

                                     

                                                                 Đào Thùy Linh - Nguyễn Trần Thế Hiệp

Cao học Quản lý văn hóa K1- Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương