Nội san

Sự cần thiết của việc triển khai đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS” ở Huyện Phúc Thọ - Hà Nội

18 Tháng Bảy 2014

                                             Cao Thị Bình Nguyên

                                   

Âm nhạc được sinh ra trong quá trình lao động và sáng tạo của con người, chức năng chính của âm nhạc là giải trí, giáo dục và nhận thức. Đối với mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên thế giới, con người có thể nhận diện được những nét văn hóa, những bản sắc riêng của từng quốc gia, từng dân tộc đó một phần không nhỏ là nhờ các hoạt động văn hóa âm nhạc. Trong đó, âm nhạc dân gian đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc hình thành và nhận diện nền văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Chính vì vậy, nền văn hóa âm nhạc của nước ta có thể được coi là đa màu sắc với những thang âm điệu thức hình thành ở mỗi vùng miền khác nhau. Những hoạt động âm nhạc vô cùng phong phú và đa dạng của 54 dân tộc sống dàn trải trên cả nước đã hình thành nên một kho tàng âm nhạc dân gian vô cùng phong phú và đa dạng.

 Âm nhạc dân gian Việt Nam bao trùm lên toàn bộ đời sống, tinh thần của con người từ xưa đến nay. Trong đó “dân ca là tài sản quý giá của cha ông, là suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con người…”, nó được lưu truyền từ đời này qua đời khác bằng phương thức truyền miệng, được sàng lọc và trở thành di sản văn hóa phi vật thể của mỗi dân tộc. Gần đây, Unesco  liên tục công nhận Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hát Xoan, Đờn ca tài tử là những di sản phi vật thể của nhân loại. Trong đó có những di sản cần phải bảo vệ khẩn cấp như Ca trù, Hát Xoan… điều đó cho thấy giá trị của dân ca Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa của thế giới có một ưu thế mà không phải bất cứ quốc gia, dân tộc nào đều có được. Dân ca có giá trị nghệ thuật cao và đặc biệt  nó dễ đi vào lòng người vì tính chân thật, giản dị, mộc mạc và có sức truyền cảm sâu sắc góp phần tích cực vào việc xây dựng tâm hồn, tình cảm, thẩm mĩ âm nhạc và thị hiếu âm nhạc đối với mỗi người đặc biệt là với lứa tuổi học sinh, thiếu nhi.

            Trong xu thế hội nhập của đất nước ta hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đang vận động theo cơ chế thị trường cùng với công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam, đặc biệt là đối với giới trẻ. Không thể phủ nhận mặt tích cực do nền kinh tế thị trường mang lại đó là: nhu cầu về đời sống vật chất của con người ngày càng được đáp ứng cao, tuổi trẻ càng ngày càng năng động, tự tin và thông minh hơn khi tiếp thu và vận dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống. Song hệ lụy từ nền kinh tế mở, văn hóa hội nhập lại không nhỏ chút nào khi càng ngày giá trị văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một bởi nhận thức của một bộ phận người trong xã hội hiện nay trong đó có nhận thức của giới trẻ, lứa tuổi học sinh sinh viên. Truyền thống phát huy bản sắc dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa từ các nền văn hóa khác trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay có thể nói đã không còn rõ nét, thậm chí sẽ biến mất trong tương lai nếu không có những định hướng đúng đắn từ các thế hệ đi trước, những người có trách nhiệm trong xã hội hiện nay, trong đó có vai trò của những nhà giáo dục.

Chúng ta cần hiều rằng, trẻ em tiếp xúc với âm nhạc từ thuở nằm nôi, trong tiếng hát ru của mẹ, đến tuổi mẫu giáo, tuổi đến trường, hoạt động của trẻ mở ra ngày càng phong phú hơn, tiếp xúc với âm nhạc nhiều hơn. Âm nhạc tác động đến thế giới quan, nhân sinh quan của con người ngay từ thửa nhỏ. Âm nhạc góp phần quan trọng vào sự hình thành những tình cảm thẩm mĩ với sự phát triển trí tưởng tượng, trí thông minh, óc sáng tạo với sự hình thành một số yếu tố chung của ý chí. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng đến các em học sinh đang theo học các trường Tiểu học, Trung học cơ sở vì lứa tuổi này tâm hồn, tình cảm đang còn thanh khiết, trong sáng nhất, dễ tiếp thu những gì cần thiết nhất cho sự định hướng thẩm mĩ, và chính các em sẽ mang những thị hiếu, lí tưởng thẩm mĩ đúng đắn khi bước vào tuổi trưởng thành.

 

Ảnh: Một tiết mục biểu diễn dân ca ở  trường THCS ( Nguồn: sưu tầm)

 

Ở Việt Nam, môn học Âm nhạc mới chính thức được đưa vào giảng dạy trong trường Trung học cơ sở bắt đầu từ năm 2001 với mục tiêu: Hình thành và phát triển năng lực cảm thụ âm nhạc của học sinh, tạo cho các em có một trình độ văn hóa âm nhạc nhất định, góp phần giáo dục toàn diện và hài hòa nhân cách. Bên cạnh đó, môn học cũng rèn luyện một số kỹ năng đơn giản về ca hát và tập đọc nhạc, bước đầu biết hát diễn cảm, đồng thời Khích lệ học sinh hăng hái tham gia hoạt động âm nhạc làm cho đời sống tinh thần phong phú lành mạnh, tạo điều kiện để các em bộc lộ rõ và phát triển năng khiếu. Cùng với các môn học khác, môn Âm nhạc góp phần giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc cho các em. Từ đó định  hướng cho các em biết gìn giữ bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như vậy trên thực tế những người làm công tác giáo dục âm nhạc còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ từ khi hội nhập với nền kinh tế toàn cầu (từ năm 1986 đến nay), bên cạnh việc thu lại những lợi nhuận kinh tế, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, con người ngày càng hiện đại hơn, năng động tự tin hơn trong công việc, trong giao tiếp thì nước ta lại vấp phải một vấn đề vô cùng nan giải đó là dần đánh mất đi những bản sắc riêng về văn hóa thậm chí có thể nói một số hoạt động văn hóa còn được coi là “lai căng” do nền kinh tế thị trường đem lại, trong đó có văn hóa âm nhạc. Chính vì vậy, thị hiếu âm nhạc của người Việt cũng theo hướng “thị trường hoá âm nhạc”, trong đó một bộ phận không nhỏ học sinh ngồi trên ghế nhà trường cũng có những cái nhìn, những nhận định thiếu thiện chí với âm nhạc dân gian Việt Nam là không tránh khỏi, trong đó có một bộ phận không nhỏ là các em học sinh lứa tuổi Trung học cơ sở. Trong bối cảnh chung đó, với mục đích góp phần bảo tồn và phát huy dân ca Việt Nam, trong thời gian vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở” – đề án nằm trong Dự án phát triển giáo dục Trung học cơ sở II và đã được nghiệm thu thành công vào tháng 9 năm 2009.

Việc có một đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở” cấp Bộ được thực hiện đúng lúc những giá trị truyền thống của dân ca đang dần mai một trong bối cảnh đất nước ta hiện nay là một tất yếu của quy luật sinh – tồn. Đáp ứng được nhu cầu về  kiến thức âm nhạc dân gian (bao gồm dân ca và dân nhạc) mà chương trình chính khóa chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, việc triển khai đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở” còn gặp phải nhiều vấn đề mà chủ yếu theo chúng tôi chính là do nhận thức và tư duy của các nhà giáo dục. Các nhà quản lí giáo dục chưa thực sự phát huy được sự đổi mới trong cách quản lí, tư duy bị bó hẹp trong khuôn khổ văn bản có tính pháp lí, bị đè nặng bởi những định kiến nên không phát huy được tính sáng tạo trong công việc. Chính vì những lí do trên, chúng tôi mạnh dạn thực hiện luận văn này nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực có tính khả thi trong việc triển khai đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào một số trường Trung học cơ sở” ở  huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội, góp một phần nhỏ trong việc hình thành thị hiếu âm nhạc theo chiều hướng tích cực, đồng thời giáo dục và bồi dưỡng lòng yêu nước, biết gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cho một bộ phận học sinh Trung học cơ sở thủ đô. Đồng thời nếu luận văn thành công sẽ đóng góp cho quá trình triển khai đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở” được mở rộng phạm vi thực hiện.

Đề tài của chúng tôi bên cạnh việc nghiên cứu những giải pháp cụ thể có tính khả thi để đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở ở một địa phương ngoại thành Hà Nội còn nghiên cứu và chỉ ra những văn bản có tính pháp quy đảm bảo cho việc triển khai đề án ở huyện Phúc Thọ được tiến hành một cách suôn sẻ và hiệu quả nhất. Nhằm thực hiện những ý tưởng đã đặt ra, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và tìm hiểu những yếu tố là cơ sở liên quan trực tiếp đến chương trình giáo dục âm nhạc cho bậc Trung học cơ sở cụ thể như: Những chủ trương, định hướng của Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của các cấp các ngành về việc đưa âm nhạc dân gian (di sản âm nhạc) vào giảng dạy trong nhà trường Trung học cơ sở những đề án, đề tài nghiên cứu đưa âm nhạc dân gian vào chương trình giáo dục cho bậc học phổ thông; Các yếu tố khác như môn học Tự chọn, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa hỗ trợ cho học tập chính khóa; tìm hiểu về tâm sinh lí lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở để từ đó xây dựng chương trình triển khai đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở” đảm bảo hợp lí, vừa sức và hiệu quả.

Từ những yếu tố chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu và tổng hợp như trên, có thể thấy rằng những yếu tố đó đều mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo điều kiện và làm cơ sở nền tảng để tiến hành triển khai đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở” ở huyện Phúc Thọ - thành phố Hà Nội. Dựa trên những cơ sở này, chúng tôi nghiên cứu để đưa ra những cách thức nhằm cụ thể hóa việc dạy hát dân ca và ứng dụng thực nghiệm thí điểm dạy hát dân ca ở một trường Trung học cụ thể trên địa bàn huyện Phúc Thọ (trường Trung học cơ sở Tích Giang), đến nay đã có những kết quả khả quan.

Tuy rằng kết quả đó còn chưa được như mong muốn, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành để biến những dự định trong đề tài của chúng tôi thành hiện thực chắc chắn còn nhiều điều cần phải chỉnh sửa, còn nhiều vấn đề cần được bổ sung nhưng với những gì chúng tôi đã thu được qua thực nghiệm chúng tôi tin rằng đề tài sẽ được triển khai thành công như kế hoạch và dự định mà chúng tôi đã đề ra. Chúng tôi hi vọng những việc chúng tôi đã làm và những kết quả chúng tôi có được sẽ làm tiền đề cho việc thực hiện triển khai dạy hát dân ca theo đề án “Hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở” ở huyện Phúc Thọ - Hà Nội sẽ được nhân rộng trong thời gian sớm nhất./.

                       

 

 

 

                                              TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Nguyễn Thụy Loan (2007), Giáo trình lịch sử âm nhạc thế giới và Việt Nam, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
  2. Hoàng Long (2009), Tài liệu hướng dẫn Hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS, Dự án phát triển giáo dục Trung học cơ sở II, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
  3. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  4. Nhiều tác giả (2008 - 2009), Hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS – Dự án phát triển THCS II, Bộ GD&ĐT.
  5. Nhiều tác giả (2009), Kỷ yếu hội thảo khoa học: Bảo tồn và phát huy dân ca trong giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.