Nội san

Phương pháp rèn luyện các kỹ năng ca hát cho học sinh khối 5 Trường Tiểu học Thịnh Hào- Đống Đa- Hà Nội

16 Tháng Sáu 2015

                                                       Nguyễn Thị Hạnh

 

Ca hát là một trong những hoạt động âm nhạc phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi Tiểu học. Phương pháp rèn luyện kỹ năng ca hát giúp học sinh phát triển giọng hát, hình thành cách hát tự nhiên, củng cố và phát triển âm vực giọng, phát triển khả năng nghe nhạc.

 Âm nhạc xuất hiện rất sớm trong lịch sử loài người, gắn bó mật thiết với cuộc sống con người như một lẽ tự nhiên, không gò ép, không trói buộc và có sức hấp dẫn con người ở mọi lứa tuổi. Với học sinh Tiểu học, âm nhạc mang đến cho các em niềm vui vô tận và góp phần tích cực phát triển ở học sinh cảm xúc thẩm mỹ, bồi dưỡng thị hiếu, khuyến khích các em cảm nhận cái đẹp, sáng tạo cái đẹp . Trong xu thế đổi mới giáo dục hiện nay, bộ môn Âm nhạc đã đi vào chương trình Tiểu học như một nội dung quan trọng. Nhiệm vụ của giáo dục: “Tập trung chuyển mạnh từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học” [1, tr.32] trong cuốn (Hỏi - đáp về một số nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo).

Chương trình SGK âm nhạc bậc Tiểu học, phân môn Học hát cho học sinh khối 5 được chú trọng, với nhiều bài hát phong phú và vốn kiến thức âm nhạc đa dạng hơn. Mục đích nhằm giúp các em được tiếp xúc và bước đầu làm quen với các kĩ năng, ca hát cơ bản. Giọng hát của học sinh lớp 5 không giống giọng nữ người lớn, lại càng không giống giọng nam người lớn. Nó rất trong sáng mang tính chất hồn nhiên và có sức truyền cảm mạnh mẽ. Vì vậy, để học sinh lớp 5 thể hiện được sự trong sáng, hồn nhiên, sức truyền cảm , thì việc đi sâu vào rèn luyện các kỹ năng ca hát là một trong những nội dung cần được chú trọng.

Trong những năm gần đây, trường Tiểu học Thịnh Hào đã có những thành tích trong các phong trào văn nghệ của quận Đống Đa. Tuy nhiên, nhằm nâng cao chất lượng giọng hát cho học sinh, đặc biệt ở khối 5 thì nhà trường cần phải có những phương pháp rèn luyện kĩ năng ca hát cho học sinh.

Các kỹ năng hát cơ bản phù hợp với học sinh khối 5 đó là: tư thế hát, hơi thở, tổ chức âm thanh, hát chính xác, hát đồng đều, hát rõ lời.

            Tiếng hát có sức hút nhất định đối với người nghe, góp phần không nhỏ giúp cho việc trình bày hát thêm sinh động, chất lượng. Việc rèn luyên tư thế hát trong phân môn Học hát tiến hành vào đầu giờ học và phải được rèn luyện thường xuyên tạo thói quen cho học sinh khi hát. Tư thế hát thoải mái, đẹp mới giúp cho hơi thở được vận dụng một cách dễ dàng, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát âm, thể hiện âm thanh, diễn đạt tình cảm

            Tư thế được sử dụng nhiều trong tiết học hát là tư thế ngồi hát. Giáo viên yêu cầu học sinh khi ngồi hát lưng thẳng, đầu giữ ngay ngắn, tay đặt lên bàn, miệng mở tròn.

            Tư thế hát đẹp là tư thế đứng thẳng vì khi đó hơi thở sâu hơn, cơ thể tự do, âm thanh vang lên tốt hơn. Với tư thế này, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh thực hiện khi đã học xong bài hát, qua đó giúp các em hiểu được sự khác biệt của giọng khi hát ở các tư thế khác nhau.

Ở lứa tuổi học sinh khối 5 các em rất hiếu động, việc yêu cầu các em ngồi đúng tư thế hát trong thời gian nhất định là rất khó, vì vậy giáo viên cần thường xuyên nhắc nhở, động viên, sửa chữa những sai sót về tư thế của các em khi hát.

Sử dụng hơi thở trong ca hát là một kĩ năng cơ bản, quyết định nhiều đến chất lượng thể hiện bài hát, tạo ra giọng hát đẹp, truyền cảm. Giáo viên hướng dẫn, cho học sinh cách lấy hơi bằng mũi với một lượng hơi vừa đủ, sau đó giữ hơi thở để hát hết một câu nhạc.

Học sinh thường không chú ý đến những chỗ lấy hơi, đa số các em lấy hơi rất tự do. Trong các nốt có trường độ 4 phách, các em thường không ngân đủ mà chỉ ngân 2 đến 3 phách sau đó lấy hơi vì vậy giáo viên cần: Quy định chỗ lấy hơi và yêu cầu học sinh đánh dấu vào sách, tập cho các em cách giữ hơi và ngân hết trường độ của nốt nhạc. Giáo viên cần kết hợp với các động tác chỉ huy để học sinh dễ lấy hơi vào dầu câu nhạc và giữ nhịp đều cho đến hết câu.

Các bài hát trong SGK lớp 5 rất đa dạng và phong phú. Có các bài hát có sử dụng tiết tấu rộn ràng, nhịp độ nhanh thể hiện tính chất vui hoạt. Thời gian nối từ câu trước sang câu sau rất ngắn đòi hỏi phải hít hơi nhanh, lấy ít hơi, linh hoạt. Chú ý ngắt hơi gọn để thể hiện được tính chất vui hoạt của bài hát. Với các bài hát hành khúc khi thể hiện hơi thở phải đều đặn và đẩy hơi mạnh.

Các bài hát trữ tình thường sử dụng các nốt có trường độ lớn như: nốt tròn, nốt trắng, trắng chấm dôi… thể hiện tính chất nhẹ nhàng, du dương. Khi hát, giáo viên hướng dẫn các em lấy hơi sâu, nhẹ, đẩy hơi ra chậm, tránh đẩy hơi mạnh ở nốt đầu câu nhạc các nốt cuối sẽ bị hụt hơi.     .

Tổ chức âm thanh là kỹ năng cơ bản, tiếng hát đẹp là bao gồm cả âm thanh đẹp, nhả chữ rõ ràng, diễn cảm và hình tượng phong phú. Âm thanh phát ra phải tròn, gọn gàng, sáng và thanh thoát. Để có được âm thanh đẹp, cần phải luyện tập để đưa âm thanh phóng ra phía trước mặt. Cách hát phóng ra phía trước tạo cho âm thanh có đủ sức vang xa, rộng đến tai người nghe ở mọi phía một cách rõ ràng.

 

Ảnh: Một giờ học hát của học sinh tiểu học ( Nguồn: st)

 

Để giữ gìn và phát triển giọng hát đẹp, phong phú về âm sắc cho học sinh khối 5, giáo viên cần chú ý theo dõi và sửa chữa kịp thời cho các em những sai lệch về kĩ năng ca hát. Hát bằng giọng cổ làm cho âm thanh cứng  nhắc, nghe gằn tiếng, nặng nề, hát bằng giọng mũi thì âm thanh nghe rất mạnh, yếu hoặc chua gắt... Cách hát hời hợt, ít vận động cũng làm cho âm thanh yếu ớt, mờ nhạt. Đặc biệt là khi thể hiện bài hát vui các em thường hay gào thét, quá cố gắng để hát to, Khi thể hiện bài hát trữ tình giọng hát các em yếu ớt và mờ nhạt. Đó cũng đều là những biểu hiện sai lệch, có ảnh hưởng sấu đến chất lượng giọng hát, đến sức khỏe và khả năng thể hiện bài hát.

Trong bài hát Những bông hoa những bài ca có tầm cữ giọng lên đến quãng 9, nốt cao nhất là nốt mi quãng tám hai, khi đến câu hát có nốt cao nhất của bài vào các từ… ngàn hoa nở tươi khoe sắc hương dưới ánh mặt trời, hay câu hát… những đóa hoa tươi mầu đẹp nhất chúng em xin tặng các thầy các cô, các em thường hát rất to, có em còn hét lên, để đúng với cao độ của câu hát như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến thanh đới. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh hát với âm lượng phù hợp với khả năng, đảm bảo cho âm thanh pháp ra vang, linh hoạt.

Với học sinh khối 5, mức độ phát triển tai nghe nhạc và khả năng của các cơ quan phát thanh phát triển tốt. Vì vậy, kỹ năng hát chính xác của các em tốt hơn các khối khác, nhưng độ tập trung của các em lại kém. Để phát triển khả năng hát chính xác, giáo viên cần phải lựa chọn giọng của bài hát phù hợp với âm vực giọng. Nếu học sinh phải hát cao hơn, hoặc thấp hơn khả năng của giọng thì sẽ ảnh hưởng đến hơi thở, giọng hát, độ chính xác của câu hát.

Đối với những câu khó hát, giáo viên phải hát mẫu chính xác hai đến ba lần với tốc độ chậm, rõ lời, rõ tiết tấu để kích thích sự chú ý lắng nghe và hát nhẩm theo của học sinh. Sau khi học xong, giáo viên chỉ định một vài em lên trước lớp hát để kiểm tra và sửa những chỗ hát sai.

 Bài hát Hãy giữ cho em bầu trời xanh (nhạc và lời: Huy Trân) khó ở những câu Hãy xua tan những mây mù đen tối, để bầu trời tươi mãi một màu xanh đó là câu có tiết tấu khó. Giáo viên cần hát chính xác hoặc cho học sinh nghe đàn nhiều lần câu hát để các em ghi nhớ, rồi tập riêng nhiều lần những chỗ đó, tập chậm cho đến khi hát đúng. Ngoài ra trong bài còn có những câu nhạc luyến hai âm theo quãng hai trưởng ở từ câu, hay chồng âm hai nốt ở từ một. Giáo viên cần tập riêng những chỗ này cho chính xác rồi mới ghép vào cả câu hát.

Bài hát có sử dụng tiết tấu đảo phách, móc giật, để thể hiện tính hành khúc của bài ở các ô nhịp.

 

 

Giáo viên cần phân tích tiết tấu để học sinh hiểu bản chất sau đó tập riêng từng tiết tấu rồi mới ghép vào câu hát. Chú ý cách lấy hơi sâu, đẩy hơi mạnh, hát rõ lời ở các nố móc kép. thể hiện tính chất hành khúc trong bài.

            Trong một bài hát, lời ca góp phần nói lên nội dung chủ đề của bài hát, nói lên tâm tư tình cảm của tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Có thể nói tiết tấu và giai điệu đã chắp cách cho lời ca thêm bay bổng, tạo thành một nét âm nhạc quyến rũ, hấp dẫn người nghe. Nhờ có lời ca mà việc cảm thụ âm nhạc có phần dễ dàng hơn. Các bài hát SGK khối 5 được viết ở nhiều thể loại khác nhau, trong quá trình giảng dạy giáo viên cần cho học sinh hát rõ lời nhưng vẫn phải giữ được sự mềm mại, tính chất riêng của từng thể loại trong khi hát. Lưu ý đối với những bài hát mang tính chất vui hoạt, thường có tiết tấu nhanh nên lời ca trong các bài  sử dụng các nốt nhạc có trường độ ngắn, nhanh. Do đó, giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh hát thật rõ lời nhưng vẫn phải giữ được sự linh hoạt, sôi nổi của giai điệu, và không cản trở độ vang của âm thanh. Những bài hát mang tính chất trữ tình thường có tiết tấu chậm, nốt nhạc có trường độ dài, giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh hát chính xác lời bài hát chú ý nhấn vào các âm ở đầu nhịp. Với các bài hát hành khúc lời hát phải rõ ràng, mạnh mẽ, dứt khoát, tạo cho người nghe thấy được sự dứt khoát, mạnh mẽ, hào hung, thể hiện trong bài hát. 

Kỹ năng hát rõ lời là một trong những yếu tố quan trọng khi thể hiện bài hát. Muốn phát âm chính xác nhả chữ rõ ràng trong khi hát, trước hết cần nắm được cách phối hợp vận động các cơ quan phát thanh như môi, miêng, răng, lưỡi một cách linh hoạt, mềm dẻo.

Để rèn luyện cho học sinh nắm được kỹ năng hát rõ lời, nhả chữ chính xác, giáo viên có thể cho học sinh đọc lời bài hát nhiều lần, sau đó đọc lời ca kết hợp với âm hình tiết tấu âm nhạc của bài. Không lấy hơi, ngắt hơi giữa các cụm từ để đảm bảo trọn vẹn ý nghĩ của lời ca.

Bài hát Con chim hay hót được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc theo lời đồng dao. Vì vậy, lời bài hát là những văn vần được truyền miệng trong sinh hoạt của trẻ em địa phương, lời rất khó hát ở các từ… Nó rúc nó rúc cành tre, nó hót le te la ta (mà) nó bay vô nhà…. Giáo viên cần phải cho học sinh đọc rõ lời thật chậm, chính xác. Khi ghép với giai điệu bài hát giáo viên cho học sinh ghép thật chậm và làm tốt ngay lúc đầu sau đó nâng dần tốc độ phù hợp với tính chất của bài.

Kỹ năng hát đồng đều được sử dụng thường xuyên trong tiết Học hát,  giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh biết nghe, điều chỉnh giọng hát của mình để hòa giọng mình cùng chung với giọng của cả lớp. Với học sinh lớp 5 tập cho các em kĩ năng hòa giọng rất khó vì ở độ tuổi này các em rất thích được thể hiện mình, muốn giọng hát cuả mình to hơn, hay hơn giọng của các bạn. Vì vậy để dạy học sinh có kĩ năng hát đồng đều, hòa giọng, giáo viên cần chú ý : Yêu cầu học sinh thực hiên theo hiệu lệnh của giáo viên, trước khi hát cần thu hút sự chú ý cả học sinh ; Giáo viên thống nhất các động tác chỉ huy để hướng dẫn học sinh vào đúng câu nhạc ; Giáo viên đánh đàn đoạn nhạc dạo đầu và yêu cầu vào bài hát theo động tác chỉ huy mà giáo viên hướng dẫn trước ;

Tập luyện nhiều lần, sau đó giáo viên yêu cầu học sinh tự chủ động vào bài hay kết thúc bài hát mà không cần đến các động tác chỉ huy của giáo viên. Từ đó hình thành cho học sinh kỹ năng năng cảm thụ âm nhạc, hòa giọng cùng tập thể.

Các bài hát trong chương trình SGK lớp 5 mang tính chất khác nhau. Đó là phương tiện cơ bản để việc rèn luyện các kỹ năng ca hát được tiến hành đồng bộ và phát triển dần dần từ đơn giản đến phức tạp từ thấp đến cao.

 Phương pháp rèn kỹ năng ca hát giúp học sinh phát triển được giọng hát, tầm cữ giọng hát được mở rộng, không bị hạn chế, biết cách sử dụng hơi thở khi hát. Cách hát có sự thay đổi theo thể loại bài hát, các bài hát có mầu  sắc riêng, các em có thể tự sử lý được các kỹ thuật khó trong bài hát mới...

Âm nhạc là môn học nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn của học sinh, có khả năng chi phối đến nhiều hoạt động vui chơi, học tập của học sinh. Do đó, giáo viên cần phải nghiên cứu, xây dựng phương pháp rèn luyện kĩ năng ca hát cho học sinh khối 5 để đảm bảo được yêu câu của phân môn dạy Học hát, góp phần nâng cao chất lượng dạy Học hát nói riêng và giáo dục Âm nhạc nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Bộ Giáo dục và Đào tạo (2013), Hỏi - đáp về một số nội dung sửa đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2.    Phan Trần Bảng (2011), Phương pháp giảng dạy Âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.     Hàn Ngọc Bích, Lê Minh Châu, Hoàng Long, Nguyễn Hoành Thông, Tập bài hát lớp 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4.     Lê Minh Châu, Hoàng Long, (2003), Âm nhạc lớp 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5.     Lê Minh Châu, Hoàng Long, Hoàng Lân, Lê Đức Sang, Nguyễn Hoàn Thông, Lê Anh Tuấn, Âm nhạc lớp 4, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

6.    Trần Cường, Đức Mạnh, Đức Hải (1998), Kiến thức âm nhạc phổ thông tập 2 - dùng cho giáo viên Tiểu học và THCS, Nxb Giáo dục, Hà Nội.