Nội san

Ý nghĩa hoạt động giáo dục âm nhạc ngoại khóa tại trường THPT Lê Quý Đôn Quận Hà Đông thành phố Hà Nội

22 Tháng Sáu 2015

                                                                  Nguyễn Thị Loan

 

Ở bậc học phổ thông, hoạt động giáo dục thẩm m là một bộ phận quan trọng, góp phần hình thành nên con người mới có nhân cách phát triển toàn diện. Giáo dục thẩm mỹ giúp học sinh hình thành năng lực cảm thụ, thị hiếu biết sáng tạo theo quy  luật của cái đẹp. Trong chương trình giáo dục phổ thông thì các môn học nghệ thuật, trong đó âm nhạc là con đường hiệu quả để giáo dục thẩm mỹ cho học sinh.              

Nếu như các môn khoa học khác được xây dựng trên cơ sở lấy tác động hình thành nhân cách học sinh theo hướng từ trí tuệ đến tình cảm thì môn học âm nhạc lại được xây dựng trên cơ sở lấy tác động hình thành nhân cách học sinh theo hướng chủ yếu từ tình cảm đến trí tuệ, giúp các em có tư duy năng lực cảm thụ cái đẹp, phát triển trí tuệ và hình thành nhân cách tích cực.

Âm nhạc tác động vào đời sống tinh thần không nhỏ của các em thông qua ngôn ngữ riêng, góp phần tương tác cùng các môn học khác để giáo dục toàn diện về nhận thức đúng đắn thẩm mỹ trước cuộc sống. Từ đó lớn lên học sinh sẽ có một nền móng về văn hóa âm nhạc, góp phần ứng xử tốt đẹp với cộng đồng xung quanh mình sinh sống, học tập và công tác sau này.          

Mục tiêu đổi mới giáo dục năm 2015 hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội xem xét thông qua trong đó chiến lược của cuộc đổi mới này đó là tập trung vào việc giảm tải những kiến thức lý thuyết xa vời, đi theo hướng tăng cường kiến thức thực tiễn thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học nghệ thuật sẽ được đưa vào chương trình giáo dục và được xếp là môn học tự chọn trong nhóm môn học (TC2): Học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong chương trình (Trích trang 14, Tài liệu hội thảo chương trình giáo dục tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT, Hà Nội, tháng 3, năm 2015).

Như vậy, đây là vừa là cơ hội, vừa là thách thức của các nhà giáo dục nghệ thuật nói chung, giáo dục âm nhạc nói riêng. Đưa hoạt động giáo dục âm nhạc vào trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội là giải pháp góp phần vào chiến lược phổ cập toàn diện về tri thức cho học sinh từ mầm non tới THPT của Bộ GD&ĐT.

1. Hoạt động giáo dục âm nhạc của trường THPT Lê Quý Đôn

Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay có các hoạt động âm nhạc đa dạng, phong phú ở nhiều khối học. Những hoạt động này được thực hiện thường xuyên hàng tuần, hàng tháng và hàng năm ở tất cả các khối 10, khối 11 và khối 12. Tuy nhiên, hoạt động của khối 12 vẫn sôi nổi hơn cả.

Khối lớp 10 có hoạt động chào cờ, hoạt động văn nghệ trong năm vào các ngày lễ lớn của nhà trường và của đất nước, như ngày Thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3); ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3); Ngày sinh nhật Bác (19/5) và ngày Nhà giáo Việt Nam(20/11).

Khối lớp 11 có các hoạt động tương tự như khối 10, tuy nhiên ở khối lớp này đã có hoạt động ca hát với tính chất bề nổi hơn khối 10 như, hoạt động ngày Môi trường thế giới, Hội vui học tập, ngày tết Trung thu và một số buổi sinh hoạt tại câu lạc bộ nhà trường.

Khối lớp 12 có tham gia hầu hết tất cả các hoạt động của khối 10 và khối 11. Các buổi sinh hoạt chào cờ hàng tuần, hoạt động văn nghệ hàng tháng, những ngày lễ lớn trong năm, các buổi sinh hoạt tại câu lạc bộ và chương trình tham dự hội diễn văn nghệ  do Quận, Thành phố và Bộ GD&ĐT tổ chức thì học sinh khối lớp 12 luôn tham gia nhiệt tình, sôi nổi, năng động và hiệu quả.

Ngoài ra, khối lớp này còn là đội quân chủ lực vừa xây dựng ý tưởng, kế hoạch, tổ chức đồng thời luôn là đội quân xung kích cung cấp nguồn nhân lực đa dạng về nhiều nguồn cả về đàn, hát và múa cho các chương trình lớn của Nhà trường. 

2. Ý nghĩa của hoạt động âm nhạc

Thứ nhất, giáo dục thẩm mĩ

Từ bậc Tiểu học, giáo dục âm nhạc cho học sinh giúp các em nhận thức được giá trị đạo đức trong thẩm mỹ. Ví dụ những câu hát ru thì thầm của mẹ, hay những câu chuyện kể thủ thỉ của cô... tất cả chúng đều hướng tới cái đẹp cuộc sống. Những bài ca ngợi ca quê hương đất nước như bài Quê hương em biết bao tươi đẹp dân ca Nùng, bài Em yêu trường em, của nhạc sĩ Hoàng Vân; bài Bụi phấn của nhạc sĩ Vũ Hoàng, Cùng múa hát dưới trăng của Hoàng Long... Nhìn chung những bài hát trong chương trình phổ thông (Tiểu học và THCS) hầu hết có lời văn, lời thơ mang nội hàm ý tứ ngời ca phong cảnh, tình cảm tốt đẹp giữa con người với quê hương, đất nước, với anh em, bạn bè, cha mẹ, thầy cô... những câu chuyện kể về nhiều tấm gương của con người mà thông qua âm nhạc về lòng nhân ái, chí khí vượt lên khó khăn để học tập, hay lòng quả cảm giúp bạn lúc hoạn nạn... tất cả, đều có thể lồng nghép vào các hoạt động, trong đó có âm nhạc để hướng tới thẩm mỹ cuộc sống sâu sắc của học sinh.

Trường THPT Lê quý Đôn, thông qua các hoạt động trải nghiệm đã cho các em thêm hiểu và nhận thức, hành động về thẩm mỹ cuộc sống. Hoạt động âm nhạc như đã nói ở trên như hoạt động chào cờ, hoạt động ca nhạc chào mừng ngày lế lớn trong năm, nhất là hoạt động tham giam hội diễn các cấp của các em cũng chủ yếu đều hướng tơi giáo dục cho học sinh về nhận thức thẩm mỹ học đường, ứng xử từ lời ăn, tiếng nói đến cách học, cách làm, ăn ở, mặc, đi lại của các em sao cho hướng tới cái đẹp. Tuy nhiên những hoạt động này vẫn còn tản mạn, định lượng chung chung, chưa cụ thể, sâu sát có chất lượng, nên ít nhiều còn xa vời thiếu thực tiễn.

Như vậy thông qua giáo dục âm nhạc chính tại các trường tiểu học và THCS đã trang bị thành một hệ thống kiến thức căn bản cho các em học sinh về kiến thức thẩm mỹ cuộc sống thông qua giáo dục âm nhạc. Chương trình THPT cho đến nay vẫn chưa được Bộ GD&ĐT đưa giáo dục âm nhạc vào giảng dạy chính khóa. Nhưng qua khảo sát của chúng tôi cho thấy, nhu cầu cần được thưởng thức những ca khúc hay, tác phẩm nghệ thuật có tính giáo dục thẩm mỹ cuộc sống chất lượng rất cần đối với đối tượng học sinh ở lứa tuổi thanh niên này. Trường THPT Lê Quý Đôn đã và đang tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tuy chưa thật tập trung, bài bản về chuyên môn âm nhạc nhưng ít nhiều đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và học tập của các em học sinh, đồng thời đẩy mạnh hoạt động phong trào cần thiết của nhà trường, góp phần không nhỏ vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Ở chương trình phổ thông hệ tiểu học và THCS,  các em được giáo dục âm nhạc từ lớp 1 cho đến lớp  9, riêng  bậc THPT học sinh lại bị đứt đoạn, không được trang bị kiến thức và giáo dục nghệ thuật nói chung, nghệ thuật âm nhạc nói riêng một cách nối tiếp, nên có ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức về thẩm mỹ cuộc sống và nghệ thuật. Trong khi đó, chương trình ngoại khóa tại một số câu lạc bộ của Nhà trường lại chưa có hệ thống, sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang tính tự phát, tùy theo điều kiện ở từng cơ sở mà những hoạt động đó có lúc tổ chức, có lúc lại không.

Như vậy, học sinh THPT sẽ phải chịu sự dang dở quãng đường giáo dục thẩm mỹ. Đây cũng chính là những băn khoăn trăn trở của các nhà quản lý giáo dục ở phổ thông mà khi thực hiện đề tài chúng tôi đã gặp gỡ trao đổi với họ. Phần lớn các thầy cô giáo trong Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là các em học sinh khi được hỏi về sự mong muốn và tác dụng giáo dục thẩm mỹ cũng như giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua con đường giáo dục âm nhạc đều cho rằng đưa môn học giáo dục nghệ thuật vào trường THPT là cần thiết và cấp bách. Điều đó càng được nhấn mạnh trong bài viết của GS.TSKH. Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đăng trên trang báo Nhân dân ngày 20/8/20112: “Khi nói về vấn đề này, các nhà nghiên cứu giáo dục nghệ thuật, trên từng góc độ của mình thường chỉ ra, nhấn mạnh những nguyên nhân khác nhau. Nhưng có lẽ tất cả đều thống nhất với nhau về sự cần thiết, cấp bách của công tác giáo dục nghệ thuật cho lứa tuổi Trung học phổ thông, về một cái nhìn, một sự chỉ đạo ở tầm chiến lược của công tác này.”

 

Ảnh: Một chương trình ngoại khóa âm nhạc dành cho học sinh THPT ( Nguồn: st)

 

Như vậy, đưa giáo dục âm nhạc vào bậc THPT nói chung và trường THPT Lê Quý Đôn nói riêng là một việc cần làm cần thiết, không chỉ trong phạm vi ngành giáo dục mà là trách nhiệm của cả toàn xã hội. Âm nhạc trong trường THPT sẽ tiếp tục và hoàn thành sứ mệnh về giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho thế hệ trẻ.

Thứ hai, giáo dục đạo đức

   Cùng với đất nước Việt Nam đang ngày càng trên đà phát triển hội nhập với thế giới, những thành công rực rỡ của thế hệ trẻ hôm nay, học sinh Việt Nam đã đạt được nhiều giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, có những em được tuyển thẳng vào đại học Harvard một trường Đại học hàng đầu thế giới. Các giải thưởng công nghệ thông tin của các tổ chức thế giới, hay các giải thể dục thể thao khu vực và quốc tế, cùng với đó, học sinh Việt Nam cũng để lại trong lòng bạn bè quốc tế nhiều ấn tượng đẹp về cách ứng xử văn hóa xã hội.

Bên cạnh đó một bộ phận không nhỏ học sinh Việt Nam có những nhận thức lệch lạc dẫn đến những hành động sai trái đi ngược lại đạo đức xã hội, bị dư luận lên án như: đối xử không lễ phép với thày cô, cha mẹ, bạn bè, kết bè, kết phái để gây rối, trật tự công cộng, trật tự giao giao thông đua xe trái phép, hát nhạc chế mang nội dung không lành mạnh....

   Có thể tìm ra được nhiều nguyên nhân cho vấn đề trên ở nhiều góc độ khác nhau, song dưới góc độ giáo dục thì một trong những nguyên nhân chính là, nhiều năm qua giáo dục ý thức đạo đức thẩm mỹ trong nhà trường nhất là bậc THPT chưa được quan tâm đúng mức.

   Giáo dục đạo đức trong giới trẻ hiện nay bao hàm rất nhiều khía cạnh khác nhau gồm có: Phương hướng chính trị đúng đắn, định hướng thẩm mỹ tích cực, tu dưỡng phẩm chất lành mạnh, tư tưởng tình cảm tốt đẹp... Đó là những yếu tố cơ bản để điều tiết hành vi của con người, là tư tưởng chỉ đạo cho lối ứng xử, cách xử lý mối quan hệ phức tạp giữa con người với nhau, đó là những tố chất cơ bản cho học sinh hoàn thiện nhân cách. Chúng ta dễ dàng nhận thấy chức năng giáo dục đạo đức trong âm nhạc. Bất kỳ hình thức giáo dục tư tưởng nào cũng cần đến cơ sở là tình cảm, âm nhạc lại chính là môn nghệ thuật có nội dung biểu cảm phong phú nhất. Khi được giáo dục âm nhạc, hoạt động âm nhạc, sống trong môi trường âm nhạc, học sinh sẽ có một quá trình thẩm thấu tự nhiên. Dùng lý thuyết và kiến thức để tìm hiểu, những nét rung động của âm nhạc, cảm nhận bằng trái tim và thực hành theo sự hướng dẫn của thày cô. Được chắt lọc về ca từ trong bài hát làm cho tâm hồn trong sáng, tình cảm thêm phong phú. Như vậy giáo dục âm nhạc tạo nên sự hài hòa về phát triển nhân cách. Âm nhạc là phương tiện chuyển tải ý thức con người một cách linh hoạt, và mềm dẻo từ đó hình thành nhân cách đạo đức tốt trong giới trẻ.

     Thứ ba,, phát triển tài năng

Một trong những mục tiêu của chương trình giáo dục và đào tạo hiện nay là thực hiện đa dạng hóa các hình thức giáo dục, nhằm phát triển toàn diện mọi khả năng của đối tượng người học ở các nhà trường nói chung và các trường THPT nói riêng. Việc kết hợp đưa hoạt động giáo dục âm nhạc vào trường THPT Lê Quý Đôn, ngoài góc độ giáo dục thẩm mỹ hoàn thiện nhân cách các em còn phát hiện, phát triển triển được tài năng nghệ thuật.

Lứa tuổi học THPT là lứa tuổi vị thành niên, các em đang trong giai đoạn biến đổi về tâm sinh lý, việc nhận thức còn chưa hoàn thiện. Vì vậy ở lứa tuổi này các em đang có nhu cầu muốn tìm hiểu, khám phá những tri thức mới của cuộc sống. Mặt khác, do hạn chế về môi trường hoạt động, các môn học nghệ thuật chỉ dừng lại ở cuối bậc THCS, cho nên khả năng phát hiện và phát triển về năng khiếu nghệ thuật là khó khăn và rất giới hạn. Để đáp ứng được vấn đề này, đưa hoạt động giáo dục âm nhạc vào bậc THPT là tạo một sân chơi mang tính khoa học, dưới mọi hình thức như: làm môn học tự chọn, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ… Nhưng những hoạt động này đều phải có hướng dẫn cụ thể, từ tư tưởng nội dung và kế hoạch cả về nội dung và hình thức hoạt động, phải có đội ngũ giáo viên hướng dẫn một cách khoa học, không mang tính tự phát. Từ đó các em sẽ phát triển được năng khiếu âm nhạc cá nhân. Có thể nói, đưa hoạt động giáo dục âm nhạc vào bậc THPT là tiếp nối vườn ươm cho tài năng âm nhạc phát triển. 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Dương Viết Á (1994), Âm nhạc lí luận và cây đời, Nxb Văn Hóa, Hà Nội.

2. Dương Viết Á (2005), Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn Văn hóa, Nxb Hà Nội.

3. Dương Viết Á (2009), Mấy vấn đề Văn hóa âm nhạc Việt Nam, Nxb Văn       Hóa Dân Tộc, Hà Nội.

4. Dương Viết Á (1994), Mỹ học âm nhạc. Tài liệu thư viện Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội.

5. Nguyễn Bách (2004), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

6. Nguyễn Văn Cường, Đại học Potsdam, Cộng Hòa Liên Bang Đức, Lý luận dạy học hiện đại, một số vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, tài liệu dành cho học viên Cao học, Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc. Trường ĐHSP Nghệ thuật TW .

7. Các nhạc cụ gõ bằng đồng, những giá trị Văn hóa; Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc tế; Giá trị Văn hóa của các nhạc cụ gõ bằng đồng của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á (2006), Nxb Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội.

8. Trịnh Thúy Giang, Đề cương bài giảng môn lý luận dạy học hiện đại (dùng cho học viên Cao học) Trường Đại học sư phạm Hà Nội Khoa Tâm lý Giáo dục học.