Nội san

Đôi nét về vận dụng lối hát Bel Canto vào hát nhạc nhẹ trong đào tạo thanh nhạc tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

22 Tháng Sáu 2015

                                                                                  Đoàn Thị Thúy Trang

                                                           

Trong đời sống con người, âm nhạc là một món ăn tinh thần rất quan trọng. Âm nhạc giúp cho con người biểu đạt những cung bậc cảm xúc, những trạng thái tâm lý phức tạp mà đôi khi người ta không diễn đạt được bằng lời nói. Âm nhạc mang đến cho con người sức mạnh, tình yêu và sự thăng hoa.

Trong cuốn phương pháp sư phạm thanh nhạc (2001) GS.NSND Nguyễn Trung Kiên đã viết : “Tiếng hát đã trở thành nghệ thuật lâu đời nhất, phổ cập và dễ hiểu nhất được mọi người yêu thích. Tiếng hát mang lại cho con người niềm hạnh phúc, dù ở thế giới nô lệ buồn thảm xa xưa hay xã hội tươi sáng ngày nay, tiếng hát vẫn là hoa thơm, là không khí, là ánh sáng mặt trời của trái đất…”.

Trong lĩnh vực thanh nhạc, để trở thành một người có kỹ thuật và sự điêu luyện trong giọng hát thì đòi hỏi người hát phải nắm vững các phương pháp. Đỉnh cao trong nghệ thuật hát chuyên nghiệp của nhân loại là lối hát của Italia đã hình thành và phát triển nhiều thế kỷ qua. Tiêu biểu là lối hát Bel canto, với hệ thống lý luận của trường phái này đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tới các hoạt động đào tạo hát chuyên nghiệp tại các trường âm nhạc chuyên nghiệp trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.

Thực tiễn việc đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Nội dung và chương trình đào tạo ngày càng phong phú và hoàn thiện hơn về chất lượng. Từ sự tiếp thu những tiên tiến, tinh hoa thanh nhạc thế giới để áp dụng và tìm ra phương pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất đưa vào chương trình giảng dạy, làm nên một nền âm nhạc mới của Việt Nam tiên tiến nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc và mang hơi thở của thời đại mới. Chính vì vậy mà công tác đào tạo trong lĩnh vực thanh nhạc tại các trường âm nhạc chuyên nghiệp là rất cần thiết. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội thì dòng nhạc nhẹ đã mặc nhiên khẳng định được vị trí và chỗ đứng trong nền âm nhạc Việt Nam. Tất cả mọi sự phát triển đều phải dựa trên một nền tảng vững chắc thì đối với nghệ thuật hát cũng vậy. Để hát tốt nhạc nhẹ thì yếu tố quan trọng chính là phải biết vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc một cách nhuần nhuyễn và phù hợp trong từng ca khúc. Có đôi khi người ta quan niệm rằng: nhạc nhẹ là hát theo bản năng tức là chỉ hát bằng giọng thật mà không cần đến các kỹ thuật thanh nhạc. Nhưng trên thực tế không phải vậy.

Nhạc nhẹ là một miền đất mới mang lại cho chúng ta rất nhiều cảm xúc mới lạ và độc đáo. Cho tới ngày nay thì đây vẫn là một thể loại âm nhạc được đông đảo người nghe nhạc yêu thích và đón nhận. Đất nước đang ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế nên âm nhạc cũng không nằm ngoài vòng quay đó. Nhạc nhẹ vào nước ta ngày càng phong phú và đa dạng nhưng vượt qua những ảnh hưởng ấy thì bản thân nhạc nhẹ Việt Nam đã khẳng định được mục đích và hướng đi cho riêng mình. Ảnh hưởng, phát triển từ nhạc nhẹ châu Âu nhưng nhạc nhẹ Việt Nam đã phản ánh nội dung và mang những đặc trưng của Việt Nam, phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ của con người Á Đông: Yêu thích sự nhẹ nhàng, tinh tế. Nhạc nhẹ là một mảng đề tài ko thể thiếu trong bức tranh âm nhạc toàn cảnh của nền âm nhạc nước nhà.

Tại các trường đào tạo biểu diễn như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội hay trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội thì dòng nhạc nhẹ đã được quan tâm hơn so với các trường chuyên nghiệp khác. Bởi nơi đây là cái nôi ươm mầm cho những ca sĩ nhạc nhẹ của đất nước, tại đây nhạc nhẹ được đầu tư với một quy trình dài hơi và bài bản. Nhưng bên cạnh đó thì ở những trường đào tạo sư phạm nghệ thuật lại dành thời gian nhiều hơn cho các ca khúc nhạc chính thống, nhạc nước ngoài, dân ca… Bởi phụ thuộc vào từng mục đích đào tạo của mỗi trường khác nhau để phục vụ cho tính chất công việc sau khi sinh viên ra trường. Cho nên trong quá trình đào tạo sẽ định hướng rõ ràng cho sinh viên về lĩnh vực phù hợp với mục đích cho tương lai. Với quá trình giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW, rất nhiều em có khả năng ca hát và yêu thích nhạc nhẹ. Nhưng bài vở trên lớp thì số lượng những bài hát cổ điển lại chiếm lĩnh thời gian nhiều hơn cho nên khả năng ấy chưa được phát huy hết những đam mê và sự yêu thích đối với dòng nhạc nhẹ. Vậy ta có nên đổi mới giáo trình để đưa các ca khúc nhạc nhẹ vào chương trình học cho sinh viên được tiếp xúc nhiều hơn, được thỏa mãn đam mê với tình yêu âm nhạc, với một nền âm nhạc tiên tiến, đổi mới nhưng vẫn mang bản sắc dân tộc?

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW là một trong những trường đào tạo đứng đầu về Sư phạm Âm nhạc của nước ta cả về số lượng và chất lượng. Với đội ngũ giảng viên có năng lực cộng với sự nhiệt tình, năng động, tâm huyết, với số lượng sinh viên đông đảo và có khả năng âm nhạc nên trong suốt 45 năm phát triển, trường đã đạt được những thành tựu to lớn. Đội ngũ sinh viên khi ra trường là lực lượng nòng cốt để đảm nhiệm giảng dạy tại các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở, trung cấp, trên toàn quốc. Riêng với bộ môn Thanh nhạc, các sinh viên ra trường bên cạnh việc giảng dạy còn có thể phát triển tiếp theo con đường thanh nhạc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó đã có rất nhiều sinh viên đạt thành tích trong các cuộc thi toàn quốc, các hội diễn như: SV Nguyễn Kim Thoa (ĐHSP Âm Nhạc khóa 3) được giải nhất, Khúc Xuân Thuận (ĐHSP Âm Nhạc khóa 3) được giải 3 trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hà Nội năm 2010. Gần đây nhất, tháng 7 năm 2014  có 02 sinh viên đã được lựa chọn vào vòng 2 của Sao Mai điểm hẹn đó là Bùi Thị Thùy Trang và Trần Thị Hằng (ĐHSP Âm Nhạc khóa 6 và 7). Ngoài ra, thành tích phải kể đến đó là những sinh viên sau khi ra trường vẫn tiếp tục theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp và đã thành công được nhiều người biết đến như Hà Phạm Thăng Long, Nguyễn Mạnh Dũng… Họ đang là những giọng hát Opera xuất sắc của Nhà hát opera Việt Nam. Giảng viên -  ca sĩ Đoàn Thị Thúy Trang cũng là một sinh viên được đào tạo từ ngôi trường này. Đó là những minh chứng cho thành quả dạy học của bộ môn Thanh Nhạc và cũng là một lợi thế của nhà trường. Bên cạnh đó, cũng còn tồn tại rất nhiều những khó khăn mà thầy và trò nhà trường gặp phải trong quá trình học tập giảng dạy. Đặc biệt, đối với việc đưa nhạc nhẹ vào trong quá trình học tập. Trải qua quá trình thực dạy của bản thân, chúng tôi xin đưa ra một số quan điểm và kinh nghiệm để góp phần làm nên một cách nhìn đúng đắn về nhạc nhẹ trong việc dạy và học tại trường ĐHSPNTTW.

Nhìn chung, phương pháp dạy học Thanh Nhạc được các giảng viên vận dụng chủ yếu là những kỹ thuật hát Bel canto của thanh nhạc châu Âu vào hát nhạc Việt Nam. Do được đào tạo bài bản ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nên các giảng viên áp dụng tốt kỹ thuật hát châu Âu. Song việc kết hợp kỹ thuật hát Bel canto vào đào tạo hát nhạc nhẹ thì không phải giáo viên nào cũng áp dụng tốt. Muốn hát tốt nhạc nhẹ thì điều đầu tiên phải nắm chắc được các kỹ thuật Bel canto. Những kỹ thuật thanh nhạc cổ điển ấy sẽ làm nền tảng và phục vụ trong ca hát nhạc nhẹ chuyên nghiệp. Người hát nhạc nhẹ phải biết vận dụng các kỹ thuật ấy để áp dụng vào hát nhạc nhẹ và phát triển giọng hát của mình.

                                       

Ảnh:  Một giờ học luyện thanh của sinh viên âm nhạc( Nguồn: St)

 

Một số giảng viên vẫn chưa chú trọng trong việc lựa chọn dòng âm nhạc, thể loại âm nhạc cho sinh viên làm sao cho các em có thể thể hiện hết năng khiếu của mình. Ví dụ như đam mê và năng khiếu của các em là hát nhạc nhẹ, những ca khúc trữ tình nhưng nếu giao bài không hợp lý cho các em hát thể loại khác như aria hay những ca khúc nhạc cách mạng thì năng khiếu ấy sẽ không được phát triển theo đúng hướng. Khi đó các em hát chỉ mang tính chất trả bài mà không có chất lượng cho quá trình học. Đương nhiên, ca khúc ấy sẽ không chạm tới cảm xúc người nghe, mà trong âm nhạc thì cảm xúc luôn là điều được đặt lên trên hết. Vì vậy mà việc xác định đúng giọng và sở trường âm nhạc của từng sinh viên là một công việc rất quan trọng.

Hát là một nghệ thuật đặc biệt của ngôn ngữ giao tiếp. Bên cạnh các kỹ thuật thanh nhạc thì tiếng hát còn là nội lực, là cảm xúc tâm hồn của ca sĩ. Ngược lại, nếu người ca sĩ không nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc thì cũng không thể đạt đến thành công. Vì vậy mà khi hát ở bất kể loại hình, dòng nhạc nào ta đều phải nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc một cách sâu sắc và trọn vẹn thì mới có thể hát tốt các ca khúc và truyền tải được nội dung tới người thưởng thức. Từ Opera, nhạc dân gian hay nhạc trữ tình… cho đến nhạc nhẹ cũng vậy các kỹ thuật thanh nhạc cơ bản luôn là nền tảng, là xuất phát điểm cho mọi cách hát giúp âm thanh đều đặn từ đầu đến cuối một tác phẩm. Trong giới hạn đề tài của mình chúng tôi chỉ xin bàn về một khía cạnh nhỏ đó là các kỹ thuật thanh nhạc trong lối hát Bel canto để áp dụng vào hát nhạc nhẹ như thế nào?

Trong giảng dạy các ca khúc nhạc nhẹ với những tiết tấu, giai điệu gần gũi dễ đi vào lòng đông đảo quần chúng, muốn thể hiện thành công những ca khúc nhạc nhẹ cần luyện tập những kỹ thuật thanh nhạc khác nhau. Chúng tôi đã chọn một số kỹ thuật phù hợp để áp dụng vào giảng dạy như: hơi thở, pha giọng, kỹ thuật hát legato, kỹ thuật xử lý sắc thái to, nhỏ, phát âm nhả chữ.

Trên cơ sở các phương pháp dạy học đã trình bày ở trên, chúng tôi tiến hành thực nghiệm sư phạm, nhằm mục đích: Kiểm định tính khả thi và đánh giá hiệu quả của việc vận dụng lối hát Bel canto trong kỹ thuật thanh nhạc cổ điển vào hát nhạc nhẹ tại trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW. Kết quả thực nghiệm cho thấy, việc vận dụng lối hát Bel canto vào dạy hát các ca khúc nhạc nhẹ trong luận văn có tính khả thi, mang lại hiệu quả tích cực.

         Qua việc vận dụng lối hát Bel canto của Thanh nhạc cổ điển vào hát nhạc nhẹ tại trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW, chúng tôi nhận thấy rằng người giảng viên không chỉ lên lớp dạy đơn thuần mà người giảng viên trong thời đại mới phải tìm được phương pháp giảng dạy cho riêng mình, phù hợp với sinh viên của nhà trường. Hơn thế nữa, phải đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu, phương hướng của nhà trường đặt ra. Xét thấy, việc học và tiếp thu âm nhạc một cách đúng hướng là một điều vô cùng quan trọng đối với sinh viên - thế hệ tiếp nối cho sự phát triển nền âm nhạc nước nhà. Đặc biệt, đối với sinh viên đang theo học tại trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW - những nhà giáo dục trong tương lai. Xã hội ngày nay vô cùng phát triển với nhiều những dòng nhạc và trào lưu âm nhạc hiện đại của thế giới tràn vào nước ta. Đó là cơ hội cho chúng ta giao lưu, học hỏi và tiếp thu những cái mới lạ và sự tiến bộ. Nhưng bên cạnh đó, cũng là một thác thức đối với nền âm nhạc Việt Nam. Vì thế, chúng ta phải tiếp thu một cách có chọn lọc và đúng hướng, học hỏi và đón nhận những gì phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ và thuần phong mỹ tục của người Việt, bài trừ những gì là không hợp lý.

Xét về lĩnh vực nghệ thuật, nhạc nhẹ là một vấn đề rất đáng quan tâm trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp nói chung và trong trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW nói riêng. Từ những kỹ thuật thanh nhạc cơ bản ta áp dụng vào hát nhạc nhẹ để giúp cho tiếng hát được hay và đẹp nhất. Với giới hạn nội dung của luận văn, ở đây chúng tôi muốn làm rõ tác dụng và vai trò của việc vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc trong lối hát Bel canto vào hát nhạc nhẹ với mong muốn cùng nhau đưa ra những phương pháp hiệu quả và thiết thực nhất cho quá trình dạy và học hát nhạc nhẹ tại trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

1.        Nguyễn Trung Kiên ( 2001 ), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc.

2.        Nguyễn Trung Kiên ( 2004 ), Nghệ thuật Opera, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

3.        Nguyễn Trung Kiên (2006), Chương trình chuyên ngành thanh nhạc Đại học, Bộ Văn hóa Thông tin.

4.        Nguyễn Trung Kiên (2009) Phương pháp học hát, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

5.        Nguyễn Trung Kiên (2009), Chủ nhiệm công trình, “Đa dạng hóa mô hình đào tạo âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đề tài trọng điểm cấp Bộ, Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam.

6.        Nguyễn Trung Kiên (2010), Giáo trình thanh nhạc hệ đại học, Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

7.        Trần Ngọc Lan (2011) Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb giáo dục Việt Nam

8.        Tú Ngọc - Nguyễn Thị Nhung - Vũ Tự Lân - Trọng Oánh - Thái Phiên (2000), Âm nhạc mới Việt Nam - Tiến trình và thành tựu, Nxb Viện Âm nhạc.

9.        Vũ Tự Lân (2007), Lịch sử nhạc Jazz, Rock, Pop, Giáo trình bậc Đại học, ĐHVHNT Quân Đội.

10.   Vũ Tự Lân (2009), Âm nhạc Việt Nam - tác giả - tác phẩm, Nxb Văn hóa dân tộc