Nội san

Về tín ngưỡng Bà Đại Càn - Tứ vị Thánh Nương ở Quảng Nam - Đà Nẵng (khảo cứu trường hợp cư dân ven biển)

24 Tháng Bảy 2015

                                                                  TS. Nguyễn Xuân Hương

                                                            Đại học Trà Vinh

 

Quảng Nam - Đà Nẵng có 175 km bờ biển với diện tích ngư trường khoảng 50.000 km2.  Cư dân Việt có mặt tại nơi đây đã vài thế kỷ. Có một bộ phận người Việt đã chọn nghề biển để mưu sinh từ thủa xưa cho đến nay. Sự hình thành, tiếp nối và phát triển nghề biển đã là môi trường duy trì, tiếp nối và sản sinh các tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng - một bộ phận quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân biển. Một trong những tín ngưỡng đó là Tứ Vị Thánh Nương, được dân biển nơi đây gọi tắt là Bà Đại Càn.

1. Bà Đại Càn và cộng đồng cư dân ven biển - mối quan hệ

Các kết quả nghiên cứu của sử học, văn hoá học, cũng như sự tự nhận của các tộc họ ở vùng đất Quảng đã cho biết: phần lớn cư dân Quảng Nam - Đà Nẵng có nguồn gốc từ vùng Thanh Hoá và Nghệ An. Cùng với lớp cư dân người Việt từ các vùng quê khác nhau của đất Bắc, bộ phận cư dân Thanh - Nghệ (bao gồm Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Nghệ An) đến đất Quảng sinh sống khoảng từ thế kỷ XV. Phần đông lớp cư dân này sinh sống ở vùng ven biển.

   Bối cảnh môi sinh của vùng đất, vùng biển mới khiến người Việt phải sớm thích ứng để sinh tồn và phát triển. Các làng nông, ngư, hoặc kết hợp giữa nông và ngư được hình thành. Làng vạn hình thành còn là môi trường để các tài sản văn hoá tinh thần của cư dân Việt mang vào từ vùng quê gốc Thanh - Nghệ tiếp tục phát huy để phục vụ cuộc sống cộng đồng trên địa bàn mới. Tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương mà trung tâm  phát tích tại Đền Cờn của làng Kẻ Cờn, nay là làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là một trong những tài sản tinh thần được tiếp nối ở các làng xã ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng.

Để tìm ra sợi dây liên hệ giữa cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng và Bà Đại Càn / Tứ Vị Thánh Nương thì phải ngược về vùng biển Lạch Cờn -  nơi tích tụ và ''phát tán'' niềm tin, trung tâm của sự thờ phụng. Lạch Cờn là một trong những cửa biển lớn ở xứ Nghệ. Từ các lễ và hội tại Đền Cờn xưa và nay, có thể thấy việc phụng thờ Tứ Vị nơi đây chính là thờ các Nữ Thần cai quản cửa lạch - cửa biển và bảo hộ nghề biển.

Hầu hết các chư phái tộc các làng biển Quảng Nam - Đà Nẵng đều cho rằng nghề biển là do ông cha họ mang vào từ vùng quê gốc Thanh - Nghệ. Những thông tin này tất phải kiểm chứng thêm, tuy nhiên qua đó, có thể nhận ra mối liên hệ giữa cư dân ven biển đất Quảng với tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương từ góc độ khởi nguyên.

Theo đó, khi từ vùng quê gốc di cư vào Quảng Nam - Đà Nẵng, người dân Thanh Nghệ đã đặt niềm tin vào sự bảo trợ của Tứ Vị Thánh Nương - Nữ Thần Biển hộ trì cho những thuyền nhân vượt bão tố, cập bến an toàn, cũng giống như  Thiên Hậu -  Thánh Mẫu của người Hoa vậy. Có thể, sự thờ phụng Tứ Vị Thánh Nương ở giai đoạn đầu là cốt bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng với các Nữ Thần có công hộ mạng trên biển nước.

Khi cập vùng đất, vùng biển mới, một bộ phận cư dân gốc Thanh - Nghệ lại tiếp tục nghề biển, tiếp tục công việc chèo ghe đi từ những cửa lạch - cửa biển để ra khơi vào lộng. Mà nghề biển là nghề rất vất vả, bấp bênh. Người đàn ông đi biển cũng là người trụ cột trong gia đình, luôn phải đối mặt với hiểm nguy về tính mạng và tài sản, nhất là tính mạng. Người Việt Nam, từ xưa cho đến nay, rất sợ chết mất xác hoặc bị  xiêu mồ lạc nấm, không ai cúng kiếng, trở thành ma đói ma khát, cô hồn. Người đi biển càng sợ hơn, bởi hơn ai hết, họ hiểu mình rất dễ rơi vào cảnh này. Biển cả mênh mông, bất trắc xảy ra đã khó bảo toàn tính mạng nhưng cũng không đáng sợ bằng xác rơi vào miệng cá hay bị tan biến giữa biển khơi. Trải nhiều đời định cư và làm biển ở vùng đất, vùng biển này khiến  các thế hệ người dân đất Quảng gốc Thanh Nghệ suy tôn Tứ Vị Thánh Nương là các Nữ Thần cai quản cửa lạch, cửa sông, hộ trì cho thuyền ghe ra vào cửa lạch an toàn. Có nơi còn quan niệm đó là Bà Thuỷ. 

 So với trung tâm của tín ngưỡng thờ Tứ Vị Thánh Nương thì ở Quảng Nam - Đà Nẵng, việc phụng thờ Tứ Vị Thánh Nương đậm tính thực tế, mang nhiều ý nghĩa do xuất phát từ chính cuộc sống mưu sinh của cộng đồng dân biển. Tại đây, những phần thuộc về ''bác học'' của Tứ Vị  không xuất hiện. Nếu ở đền Cờn / Lạch Cờn, Tứ Vị Thánh Nương là gốc người Trung Quốc, được thiêng hoá do công trạng có ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với hai triều đại phong kiến Việt Nam là triều Trần và triều Lê, thì ở Quảng Nam - Đà Nẵng, qua khảo sát, chúng tôi không hề gặp truyền thuyết, thần tích về Tứ Vị như ở vùng đền Cờn /Lạch Cờn; đồng thời cũng không gặp truyền thuyết về Tứ Vị mang màu sắc Việt, gắn với cư dân buổi đầu dựng nước - thời các Vua Hùng.  Cá biệt cũng có một vài lão ngư (làng Mỹ Khê) cho biết Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương là người Trung Quốc.

Tuy không có truyền thuyết và thần tích, song tất cả những sắc phong của Tứ Vị ở Quảng Nam - Đà Nẵng do các đời vua của triều Nguyễn phong tặng, đều có ghi rõ tước hiệu, danh thần Tứ Vị là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Vương Thượng Đẳng Thần. Trong những cuộc lễ tiết quan trọng của cộng đồng, như lễ cúng đình, lễ cầu ngư, lễ cúng Bà, lễ tống ôn, danh thần, tước hiệu của Bà Đại Càn được cung hô đầy đủ.

2. Tín ngưỡng Tứ vị Thánh Nương - sự kế thừa và biến đổi tại Quảng Nam - Đà Nẵng

Thừa kế và tiếp biến tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương là một đặc điểm nổi bật của cộng đồng cư dân Việt Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung, cư dân ven biển nói riêng.

 Sự kế thừa thể hiện rõ ở việc thờ phụng Tứ Vị Thánh Nương trong các ngôi đình đất Quảng, từ làng nông đến làng biển, mà đậm nhất là ở các làng xã ven biển. Qua khảo cứu, chúng tôi cho rằng, buổi đầu, rất có thể tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân làng biển hơn là tín ngưỡng cá voi. Nếu tín ngưỡng thờ cá voi nơi đây cũng như các làng biển từ miền Trung trở vào Nam Bộ xuất hiện từ hiện thực cuộc sống của người dân, qua chứng kiến trực quan thực tế, thì tín ngưỡng thờ Tứ Vị Thánh Nương lại là sự tiếp nối thờ cúng Nữ Thần có sẵn của vùng quê gốc, đã bảo trợ thuyền bè vượt biển an toàn. Và như thế, Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương (cùng với các vị thần linh khác cũng của miền quê gốc) đã được thờ phụng trước cả tín ngưỡng thờ cá voi. Đó là sự tiếp nối thờ phụng Nữ Thần Biển.

Ngày nay, các cụ già hai làng biển Mân Thái và Nam Thọ ở Đà Nẵng vẫn lưu kể cho những ai muốn nghiên cứu về lịch sử làng câu chuyện giành đất của hai làng này. Theo đó, vào thời vua Minh Mạng, làng Mân Thái có ông Tiền Hiền Ngô Quang Cư -  người có công đạp đất, khai khẩn lập làng; làng Nam Thọ kế bên đã vượt quá ranh giới lấn sang đất làng Mân Thái, khiến xảy ra kiện tụng kéo dài giữa hai làng. Cuối cùng, làng Mân Thái thắng kiện. Tại mốc ''biên giới'', dân làng này đã xây một ngôi miếu thờ Bà Đại Càn / Tứ Vị Thánh Nương. Miếu Đại Càn còn được dân làng gọi là Miếu Vua, đất dựng miếu gọi là Đất Miếu Vua. Chi tiết này khiến chúng ta suy nghĩ, so sánh để trả lời câu hỏi, tại sao làng Mân Thái không lập miếu, lăng thờ cá voi, cũng là một vị thần biển, mà lại lập miếu thờ Đại Càn? Ngôi miếu Đại Càn cổ kính, quy mô nhỏ, xây toàn bằng đá xanh, tường dày chắc chắn, có văn cúng khánh thành miếu (1) đã gắn bó với dân làng này đến tận năm 2005. Từ sau năm này, do quy hoạch đô thị của Đà Nẵng, miếu Đại Càn không còn nữa. Bà Đại Càn được rước về nơi thờ tự mới, được thờ chung với Thánh Mẫu Thiên Y A Na của làng trong một ngôi lăng thời hiện đại.

  Thời gian và chiến tranh khiến cho hiện nay, nhiều ngôi đình ở Quảng Nam - Đà Nẵng không giữ được sắc phong Thần. Song, cũng có một số đình, sắc phong Thần còn nguyên vẹn, trong đó có sắc Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương. Đó là các  đình: Nam An (Nam Thọ), An Hải, Xuân Sơn, Tuý Loan, Thạc Gián, Đế Võng, Sơn Phong, Cẩm Phô..., trong đó đình Nam Thọ còn giữ được các sắc phong của Tứ Vị Thánh Nương từ thời vua Minh Mạng đến vua Khải Định. Đây là nội dung bản sắc phong sớm nhất cho làng thờ Đại Càn:

Sắc Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương hộ quốc tí dân, hiển hữư công đức, kính hữu xã dân phụng sự. Phụng ngã Thế Tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải võ, khánh bị thần dân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hưu, nghi long hiển hiện, khả gia tặng Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Thượng đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Diên Phước Huyện, Nam An xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tưởng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai

Minh Mạng thất niên, cửu nguyệt, thập nhất nhật.

Dịch nghĩa: Sắc phong bốn vị Thánh nương Đại Càn Quốc Gia Nam Hải. Các ngài những vị thần giúp nươc che chở dân chúng, công đức hiển hiện rất rõ ràng, từ trước đã được dân xã phụng thờ. Từ khi đức Thế tổ thống nhất đất nước, các vị thần linh và người đời đều thảy mừng rỡ. Nay ta nối nghiệp lớn, nghĩ đến công ơn của các ngài, nên long trọng đặt các ngài ở địa vị sáng ngời và gia tặng các ngài vào bậc Thượng đẳng thần với danh hiệu: ''Hàm Hoằng - Quang Đại - Chí Đức''. Chuẩn y cho xã Nam An thuộc huyện Diên Phước được thờ như cũ. Các ngài sẽ giúp và bảo vệ dân đen của ta.

Hãy kính cẩn vâng mệnh

Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7.

Sắc phong Thần là ''văn bản pháp lý'' cho làng xã thờ phụng tại đình.

Qua khảo cứu sắc phong, người ta nhận thấy có một thực tế là ở Quảng Nam -  Đà Nẵng, Tứ Vị Thánh Nương đã gia nhập vào hệ thống Thần đình để bảo trợ dân chúng, có vị thế quan trọng trong ngôi đình đất Quảng. Phần lớn Tứ Vị Thánh Nương giữ địa vị là chủ Thần của đình, như: đình Thanh Khê, đình Nam Ô, đình Đế Võng... Ở những nơi này, Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương gắn bó với cuộc sống bình an của dân chúng. Lễ đình làng hàng năm diễn ra vào hai kỳ xuân thu được gọi là lễ Cầu An, mà vị thần số một được cung thỉnh khấn cầu, được trân trọng hô mời đầu tiên trong bản văn tế chính là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương. Điển hình như văn tế Lễ Cầu An hàng năm của làng biển Thanh Khê (Đà Nẵng). Trong lễ này, Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương đứng đầu danh sách hơn ba mươi vị thần cũ, mới của làng được hô mời cung thỉnh với đầy đủ danh thần, tước hiệu:

- Sắc tặng Hàm Hoàng Quảng Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hoá Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Vương Thượng Đẳng Thần.

- Sắc chỉ Dực tá Trung Hưng Quan Thánh Đế Quân

- Thần Nông Hậu Tắc Đại Đế Tôn Thần gia tặng kính dâng vật lợi Thượng đặng Thần

- Sắc tặng Hoằng Huệ Phổ tế Linh cảm diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thiên Y A Na Thượng Đẳng Thần.

- Cửu Thiên Huyền Nữ Tôn Thần Gia tặng Cao Đại Linh Thông Tổ Thuật Thượng Đẳng Thần.

- Sắc tặng Hoằng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu Phu Hựu Trạc Dương Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Cao Các Quảng Độ Thượng Đẳng Thần.

- Kim Đức Thánh Phi Tôn Thần, Gia tặng Hiển Linh Hiệu Ứng Trung Đẳng Thần, Mộc Đức Thánh Phi Tôn Thần, Gia tặng Kiên trực Thanh Tú Trung Đẳng Thần, Thuỷ Đức Thánh Phi Tôn Thần, Gia tặng Dương Trạch Hiển Linh Trung Đẳng Thần, Hoả Đức Thánh Phi Tôn Thần, Gia tặng Ôn Hậu Quan Ứng Trng Đẳng Thần, Thổ Đức Thánh Phi Tôn Thần, Gia tặng Hoằng Đại Hậu Độ Trung Đẳng Thần.

- Tam Vị Oai Linh Song Tước Lộc Đô Nguyên Suý Kim Chi Lưỡng Hộ Thành Hoàng Chi Thần, Tả Đông Chinh Thành Hoàng Chi Thần, Gia tặng Hự Thuận Chi Thần, Hữu Dực Thánh Thành Hoàng chi Thần, Gia tặng Trợ Oai chi thần.

- Tiên Sư Chi Thần, Hồng Phi Chi Thần, Quý Tài Nhị vị Công Tử, Thái Giám Bạch mã Chi Thần, Gia tặng Lợi Vật Chi Thần. Đương Kiển Thổ Địa Phước Đức Chánh Thần Gia tặng Hậu Tế Chi Thần. Thổ Địa Long Thần, Gia tặng Phổ Tế Chi Thần. Sơn Xuyên Nhạc Tục Hà hải Giang Tân Chi Thần. Thái Tuế Chí Đức Chi Thần, Gia tặng Chủ Tế Chi Thần. Đương Niên Hành Khiển hành Binh Chi Thần, Tả Ban Liệt Vị, Hữu Ban Liệt Vị Chi Thần, Bá Công Kỹ Nghệ Tổ Sư Chi Thần. Tiền Hiền Hậu Hiền Chi Thần. Long Thần Trụ Trạch Thần Quan. Ngũ Phương Thổ Công Chi Thần Đông Trù Tư Mạng Táo Phủ Thần Quan. Tứ Phương Viên Miếu Chi Thần, Chủ Ngung Man Nương Chi Thần

- Thị Tùng Bộ hạ Nhứt Thiết Oai Linh Thập Loại Cô Hồn đẳng chúng, Tướng Sĩ Trận Vong đồng lai phối hưởng

...

Ngoài một số làng biển thờ Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương làm chủ Thần của đình, thì xưa kia, có những làng còn dựng miếu riêng thờ Tứ Vị Thánh Nương. Các bô lão ban khánh tiết đình làng và lăng Ông Ngư Mỹ Khê cho biết: ngày trước, làng này có miếu riêng thờ Bà Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương, gọi là Miếu Cả. Ngày 12 tháng Giêng Âm lịch hàng năm là ngày kỵ Bà. Lễ kỵ Bà bao giờ cũng phải tổ chức trước các lễ cúng đình, lăng, miếu khác.

Ngày vía Bà thời đó của làng Mỹ Khê rất thiêng và vui. Trước lễ chính một ngày, các nhà trong làng gánh lễ vật đến miếu Đại Càn, cầu Bà hộ trì sức khoẻ, đi biển an toàn. Ngày vía Bà cũng là ngày hội của làng Mỹ Khê, có đua ghe và hát bội mấy đêm liền. Song, ngày nay, miếu Bà Đại Càn không còn. Bà đã được nghinh rước vào đình, phối thờ cùng Tiền Hiền, Hậu Hiền của làng. Nghi lễ riêng giành cho Bà cũng không còn, nhưng các kỳ lễ lệ của làng như lễ Xuân Thủ, lễ Kỳ Yên và lễ Cầu ngư, thì Bà Đại Càn vẫn ''có chân'' trong tập thể thần linh được làng hô mời cung thỉnh, cầu xin sự che chở.

Còn như hai làng biển Mân Thái và Nam Thọ, nơi có miếu Bà Đại Càn làm ''đường biên'' thì hiện nay, hai làng này vẫn duy trì lễ kỵ Bà thường niên nhưng không tổ chức một ngày riêng mà lễ chung với ngày vía Bà Thiên Y A Na - vị Thánh Mẫu của làng, vào ngày 24 tháng Giêng Âm lịch.

Có một vài làng biển, tuy Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương không là một thành viên trong tập thể Thần đình, nhưng lại có ''chân'' trong tập thể Thần chi phối việc ra khơi vào lộng của dân biển, đồng thời tác động đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng làng vạn. Trong các lễ Cầu Ngư (chủ thần là cá voi - thần Nam Hải), lễ Tống ôn, Khao ôn (tẩy uế, tống tiễn ôn hoàng dịch lệ trong làng), Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương vẫn giữ vị trí số một trong số các vị thần được ghi trong văn tế (2), (3).

 Qua các bản văn tế đó, ta nhận thấy hiển diện một tập thể đông đảo thần linh hỗ trợ dân biển, mà đứng đầu là Bà Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương. Đây là dấu hiệu khẳng định: ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Tứ Vị Thánh Nương vẫn là Nữ Thần Biển, Chúa Nước, Bà Mẹ Nước của người Việt làm biển.

  Thực tế cho thấy, nghề biển là nghề gặp nhiều rủi ro về tính mạng nhất, nên một đặc trưng trong hệ tín ngưỡng cộng đồng dân biển là họ sùng bái rất nhiều thần linh. Đối với họ, chỉ có bổ sung thêm các Thần chứ không bao giờ bớt đi. Cho nên ngày nay, mặc dù đã có Ngư Ông - Thần Nam Hải, Đông Hải bảo hộ, nhưng người dân biển vẫn không quên Nữ thần Biển Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương. Bản chất thờ phụng không thay đổi, có chăng chỉ là hình thức đổi thay. Trong các ngày lễ lệ, lễ hội của cộng đồng dân biển Quảng Nam - Đà Nẵng hiện nay, Bà Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương bao giờ cũng được cung thỉnh, hô mời với đầy đủ mỹ tự do nhà Nguyễn phong tặng: ''Hàm Hoằng Quảng Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hoá Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Vương Thượng Đẳng Thần''.

Ngược dòng thời gian, xưa kia, khi bước chân lưu dân người Quảng đến đâu thì Tứ Vị Thánh Nương cùng đồng hành, trở thành chỗ dựa tâm linh cho họ ở nơi đó. Chẳng hạn như trên đất Sài Gòn, đình Nam Chơn (29 Trần Quang Khải, Quận I) là một ngôi đình của người Quảng (Hoà Vang - Đà Nẵng) dựng vào khoảng năm 1860, có thờ sắc Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương(4); còn theo nhà nghiên cứu văn hoá Huỳnh Ngọc Trảng thì, chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh, bốn Nữ Thần Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương là đối tượng thờ phụng rất kính tín đối với cộng đồng Quảng Nam di tản ở các đình: Nam Chơn, Tân An, Phú Hoà Vạn, Hoà Mỹ, Sơn Trà (thuộc phường Đa Kao và phường Tân Định - quận 1) (5).

  Xưa và nay ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Tứ Vị Thánh Nương vẫn hiển diện trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng dân biển. Đó là những bằng chứng biểu hiện việc thừa kế di sản tiền nhân của cộng đồng cư dân Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng thời là sự xác tín vai trò của tín ngưỡng này trong đời sống tinh thần, tâm linh cư dân đất Quảng.

Và như thế, có thể xem sự xuất hiện của Tứ Vị Thánh Nương trong đình, lăng, miếu như đã nêu ở trên là biểu hiện của sự thờ phụng chính danh, chính thống một tín ngưỡng có từ vùng quê gốc của cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng.

Nhưng, còn có một thực tế khác  ở Quảng Nam - Đà Nẵng là, có một số làng biển (chủ yếu là bãi dọc) còn sùng bái Bà Dàng Lạch, mà căn cứ vào nghĩa của từ thì đây cũng là một Nữ Thần cửa Biển/ cửa Lạch. Chung quy cũng là dạng Nữ Thần Nước, Thần Biển.

Tại những nơi này, Bà Dàng Lạch ''xuất hiện'' thường xuyên, liên quan đến nguyện vọng cầu mùa biển bội thu, đến việc ra cửa vào lạch của dân biển. Do vậy, ngoài việc được cung thỉnh, cáo tế trong các lễ cầu ngư, Bà còn hiển diện trong các nghi lễ liên quan đến phương tiện, công cụ và hoạt động đánh bắt của dân biển, như: các lễ cúng cửa hay còn gọi là cúng lạch, lễ phạt mộc, tống mộc đưa dăm khi đóng thuyền mới, lễ nhúng nghề, lễ cúng vũng vịnh.

 Đối với dân biển, thuyền / ghe không chỉ là một phương tiện đánh bắt mà còn là ngôi nhà trên biển. Việc đóng mới hay sửa chữa cũng giống như xây nhà hay sửa nhà, do vậy, phải tuân theo những lễ thức cổ truyền như lễ phạt mộc, lễ tống mộc đưa dăm. Những lễ này đều liên quan đến Bà Dàng Lạch. Theo quan niệm của dân biển, Bà Dàng Lạch là một trong những Bà cản trở hoặc hộ trì cho thuyền ra cửa, ra lạch. Lễ phạt mộc phải cúng Bà vì dăm mộc sau đó được tống ra cửa / lạch khi hạ thuỷ. Tiếp theo đó là lễ hành thuyền, nghĩa là cho thuyền ra cửa, lạch. Tại đây, chủ thuyền lại cúng để cầu xin Bà Dàng Lạch cùng các Thần khác cho mỗi lần ra cửa/ lạch được thuận tiện. Vai trò của Bà Dàng Lạch ở lễ hành thuyền rất quan trọng, bởi dân biển xem lễ này như chuyến đi biển đầu tay, mở hàng, là ''Hạ nghệ'' (xuống nghề), nên cần sự che chở, phò trì của Bà.

Một nghi lễ đầu năm của gia đình và cộng đồng làng biển là lễ nhúng lưới hay còn gọi là nhúng nghề, tiến hành vào ngày chẵn đầu tháng Giêng, sau lễ Khai hạ. Lễ nhúng lưới có ý nghĩa như lễ xuống đồng của làng nông nghiệp. Địa điểm nhúng lưới thường diễn ra ở cửa / lạch. Công việc này được coi là chuyến đi biển đầu mùa, còn gọi là đi mở hàng hay ''đi mai xưa'', do đó phải cúng các Thần cửa/ lạch chu đáo trước khi nhúng lưới. Một bàn lễ được bài trí ở mũi thuyền với lễ vật đơn giản, gồm: hương, đăng, hoa quả, áo mã và lốt (hình vẽ) bà Thuỷ. Chủ thuyền hoặc trưởng vạn cúng cầu Bà Thuỷ cùng các vị thần khác ở trên sơn dưới thuỷ, trong đó có Bà Đại Càn.

Lễ cúng vũng, vịnh là một trong những nghi lễ quan trọng liên quan đến hoạt động đánh bắt của cư dân biển, nhằm cầu xin sự bảo trợ của Bà Ngũ Hành, Bà Đại Càn, Cô Bác cho ghe thuyền neo đậu an toàn khi gió bão. Lễ này được tiến hành thường niên, sau lễ cầu ngư ít ngày, với vật cúng gồm: thịt, cá, hình nhân thế mạng, lốt cá voi, lốt Bà Thuỷ, Bà Ngũ Hành, lốt ngũ quỷ câu trận (năm con vật linh: ba con đẻn và hai con vích) vật tam sanh (tôm, cua, trứng). Trong lễ này, Bà Đại Càn cũng được cáo mời, mặc dù  không có lốt (hình vẽ) của Bà.  

 Từ Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương - Nữ Thần Biển mà trung tâm trú sở là Cửa Cờn / Lạch Cờn đến Bà Đại Càn ở biển Quảng Nam - Đà Nẵng rồi lại thành Bà Dàng Lạch cai quản các cửa / lạch ở vùng này, thì có thể xem đó là biểu hiện sinh động của sự tiếp biến hình mẫu Tứ Vị Thánh Nương ở Quảng Nam - Đà Nẵng; mặt nữa còn phản ánh sắc thái địa phương của tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương, bên cạnh tính phổ cập của tín ngưỡng này.

Biểu hiện tính địa phương của tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương ở Quảng Nam -  Đà Nẵng cũng cho thấy đã có sự giao thoa văn hoá giữa cư dân Việt và cư dân thổ trước (một số dân tộc sống dọc Trường Sơn chẳng hạn), trong đó có người Chăm cổ ở vùng này. Như mọi người đã biết, các vị thần sông, thần suối của người Tây Nguyên được gọi chung là Dàng / Giàng. Vậy, rất có thể là, hình mẫu Bà Đại Càn - Bà Lạch Cờn khi ''vân du'' đến vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng đã hoà nhập với các Dàng sông, Dàng suối Tây Nguyên để chuyển hoá thành Bà Chúa Nước với tên gọi thuần Việt là Dàng Lạch. Việc suy tôn Bà này là ''Dàng Lạch Chúa Nước Nương Nương'' ở Quảng Nam - Đà Nẵng như đã phần nào cho thấy mối quan hệ cũng như sự ''biến hình'' của Tứ Vị Thánh Nương ở một vùng ngoại biên.

Hoặc giả cũng có thể, Bà Đại Càn đã hoà nhập với Bà Pô Nư Gar - Mẹ Nác/ Nước của người Chăm, để trở thành một Bà Chúa Nước, một Mẫu Thuỷ  của cư dân ven biển, như quan niệm của một vài người nghiên cứu.

Kết luận

1. Trong đời sống tâm linh cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng, tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương đã có vị trí rất quan trọng. Những ký ức được trao truyền, những bản sắc phong, những dấu tích về Tứ Vị Thánh Nương đã khẳng đây là một dạng thờ Mẫu ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Sự trường lưu của tín ngưỡng này hình như độc lập với sự thay đổi, biến thiên của thời cuộc và nghề biển. Từ trung tâm Đền Cờn / Lạch Cờn, Tứ Vị Thánh Nương đã cùng lưu dân Việt xuôi về phương Nam theo đường biển, mà Quảng Nam - Đà Nẵng là một bến đỗ trên bước đường Nam tiến của dân tộc Việt. Dừng chân tại vùng đất ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng, Tứ Vị Thánh Nương đã gắn bó với cư dân, nhất là cộng đồng cư dân làm nghề biển. Sự mưu sinh bằng đường nước khiến việc thờ phụng Tứ Vị Thánh Nương của cư dân Việt ở Quảng Nam - Đà Nẵng  có phần giản dị, so với vùng trung tâm. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương truyền lưu theo con đường dân dã, đậm yếu tố của cuộc sống ''đi khơi, đi lộng, ra cửa vào lạch''. Bốn vị Thánh Nương, do đó, đã được hô gọi theo cách của dân biển - Bà Đại Càn/ Bà Dàng Lạch. Danh xưng mới của Tứ Vị Thánh Nương, một mặt xác tín vai trò ''ngư nghiệp'' của các Bà, mặt nữa như phản ánh sự gặp gỡ giữa Tứ Vị Thánh Nương và các Nữ Thần của cư dân thổ trước ở nơi đây, để rồi, trong tiến trình phát triển cuộc sống, tất cả đã hoà kết vào trong hình mẫu truyền thống, sâu đậm trong tâm thức cư dân biển. Đó chính là Bà Đại Càn - Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương

2. Do hạn chế về trình độ và tư liệu, tác giả bài viết này chưa so sánh để nêu bật tính phổ biến của tín ngưỡng Tứ Vị Thánh Nương (đã được xác tín là một dạng tín ngưỡng ngư nghiệp biển). Tuy nhiên, từ một vài ''quan sát trực quan'' trên một vài tư liệu, chúng tôi có cảm nhận, tín ngưỡng biển dạng Nữ Thần này hình như còn mang tính khu vực, ở đây muốn nói đến các nước thuộc khu vực văn hoá Đông Á. Lấy trường hợp Nhật Bản chẳng hạn: Đời sống văn hoá tín ngưỡng của người Nhật truyền thống cho thấy, cá và tín ngưỡng liên quan đến biển có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá, phong tục của cư dân xứ sở mặt trời mọc. Trong đời sống tín ngưỡng, người Nhật sùng bái Ningyo, một Nữ Thần Biển hoá thân dưới dạng một người đàn bà tóc dài, mình người đuôi cá. Nữ Thần ở trên một tảng đá ngoài biển khơi. Đó là một Phúc Thần của người Nhật. Nhiều địa phương ở Nhật thờ Bà, từ Aomori phía Bắc cho đến đảo Kyushu ở phía Nam. Tương truyền, những sự không may trong cuộc sống, hoặc chiến tranh sắp bùng nổ thì đều được Nữ Thần hiện lên báo trước cho người dân biết.

 Nhật Bản là một dân tộc tiêu thụ nhiều cá nhất trên thế giới. Cá biển và những sản phẩm từ biển đã in đậm dấu ấn trong đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của người Nhật từ xưa cho đến nay. Một trong những món ăn  không thể thiếu trong ngày tết của mọi gia đình Nhật bản là món Kazunoko, tức là món trứng cá trích, gắn với niềm tin trứng cá trích rất tốt cho sức khoẻ.

Dấu ấn của cá, biển còn in đậm trong phong tục Nhật Bản. Tango, nghĩa là Tết Đoan Ngọ, là lễ hội dành cho con trai, tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5. Ngày này, những chiếc bong bóng hình cá chép được treo trên những cây nêu, có ý nghĩa tượng trưng sức phấn đấu của con trai. Hay như trong những dịp tổ chức Chúc lễ (Oiwai) mang tính tôn giáo, thể hiện quan niệm của người Nhật về mối quan hệ giữa con người và thánh thần, là dịp bày tỏ tình cảm của người đối với thánh thần, thì, một lễ vật phải có để dâng lên thánh thần, đó là một con cá hường (Tai) nguyên con, nấu chín, gọi là Kashirazuki(6)

 Một vài hiện tượng có tính chất tản mạn về văn hoá Nhật Bản mà chúng tôi được biết qua sách vở, nhưng đã khiến chúng tôi suy nghĩ, phải chăng có mối liên hệ, giao lưu, ảnh hưởng văn hoá hay chỉ là sự tương đồng tự nhiên, gắn với tư duy thống nhất của các cộng đồng cư dân sống gần biển đảo?

                                             Tài liệu tham khảo

1. Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục (Hiệu đính - dịch chú Trần Đại Vinh, Hoàng Phúc), Nxb Thuận Hoá, Huế

2. Nguyễn Xuân Hương (2005), ''Lễ Tống ôn của cư dân ven biển xứ Quảng'', Văn hoá Nghệ thuật (6), tr. 43-46.

3. Nguyễn Xuân Hương (2005), ''Về tục thờ Mẫu của cư dân ven biển xứ Quảng'',Văn hoá Dân gian (2), tr.39-45.

4. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2000), Văn hoá dân gian làng ven biển, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

5. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

6. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2002), Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

7. Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Viện Văn hoá, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.

Chú thích

(1)  Khánh thành Đại Càn miếu văn

Cảm cáo vu:

Sắc tặng Hàm hoằng, Quang Đại, Chí đức, Phổ bác, Hiển hoá, Trang huy, Gia tặng Dực bảo Trung Hưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Thượng đẳng thần

Tả ban liệt vị, Hữu ban liệt vị chư tôn thân

Bộ hạ liệt vị đồng lai phụ hưởng

Viết cung duy

Tôn thần Phù dư dục tú, Quang nhạc chung linh, Hiển hoá trang huy, khôn nguyên chí đức; Hàm hoằng Quang đại, Khổn phạm nghi hình.Dực bảo Trung Hưng tứ vị, Thần kỳ tứ hựu trước phong thượng đẳng bửu trùng ân trọng bao vinh tằng phụng sự vu tích  niên dực dực tác miếu, nãi sùng tư ư kim nhật thực thực kỳ đình, đan hộ kỳ đồ tranh tư tiêu cung chi xác xán. Uyên ương hợp ngoả hồn như quế điện chi tranh vanh tải cơ tải lạc, kỳ chính kỳ minh. Thần chi cách tư dương hồ như tại. Thần sở lao hỉ diệc mạc bất ninh. Tiết phùng xuân lệnh, lễ cáo công thanh. Phục kỳ quang lâm, bảo toà chiếu giám đan thanh, tỉ hương chức vĩnh tăng lộc thọ, hựu binh dân cộng khánh phong doanh. Ngưỡng lại tôn thần chi đại đức dã. Cẩn cáo!.

(2) Trích văn tế Cầu Ngư ở Tam Hải (Quảng Nam) làm minh chứng:

... Xuất tiết giới kỳ lễ lệ cầu ngư phát xuất

...Cẩn cáo vu:

- Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Chi Thần, sắc tặng Hàm Hoằng Thượng Đẳng Thần.

- Tam giáo, Thánh Hiền Ba Công Kỹ Nghệ Chi Tiên Sư

- Quan Thánh Đế Quân sắc tặng Hộ Quốc Tý Dân Chi Công Đức Thượng Đẳng Thần.

- Khâm Sai Bắc Quân Đô Đốc, sắc tặng Thái Bảo Quận Công Chi Thần.

- Thiên Y A Na Diễn Phi sắc tặng Hường Nhơn Linh Ứng Thượng Đẳng Thần.

- Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần.

- Giàng Phi Phu Nhân Chi Thần.

- Hà Bá Thuỷ Quan Chi Thần.

- Hoằng Phi Quảng Trạch Thượng Đẳng Thần.

- Bổn Xứ Thành Hoàng Chi Thần.

- Thái Giám Bạch Mã Chi Thần.

- Đương Cảnh Thổ Địa Chánh Thần.

- Công Hàm Tư Chỉ Tiên Sư Linh

- Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, Đức Thánh Phi, sắc tặng Trung Đẳng Thần.

- Đông Nam Sát hải Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân sắc tặng Dũng Mãnh Chi Thần.

- Ngũ Phương, Ngũ Đế, Ngũ Vị Long Vương Chi Thần.

- Tả Ban, Hữu Ban Chư Vị Tôn Thần.

- Văn Võ tướng Quân Chi Thần.

- Ốc Tiêu, Sơn La Tiêu Diện Đại Sĩ Diệm Khẩu Quỷ Vương Chi Thần.

- Chủ Ngung Ma Vương Chi Thần.

- Ngũ Phương Trụ Trạch Thần Quan Chi Thần.

- Tiền Hiền khai khẩn Hậu Hiền khai cơ.

- Tiên Đại Bá Vương, Thập loại Cô Hồn đồng lai phối hưởng.

Tổ Quốc Việt Nam muôn đời gấm vóc, núi sông giàu đẹp trải khắp Bắc, Nam, Trung. Đức Ngọc Lân ngoài biển cả an lành, xây rún bạc ơn hải hà đãi ngộ, cập chúng sinh đức hiền độ thế an dân, sâu thăm thẳm phò trì ngư nghiệp. Sở đắc kỳ công sản phẩm hằng hà, biển đông vô tận mênh mông lai láng mặc sức thuyền đua, tối diệu tối linh tạo nguồn sống ngư dân toạ lạc. Đức cao dày hải hà vô biên, phổ cập ơn trên ngư dân đại lợi.

Nay nhân xuân tiết giới kỳ lễ lệ cầu ngư vụ mùa xuất phát, Tân Xuân Kỷ Sửu thắng lợi kỳ công. Đoàn thuỷ thủ ra quân đánh bắt, đoàn thuyền tàu lướt sóng tầm ngư, thu hoạch sản lượng tối đa vượt mức. Hiệp toàn bổn vạn thành tâm trần thiết lễ nghi, sở nguyện lộ kỳ ơn vũ lộ chứng minh chi chúc. cẩm kỳ lễ vật phò trì tài lợi phương minh phổ cập, ngư dân bình an tấn phước. Thuyền nội hiển lai tài phát đạt. Ngư dân khương thái bình an, nhờ ơn chi linh độ thế gia phúc tài đa. Đẳng cập ngư dân chi huệ giã. Phục di cẩn cáo.

(3) Trích văn Tống Ôn ở một làng biển Hội An làm minh chứng

. ... Xuân tiết lễ lệ, cầu an, cầu ngư, cẩn dĩ sanh tư, kim ngân ba quả, thứ phẩm chi nghi.

Cảm cáo vu

- Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương Tôn Thần.

- Ngũ Hành Tiên Nương Chúa NgọcTôn Thần.

- Thái Tuế Bạch  Mã Chí Đức Tôn Thần

- Bổn xứ Thần Hoàng Tôn Thần.

- Khổng Lồ Giác Hải Tiên Nương Tôn Thần.

- Bà Giàng Chúa Ngọc Thần Nữ

- Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần

- Bổn Xứ Chi Thần.

- Tứ Nương Thành Quốc Công Tôn Thần

- Thuỷ Long Tinh Thần Nữ Chi Thần

- Hạ giới, Thuỷ Khí, Thuỷ Tinh, Thuỷ Long Thần Nữ Tôn Thần.

- Chánh Chúa Cản Môn Chi Thần

- Bổn Xứ Ông Ngư, Bà Ngư Chi Thần

- Thuỷ Tinh, Thuỷ Độc Đơn Lâm Đại Đế.

- Hiển Chài, Hiển Lưới Tôn Thần

- Thuỷ Khí, Thuỷ Ma Tôn Thần

- Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai cơ Lịch đại Tôn Nhân

- Nường Dục Mẫu tử nương nương Tôn Thần

- Chiến sĩ trận vong liệt vị

- Thập loại cô hồn đồng đẳng chúng

- Cao Các Quảng Độ Đại Vương Tôn Thần

- Thiên Y A Na Bà Dàng Chúa Ngọc Tôn Thần

- Ngũ Hành sơn Tinh Liệt Vị, Thuỷ Tinh Tôn Thần

- Dương Bà Phu Nhân Tôn Thần

- Lôi Công Thánh Mẫu Phong Bá Võ Sư Tôn Thần

- Đông Nam Sát Hải Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân

- Đương Cảnh Thổ Địa Phước Đức Chánh Thần

- Thạch Sơn, Thạch trụ Tôn Thần.

- Tam Vị Thái Tử Thần Quan

- Mộc trụ Diễn Thần Chi Thần

- Bà Giành Lạch Chúa nước tôn thần

- Cao Trận Đằng Xà Chi Thần

- Giang Hà Hải Ngạn Chi Thần

- Sơn Xuyên Độc Tụng Chi Thần

- Cư Lực, Cư Binh Chi Thần

- Lý Ngư, Lý Lực Chi Thần

- Địa Phủ, Tổ Hoàng Đại Đế

- Đông Trù Tư Mạng Táo Phủ Thần Quan

- Ngũ Phương Ngũ Đế Ngũ Vị Long Vương Chi Thần

- Tả Hữu Biên Giang Liệt vị Chi Thần

- Tả Ban Chủ Dương Thần Liệt Vị

- Hữu Ban Chủ Âm Thần Liệt Vị

- Quý Cô Quý Cậu Liệt Vị

- Hậu Hiền Võng Nghệ Cái Thế Chư tôn linh Liệt Vị

- Cặp Bộ hạ thị tùng, Tiêu Diện Đại Sĩ Diệm Khẩu Quỷ Vương

- Thống lãnh Thập nhị loại Cô Hồn, Âm Hồn, Chiến Sĩ Trận Vong

Viết cung di Tôn Thần chi gia huệ giã

Phục Nguyện:

Xuân đa kiết khánh

Hạ bảo bình an

Thu tống tam tai

Đông nghinh bá phước

Nhất thành thượng đạt

Vạn tội băng tiêu

Nguyện chư hương hồn đắc đạo cao siêu

Cầu cho bổn xã bổn thôn tài ba lộc lợi

(4) Kim Thạch, Đình Nam Chơn, một di tích lịch sử của người Quảng Nam trên đất Sài Gòn, Văn Hoá Quảng Nam số 34, tr 37, 38.

(5) Sở Văn hoá -Thông tin Quảng Nam (2001), Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam ( Kỷ yếu hội thảo khoa học), Quảng Nam, tr.355.

(6). Ph. D Lý Kim Hoa (2006), Để hiểu văn hoá Nhật Bản, Nhà xuất bản Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.89, 218,228, 241.