Nội san

Mô hình đào tạo mỹ thuật tại Học viện Mỹ thuật Pohchang - Thái Lan

24 Tháng Bảy 2015

TS.  Hoàng Minh Phúc

                                                                                           Trường  Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ chí Minh

 

Thái Lan là một đất nước không chỉ có một nền văn hóa phong phú và sâu sắc mà còn là một quốc gia rất quan tâm tới vấn đề đào tạo nghệ thuật. Học viện mỹ thuật PohChang (PohChang Academy of Arts) là một trong 6 học viện lâu đời nhất thuộc Đại học công nghệ Rajamangala - Bangkok, Thailand. Được thành lập từ năm 1913, Học viện Mỹ thuật PohChang có quá trình đào tạo mỹ thuật hơn 100 năm với nhiều chuyên ngành như hội họa, đồ họa, điêu khắc, thiết kế nội thất, mỹ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh, gốm, sơn mài, mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ…. Chương trình đào tạo của trường chia làm hai nội dung rất cụ thể, đó là: Giữ gìn nền mỹ thuật và văn hóa Thái truyền thống (Thai Arts) và Tiếp thu phương pháp sáng tác hàn lâm châu Âu, thử nghiệm các xu hướng đào tạo mỹ thuật trên thế giới.

1. Giữ gìn nền mỹ thuật và văn hóa Thái truyền thống (Thai Arts)

Việc giáo dục nghệ thuật truyền thống là một chương trình bắt buộc của người Thái đối với sinh viên Thái. Chương trình đào tạo này nhằm giúp sinh viên hiểu và bảo tồn vốn mỹ thuật cổ, đồng thời phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống trong các tác phẩm đương đại. Sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ hai đều phải học nghệ thuật truyền thống một cách nghiêm túc với các chất liệu, kỹ thuật truyền thống được đưa vào nghiên cứu, giảng dạy như sơn mài, kỹ thuật khảm, dệt, nhuộm…

Trong các sáng tác của mình, sinh viên có thể sử dụng kiểu không gian bình đồ, hay thấu thị phi điểu phương Đông để mô tả cỏ cây, cảnh vật, con người và họ thường vẽ rất chi tiết. Từ những phong cách này, các sinh viên có thể chuyển sang đề tài hiện đại. Sau những kỳ học như vậy, nhà trường tổ chức triển lãm tranh và bài học của sinh viên về nghệ thuật truyền thống Thái. Các cuộc triển lãm luôn được các giảng viên, ban lãnh đạo nhà trường và một số các tổ chức khác quan tâm và tài trợ cho các sinh hoạt truyền thống tương tự. Ví dụ như Trung tâm Phật giáo Suan Mokkh Bangkok (BIA) là nơi thiền định, giảng dạy Phật giáo, dạy tiếng Thái, thảo luận và thường xuyên tổ chức các triển lãm về đề tài Phật giáo hoặc đề cao nghệ thuật truyền thống Thái Lan. Họ quan niệm nền tảng cho việc bảo tồn lịch sử và kiến thức trong nghệ thuật truyền thống thiêng liêng là hỗ trợ các họa sĩ sáng tác. Các truyền thống cổ xưa chỉ có thể bảo tồn bằng cách hỗ trợ và quảng bá những tác phẩm đó để nhân loại biết đến.

Nghệ thuật truyền thống Thái Lan chủ yếu phục vụ tôn giáo và nghệ thuật như là một con đường hoạt động tâm linh là một phương tiện hiệu quả để truyền đạt Phật pháp đến với tín đồ, các tác phẩm vừa phản ánh nguyên lý Phật giáo, vừa (như là cách) để củng cố lòng tin và nghệ thuật có sức mạnh để tạo ra sự thay đổi sâu - cả bên trong chúng ta và trên thế giới… Tranh cổ Thái không tả thực, không mô phỏng tự nhiên mà là sự nhận thức của con người, sự phản ánh tư duy, sự hiểu biết, niềm tin và trí tưởng tượng. Tranh tái hiện tất cả các câu chuyện về Đức Phật; tái hiện con người, động vật, sự vật và thiên nhiên tham gia vào cuộc đời của Ngài.

Nhìn chung, phong cách Thai Arts được giảng dạy trong các trường nghệ thuật ở Thái Lan và được các nghệ sĩ Thái yêu thích như một sự tôn kính hoàng gia và đất nước. Phần lớn các nghệ sĩ Thái đều thích đưa nghệ thuật truyền thống vào trong tác phẩm của mình, từ nghệ thuật đình chùa, nghệ thuật trong cung điện, đến nghệ thuật dân gian… tất cả bắt nguồn từ thực tế cuộc sống của nhân dân, mang giá trị thẩm mỹ, yếu tố chính trị, xã hội, kinh tế và giáo dục. Trên cơ sở đó, họ kết hợp những bút pháp hiện đại và tạo ra nền nghệ thuật đương đại mang màu sắc Phật giáo và dân tộc sâu sắc.

2. Tiếp thu phương pháp sáng tác hàn lâm châu Âu song hành cùng việc đào sâu nghiên cứu nền mỹ thuật cổ

Phong cách tả thực châu Âu đến Thái Lan theo chân những nhà truyền giáo phương Tây từ năm 1827, song phải đến đầu thế kỷ 20 phong cách tân cổ điển mới được sử dụng rộng rãi qua các công trình kiến trúc bằng đá cẩm thạch mang từ Italy để xây dựng Throne Hall của Ananta Samkom. Những phong cách này cũng là tiền đề cho các họa sĩ đương đại Thái Lan chuyển dần từ phong cách khái niệm hiện thực sang hiện thực thị giác. Năm 1924, khi điêu khắc gia người Ý Corodo Feroci đến Thái Lan và thành lập trường Mỹ thuật Hoàng gia (ông cũng được coi là cha đẻ của nghệ thuật hiện đại Thái Lan), các họa sĩ Thái Lan mới được học các môn khoa học như giải phẫu, luật phối cảnh, các kiến thức về ánh sáng và bóng tối…. Nhiều tác phẩm tranh tường Thái Lan giai đoạn đầu là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách truyền thống và nghệ thuật hiện đại nói trên.

Sau hai năm đầu tiếp cận với những bài học truyền thống, từ năm thứ ba sinh viên tại PohChang được tiếp cận và thử nghiệm mọi thủ pháp, khuynh hướng mới. Các bài học về nghệ thuật đương đại giúp sinh viên cập nhật thông tin và các sự kiện nghệ thuật hiện nay ở các nước trong khu vực và thế giới. Từ đó, sinh viên cũng lựa chọn cho mình hình thức thể hiện và chất liệu phù hợp để tốt nghiệp. Đến năm thứ tư, sinh viên phải thực hiện bài tốt nghiệp và bảo vệ trước hội đồng những công việc sinh viên đã thực hiện từ ý tưởng, chủ đề, hình thức thể hiện, chất liệu lựa chọn, kỹ thuật thể hiện… Đề tài tốt nghiệp được mở rộng, sinh viên có thể lựa chọn bất cứ đề tài nào mình muốn và từ đó lựa chọn những hình thức thể hiện phù hợp. Nếu trong quá trình nghiên cứu và thể nghiệm tác phẩm, hình thức đã lựa chọn không phù hợp, sinh viên có thể thay đổi.

3. Bảo tàng và gallery góp phần thúc đẩy sự phát triển của việc đào tạo  mỹ thuật tại Thái Lan

Trong quá trình học đại học, sinh viên được đi tham quan một số bảo tàng và gallery tiêu biểu. Với các triển lãm mang tầm quốc gia, sau khi triển lãm tại thủ đô Bangkok, sẽ được tiếp tục giới thiệu đến các tỉnh khác ở Thái Lan nhằm tạo cơ hội cho mọi người thưởng thức và sinh viên học tập. Bảo tàng mỹ thuật ở bất kỳ quốc gia nào đều đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Việc tham quan bảo tàng là một trong những yêu cầu bắt buộc trong suốt quá trình đào tạo nghệ thuật tại các trường đào tạo mỹ thuật của Thái Lan. Sinh viên Thái Lan có thể hiểu được toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử mỹ thuật dân tộc thông qua các sưu tập tài liệu hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng.

Các gallery cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của các họa sĩ trẻ (đang lên), tạo không gian cho nghệ thuật cho các họa sĩ đã có hoạt động nhiều năm giới thiệu tác phẩm đến người xem. Đây cũng là nơi giới thiệu nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ quốc tế thông qua đội ngũ giám tuyển chuyên nghiệp phụ trách hội thảo, triển khai các dự án nghệ thuật, lựa chọn họa sĩ và các tác phẩm để trưng bày.

4. Nghệ thuật đương đại và nghệ sĩ đương đại Thái Lan

Từ những xu hướng đào tạo trên, các họa sĩ Thái Lan ngày nay chia thành ba nhóm sáng tác chính: nhóm nghệ thuật truyền thống, nhóm nửa nghệ thuật truyền thống và nhóm không thuộc truyền thống. Từ đó sinh ra ba quan niệm khác nhau trong sáng tác: quan niệm truyền thống, truyền thống kết hợp với hiện đại và quan niệm mới. Những họa sĩ giữ quan niệm truyền thống vẫn sáng tác các chủ đề liên quan đến Phật giáo như cuộc đời Đức Phật, triết lý nhà Phật, các câu chuyện thần thoại và đức tin…. Các họa sĩ kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại trong sáng tác cũng được đào tạo theo kiểu truyền thống nhưng ảnh hưởng kỹ thuật và phong cách nghệ thuật phương Tây, nhưng họ có thể tích hợp các phong cách khác nhau và tạo ra biểu hiện riêng về nghệ thuật. Tác phẩm của họ đề cập mọi vấn đề trong cuộc sống, từ chân dung các vị vua, lễ hội, đạo Phật, cuộc sống thường ngày của người dân từ nông thôn tới thành thị, những vấn đề về mội trường và xã hội hiện nay… Các họa sĩ theo quan niệm mới không phụ thuộc vào bất cứ yếu tố nào, bất cứ chủ đề nào, họ cũng có thể kết hợp nhiều loại phương tiện (nghệ thuật đa phương tiện) thông qua sự thống nhất của tác phẩm nghệ thuật và cá nhân nghệ sĩ.

Khác với Việt Nam, nghệ thuật đương đại Thái không nhằm đề cao và bó hẹp vào tên tuổi một số họa sĩ trẻ (đương đại) và thể nghiệm các loại hình nghệ thuật mới mà đa dạng ở nhiều độ tuổi. Nhiều họa sĩ đương đại của Thái Lan là các họa sĩ lão thành (ở độ tuổi trên 60-70), căn cứ trên hoạt động sáng tác tích cực, kinh nghiệm sáng tác và đóng góp (tác phẩm) của họ đối với nền nghệ thuật nước nhà như: Thawan Duchanee (1939), Vasan Sitthiket (1957), Chalermchai Kositpipat (1955)…. Sáng tác của họ dù theo phong cách truyền thống, nửa truyền thống hay quan niệm mới đều toát lên tinh thần và bản sắc Thái. Các họa sĩ này cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ (cấp Quốc gia), hưởng lương của nhà nước hàng tháng để sáng tác, được bảo hiểm y tế và chế độ lương hưu. Danh hiệu Nghệ sĩ được Ủy ban Văn hóa Quốc gia Thái Lan phong tặng cho các nghệ sĩ hàng năm nhân dịp Quốc khánh của các nghệ sĩ ngày 24/2 từ nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn (múa, múa rối, điện ảnh)… Đối với mỹ thuật, được vinh danh là Nghệ sĩ quốc gia là một niềm vinh dự, các họa sĩ đều có quyền tham gia các hoạt động mỹ thuật trong nước, từ triển lãm toàn quốc đến các triển lãm định kỳ ba năm một lần dành cho hội họa, đồ họa, điêu khắc và triển lãm tài năng trẻ hàng năm, các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế, các triển lãm được tổ chức tại các học viện nghệ thuật hoặc các tổ chức văn hóa… Họa sĩ nào đoạt giải thưởng ba lần trong các triển lãm (cấp Quốc gia) đó sẽ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ.

Mô hình đào tạo mỹ thuật tại Học viện mỹ thuật PohChang với bề dày hơn 100 năm tuy chưa phải là một mô hình tối ưu, song với cách thức đào tạo lấy truyền thống làm nền tảng để phát triển và không ngừng tiếp thu những hình thức nghệ thuật mới đã làm cho nền mỹ thuật Thái Lan vừa hiện đại vừa mang bản sắc riêng không lẫn với bất cứ quốc gia nào.

 

                                                 Tài liệu tham khảo

1. Boonchai Bencharongkul, Thai Contemporary Eye, Museum of Contemporary Art

2. Silpa Bhirasri (2006), Contemporary Art in Thailand, Fine Arts Department

3. Steve Van Breek, Luca Invernizzi (1999), The Arts of Thailand, Periplus Editions.

4. Turner Caroline (2005), Art and social change: contemporary art in Asia and the Pacific, Pandamis Books, Research School of Parcific and Asian Studies, the Australian National University.