Nội san

Dạy học tích cực môn Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên

25 Tháng Bảy 2015

                                                                                           Phạm Thị Minh Thơm

 

                                 

Đối với các trường sư phạm, việc đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học… là một bước đón đầu, đi trước và song hành đổi mới phương pháp dạy học ở phổ thông. Các môn học nói chung, môn Âm nhạc nói riêng, việc nâng cao chất lượng học tập của sinh viên với mục tiêu hình thành những kỹ năng cần thiết cho sinh viên là một vấn đề rất cần sự quân tâm của những người làm công tác giáo dục. Thực tiễn đó đặt ra nhiệm vụ cho các giảng viên dạy môn Âm nhạc là: sử dụng phương pháp dạy học như thế nào để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học? Làm thế nào để điều khiển được trí tuệ của người học trong quá trình dạy học?

1.      Đặt vấn đề

Trong xu thế hội nhập hiện nay, giáo dục Việt Nam đang đứng trước thách thức mới, việc nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước là một tất yếu khách quan. Chúng ta đang quyết tâm thực hiện chiến lược đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường sư phạm, vì: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.Nghị quyết số 29 - NQ/TW Trung ương Đảng trong hội nghị lần thứ VIII, BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nêu rõ: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học”. Vấn đề cấp bách nhất trong giáo dục nước ta hiện nay là chất lượng giáo dục… Chất lượng giảng dạy và học tập của sinh viên nhìn chung còn thấp so với mục tiêu giáo dục, với yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội … Các trường sư phạm nói chung chưa được tạo điều kiện tham gia tích cực vào đổi mới giáo dục phổ thông. Nhiều sinh viên ra trường khả năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống còn hạn chế, chưa có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng trong ngành nghề và công nghệ.

Tích cực hóa hoạt động nhận thức của sinh viên là một nhiệm vụ chủ yếu của người thầy trong quá trình dạy học được nhiều cấp, ngành quan tâm, nhiều giảng viên hưởng ứng, trở thành phong trào rộng khắp trong các trường sư phạm. Song kết quả đạt được cưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của người học. Một bộ phận không nhỏ giảng viên vẫn sử dụng phương pháp dạy học theo lối truyền thụ một chiều: thuyết trình, thậm chí đọc chép. Sử dụng các phương pháp mới còn chưa đồng bộ, thường xuyên chưa trở thành nhu cầu cho cả người dạy lẫn người học, sinh viên thụ động và không phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của mình, giảng viên hầu như không nhận được sự phản hồi từ phía sinh viên để điều chỉnh quá trình giảng dạy của mình.

Đổi mới phương pháp dạy học và tích cực hóa hoạt động nhận thức của sinh viên luôn là vấn đề được các nhà khoa học giáo dục tâm huyết đã và đang ra sức nghiên cứu. Vấn đề này vẫn đang được thảo luận sôi nổi mạnh mẽ ở các diễn đàn giáo dục, các tạp chí khoa học - giáo dục, các hội thảo, hội nghị về giáo dục - đào tạo, các lớp tập huấn về phương pháp dạy học tích cực. Hiện nay toàn ngành giáo dục Việt Nam đang khẩn trương, quyết liệt triển khai nghị quyết số 88/2014/QH13 “Đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông”.

Qua khảo sát thực tế việc dạy và học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên cho thấy: chất lượng học tập các môn chung, trong đó có môn Âm nhạc còn chưa cao. Số đông sinh viên chưa thực sự hứng thú học tập, chưa phát huy được tính tích cực sáng tạo của mình. Trong quá trình giảng dạy, việc đổi mới để tìm kiếm một phương pháp dạy học thích hợp cũng được các giảng viên quan tâm đến song còn chưa đồng bộ, thường xuyên và chưa có quy trình mang tính khoa học. Trong hoàn cảnh đó người dạy và người học chưa thực sự có điều kiện phát huy hết khả năng của mình nên hiệu quả dạy học chưa cao. Vì vậy, để góp phần nâng cao phẩm chất, năng lực, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học trong quá trình học tập, đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục đào tạo, đề tài: “Dạy học tích cực môn Âm nhạc cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên” giải quyết được những vấn đề mà người dạy, người học đang quan tâm trong phạm vi môn Âm nhạc.

2. Tổ chức các hoạt động thảo luận nhóm và động não trong dạy học tích cực môn Âm nhạc Trường CĐSP Thái Nguyên

Môn Âm nhạc vừa là môn chính khóa trong chương trình đào tạo vừa mang tính chất ngoại khóa nghiệp vụ rất quan trọng đối với sinh viên sư phạm, song kết quả điều tra ở Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên Thái Nguyên cho thấy phần lớn giáo viên và sinh viên chưa có hứng thú dạy và học, mặc dù họ đều nhận thức được tầm quan trọng của nó. Giảng viên chưa tích cực tìm kiếm một phương pháp giảng dạy hữu hiệu nhằm thay đổi không khí học tập và nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó sinh viên vẫn còn thụ động, chưa chịu khó tự mình nghiên cứu học hỏi, học đối phó. Người dạy, người học đều nhận thức được những ưu điểm của phương pháp thảo luận nhóm, song một số giáo viên còn hết sức dè dặt khi sử dụng phương pháp này vào quá trình giảng dạy. Nguyên nhân cơ bản là do thói quen giảng dạy (chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình, diễn giảng) và do chưa xây dựng được một quy trình cụ thể, chưa rèn luyện được những kĩ năng thành thạo trong việc tổ chức cho sinh viên thảo luận nhóm và hoạt động động não.

 

Ảnh: Một giờ học âm nhạc của sinh viên trường nghệ thuật( Nguồn: st)

 

Từ thực trạng trên, chúng tôi thấy cần nghiên cứu xây dựng nội dung quy trình dạy học tích cực trong môn Âm nhạc phù hợp để từ đó nâng cao chất lượng dạy và học  môn Âm nhạc cho sinh viên hệ Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực trong dạy học môn Âm nhạc cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên để đạt được hiệu quả cao thì giảng viên cần phải tuân theo một hệ thống các khâu từ việc thiết kế bài giảng theo hướng vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, sử dụng kết hợp các phương tiện, thiết bị vào quá trình dạy học, thực hiện đúng tiến trình dạy học trên lớp, tổ chức thực hiện nghiêm túc và kiểm tra, đánh giá kết quả đạt được để rút kinh nghiệm góp phần hoàn thiện hơn việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học.

 

Bằng các kĩ thuật khác nhau chúng tôi đã tổ chức thực nghiệm sư phạm với quy trình của phương pháp thảo luận nhóm và động não trong dạy học môn Âm nhạc đã đề xuất. Kết quả thực nghiệm cho thấy, một số hiệu quả dạy và học môn Âm nhạc được nâng lên đáng kể, điều này chứng tỏ tính khả thi của các biện pháp tác động. Những biện pháp trên góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Âm nhạc cho sinh viên tại trường Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Qua đó, giúp sinh viên của trường có tri thức cơ bản về âm nhạc. Hơn nữa nhận thức về mọi mặt của cuộc sống nhạy bén hơn, sâu sắc hơn, góp phần hình thành phát triển và hoàn thiện nhân cách để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Nghiên cứu và triển khai thực hiện: “Dạy học tích cực môn Âm nhạc cho sinh viên Trường CĐSP Thái Nguyên”. Chúng tôi rút ra một số nội dung chính như sau:

Dạy, Học theo hướng phát huy tính tích cực của sinh viên là một yêu cầu cấp thiết nhằm đào tạo nguồn nhân lực ở thế kỷ 21 năng động, sáng tạo, có phẩm chất tốt, năng lực cao, đáp ứng cho quá trình sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển đất nước trong xu thế hội nhập. Vận dụng  phương pháp Tổ chức các hoạt động thảo luận nhóm trong dạy học tích cực môn Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên phải phù hợp với nội dung chương trình, phù hợp đối tượng sinh viên, điều kiện của nhà trường để đạt được mục tiêu dạy học. Kết quả triển khai Dạy học tích cực môn Âm nhạc cho thấy mức độ hứng thú với môn học và tính tích cực chủ động, tự giác trong học tập được nâng cao rõ rệt.  Điều đó một lần nữa khẳng định quy trình từ  thiết kế giáo án đến tổ chức các hoạt động  học trên lớp là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, khoa học, đúng hướng, sinh viên học tập nghiêm túc, hăng say, nhiệt tình, tích cực, chủ động để lĩnh hội các tri thức.

Tăng cường vai trò quản lý của nhà trường trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Âm nhạc. Nhà trường phải chú trọng tất cả các khâu trong quy trình hoạt động; xác định những yêu cầu đổi mới, bàn bạc, xây dựng thiết kế giáo án mẫu theo hướng đổi mới, lần lượt cử giảng viên dạy thử nghiệm và tập thể dự giờ, quy định mỗi tháng phải tiến hành dự giờ tiết dạy của các giảng viên trong tổ bộ môn, sự quy định dự giờ đó hướng vào mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học, chỉ có như vậy các giảng viên bộ môn sẽ đầu tư nhiều hơn trong việc tìm tòi cách thức thực hiện liên tục đổi mới phương pháp dạy học một cách có hiệu quả.

Để tổ chức cho sinh viên các hoạt động học hiệu quả cần điều chỉnh chương trình đào tạo, thiết kế chương trình theo hướng mở, phù hợp với thực tiễn. Trang bị nhiều hơn các phương tiện dạy học và thiết bị dạy học như: phòng học riêng cho bộ môn, đàn piano, đàn phím điện tử, máy hát, máy chiếu, phim ảnh, sách báo, sách tham khảo có liên quan đến môn học đầy đủ hơn nhằm tạo điều kiện cho giảng viênsinh viên đạt hiệu quả cao trong việc dạy và học.

Giảng viên phải được trang bị cở sở lý luận vững vàng về các phương pháp dạy học, hiểu rõ mục đích, bản chất và cách tiến hành cũng như ưu, nhược điểm của từng phương pháp để có thể khai thác và phối hợp chúng một cách thành thạo, nghệ thuật và khoa học; phải nắm vững nội dung của bài học để đưa ra phương pháp dạy học phù hợp với từng đơn vị kiến thức của bài nhằm đạt hiệu quả trong những giờ lên lớp dạy học theo hướng vận dụng các phương pháp dạy học tích cực. Có lòng yêu nghề, có tâm huyết với nghề, yêu thích môn mà mình giảng dạy; yêu thương và tôn trọng sinh viên, giúp sinh viên khắc phục khó khăn để học tập và rèn luyện tốt. Lòng yêu nghề còn thể hiện ở đoàn kết, hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp, có ý thức xây dựng tập thể tốt để cùng thực hiện mục tiêu dạy học. Hơn nữa, yêu nghề còn thể hiện ở sự vươn lên không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ của bản thân, học mọi nơi, mọi lúc, học tập qua bạn bè, đồng nghiệp, tự trau dồi thêm kiến thức khoa học và thực tiễn.

Sinh viên xác định động cơ và mục đích học tập đúng đắn, thay đổi cách học, phải luôn chủ động, tích cực nghe, tự giác trong học tập, có ý thức trách nhiệm về kết quả học tập của mình, biết tự học và tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi bằng mọi cách, phải luôn nắm bắt được ý chính của bài học. Phải tăng cường tự học, điều đó sẽ giúp SV có tính chủ động học tập, là con đường dẫn đến sáng tạo, khơi dậy lòng đam mê, tìm tòi những điều mới lạ. Chính vì thế tự học là khâu quan trọng nhất trong việc học - tìm kiếm kiến thức. Chỉ có tự học mới giúp chúng ta hiểu rõ được kiến thức, hiểu được các sự vật, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống.

 

                                              Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

2. Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/06/2014 Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

3. Nghị quyết số 88/2014/HQ13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

4. Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

5. Thông tư số 01/2015/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường cao đẳng.