Nội san

Giải pháp nâng cao việc truyền dạy Hát Ghẹo tại Câu lạc bộ Hát Ghẹo Nam Cường, Tam Nông, Phú Thọ

29 Tháng Chín 2015

                                                                            Nguyễn Thị Như Quỳnh

 

Hát Ghẹo là một thể loại âm nhạc truyền thống mà trong đó thể hiện được lề lối ứng xử, nếp sống, phong tục tập quán và tính cách con người Phú Thọ... Nhưng hiện nay, Hát Ghẹo chỉ còn tồn tại ở Nam Cường, Tam Nông, Phú Thọ.

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển thể loại nghệ thuật này, trong những năm gần đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cũng đã nghiên cứu và kịp thời đưa ra những chủ trương đúng đắn để hướng dẫn nhân dân phát triển và lưu truyền nghệ thuật Hát Ghẹo nhằm phát huy những giá trị văn hóa tinh thần quý báu như: Tổ chức các  câu lạc bộ (CLB) truyền dạy Hát Ghẹo, các hoạt động giao lưu văn nghệ truyền thống, tổ chức thi Hát Ghẹo... Thế nhưng Hát Ghẹo vẫn chưa thực sự hòa nhập được với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân tỉnh Phú Thọ nói chung và làng Nam Cường nói riêng. Lý do phần lớn là hiện nay âm nhạc truyền thống, âm nhạc dân gian đang mất dần chỗ đứng bởi sự ra đời của quá nhiều hình thức sinh hoạt âm nhạc mới. Thị hiếu âm nhạc của người dân, đặc biệt là thanh niên nam nữ - đối tượng chính của nghệ thuật Hát Ghẹo cũng bị ảnh hưởng và thay đổi. Chỉ còn lại một số ít những người thuộc lứa tuổi trung niên hoặc những cụ già là còn tham gia và yêu thích Hát Ghẹo. Ngoài ra, công tác tổ chức hoạt động của CLB Hát Ghẹo cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân nên có thể thấy nguy cơ mất đi một thể loại âm nhạc dân gian đã được lưu truyền từ nhiều đời nay là rất rõ ràng.

Từ thực trạng trên, để nâng cao chất lượng truyền dạy tại CLB Hát Ghẹo, nâng cao công tác tổ chức và bộ máy hoạt động của CLB Hát Ghẹo Nam Cường cần phải có nhiều đổi mới và bổ sung về nội dung cũng như hình thức sinh hoạt CLB.

1. Nâng cao công tác tổ chức của các CLB

Hiện nay ở làng Nam Cường chỉ có duy nhất một CLB Hát Ghẹo. Đây là CLB được thành lập vào tháng 8 năm 1998, số lượng ban đầu là gần 70 thành viên, đến nay chỉ còn gần 40 thành viên.

Trong thời gian đầu thành lập, CLB đã có nhiều hoạt động phong phú nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật Hát Ghẹo cũng như tạo dựng cho người dân Nam Cường có một đời sống tinh thần đậm đà bản sắc. Đây cũng là một môi trường lành mạnh, bổ ích và bồi dưỡng cho những người có năng khiếu âm nhạc, yêu nghệ thuật dân gian và nhiều tâm huyết với làn điệu Hát Ghẹo. 

Thế nhưng theo như chúng tôi tìm hiểu thì trong những năm gần đây số lượng người dân tham gia sinh hoạt CLB không còn duy trì được nhiều như thời gian đầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này cũng là do công tác tổ chức của CLB còn gặp nhiều vấn đề vướng mắc, chưa có nhiều hoạt động cụ thể làm cho phong trào văn hóa văn nghệ không còn được nhân dân tin tưởng và tham gia hưởng ứng. Ngoài ra, do số lượng thành viên trong CLB giảm đi khá nhiều (một số người đã mất hoặc do tuổi cao không tham gia sinh hoạt được) nên hiện tại số buổi sinh hoạt CLB không nhiều, chủ yếu là khi sắp đến Hội làng hoặc có sự kiện mới đến tập luyện. Chính vì vậy, việc đổi mới và chú trọng vào công tác tổ chức của CLB là một việc rất cần thiết.

Sau khi tìm hiểu tình hình thực tế tại địa phương, chúng tôi xin đề xuất xây dựng mô hình CLB như sau:

Công tác tổ chức của CLB cần đổi mới để phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay số lượng thành viên tham gia ít, thời gian sinh hoạt không đều, các thành viên không cố định... Chính vì vậy, những người làm công tác tổ chức nên tham khảo ý kiến của các thành viên, sắp xếp một lịch sinh hoạt và tập luyện cố định vào hàng tháng, tạo nên một thói quen trong đời sống sinh hoạt văn hóa văn nghệ của các thành viên.

Ngoài việc tổ chức tập luyện biểu diễn, ban chủ nhiệm CLB phải thường xuyên cung cấp cho thành viên những tài liệu nghiên cứu, những văn bản có tính xác thực liên quan đến Hát Ghẹo, những chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước trong việc chú trọng bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc... để củng cố thêm niềm tin, tình yêu đối với văn hóa dân gian nói chung và Hát Ghẹo nói riêng.

Thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn báo cáo tình hình hoạt động của câu lạc bộ. Những buổi biểu diễn này có thể làm vào ngày thường, không nhất thiết phải vào những dịp lễ hội. Trong đó có thể mời nhân dân trong vùng hoặc người dân của các làng kết nghĩa sang dự và hát giao lưu để có thêm không khí. Tạo thành một thói quen trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân.

Tổ chức các hoạt động bổ trợ thực tế, mời các nghệ nhân tới biểu diễn giao lưu, truyền dạy cho các thành viên trong CLB để nâng cao giọng hát và phong cách biểu diễn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Hát Ghẹo ngày càng mai một, các hoạt động của CLB ngày càng ít dần trong thời gian qua chính là do không có kinh phí để duy trì hoạt động. Chính vì vậy, CLB nên tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ, kết nghĩa với các doanh nghiệp địa phương, xin các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp này để có thể có thêm kinh phí duy trì CLB.

Tổ chức các cuộc thi nhỏ trong khuôn khổ CLB hoặc làng, xã... để động viên tinh thần học hỏi của các thành viên.

Nên tổ chức định kỳ các buổi thảo luận, nói chuyện về các nội dung sinh hoạt trong CLB. Nêu lên những ưu, khuyết điểm, những vấn đề còn vướng mắc trong công tác tổ chức, hoạt động.

2.Nâng cao vai trò chủ nhiệm CLB

Chủ nhiệm là cơ quan cao nhất, điều hành toàn bộ hoạt động của CLB Hát Ghẹo. Từ việc chuẩn bị nội dung tổ chức các buổi sinh hoạt, mời các Nghệ nhân về truyền dạy cho các hội viên, chi tiêu mua sắm các dụng cụ, trang phục cần thiết phục vụ biểu diễn, lên kế hoạch tuyên truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống của Hát Ghẹo… đều thuộc công việc của ban chủ nhiệm. Để thực hiện được những nhiệm vụ đã nêu trên, CLB phải có một Chủ nhiệm có năng lực và khả năng dẫn dắt mọi người.

Chủ nhiệm phải là người có năng lực lãnh đạo và hiểu biết về cách thức tổ chức Câu lạc bộ. Có kiến thức sâu rộng về Hát Ghẹo và tâm huyết với việc bảo tồn và phát triển các thể loại âm nhạc dân gian. Là người có uy tín, biết cách điều hành công việc và điều khiển được mọi người cùng chung lòng thực hiện các kế hoạch đã đặt ra của Câu lạc bộ. Có sự hiểu biết và quan tâm sát sao đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân làng Nam Cường. Chủ nhiệm CLB chính là linh hồn của buổi sinh hoạt chính vì thế mà cần có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, có khả năng hướng dẫn và thu hút sự chú ý của mọi người. 

Trong hai năm gần đây, phong trào Hát Ghẹo không còn được bà con nhân dân ủng hộ như những năm trước bởi những lý do về tình hình kinh tế khó khăn, bà con tập trung làm ăn, chỉ sinh hoạt những thời gian gần lễ hội và cần phải biểu diễn. Ngoài ra, việc sát sao theo dõi và tập trung hội viên được giao cho bà Phạm Thị Doanh, hiện đang làm kinh doanh tự do, nên những hoạt động của CLB cũng không được đẩy mạnh thường xuyên như trước. Qua thực trạng nói trên, mong rằng nhà nước sẽ ngày ngày càng quan tâm hơn tới việc phát triển và bảo tồn Hát Ghẹo. Đồng thời có những chỉ đạo trực tiếp bầu ra cho CLB một ban chủ nhiệm có nhiều tâm huyết dành cho Hát Ghẹo, có như vậy mới mong Hát Ghẹo sẽ phát triển trở lại trong tương lai.

3. Nâng cao phương pháp tổ chức hoạt động CLB

 Xác định nội dung và hình thức sinh hoạt CLB

Việc xác định nội dung là một vấn đề quan trọng trong việc xác định các phương pháp tổ chức hoạt động của CLB bởi xác định nội dung chính là xác định chủ đề cho từng buổi sinh hoạt. Khi xác định được chủ đề rồi thì mới xác định được toàn bộ công việc sẽ triển khai trong từng buổi. Một buổi sinh hoạt chỉ nên chọn ra một chủ đề, thậm chí một chủ đề có thể sinh hoạt trong nhiều buổi (chủ đề ở đây có thể được hiểu là các bài hát, các giọng hoặc triển khai tập luyện nhiều bài hát trong một chủ đề về quê hương đất nước hoặc tình yêu đôi lứa...). Từ chủ đề đã được xác định ban chủ nhiệm sẽ sử dụng nhiều hình thức sinh hoạt trong CLB để buổi sinh hoạt thêm phong phú và hấp dẫn.

Để xác định chủ đề sinh hoạt cho thiết thực và phù hợp, ban chủ nhiệm nên căn cứ vào tình hình thực tế của CLB và có thể tìm hiểu thêm về nhu cầu nguyện vọng của các hội viên.

Ví dụ: Nếu số lượng thành viên hiện nay trong CLB chủ yếu là lứa tuổi từ 20 đến 30 tuổi, thì ban chủ nhiệm nên cân nhắc để chọn những chủ đề mang tính chất trẻ trung như tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước...

Sau khi xác định xong nội dung, ban chủ nhiệm sẽ xác định hình thức sinh hoạt cho CLB.

            Với CLB Hát Ghẹo hiện giờ, hình thức sinh hoạt phổ biến nhất chính là: Sinh hoạt văn hóa văn nghệ, truyền dạy và biểu diễn nghệ thuật. Hình thức này đã được áp dụng tại CLB từ những ngày đầu thành lập và vẫn còn duy trì đến bây giờ. Ngoài ra có thể cho sinh hoạt thêm một số hình thức khác như: Diễn giảng, hội thảo tọa đàm...

   

Ảnh: Một tiết mục biểu diễn Hát Ghẹo (Nguồn:st)

 

Mời các nghệ nhân đến nói chuyện về lịch sử, nguồn gốc ra đời của Hát Ghẹo, vai trò của Hát Ghẹo với đời sống sinh hoạt nhân dân, tuyên truyền giúp hội viên có thêm nhiều kiến thức để kết hợp cùng với nhà nước cùng bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian của dân tộc, quê hương…

Ngoài ra có thể kết hợp sinh hoạt ngoài CLB kết hợp với những hoạt động tham quan du lịch, dã ngoại hay các hoạt động thể dục thể thao.

            Để có thể thực hiện thành công được những điều đã nêu trên, phụ thuộc rất nhiều vào người phụ trách hay Ban chủ nhiệm của CLB. Ban chủ nhiệm sẽ chịu trách nhiệm quản lý và tiến hành toàn bộ công việc đã đề ra. Kiểm tra đôn đốc các khâu thực hiện. Ban chủ nhiệm phải là những người nắm được kế hoạch làm việc và triển khai một cách cụ thể tới từng hội viên, nắm bắt đươc tình hình chung của CLB và chịu trách nhiệm điều hành các buổi sinh hoạt.

Điều khiển sinh hoạt

Sau khi định hướng được nội dung và hình thức của buổi sinh hoạt, chủ nhiệm CLB điều khiển và hướng dẫn mọi người thực hiện theo như nội dung đã chuẩn bị. Thời gian cho một buổi sinh hoạt từ 90 phút đến 120 phút. Chủ nhiệm lúc này sẽ phải thật linh hoạt, tùy cơ ứng biến nhưng phải nắm vững được nội dung chính của buổi sinh hoạt để tránh làm mất thời gian và “lạc đề”.

Mở đầu buổi sinh hoạt, chủ nhiệm có thể tổ chức chơi 1 trò chơi nào đó để tạo không khí vui vẻ và thoải mái cho các hội viên. Nếu có thể, sẽ kết hợp hỏi, đáp những vấn đề liên quan đến Hát Ghẹo như: Lịch sử, nguồn gốc, các giọng...

Tiếp theo, chủ nhiệm sẽ cho triển khai buổi sinh hoạt theo chủ đề đã định trước. Ví dụ: Chủ đề là “Tình yêu đôi lứa”, chủ nhiệm sẽ giới thiệu đến với mọi người một số bài hát có nội dung về tình yêu, những khúc hát đối đáp giao duyên giữa nam và nữ như: Lý giao duyên, Làm Dàn, Ước gì có Lưới, Cái ruộng năm sào, Năm thương… sau đó sẽ mời một nghệ nhân nam và một nghệ nhân nữ lên để hát mẫu cho mọi người cùng nghe. Sau khi nghe xong sẽ chọn từ một đến hai bài để truyền dạy lại cho các hội viên. Người truyền dạy có thể kết hợp phương pháp truyền khẩu với các phương pháp hiện đại như sử dụng băng đĩa hình để cho không khí sinh hoạt thêm phong phú.

            Sau khoảng 60 phút, các nghệ nhân sẽ hướng dẫn các hội viên chia thành 2 đội nam và nữ để thực hành biểu diễn lại những bài vừa được học. Sau khi xem các hội viên biểu diễn xong, các nghệ nhân sẽ nhận xét và đưa ra ý kiến về ưu, khuyết điểm của từng đội.

            Cuối buổi, chủ nhiệm sẽ lên tổng kết và phổ biến nội dung cũng như chủ đề của buổi sinh hoạt sau.

Truyền dạy về kiến thức

Hát Ghẹo là một làn điệu dân ca gắn liền với nhân dân làng Nam Cường, nên ngoài việc biết hát, các thành viên còn cần có một kiến thức cơ bản, khái quát về nghệ thuật Hát Ghẹo như: Nguồn gốc lịch sử, sự ra đời, những nội dung ẩn chứa trong lời ca của từng bài hát…

Về lịch sử, dựa vào sự ra đời của Hát Ghẹo gắn liền với sự tích xây dựng lại đình làng Nam Cường xưa kia và tục kết nghĩa giữa làng Nam Cường với 2 làng Hùng Nhĩ, Thục Luyện, chủ nhiệm CLB cần tìm ra nhiều hình thức truyền dạy ở những không gian khác nhau để các thành viên có thể vừa thuộc được bài hát vừa hiểu được nguồn gốc của nó.

Ví dụ: Có thể thay đổi địa điểm sinh hoạt ra sân Đình Nam Cường, nhắc mọi người nhớ đến những điển tích xa xưa gắn liền với hát Ghẹo.

Đặc biệt, đối với Hát Ghẹo thì không chỉ giai điệu quan trọng, mà lời ca cũng là một trong những thành tố chính tạo nên nét đặc trưng nghệ thuật. Thế nên, việc truyền dạy để hội viên hát hoàn chỉnh được một bài Ghẹo là chưa đủ. Phải để hội viên hiểu được ý nghĩa của từng ca từ, nội dung mà bài hát muốn chuyển tải thông qua phần lời của bài hát đó. Những ý nguyện của người nông dân lao động bình dị, đề cao giá trị cao đẹp của tình yêu trong sáng giữa nam và nữ, sự đấu tranh của những người dân lao động chống lại giai cấp thống trị, giai cấp phong kiến, chống lại sự hẹp hòi, bảo thủ... là những nội dung chính được đề cập đến trong lời ca của Hát Ghẹo. Những từ ngữ mang đậm chất địa phương của người dân Nam Cường, Thục Luyện… đều được sử dụng trong Hát Ghẹo. Chính vì vậy, cần truyền dạy một cách cụ thể về kiến thức, bởi nếu không có những hiểu biết cơ bản về nghệ thuật này, người hát sẽ rất khó thể hiện được hết những nét đặc trưng của Hát Ghẹo.

 Truyền dạy về kỹ năng

Trong âm nhạc dân gian luôn mang những nét đặc trưng về nghệ thuật mà những thể loại âm nhạc hiện đại và âm nhạc phương Tây không hề có. Và trong mỗi thể loại âm nhạc dân gian ở các vùng miền khác nhau lại mang trong mình những nét đặc trưng khác nhau.

Khi truyền dạy, nghệ nhân cần hướng dẫn người học nắm chắc những đặc trưng cụ thể này để không nhầm lẫn Hát Ghẹo với bất kỳ làn điệu dân ca nào khác. Thực hiện phương châm ca hát dân tộc nên những kỹ thuật “vang, rền, nền, nảy” thường rất dễ thấy trong các bài Hát Ghẹo. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở những bài Giọng Sổng thường được các nghệ nhân hát rất “rền”. Người dạy cần chỉ ra những chỗ cần lưu ý như: những câu luyến láy, âm sắc, cao độ… để người học tập kỹ càng hơn.

Trải qua nhiều thời kỳ, giai điệu của Hát Ghẹo cũng có nhiều thay đổi. Qua các bản ghi âm để lại, có thể thấy được: Cùng một bài hát nhưng nghệ nhân đời trước hát có nhiều chỗ khác so với những nghệ nhân hiện nay. Ngay cả trong CLB, việc cùng một bài hát được nhiều người thể hiện lại cho ra nhiều bản ghi âm khác nhau. Chính vì vậy, việc giúp cho người học nắm vững được những kỹ năng cơ bản đặc trưng nhất của Hát Ghẹo là một việc cực kỳ quan trọng.

Hát Ghẹo là một thể loại âm nhạc truyền thống đại diện cho văn hóa của người dân Phú Thọ nói chung và người dân Nam Cường nói riêng. Chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ cũng như tại làng Nam Cường tạo điều kiện ủng hộ, đầu tư về vật chất để CLB Hát Ghẹo Nam Cường có thêm kinh phí để duy trì các hoạt động biểu diễn cũng như truyền dạy. 

 Đây không chỉ là hành động thiết thực để bảo tồn một nghệ thuật dân gian đặc sắc mà còn là một vấn đề quan trọng và cần thiết, nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.           Đào Đăng Hoàn (2003), Tổng tập văn nghệ dân gian đất tổ, Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, Sở VHTT Phú Thọ.

2.           Nguyễn Đăng Hòe (1979), Bước đầu tìm hiểu Hát Ghẹo Vĩnh Phú, Nxb Ty VHTT Vĩnh Phú.

3.           Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Vũ, Từ điển văn hóa dân gian, Nxb VHTT, Hà Nội.

4.           Trần Văn Khê (2004), Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb Trẻ, Hà Nội.

5.           Hoàng Đạo Kính (2004), Văn hóa kiến trúc, Nxb Tri thức, Hà Nội

6.           Hoàng Kiều (2001), Thanh điệu tiếng việt và âm nhạc cổ truyền, Nxb  Viện Âm Nhạc.

7.            Nguyễn Xuân Lâm (1986), Địa chí Tỉnh Vĩnh Phú, Nxb Ty Văn hóa Vĩnh Phú.

8.            Thụy Loan (2006), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

9.           Hữu Ngọc (1994), Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Thế Giới, Hà Nội.

10.       Lưu Thị Phát (2003), Cụm di tích Đền - Chùa Nam Cường, Bảo tàng tỉnh Phú Thọ.

11.       Dương Huy Thiện (2010), Các Vùng văn hóa, Phú Thọ miền đất cội nguồn, Nxb Trẻ, Hà Nội.

12.       Đào Trọng Từ (1984), Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng, Nxb Văn Hóa, Hà Nội.

13.        Phạm Trọng Toàn (2004), “Phác thảo văn hóa Hát Ghẹo” Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 1.

14.       Trường Đại Học Hùng Vương (2012), Kỷ yếu hội thảo khoa học Di sản văn hóa trên địa bàn Kinh Đô Văn Lang, UBND Tỉnh Phú Thọ.