Nội san

Văn hóa đọc của sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật Nghệ thuật Trung ương

01 Tháng Mười 2015

                                                                               Lương Thị Hiền

 

  Văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại. Phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực.

Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hết sức cấp thiết; góp phần đem lại cho dân tộc Việt Nam sức mạnh của trí tuệ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; đáp ứng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009) với mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa: “Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc sách tương lai”.

Hiện nay phần lớn các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã và đang chuyển đổi phương thức đào tạo theo niên chế sang phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, lấy người học làm trung tâm. Nó đòi hỏi người học phải tự học tập, tự nghiên cứu là chính. Để thực hiện nhiệm vụ này, các trường đại học phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó việc phát triển văn hóa đọc được đặc biệt quan tâm vì đây là yếu tố quyết định thúc đẩy quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên.

Nằm trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là một trung tâm đào tạo văn hóa nghệ thuật hàng đầu của cả nước. Định hướng phát triển của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là xây dựng nhà trường trở thành viện nghiên cứu nghệ thuật. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng là nâng cao ý thức tự học, tự đọc, tự nghiên cứu của sinh viên. Điều này đồng nghĩa với việc nâng cao vai trò văn hóa đọc và quản lý văn hóa đọc trong sinh viên nhà trường.

            Với trọng trách chính là đào tạo nguồn nhân lực Âm nhạc, Mỹ thuật và Văn hóa Nghệ thuật có chất lượng cao, Nhà trường đã và đang đào tạo 4 trình độ (Cao đẳng, Đại học, Cao học và Nghiên cứu sinh) với các chuyên ngành như: Thanh nhạc, Nhạc cụ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Văn hóa, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang.

            Với mục tiêu đào tạo của Nhà trường, phần lớn sinh viên sau khi ra trường sẽ trở thành giáo viên nghệ thuật. Vì vậy, sinh viên Trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương mang nét đặc thù riêng. Đó là tố chất sư phạm và năng khiếu về một trong các loại hình nghệ thuật nhất định như âm nhạc, mỹ thuật... Năng khiếu về nghệ thuật sẵn có lại được đào tạo nghệ thuật một cách bài bản khiến các em mạnh dạn trong giao tiếp và thích hoạt động, đặc biệt là hoạt động bề nổi. Khả năng nhận xét, đánh giá thẩm mĩ của sinh viên nhà trường rất cao. Tuy nhiên, các em lại gặp vấn đề với các môn học mang tính lý luận, lý thuyết, những môn khoa học chung như Tin học, Ngoại ngữ, Tâm lý học đại cương, Giáo dục học đại cương... Do đó, việc tổ chức các hoạt động tập thể cho sinh viên có thể thuận lợi nhưng việc khuyến khích thái độ tự giác, chăm chỉ học tập để tích lũy kiến thức khoa học chung cũng như việc rèn luyện một nếp sống có kỷ luật, mang tính ổn định cao lại không đơn giản.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tạo môi trường đọc khá thuận lợi cho sinh viên với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối đồng bộ và hiện đại. Số lượng giáo trình, sách tham khảo đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Nhà trường đã có nhiều hình thức hoạt động để tuyên truyền, quảng bá văn hóa đọc cho sinh viên, góp phần tạo thói quen mua sách, đọc sách và từng bước hình thành văn hóa đọc trong sinh viên toàn trường như: thư viện lưu động, ngày hội đọc sách...

 

 Ảnh: Phòng đọc Thư viện nhà trường (Nguồn: tác giả)

 

            Bên cạnh đó, nhận thức của sinh viên về vấn đề đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường có tiến bộ đáng kể. Chính vì lẽ đó, văn hóa đọc của sinh viên có nhiều thay đổi. Nhu cầu đọc của sinh viên nhà trường phong phú, đa dạng ở nhiều lĩnh vực. Nhiều sinh viên đã có thói quen và sở thích đọc sách, dành thời gian cho việc đọc. Vì thế, kỹ năng đọc sách của sinh viên cũng được nâng cao. Quan trọng hơn, sinh viên đã bước đầu xác định được mục đích đọc của mình. Trong đó, mục đích đọc tài liệu phục vụ học tập được nhiều sinh viên hướng tới nhất. Ngoài việc đọc sách phục vụ cho mục đích học tập, sinh viên cũng quan tâm tới các mục đích khác như giải trí, nghiên cứu khoa học, nghề nghiệp, cập nhật thông tin... Điều này giúp sinh viên hoàn thiện được các kỹ năng sống, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

Bên cạnh những tích cực kể trên, phải kể đến một số hạn chế trong văn hóa đọc của sinh viên: vẫn còn tư tưởng thụ động, chỉ xoay quanh bài giảng trên lớp mà sinh viên chưa chủ động tìm cơ hội học tập, nâng cao kiến thức thực tiễn, định hướng cho bản thân. Sự thụ động trong văn hóa đọc đã và đang làm nghèo tri thức, tâm hồn và văn hóa của sinh viên. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ thông tin dẫn đến một thế giới giải trí rất hấp dẫn trên internet, điện thoại, truyền hình… như game online, chát, xem phim, nghe nhạc (phục vụ giải trí)… ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa đọc. Mặt khác, dưới góc độ đáp ứng nhu cầu đọc, mặc dầu có sự quan tâm đầu tư của nhà nước trong những năm gần đây, hệ thống thư viện của các trường đại học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: nguồn lực thông tin vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu ngày càng đa dạng của sinh viên; chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hoá đọc; công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phát động phong trào đọc sách trong sinh viên chưa thường xuyên; nhà trường chưa xây dựng được hệ thống thư viện số để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên đọc tài liệu. Sự phối hợp liên kết, liên thông giữa các thư viện còn yếu nên chưa tạo ra được sức mạnh tập trung các câu lạc bộ sinh viên nhà trường còn hoạt động mờ nhạt. Phòng Hòa nhạc, phòng Triển lãm Mỹ thuật chưa tương xứng với các hoạt động nghệ thuật của sinh viên.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý văn hóa đọc cho sinh viên trong các trường đại học chính là một trong những điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy - học. Nó giúp cho các giảng viên, sinh viên đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người; góp phần xây dựng xã hội học tập - một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nói chung và trong phát triển sự nghiệp giáo dục nghệ thuật của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói riêng. Với mong muốn nâng cao chất lượng và hiệu quản quản lý văn hóa đọc của sinh viên, nhà trường đã đưa ra mục tiêu chung là xây dựng và duy trì việc đọc trở thành thói quen của sinh viên nhằm xây dựng phong trào đọc trong xã hội đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa đọc của sinh viên nhà trường. Nhà trường đã cụ thể hóa mục tiêu chung với ba mục tiêu cụ thể là: Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Ban Giám hiệu, cán bộ và giảng viên trong nhà trường trong việc phát triển văn hóa đọc; Hai là, định hướng văn hóa đọc lành mạnh, phù hợp với định hướng xây dựng con người mới của Đảng và Nhà nước; Ba là, xây dựng môi trường đọc đáp ứng nhu cầu của người đọc.

 

Ảnh: Ngày hội đọc sách (Nguồn: tác giả)

 

Để có thể quản lý văn hóa đọc của sinh viên, Nhà trường không chỉ áp dụng một hay vài biện pháp mà cần phối hợp rất nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa đọc của sinh viên. Giải pháp đầu tiên là phải nâng cao nhận thức của Ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên trong toàn trường về văn hóa đọc và quản lý văn hóa đọc thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục. Bên cạnh đó, cần tăng cường các nguồn lực như: cơ sở pháp lý (hệ thống văn bản), nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, nguồn lực thông tin và tài chính. Các nguồn lực này phải được đầu tư thích đáng và đồng bộ để đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, để văn hóa đọc tới gần với sinh viên, nhà trường cần tổ chức thực hiện các hoạt động như:  Hướng dẫn và tạo điều kiện cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu có hiệu quả thông qua việc đọc sách. Thư viện luôn cập nhật, bổ sung nhiều loại sách phong phú, tạo cho sinh viên một môi trường đọc sách đa dạng. Thư viện cũng cần duy trì và nâng cao chất lượng “Ngày hội đọc sách”, phát triển hoạt động “Thư viện lưu động”, phát triển dịch vụ mượn liên thư  hay thông qua các loại hình nghệ thuật như biểu diễn, giao lưu, tham quan, triển lãm…

Học tập là một quá trình lâu dài. Đọc sách cũng vậy. Nếu chúng ta nhận thức được đầy đủ vai trò của sách và văn hóa đọc, xây dựng môi trường đọc thuận lợi, biết cách tạo cho mình một kỹ năng, sở thích đọc hiệu quả thì chắc chắn rằng văn hóa đọc của sinh viên sẽ ngày càng phát triển bền vững.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

            1. Bạch Thị Lan Anh (2009), Tìm hiểu hoạt động giải trí của sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.  Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2009 của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

            2. Nguyễn Thị Duyên (2009), Phong cách học của sinh viên sư phạm trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

            3. Nguyễn Thị Phương Hồng (2013), Hiện đại hóa Trung tâm Thông tin và Thư viện trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, luận văn Thạc sỹ ngành Thông tin Thư viện, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

            4. Kỷ yếu 45 năm xây dựng và phát triển (1970 - 2015), trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

            5. Thủ tướng Chính phủ (2009), Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg.

            6. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.