Nội san

Đặc điểm của nhạc Jazz và tính ứng tấu ngẫu nhiên

02 Tháng Mười 2015

                                                                                            Trần Hoài Sơn

 

            Nhạc Jazz là nghệ thuật của người Mỹ có nguồn gốc từ Châu Phi. Dòng nhạc Jazz là sự pha trộn nhạc Blues và hòa âm trong nhạc Cổ điển, sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của âm nhạc Châu Phi và được phát triển từ loại nhạc vui nhộn trong thời gian đầu thế kỷ XX. Nghệ thuật nhạc Jazz đã được phát triển rộng khắp thế giới và được đông đảo công chúng đón nhận. Nhạc Jazz đã đem đến cho âm nhạc Thế giới nói chung và âm nhạc Việt Nam nói riêng những màu sắc âm nhạc tươi mới, đa phong cách.

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhạc Jazz tạo được sức hút, lôi cuốn công chúng nghe nhạc, dần được khán giả Việt Nam đón nhận và yêu mến. Khi nói về đặc điểm của nhạc Jazz có nhiều sự khác biệt so với nhạc Cổ điển ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chơi nhạc Jazz luôn tạo cho người chơi cảm giác thoải mái, tự do, tư duy, sáng tạo.

            1. Tác giả, tác phẩm

            Về tác giả, trong nhạc Jazz vai trò của tác giả không giống với tác giả trong nhạc Cổ điển, điều này được thể hiện trong Jazz ngẫu hứng. Người nghệ sĩ có thể được coi là nhạc sĩ, vì nghệ sĩ Jazz ngẫu hứng có thể sáng tác ra các chủ đề hoặc mượn chủ đề của nhạc sĩ nào đó, từ chủ đề có sẵn họ ngẫu hứng biến tấu theo những cách khác nhau dựa theo chủ đề đó. Trong Jazz ngẫu hứng một chủ đề ngẫu hứng có nhiều người chơi ngẫu hứng khác nhau, mỗi một người có sáng tạo riêng của mình để hoàn thành tác phẩm Jazz ngẫu hứng. Tác giả sáng tác chủ đề ngẫu hứng chỉ là một phần, còn người nghệ sĩ chơi ngẫu hứng trên chủ đề đã có sẵn mà tác giả khác viết hoặc họ có thể sáng tác chủ đề của riêng mình và họ trực tiếp chơi trên đàn để hoàn thiện một tác phẩm Jazz ngẫu hứng hoàn chỉnh. Vì vậy, họ có thể coi là tác giả cho tác phẩm ngẫu hứng đó. Ở nhạc Jazz, khái niệm về sáng tác được gắn liền với người nghệ sĩ biểu diễn. Từ đây ta thấy được một đặc trưng nữa của nhạc Jazz là "sự ứng tấu ngẫu nhiên của các nghệ sĩ nhạc Jazz".

            Về tác phẩm Jazz có sự khác biệt so với Cổ điển. Nói về tác phẩm của nhạc Jazz, trích trong cuốn Jazz - Rook - Pop của nhiều tác giả, nhạc sĩ Andre Hodeir viết:

            "Tác phẩm nhạc Jazz, thường khi chỉ là một giây lát âm nhạc bay đi mất vào quên lãng, được may mắn cứu sống nhờ ở băng từ tính thu thanh, mà sau này sớm hay muộn được ghi lại thì đã khác trước mất rồi. Sự nghiệp của người nghệ sĩ Jazz chứa chất hàng triệu những giây lát âm nhạc, xuất hiện rồi mất đi giữa lúc nửa đêm cho đến rạng đông tảng sáng, trong làn khói của một hộp đêm ở New York, London hay Chicago...".

Trong Jazz ngẫu hứng tác phẩm nhạc Jazz đôi khi là những chủ đề ngắn để các nghệ sĩ biểu diễn ngẫu hứng, biến tấu trên chủ đề đó. Ví dụ: Chủ đề Scotch and Soda của Dave Gnard. Thường các phần ngẫu hứng không được ghi chép một cách chi tiết cụ thể thành bản nhạc. Mà đôi khi chỉ là nét ngẫu hứng tức thì ngay tại chỗ của nghệ sĩ. Về sau này tác phẩm nhạc Jazz mới được ghi thành tổng phổ hoàn chỉnh, nhưng người nghệ sĩ biểu diễn vẫn có thể biểu diễn phá cách ra khỏi khuôn khổ sẵn có của tác phẩm.

            2. Tiết tấu

            Một đặc điểm đặc trưng của Jazz đó là tiết tấu. Khi chúng ta so sánh giữa tiết tấu cổ điển và tiết tấu nhạc Jazz thi có thể thấy sự khác biệt hoàn toàn. Tiết tấu cổ điển thường là các dạng tiết tấu không quá phức tạp nghe thuận tai và chú trọng phần kĩ thuật chạy ngón. Một dạng tiết tấu cổ điển ở phần sau trong bài Sonatine số 55 chương 1 của nhạc sĩ Friedrich Kuhlau.

            Ví dụ 1:

            Một dạng tiết tấu cổ điển trong bài Sonatine số 55 chương 1 của nhạc sĩ Friedrich Kuhlau.

Ví dụ 2:              

      Khi biến đổi tay phải thành các tiết tấu đảo phách nghịch phách ta sẽ có tiết tấu của Jazz.  

      Ví dụ 3:                    

 

      Nhạc Jazz luôn chú trọng các tiết tấu đảo phách, nghịch phách, giật. Nhịp đập tiết tấu đặc thù: trong nhạc Jazz các tiết nhịp 2 phách trong hành khúc nhà binh được thay thế bằng nhịp 4 phách, nhấn mạnh phách 2 và phách 4 trong ô nhịp.

      Trong các tác phẩm nhạc Jazz sử dụng rất nhiều các tiết tấu đảo phách, nghịch phách và được nhấn vào các phách nhẹ. Các tiết tấu đảo phách, nghịch phách được sử dụng ở cả hai tay có khi liên tục, có khi tay phải là tiết tấu đảo phách còn tay trái giữ nhịp. Chính việc sử dụng nhiều tiết tấu này đã tạo nên một nét rất riêng cho nhạc Jazz mà không bị pha trộn (nhầm lẫn) với các thể loại khác. Trong mỗi trường phái Jazz khác nhau đều có những dạng tiết tấu đặc thù riêng để phân biệt từng thể loại.

      Ví dụ 5: Ragtime (sử dụng tiết tấu nghịch phách)

      Ví dụ 6: Tiết tấu Funk (trong Jazz 78 của Manfed Schmitz)

      Chúng ta có thể thấy ở ví dụ trên sử dụng rất nhiều tiết tấu nghịch phách xuất hiện ngay ở ô nhịp 1 và ô nhịp 2. Nghịch phách ở nốt mi đen, nốt la đơn, ô nhịp thứ 3 là tiết tấu đảo phách ở hai nốt mi đơn. Phần tay trái được chia ra hai bè, bè trên và bè dưới. Đối với bè trên là tiết tấu đảo phách từ nốt fa đơn ngân sang nốt fa đen, có sự lặp lại ở các ô nhịp sau.

      3. Hòa thanh

            Hòa thanh cũng là một khía cạnh góp phần vào hoàn thiện cho tác phẩm Jazz. Về mặt cấu trúc, giai điệu, làm rõ nghĩa cho giai điệu và tạo màu sắc cho giai điệu tác phẩm. Một tác phẩm hay cần có phẩn hòa thanh hay. Chính vì vai trò này của hòa thanh nên trong nhạc Jazz rất chú trọng hòa thanh.

       Trong nhạc Jazz sử dụng các hợp âm theo vòng hòa thanh không theo quy luật cổ điển mà có sự biến đổi phức tạp hơn. Trong hòa thanh Jazz sử dụng nhiều các hợp âm tăng, giảm, hợp âm 7, hợp âm thêm các âm ngoài hợp âm như âm 9, âm 13, âm 11... Ví dụ: C9, G7, E7(b5), Db13...

      Ví dụ 7: hòa thanh (trích) trong bài Israel của nhạc sĩ John Carisl

      Khi nhìn vào phần hòa thanh của bài ta có thể thấy các hợp âm thuộc T - S - D - TSVI  của giọng nhưng không phải là các hợp âm T - S - D nguyên gốc, mà các hợp âm đã được biến đổi thành các hợp âm 7 (A7, Bb7, F7, Fmaj7), hợp âm tăng, giảm (Db5, A7(#9), G(#5), D7b9). Các hợp âm đã kết hợp với nhau tạo thêm màu sắc cho hòa thanh. Ở phần cuối của bài không kết về hợp âm chủ mà được kết về hợp âm át (A7). Đây là những phần hòa thanh hay được sử dụng trong Jazz

Ảnh: Một buổi biểu diễn nhạc Jazz (Nguồn:St)

 

       Nhạc Jazz rất chú trọng hòa thanh. Hòa thanh được chuyển liên tiếp từ ô nhịp này sang ô nhịp khác với các hòa thanh khác nhau, có thể mỗi một ô nhịp là một hòa thanh. Hòa thanh kết đặc trưng của Jazz là bậc II - V - I, khác so với hòa thanh kết truyền thống IV - V - I. Trong nhạc Jazz rất chú trọng các hợp âm tăng giảm để tạo thêm màu sắc cho phần hợp âm khi kết hợp với giai điệu. Ngoài ra những người chơi Jazz ngẫu hứng có thể tự do sử dụng các vòng hòa thanh mà mình muốn làm sao cho hợp lý, tạo ra phần ngẫu hứng với vòng hòa thanh đó không đi xa quá chủ đề làm cho người nghe cảm nhận được và cảm thấy hay.

      4. Giai điệu

            Giai điệu Jazz được xây dựng chủ yếu trên thang âm có những "blue notes" (nốt ở quãng ba và nốt ở quãng bảy của thang âm này bị giảm về cao độ). Trong cách thể hiện kỹ thuật sử dụng nhạc cụ bắt nguồn trực tiếp từ lối hát của người da đen. Các nhạc công Jazz đã sáng tạo ra loại kỹ thuật khiến cho các nhạc cụ vang lên như giọng người: đó là đưa vào những nốt hóa, những nốt hoa mỹ, nốt "Blues", glissando (vuốt nốt) và vibrato. Đây là một đặc điểm tiêu biểu của giai điệu trong nhạc Jazz. Khi nhìn vào bài Funky Two - Five của Tim Richards, ta có thể thấy giai điệu xuất hiện các nốt blues ở cuối phần chủ đề và đầu phần solo.

            Ví dụ 8: Funky Two - Five (trích).

Ví dụ 9: Bài Cloud Nine Improvisation (trích) của Tim Richards

           

5. Tính ngẫu hứng trong Jazz

            Tính ngẫu hứng trong Jazz là một đặc điểm nổi bật để so sánh với các thể loại khác. Khi nói đến nhạc Jazz ta thường nhắc đến tính ngẫu hứng, đây là một đặc điểm rất riêng của Jazz. Khi chơi nhạc Jazz người chơi cần có sự sáng tạo Jazz là sự sáng tạo của người chơi, người chơi nhạc Jazz với những tư duy sáng tạo, đã thể hiện cho người nghe thấy được nhạc Jazz không giống với các thể loại khác. Có thể cảm nhận được màu sắc rất riêng trong Jazz ngẫu hứng.

            Ở âm nhạc cổ điển người biểu diễn luôn phải tuân theo nghiêm khắc các quy tắc được xác lập bởi người nhạc sĩ. Không được thay đổi tùy ý những gì đã được viết ra trong tác phẩm. Chẳng hạn như các nghệ sĩ biểu diễn các tác phẩm giao hưởng của nhạc sĩ Beethoven, thì dù ở bất kể ở trường hợp nào thì người nghệ sĩ cũng phải thể hiện thật chính xác từng chi tiết những gì mà nhạc sĩ đã viết trong tác phẩm. Còn đối với nhạc Jazz thì không nhất thiết phải vậy, điều này được thể hiện rõ qua các ứng tấu ngẫu nhiên của nghệ sĩ nhạc Jazz.

 

Nhạc sĩ Jelly Roll Morton viết: "Nhạc Jazz thuộc về một phong cách thể hiện chứ không thuộc về sáng tác".

Người chơi nhạc Jazz không chỉ là một nhạc công đơn thuần mà là một nghệ sĩ ứng tấu ngẫu nhiên, họ thỏa sức sáng tạo, khác với người nghệ sĩ Cổ điển. Ngay ở những dàn nhạc Jazz quy mô to lớn, có phần đệm đã được hòa âm, phối khí thì vẫn dành hoàn toàn sự tự do cho người độc tấu với những đoạn nhạc solo của riêng họ.

Trong ứng tấu ngẫu nhiên, các nghệ sĩ Jazz sáng tác ngay tại chỗ và ngay tức thì được người nghe tiếp nhận lấy nó. Nghệ sĩ độc tấu được những người đệm các nhạc cụ khác xung quanh phát triển ý định của mình và các chủ đề đi theo nền hòa âm. Người độc tấu không bị hạn chế trong phạm vi biến hóa chủ đề mà có thể tách ra xa chủ đề. Nhưng vẫn dựa trên những nối tiếp của các hợp âm ấy và sáng tác ra những giai điệu mới mẻ hơn.

            Ta thấy nhạc Jazz giống nhạc cổ điển ở chỗ ban đầu là trình bày chủ đề nguyên vẹn, trước khi đưa ra những biến tấu ngẫu hứng. Tuy vậy các nghệ sĩ độc tấu và những người đệm theo, không ứng tấu ngẫu nhiên bất kể cái gì và bất kể thế nào. Đòi hỏi họ có một số vốn chung những chủ đề, để trong những lúc thuận tiện, ăn ý, một phong cách tập thể gắn bó lại cho phép họ cùng nhau thể hiện tổng hợp âm nhạc thành tác phẩm của Jazz.

            Như vậy là, với những đặc điểm trên của nhạc Jazz phần nào đã giúp chúng ta hiểu về nhạc Jazz hơn. Để khi nghe và so sánh với các thể loại khác có thể phân biệt được. Trong những đặc điểm thì tính ứng tấu ngẫu nhiên là một đặc điểm nổi bật trong nhạc Jazz. Giúp người nghe phân biệt một cách chính xác giữa nhạc Jazz và nhạc Cổ điển. Trong nhạc Jazz luôn cho chúng ta thấy được điều mới mẻ, khác lạ so với các thể loại khác về nhiều khía cạnh âm nhạc như: hòa thanh, giai điệu, tiết tấu, cách thể hiện. Ở mỗi một đặc điểm đều cho chúng ta thấy những nét đặc trưng riêng biệt của Jazz. Muốn chơi nhạc Jazz tốt, người chơi cần hiểu những đặc điểm đó trong Jazz để từ đó phát triển hơn trong cách chơi nhạc Jazz.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

      1. Lê Vũ Quang Đạt (2001), Phương pháp học đàn Organ Keyboard, tập 1-2, Nxb Trẻ.

      2. Lê Quang Việt (2014), đưa nhạc Jazz vào việc dạy học môn Đàn phím điện tử, ngành Sư phạm âm nhạc trường ĐHSP Hà Nội.

      3. Nhiều tác giả (1990), Jazz-rock-pop, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

      4. Nguyễn Mai Kiên, Thang âm phương pháp luyện tập và ứng dụng, Khoa kiến thức nghệ thuật cơ bản,  Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

      5. Thế giới âm nhạc (1997, 1998, 1999), Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

      6. Vũ Tự Lân (2007), Giáo trình lịch sử Jazz - Pop - Rook, Nxb Tổng cục chính trị, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.