Nội san

Văn hóa dân gian - mạch nguồn cho sân khấu kịch đương đại

12 Tháng Mười 2015

                                                                                                Nguyễn Huy Quang

 

Văn hóa dân gian là một tài sản mang tầm vóc của quốc gia dân tộc, đó là sự kết tinh và hội tụ tri thức cộng đồng tộc người qua không gian, thời gian sau những biến thiên lịch sử để hình thành nên bản sắc, cấu thành nên cốt cách diện mạo văn hóa vùng miền, đất nước. Văn hóa dân gian vì vậy là hằng xuyên trong những lát cắt của đời sống, chi phối và tác động lên mọi biểu hiện và góp phần định hướng cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống đương đại, mà ở đó kịch nói là một ví dụ tiêu biểu.

Lịch sử kịch nghệ Việt Nam cũng như châu Á nói chung đều bắt nguồn từ cái nôi của không gian châu Âu với những tác gia bất tử, những tác phẩm kinh điển làm hệ qui chiếu cho nền kịch nghệ thế giới mà tiêu biểu là Shakespeare, Anton Pavlovich Chekhov, Bertonlt Brecht, Moliere, Puskin, Mikhailovich Dostoievsky... Những tượng đài này đã đặt nền móng cho một sân khấu kịch nói vũ lộng trên toàn thế giới để khi bước vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, kịch nói đã là một loại hình nghệ thuật đặc biệt mang một sức sống mãnh liệt với sức phản ánh, khả năng tác động trực tiếp tới người xem và sự thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi thái độ hành vi theo hướng xây dựng cho cái mới như một thế mạnh vô song…

Với một lịch sử đồ sộ qua nhiều ngàn năm liên tục chảy mạnh trong dòng tiến trình văn hóa của mình, Việt Nam đã đón nhận Kịch nói như một thành tố mới đầy tích cực. Sức mạnh văn hóa nội sinh đã tiếp nhận loại hình nghệ thuật đặc biệt này một cách đầy uyển chuyển và tinh tế, để ngay lập tức một nền kịch nghệ Việt Nam ra đời vừa mang vóc dáng của sân khấu kịch phương Tây nhưng cũng đồng thời chở nặng hồn cốt bản sắc Việt theo một cách rất riêng. Đây là một hiện tượng hỗn dung văn hóa thường diễn ra trong suốt chặng đường của lịch sử văn hóa khi những mạch luồng giao thoa Đông Tây hội nhập với Đại Việt dù ở thể cưỡng bức hay tự nguyện, thì sức mạnh nội sinh của văn hóa dân gian cũng đều tích hợp mọi thành tố mới theo một cách rất Việt Nam mà GS. Phan Ngọc gọi là độ “khúc xạ”, đó là một/những cuộc tiếp biến kỳ lạ ở mọi thời đại của văn hóa Việt, đã làm nên một diện mạo văn hóa Việt đương đại tiên tiến mà đậm chất dân tộc!

Điểm lược những tác gia tên tuổi của kịch nghệ Việt Nam, ngoài những tác phẩm mang hơi thở của nhịp sống hiện đại, thì có thể nói hầu hết những nhà biên kịch đều có từ một đến một vài những tác phẩm tiêu biểu mang mầu sắc của Văn hóa dân gian rất đậm nét, đó là những yếu tố tâm linh, là những câu chuyện làng quê của thế kỷ trước hay ncó thể những đề tài về các nhân vật lịch sử... những thành tố của Văn hóa dân gian Việt Nam!

Người cần nhắc tới đầu tiên chính là cố tác gia Lưu Quang Vũ, một thiên tài của sân khấu kịch Việt Nam, trong di cảo những tác phẩm nổi tiếng ông để lại, thì một trong những tác phẩm hay nhất, cũng đã trở thành một trong những vở kịch kinh điển của sân khấu kịch Việt Nam chính là “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, tác phẩm với sự dàn dựng của Nhà hát Kịch Trung ương do cố NSND Trọng Khôi thủ vai Anh hàng thịt đã trở thành tượng đài sân khấu cả về  hình tượng nhân vật lẫn kỹ thuật diễn xuất bậc thầy. Với sự xuất hiện của các yếu tố như Thiên đình, Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích, sự nhập hồn từ ông Trương ba sang ông hàng thịt... yếu tố dân gian đã được Lưu Quang Vũ sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật để gửi gắm những chủ đề tư tưởng lớn, mang hơi thở thời đại phản ánh những hiện thực đã và đang tồn tại trong xã hội đạt đến thành công đặc biệt. Có thể nói, đây là một trong số ít các vở kịch đến gần nhất với công chúng thủ đô nói riêng và cả nước nói chung trong suốt nhiều năm qua...

Nguyễn Khắc Phục là một cái tên rất quen thuộc với khán giả Thủ đô ở nhiều thể loại, truyện ngắn với “Hoa cúc biển”, “Ngã ba vô tình”, phim nhựa với “Chiến trường chia nửa vầng trăng”, “Sơn ca trong thành phố”... Ở thể loại kịch ông đạt được nhiều thành công mà tiêu biểu phải kể đến “Quỷ nhập tràng” do Nhà hát kịch Tuổi trẻ dàn dựng năm 2007. Tác phẩm lấy chất liệu dân gian từ câu chuyện một làng quê - làng Bời có nhân vật tên Ất bị ức hiếp mà chết, sau Ất hóa quỷ để về phanh phui những tội lỗi của chức dịch làng xã... Tác phẩm đã công diễn nhiều đêm và dành được rất nhiều tình cảm từ khán giả trong nhiều năm.

Cùng thời điểm này phải kể tới “Trở về Cát bụi” của nhà văn Triệu Huấn, một vở kịch nổi tiếng của Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng. Câu chuyện với đề tài nóng bỏng của xã hội là vấn nạn tham nhũng lạm dụng quyền lực, nhưng với thủ pháp nghệ thuật kết hợp với yếu tố văn hóa dân gian ở nhân vật Cả Khoa, một thầy bói có thể đọc được tiền vận hậu vận thông tỏ thiên cơ, sau này lai lịch nhân vật lại chính là người bạn từ thủa nhỏ và biết được hết nguồn gốc của Thúc Đại, viên quan tham với những thủ đoạn tàn độc cùng một cái kết báo ứng mà Cả Khoa đã dự liệu từ trước... “Trở về cát bụi” đã đạt được thành công vang dội, công diễn nhiều đêm. Năm 2012, đạo diễn trẻ Nguyễn Huy Quang cũng đã dàn dựng lại thành bài thi tốt nghiệp mang nhiều màu sắc mới cho lớp diễn viên Kịch điện ảnh K7 của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Ở mảng kịch mang yếu tố tâm linh không thể không nói đến Vương Huyền Cơ, tác giả của nhiều kịch bản hay mà tiêu biểu là hai tác phẩm “Quỷ ám” và “Hồn ma báo oán”... đều lấy chất liệu từ sự hiện hồn trở về của các nhân vật bị cái ác hại chết, những linh hồn này đã trở về tìm lại những kẻ hãm hại mình và đòi món nợ máu. “Quỷ ám” đã được NSND Ngọc Phương dàn dựng thành bài thi cho lớp đạo diễn sân khấu K27 Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và “Hồn ma báo oán” đã trở thành một kịch mục quan trọng của đoàn kịch nói Công an Nhân dân với rất nhiều suất diễn những năm qua.

Ở sân khấu kịch Thành phố Hồ Chí Minh, những đề tài khai thác về chất liệu dân gian cũng được đầu tư khá công phu và gây được một sự quan tâm đặc biệt của công chúng thành phố. Có thể kể tới những vở diễn như “Cải tử”, “Trạng Lợn”, “Đại bàng tung cánh”, “Phương thuốc thần kỳ”, “Thượng đế cũng nổi giận”, “Của gia truyền”, “Ngẫu hứng Trạng Quỳnh”, “Vụ trộm trứng gà”, “Đòi nợ”... Những tác phẩm này đã có sự kết hợp với các yếu tố của văn hóa dân gian Việt Nam, có thể đậm đặc xuyên suốt hoặc điểm lược đan xen ở các chi tiết kịch, nằm gọn gàng trong các lớp lang để chuyển tải một thông điệp của vở… Nhìn chung, dạng đề tài này vẫn là một trong những sự lựa chọn quan trọng đối với các tác giả kịch bản, cũng như là một trong những tác phẩm khi dựng thành kịch gây được tiếng vang lớn trong lòng khán giản yêu mến kịch nói Việt Nam!

Và gần đây nhất trong năm 2015, những vở kịch mang yếu tố dân gian lại một lần nữa được khai thác mạnh mẽ với những tác phẩm tiêu biểu mới dàn dựng của các đoàn kịch ngoài Bắc, có thể kể tới “Khát vọng của những linh hồn” - Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân kể về câu chuyện nơi nhà tù Côn Đảo, với sự trở về của các linh hồn bà Phi Yến - thứ phi Vua Gia Long, linh hồn chị Võ Thị Sáu và chiến sĩ cách mạng Vũ Văn Hiếu… một vở kịch để lại nhiều dấu ấn sâu đậm về tinh thần cách mạng kiên trung của các chiến sĩ. Vở “Không phải là vụ án ” cũng của đoàn kịch nói Công an Nhân dân tiếp tục khai thác chất liệu tâm linh ở tình tiết một người bị ô tô đâm chết, kẻ lái xe đổ tội cho một người khác, chạy trốn và một thời gian sau quay trở lại căn nhà người bị hại cầu xin tha thứ, bát hương thờ trên bàn thờ đột nhiên bốc cháy khi kẻ đâm chết người thắp nén nhang...

Vở kịch “Tóc mây Lèn Hà” của đoàn kịch nói Quân đội Nhân dân xây dựng một hình tượng đẹp về tâm linh ở cuối vở với các linh hồn của các nữ thanh niên xung phong hiện về sau loạt bom thù đã hi sinh anh dũng... Hình tượng đã gây được một cảm xúc mạnh mẽ trong lòng khán giả thưởng thức. “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” của đoàn kịch Hà Nội thì lấy bối cảnh của trang ấp Mê Thảo với số phận của nàng Thị Tơ và người nghệ sĩ Bá Nhỡ chấp nhận hi sinh bước qua lời nguyền để tấu lên khúc nhạc tỉnh thức... Vở kịch cổ trang đẹp huyền ảo mà ám ảnh những triết lí sâu sắc đã đạt được những thành công đáng ghi nhận trong lòng khán giả Thủ đô.

Ở “Công lý không gục ngã” của đoàn kịch Tuổi trẻ thì câu chuyện lịch sử thời kỳ Lê - Trịnh được xuất hiện trên sân khấu cùng các nhân vật nổi tiếng mà khán giả đã từng biết đến qua bộ phim “Đêm hội Long Trì”, là Chúa Trịnh, là Tuyên Phi Đặng Thị Huệ, Cậu Trời... và nhân vật Ngô Thì Nhậm, tác phẩm xoay quanh tư tưởng và sự cương trực của vị quan thanh liêm quyết tâm bảo vệ công lý đã mang lại một ấn tượng khó quên về một tác phẩm công phu, một vở kịch hay từ đề tài lịch sử…

Nhìn lại bức tranh sân khấu kịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong chặng đường gần một thế kỷ qua, có thể thấy sự trưởng thành mạnh mẽ, sự vươn lên không mệt mỏi và sức sáng tạo phi thường của các nghệ sĩ sân khấu cả nước, để đến hôm nay chúng ta có thể tự hào về một nền kịch nghệ tiên tiến, đậm tính dân tộc mà chở nặng một cội nguồn tâm thức dân gian… Có thể khẳng định với một lộ trình bền bỉ, liên tục, với năng lực sáng tạo lớn lao và đặc biệt là một mạch nguồn văn hóa đồ sộ, sâu sắc, khẳng định rằng kịch nói Việt Nam và Hà Nội sẽ có những bước tiến lớn trong tương lai.