Nội san

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên sư phạm mỹ thuật thông qua dạy - học một số môn chuyên ngành

14 Tháng Mười 2015

                                                                                    ThS. Nguyễn Thị Hồng Thư

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

           

1. Vấn đề giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động đào tạo của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, hoạt động bảo vệ môi trường đã và đang trở thành vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu, là mối quan tâm chung của toàn nhân loại, có tác động trực tiếp đến hoạt động của mỗi quốc gia trên toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề được nhiều cấp, nhiều ngành và các tổ chức xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra chỉ thị số 36/CT/TƯ ngày 25/6/1998 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thành lập “Tiểu ban giáo dục và đào tạo môi trường” với nhiều hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chỉ thị nói trên. Trong đó có đề án “Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân” được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 17/10/2001. Ngoài ra, còn có thể đề cập đến nhiều hình thức hoạt động, tuyên truyền, giáo dục về môi trường khác như: các cuộc thi sáng tác Văn học, Hội họa, Âm nhạc về bảo vệ môi trường. Nhiều cuộc hội thảo tìm hiểu, đánh giá về sự hủy hoại môi trường do các cơ quan, các tổ chức chính trị, xã hội như: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Báo Thiếu niên tiền phong, Báo Nhi đồng, Hội Mỹ thuật Việt Nam… tiến hành. Những hoạt động nói trên đã thu được những thành công đáng kể, tác động không nhỏ đến ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường trong Nhà trường và ngoài xã hội. Tuy vậy, các hình thức hoạt động, tuyên truyền, giáo dục đó mới chỉ mang tính phong trào, thời điểm nhất định, chưa trở thành nề nếp thường trực hàng ngày trong nhận thức của mỗi cá nhân cũng như của toàn cộng đồng.

Đối với Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, việc kiến tạo một môi trường sống tốt với các chuẩn mực cũng như giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên được tích hợp trong chương trình đào tạo đã và đang được triển khai thực hiện. Vì vậy, sinh viên trong nhà trường nói chung, sinh viên Sư phạm Mỹ thuật nói riêng đã có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường một cách tích cực, tự giác ngay trong chính môi trường sinh hoạt và học tập của mình. Sinh viên Đại học Sư phạm Mỹ thuật chính là những giáo viên dạy mỹ thuật trong tương lai tại các trường phổ thông. Họ là lực lượng sẽ thực hiện mục tiêu giáo dục thẩm mỹ, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh phổ thông qua các bài học và hoạt động mỹ thuật trong Nhà trường. Do vậy, chính những sinh viên này càng cần thiết phải được giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ngay trong chương trình đào tạo và các hoạt động trong Nhà trường một cách thường xuyên, liên tục.

Để thực hiện được mục tiêu giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên sư phạm mỹ thuật, đồng thời góp phần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong giai đoạn phát triển ngày nay, việc nghiên cứu, xây dựng nội dung, các hình thức giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên thông qua chương trình đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật và một số hoạt động trong Nhà trường là một việc rất cần thiết. Mỹ thuật có ưu thế là một loại hình nghệ thuật thị giác, có chức năng phản ánh hiện thực và chức năng thông tin cụ thể và trực tiếp. Do vậy, thông qua các môn học về Mỹ thuật có thể tổ chức các hoạt động tích hợp với nội dung các môn học chuyên ngành và các hoạt động nghiệp vụ, ngoại khóa trong Nhà trường. Giáo dục nhận thức thẩm mĩ thông qua môn học và các hoạt động mỹ thuật cũng là giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, có văn hóa cho sinh viên.

2. Giáo dục môi trường thông qua dạy học tích hợp một số môn chuyên ngành cho sinh viên sư phạm mỹ thuật

Trên cơ sở mục tiêu đào tạo giáo viên giảng dạy môn Mỹ thuật ở trường phổ thông, chương trình các môn chuyên ngành hệ Đại học Sư phạm Mỹ thuật gồm một số môn học cơ bản như: Hình họa, Trang trí, Bố cục, Điêu khắc và một số môn lý luận chuyên ngành. Những môn học này nhằm trang bị cho sinh viên sư phạm mỹ thuật tương đối đầy đủ những kiến thức và kỹ năng thực hành cơ bản về mỹ thuật. Thông qua các môn học lý luận chuyên ngành, cung cấp cho sinh viên những kiến thức về lịch sử mỹ thuật, những thông tin cơ bản, khoa học về nghệ thuật tạo hình nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ thông qua các bài học cụ thể trong chương trình. Từ đó, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên sư phạm mỹ thuật thông qua dạy học một số môn chuyên ngành là điều có thể thực hiện hiệu quả trên cơ sở chương trình đào tạo của Nhà trường.

2.1. Môn Trang t

Môn Trang trí có lợi thế là môn học về thẩm mỹ, về nghệ thuật làm đẹp cho cuộc sống. Bên cạnh việc cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về trang trí, người giảng viên mỹ thuật còn có nhiệm vụ quan trọng hơn nữa là phải khơi dậy và bồi dưỡng những tình cảm thẩm mĩ, tình yêu thiên nhiên, yêu con người và có ý thức công dân đối với xã hội, đối với môi trường sống xung quanh. Sinh viên sư phạm m thuật là người dạy về cái đẹp cho chính mình và tác động vào cộng đồng xã hội, các đối tượng học sinh phổ thông qua con đường dạy học trong tương lai. Bởi vậy hơn ai hết, họ phải là những người có kiến thức về môi trường, luôn có ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh tươi, sạch đẹp xung quanh. Để rồi, chính họ lại là người sẽ giáo dục cho học sinh phổ thông ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường sống của chính họ.

Trong chương trình môn trang trí hệ Đại học Sư phạm Mỹ thuật có một số bài học có thể tích hợp đưa nội dung đề tài môi trường đạt hiệu quả như: Tranh Cổ động, Tranh Tường, Tranh Dán. Đó là những bài học trang trí mà sinh viên phải làm bài tập thực hành. Bên cạnh các nội dụng khác nhau cần thể hiện như: Văn hóa, thể thao, giáo dục, giao thông, các vấn đề chính trị, kinh tế, lịch sử, xã hội, v.v... Có thể đưa nội dung về môi trường trong các bài kiểm tra thực hành hoặc bài thi học phần. Tùy theo điều kiện về thời gian hoặc hình thức tổ chức dạy học theo yêu cầu của từng bài, từng khóa học. Với đề tài môi trường, tùy theo yêu cầu cụ thể của từng loại bài học mà các giảng viên có thể gợi ý cho sinh viên khai thác, tự khám phá, phát hiện các nội dung chủ thể khác nhau như: Vệ sinh môi trường nơi ở, làm việc, học tập; Bảo vệ vật nuôi, động vật quý hiếm, tài nguyên, thiên nhiên; Bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; Ngăn ngừa chặt phá rừng, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên của rừng và biển; Chống ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn; Chăm sóc cây cối, trồng cây gây rừng; Xây dựng môi trường thiên nhiên xanh, sạch, đẹp; Xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, chống tệ nạn xã hội, chống tiêu cực; Xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống văn minh, cách ứng dụng giao tiếp văn hóa; Xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho người học.

Ngoài việc khai thác các nội dung trên, giảng viên có thể gợi mở cho sinh viên trình bày, thể hiện những ý tưởng, những suy nghĩ, cảm nhận sâu sắc của cá nhân về vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường. Nội dung chủ đề về môi trường rất phong phú và rộng mở cho sinh viên thỏa sức sáng tạo và và tìm tòi thể hiện các hình thức biểu đạt đa dạng, gây ấn tượng của nghệ thuật trang trí trong các bài tập trang trí nói trên.

Bên cạnh hình thức hoạt động độc lập để hoàn thành bài tập thực hành, giảng viên còn có thể khuyến khích các sinh viên làm việc theo nhóm. Có thể tổ chức các hình thức học tập tích cực, hiệu quả và thiết thực hơn nếu có điều kiện về thời gian như: Hợp tác theo nhóm để vẽ tranh tường, tranh cổ động khổ lớn về nội dung môi trường nhằm mục đích tuyên truyền, động viên, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho mọi thành viên và đông đảo sinh viên trong nhà trường. Đồng thời cũng là hình thức hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong việc xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm xung quanh nơi ở, học tập và sinh hoạt hàng ngày của sinh viên ngay trong khuôn viên Nhà trường bằng các tác phẩm, bài học trang trí thiết thực của sinh viên sư phạm mĩ thuật. Hợp tác theo nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn để vận dụng kiến thức của bài học tranh dán và cách thể của các hình trức trang trí khác để có thể tìm tòi, sáng tạo những hình thức biểu đạt của nghệ thuật trang trí, sắp đặt về môi trường với sự hoạt động tích cực, hào hứng của sinh viên trong việc tập hợp, thu gom những phế liệu, nguyên vật liệu tiết kiệm, tự kiếm của sinh viên như: Giấy màu, giấy báo cũ, bìa, vỏ hộp, vải vụn, gỗ, xốp, kim loại, dây thép phế liệu, cành, lá khô. Qua đó, các giảng viên có thể linh hoạt đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp dạy học, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Thay việc đánh giá từng cá nhân bằng việc đánh giá theo hoạt động nhóm. Nếu hoạt động tích cực, khẩn trương, có hiệu quả từ phía sinh viên, có thể tổ chức được một triển lãm nhỏ ngay trong từng lớp học để sinh viên các lớp có thể giao lưu, trao đổi và học hỏi, rút kinh nghiệm trong học tập, sáng tác, xây dựng ý tưởng cho tác phẩm.

2.2. Môn Bố cục  

Việc đưa đề tài về mội trường vào các bài tập phác thảo bố cục tranh bên cạnh các nội dung đề tài khác giúp cho sinh viên có thể khai thác được nhiều nội dung chủ đề. Trước hết, cũng như với các nội dung đã đề cập ở các bài Trang trí nói trên, giảng viên có thể gợi mở cho sinh viên suy nghĩ, khai thác tự khám phá, phát hiện các vấn đề về nội dung môi trường bao gồm cả các yếu tố tự nhiên, xã hội. Trên cơ sở đó, sinh viên có thể có những ý  tưởng thể hiện phong phú, độc đáo theo cảm nhận riêng. Giảng viên có thể khuyến khích và gợi mở cho sinh viên nhiều cách nhìn, cách bố cục, cách thể hiện đa dạng của nghệ thuật hội họa với nhiều phong cách, bút pháp và lối vẽ từ hiện thực, trang trí, ấn tượng, biểu hiện hay trừu tượng. Có thể thể hiện nội dung môi trường theo hình thức nghệ thuật sắp đặt, hoạt động theo nhóm để phát huy tính tích cực, tìm tòi, sáng tạo và kích thích hứng thú học tập cho sinh viên. Bởi vì, hoạt động hợp tác theo nhóm hiện nay cũng đang và sẽ là một phương pháp học tập tích cực và hiện đại. Đặc biệt, với sinh viên sư phạm mỹ thuật, đòi hỏi một kỹ năng chuyên môn vững vàng hơn. Vì vậy các giảng viên cần chú trọng đến việc phát huy tinh thần tìm tòi, sáng tạo và đổi mới các hình thức tổ chức dạy học để tích cực hóa hoạt động học tập của sinh viên. Như vậy, hoạt động dạy học mỹ thuật trong nhà trường sẽ hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho sinh viên hình thành và phát triển các kĩ năng cần thiết về chuyên môn, cách thức tổ chức hoạt động dạy học mỹ thuật trong Nhà trường phổ thông sau này.

Từ những suy nghĩ, phát hiện, tìm tòi, khám phá và sáng tạo một cách hứng thú, chủ động về nghệ thuật tạo hình, phản ánh các nội dung về môi trường trong học tập chuyên môn sẽ là những thông điệp về môi trường và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường có hiệu quả, trực tiếp tác động tới tư duy, tình cảm của sinh viên và lan tỏa đến cộng đồng xã hội .

2.3. Môn ký họa

Dựa trên cơ sở các hoạt động của đoàn thanh niên, hoạt động nghiệp vụ sư phạm, có thể tổ chức cho sinh viên các khoa, các khóa học hay các lớp luân phiên theo kế hoạch hàng tuần tự quản vệ sinh, làm sạch đẹp môi trường xung quanh nơi ở, lớp học, nơi làm việc... trong phạm vi Nhà trường vào các ngày cuối tuần. Như vậy, vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm của sinh viên trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường khi họ là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động lao động. Đồng thời, kết hợp với nội dung bài học ký họa trong chương trình, các giảng viên có thể giao bài tập tự học thực hành chép hoa lá, ký họa động vật, hoạt động nhóm... cho sinh viên một cách thường xuyên. Mục đích của hoạt động nhằm nâng cao khả năng quan sát thực tế và kỹ năng vẽ ký họa cho sinh viên sư phạm mỹ thuật vốn còn nhiều hạn chế về khả năng ký họa thực tế, đặc biệt lá ký họa dáng động. Thông qua các hình thức hoạt động được tổ chức như trên, có thể làm cho việc dạy và học của giảng viên và sinh viên trở nên tích cực và hiệu quả hơn.

Môn Mỹ thuật có ưu thế là môn học nghệ thuật có thể tổ chức các hoạt động giáo dục về môi trường tích hợp với nội dung các môn học chuyên ngành Mỹ thuật và các hoạt động nghiệp vụ, ngoại khóa khác trong Nhà trường. Giáo dục môi trường thông qua nội dung bài học mỹ thuật được coi là một trong những biện pháp có hiệu quả, lâu dài vì giáo dục thẩm mỹ tác động vào nhận thức, thái độ, hành vi của con người một cách trực tiếp, làm cho người được giáo dục có hứng thú, say mê khám phá và sáng tạo khi được hiểu đúng về môi trường. Trên cơ sở đó, sinh viên có những hành động, tình cảm, thích hợp trong mối quan hệ với tự nhiên, xã hội để tạo môi trường sạch, đẹp. Giáo dục nhận thức thẩm mỹ thông qua môn học và các hoạt động mỹ thuật cũng là giáo dục về ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, có văn hóa cho sinh viên.

3. Kết luận

Để vấn đề giáo dục ý thức bảo vệ môi trường được phát triển bền vững, lâu dài, cần phải có những biện pháp tích cực, phong phú, đa dạng, không nhàm chán để có thể thu hút và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi sinh viên. Bên cạnh việc đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các bài học chuyên môn cần tăng cường các hoạt động Mỹ thuật trong và ngoài trường để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên. Các hoạt động mỹ thuật trong và ngoài trường cần phải được thực hiện thường xuyên với nội dung cụ thể, thiết thực để sinh viên hưởng ứng và tham gia hiệu quả. Giáo dục bảo vệ môi trường phải trở thành nếp sống thường trực trong mỗi sinh viên trong Nhà trường, đặc biệt là sinh viên sư phạm mỹ thuật, lực lượng sẽ trực tiếp làm công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Đổi mới quản lý hệ thống giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2020, Nxb Giáo dục

2. Mai Đình Ên (1997), Môi trường và con người, Nxb Giáo dục.

3. Nguyễn Quang Hải, (2012), Giáo trình Bố cục chất liệu Sơn mài, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 4. Phạm Lê Hòa và các tác giả (2008), Nghiên cứu biên soạn tài liệu môi trường với cuộc sống của chúng ta cho học sinh cấp 1,2,3. Đề tài Khoa học cấp Bộ trọng điểm (Mã số: B2008-36-52).

5. Nghị quyết số 14/2005/NQ- CP về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020

6. Nguyễn Thị Nhung (2007), Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên CĐSPMT thông qua dạy học và một số hoạt động trong Nhà trường, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

7. Trường ĐHSP Nghệ thuật TW (2011), Bảo vệ môi trường sống trong giáo dục học đường

8. Trần Đình Tuấn (2012), Giáo trình Bố cục - Hệ CĐSP Mỹ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW