Nội san

Thiết kế bao bì - động năng để phát triển thương hiệu

14 Tháng Mười 2015

                                                                                        ThS. Lê Đức Cường

   ThS. Phạm Phương Linh

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Mục tiêu của việc xây dựng thương hiệu là phát triển một dấu hiệu đặc trưng. Nếu không có dấu hiệu đặc trưng, thương hiệu sẽ khó có được ấn tượng tốt trong lòng khách hàng. Trong việc tạo dựng thương hiệu, nếu khách hàng không nhớ đến tên tuổi và hình ảnh của sản phẩm thì sẽ dẫn đến việc bỏ qua hoặc quay lưng lại với nó.

Tính đặc trưng không phải là yếu tố duy nhất trong quá trình xây dựng thương hiệu, nhưng nó là vấn đề quan trọng nhất, nếu không, những thất bại sẽ xuất hiện trong tương lai. Đó là những gì mà doanh nghiệp làm nhưng sẽ không thể tạo dựng được thương hiệu cũng như sự ổn định lâu dài. Điều này được thực tế chứng minh rằng mỗi khi quyết định mua bất kì sản phẩm nào: “nếu khách hàng không nhận ra được sự khác biệt giữa thương hiệu của bạn với thương hiệu của đối thủ cạnh tranh thì họ sẽ mua hàng ở nơi rẻ nhất” [12;2]

Từ phân tích trên, ta thấy rất rõ vai trò tạo dựng tín hiệu riêng của nhà sản xuất gắn trên sản phẩm như là động năng phát triển của một thương hiệu, trong tương tác tự thân và tương tác thị trường. Câu chuyện ở đây là quan hệ giữa nội dung và hình thức, theo lẽ thường thì nội dung nào phải đi với hình thức ấy, đến đây chợt nhớ tới câu nói nhiều hàm ý sâu xa, đa tầng đa nghĩa của cổ nhân rằng: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Mượn câu nói này để liên tưởng tới việc gán đặt sơn và gỗ trong quan niệm kinh doanh thời nay. Đồng thời cũng để thấy vị trí, vai trò của sáng tạo thẩm mỹ ứng dụng.

Tâm trí và thói quen tiêu dùng

Đã từ lâu, những bao thuốc lá Điện Biên ở thời bao cấp có in màu xanh đậm hình người chiến sĩ cầm cờ chiến thắng trên hầm tướng Đờ Cát; những chai thuốc ho bổ phế bằng thủy tinh còn lẩn vẩn bọt khí được dán nhãn có hình hai lá phổi bằng thứ giấy xám vàng; những bao tải sợi đay có dấu tròn màu đen ghi Công ty Lương thực Hà Nội, đựng 10kg mỳ sợi, sợ nhất trời mưa vì không được chống ẩm, vẫn được bán hết veo… và những bánh xà phòng in hiệu Cô Ba nức tiếng Sài Gòn; những tuýp kem đánh răng in hình ông Bảy Chà Và có nước da ngăm đen cười khoe hàm răng sáng trắng đã có sự khác lạ bởi lối dùng hình ảnh trên bao bì gần gũi thân thiện hơn. Rồi sau đó, vào thời mở cửa là những gói mì in hình hai con tôm đỏ chói của MILIKET bọc giấy có mùi vị thơm ngon khác hẳn so với mỳ sợi đóng trong bao tải, đến hôm nay gói mỳ “hai tôm” ấy vẫn đọng trong tâm trí của nhiều người. Những tên tuổi vang bóng một thời ấy, được người ta hồi tưởng lại khi nhắc đến những thương hiệu Việt chính cống của một thời đã vắng xa - một thời mà hàng hóa phân phối theo hệ thống mậu dịch quốc doanh.

Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa đã chính thức thâm nhập, liên tục có những sản phẩm mới mang theo thương hiệu danh tiếng từ nước ngoài vào Việt Nam. Cách chúng xuất hiện ở đời sống rất đa dạng, tràn lan phủ kín các mặt phố, len lỏi vào từng xóm ngõ, từ trong tủ kính nhỏ của bà bán tạp hóa đến những giá, kệ hàng cao chất ngất trong siêu thị hiện đại. Nhiều chủng loại nhãn hàng có xuất xứ nội, ngoại được bày bán khắp nơi từ bông ngoáy tai, giấy vệ sinh, hay rượu bia, thực phẩm đến đồ điện gia dụng, với mẫu mã, màu sắc vô cùng phong phú và hấp dẫn.

Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng ngày càng phát triển, tâm lý ngợp thậm chí bối rối, đắn đo, suy tính để lựa chọn một nhãn hiệu nào đó phù hợp với sở thích và túi tiền của khách hàng là điều khó tránh khỏi. Việc mua sắm đòi hỏi sự hiểu biết để so sánh, đánh giá thông tin, hình ảnh ghi trên bao bì sản phẩm đã trở thành thói quen không chỉ của người nội trợ. Lối ứng xử thông minh của khách hàng khi họ gắn bó với một số thương hiệu có uy tín như thước đo giá trị của dòng sản phẩm, thể hiện tính thích nghi trong sự sôi động của thị trường. Để bán được sản phẩm trong thị trường đầy sức cạnh tranh, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã tìm cho mình giải pháp phát triển thương hiệu sản phẩm thông qua nhiều tiêu chí, trong đó có việc nâng cao chất lượng sản phẩm và thẩm mỹ thiết kế để đến với những người tiêu dùng.

Phân tích sâu hơn, để thấy tính hiệu quả của giá trị hình ảnh tác động tới tâm lý tiêu dùng, có thể thấy hàng loạt sản phẩm có những kết cấu vỏ hộp sáng tạo và màu sắc bắt mắt với danh tiếng được thiết lập từ lâu trên thế giới đang xếp hàng, nối nhau trên các kệ giá. Khi đó, chúng ta đều biết rằng mình sẽ lựa chọn sản phẩm rẻ hơn nếu không nhận ra được sự khác biệt giữa hai sản phẩm có cùng chức năng, định lượng và định tính. Ở một khía cạnh khác, với loại thuốc ho Bổ phế Chỉ khái lộ của Công ty Dược phẩm TW3 và Công ty Dược phẩm Nam Hà với hiệu quả chữa ho khá tốt, so với mấy chục năm trước sản phẩm này đã thay đổi rất nhiều về hình thức mẫu mã, nhưng vẫn giữ lại sự “nôm na” trông rất quê của hình ảnh, đặc biệt là chúng giống nhau như sinh đôi ở mọi tiêu chí, cùng tồn tại trên thị trường. Nhiều khả năng mặt hàng này bán rất chạy do thói quen của người tiêu dùng. Cho nên, nét đặc trưng hay nét nổi bật của sản phẩm chính là yếu tố bảo vệ tự thân của sản phẩm trong thị trường. Vì vậy, muốn tạo ra một thương hiệu mạnh, không thể thiếu được nét nổi bật của sản phẩm. Người ta mua sản phẩm vì họ đã nhớ đến nó từ tổng quan các thông tin mà họ từng biết đến thông qua nhiều nguồn khác nhau và thâm nhập vào não bộ. Để một ý tưởng tạo ra hay một hình ảnh mới lưu giữ được trong tâm trí của khách hàng là thương hiệu đó đã có cơ hội sống. Tiêu chí kỳ lạ về sự phát triển của SAMSUNG đã khiến họ thành công như ngày nay, thật lạ lùng, họ không cho rằng mình là số một, cũng không phải là số hai, mà đơn giản chỉ là 1,5. Những thiết kế mới liên tục ra đời ở các sản phẩm mang tính công nghệ cao của họ đã dần chiếm lĩnh nhiều thị trường trên thế giới, khiến cho người ta nhắc đến thương hiệu này là nghĩ tới đất nước Hàn Quốc.

Tâm trí khách hàng chính là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh thị trường của các thương hiệu. Walter Landor - một huyền thoại quảng cáo từng nói: “Sản phẩm được tạo ra từ các nhà máy nhưng thương hiệu được xây dựng từ trong tâm trí”.

Nước sơn và sự khác biệt

Câu chuyện về sự phân biệt và đánh dấu quyền sở hữu những con vật ngày xưa được người ta kể rằng: để nhận ra sự khác biệt giữa những con bò của mình với con bò của người khác, họ tạo ra con dấu để làm phù hiệu riêng cho mình, nó được nung nóng và đóng dấu vào một vị trí riêng trên cơ thể các con bò trong nông trại. Từ đó, chủ mỗi đàn bò đã dễ dàng phân biệt được đàn bò của họ một cách dễ dàng. Thời bao cấp ở nhiều gia đình Việt Nam, câu chuyện đó cũng được áp dụng tương tự bằng cách kín đáo bôi màu mực trên lông của những con gà nhà mình. Tối đến, khi đếm kiểm tra số gà trong chuồng không đủ, người ta có thể đi tìm ở những chuồng gà của các nhà hàng xóm, chứng minh và so sánh sự khác biệt ấy giữa gà của mình và những chú gà còn lại trong chuồng đó. Quả là một phương án thông minh, việc này đơn giản mà hiệu quả.

Câu chuyện hôm nay, trên thị trường bán lẻ dược phẩm hiện có hàng chục loại bổ phế với nguồn gốc dược liệu khác nhau cùng tồn tại. Giới hạn trong mặt hàng thuốc ho bổ phế chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên, để nhận biết dấu hiệu đó ra sao. Chúng ta nhận diện bằng phương pháp khảo sát với từng cặp sản phẩm theo các tiêu chí: sử dụng cùng bài thuốc; thời điểm hình thành thương hiệu; yếu tố liên doanh với nước ngoài.

Chuyện xưa thô sơ và chuyện hôm nay hiện đại có nhiều điểm tương đồng, chỉ có điều dấu hiệu được tạo ra theo cách nào, đáp ứng mục tiêu kinh doanh nặt hàng nào mà thôi.

Trong bài viết, ta thử xét ở góc độ nhận diện thương hiệu thông qua phương pháp thiết kế bao bì. Yêu cầu đặt ra cho bao bì sản phẩm cần phải có đặc điểm riêng để tăng cường khả năng tự vệ và sức mạnh thẩm mỹ để thu hút khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Để làm được điều đó, người thiết kế mỹ thuật cần thấu hiểu mục tiêu của nhà sản xuất hướng đến phân khúc thị trường nào, sản phẩm đã có trên thị trường ra sao, đòi hỏi phải cập nhật liên tục không đứt đoạn kiến thức chuyên môn và kĩ thuật mới.

Thiết kế xây dựng nhãn hiệu thương mại không chỉ là thiết kế biểu trưng. Mặc dù chúng ta đều biết nguồn gốc của nhãn hiệu bắt đầu từ những biểu trưng. Nhưng ở đây vấn đề cần thấy là giá trị mà biểu trưng mang lại là gì? Đồng thời, nhu cầu về đặc trưng vẫn là lý do để thương hiệu tồn tại vững bền. Để phát triển thương hiệu, cần phát triển đặc điểm dễ nhận dạng của nó, và phải khác biệt với sản phẩm khác cùng chủng loại hay cùng lĩnh vực kinh doanh. Ý tưởng thiết kế đôi khi lóe lên thông qua phát hiện từ đặc điểm của khách hàng hoặc từ chính nhân tố mới của sản phẩm… và việc ghép hợp hình - ý tương đồng tạo hiệu quả thẩm mỹ tích cực mang tính quyết định. Trong chúng ta, ai cũng nhận thấy hình ảnh của logo trên bao gói sản phẩm, nhưng cách xuất hiện logo của hãng Apple trên bao bì và trên sản phẩm là khác thường, bởi sự lọt thỏm của nó trong khoảng trống đơn sắc không thể thêm bớt, đây chính là dấu hiệu thứ nhất để xét đến dấu hiệu thứ hai, dấu hiệu quan trọng nhất tạo nên khác biệt, sức mạnh cốt lõi của hình tượng. Theo Rob Janoff - tác giả của logo này, miếng cắn trên logo - nét đặc trưng nhất của quả táo chỉ đơn giản là một điểm nhấn về nhận dạng. Giản dị đúng với tư duy thực tiễn về tạo hình của một họa sỹ thiết kế, ông cho biết thêm, logo Apple khi thu nhỏ lại hay nhìn từ đằng xa, sẽ trông giống với trái cherry hơn là trái táo. Bởi trái cherry không đủ một miếng cắn và dấu hiệu ấy đáp ứng được gợi ý bất bình thường cũng là yêu cầu duy nhất từ Steve Jobs, Giám đốc điều hành của Apple: “Đừng làm nó trông dễ thương”. Gợi ý này sẽ là ngớ ngẩn khi không được phát ra từ bộ óc vĩ đại. Logo này trở nên kỳ quái nếu không nhờ sự sáng tạo từ một họa sỹ tài năng!

Ngoài ra, các dấu hiệu tạo hình đặc trưng trên bao bì, thân vỏ của sản phẩm càng trở nên đặc sắc hơn nhờ vận dụng đúng và trúng vật liệu - công nghệ mới, trở thành bí quyết chế tác, thỏa mãn tiêu chí thẩm mỹ cũng như tăng cường khả năng tự vệ của sản phấm. Trên thực tế đầu tư sản xuất bao bì một số dòng sản phẩm cao cấp ngang với sản phẩm chứa bên trong nó. Trong đời sống, không hiếm người lưu giữ những vỏ hộp, vỏ chai trong bộ sưu tập của mình như một kỷ niệm, để nhìn ngắm, để thấy sự sáng tạo, đổi mới của một thương hiệu qua từng thời kỳ. Khi phát triển được nét đặc trưng riêng, khác biệt trong thiết kế, có định hướng thẩm mỹ riêng đi vào tâm trí khách hàng thì sản phẩm mới có giá trị thương hiệu. Nếu không có nó, các công ty không thể tạo nên thương hiệu mạnh.

Tốt gỗ hay tốt nước sơn

Người xưa nói rằng: “sai một li, đi một dặm”. Câu tục ngữ đã được chứng minh ở nhiều trường hợp khác nhau trong thực tiễn. Nếu xây dựng thương hiệu sai chiến lược, sản phẩm thiết kế có điểm nổi bật, thu hút sự chú ý của khách hàng nhưng chưa được nhận ra thì qua thời gian, giá trị thu về sẽ cho thấy ngay điều đó, những chuyến hàng trả về sẽ chất đầy kho, kết quả sẽ thật sự nguy hại. Tới lúc này, nếu khả năng tự vệ của sản phẩm chưa được thiết lập thì chính là thời điểm thương hiệu nhận rõ được sự thất bại. Tự vệ ở đây là điểm nổi bật của thương hiệu, bằng cách này hay cách khác nhưng sự nổi bật của thương hiệu dễ nhận thấy nhất là vấn đề hình ảnh xuất hiện của thương hiệu trong mắt khách hàng.

Việc xây dựng thương hiệu chỉ là nhận thức và nhận thức là có thực. Khi ta tự đặt mình vào vị trí của khách hàng, ta có thể cũng nghĩ như họ: “của rẻ là của ôi, tiền nào của đó”. Tuy nhiên, chúng ta không thể xây dựng thương hiệu nếu chỉ chú ý vào chất lượng mà không để ý đến việc thiết kế mẫu mã bên ngoài. Để chọn một trong hai chiếc đồng hồ, người ta chọn ROLEX không vì nó chạy đúng hơn chiếc đồng kia, mà có lẽ vì thương hiệu nổi tiếng đã được hãng đồng hồ này gây dựng từ trước. Ai cũng ủng hộ cho chất lượng! Nếu trước đây, chất lượng vẫn làm cho thương hiệu khác biệt do khoảng cách giữa tốt và xấu khá rõ, điều này dễ dàng làm cho khách hàng phân biệt được sản phẩm. Ngày nay, chất lượng là cái phải có nhưng không phải là thứ duy nhất để khách hàng đánh giá giá trị của sản phẩm nữa, bởi chất lượng khó phân định được sự khác biệt, vì mức độ ngang bằng của các sản phẩm trong các hãng đã tiệm cận nhau. Vì thế, các thương hiệu muốn dành thị phần đã phải tìm rất nhiều phương án khác nhau để tạo ra sự khác biệt cho riêng mình và tìm đến các phương án thiết kế kiểu dáng, mẫu mã là một trong những cứu cánh để tạo nên sự khác biệt của thương hiệu đó. Cuốn sách “Thiết kế làm nên thương hiệu” nhắc đến một kiến trúc sư vĩ đại của thế giới vì ông cùng nhiều nhà thiết kế đã đưa ra lý tưởng về sự giản đơn trong thiết kế mà ngày nay thế giới đi theo như là một triết lý. “Khi thế giới bước vào kỷ nguyên máy móc, Walter Adolph Gropius đã mở trường Bauhaus để đưa lý thuyết thiết kế vào quy trình công nghiệp. Họ đã đấu tranh cho thiết kế hợp lý và thiết thực trong sản xuất hàng loạt và cổ súy cho khái niệm hình thức của một đồ vật nên phù hợp với chức năng của nó” [13;7]. Những thiết kế gây ấn tượng sâu sắc trong thế kỷ XXI vượt khá xa việc tạo ra một món đồ và có thể một ngày nào đó sẽ trưng bày ở MoMA (Museum of Modern Art - bảo tàng nghệ thuật hiện đại, Mahattan, New York). Những thiết kế hiện đại được ưa chuộng hiện nay không chỉ là làm ra sản phẩm đẹp về mặt thẩm mỹ mà còn tạo ra một chỉnh thể phức hợp thống nhất có thể đem đến những trải nghiệm mà người tiêu dùng khao khát. Vẻ ngoài và cảm xúc về một sản phẩm chính là tiền cược - nó có thể định hình sự khởi đầu gắn bó tình cảm của khách hàng. Các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất phải truyền được những trải nghiệm đặc biệt không thể có được ở bất kỳ nơi nào, sản phẩm nào khác. Các thiết kế khôn ngoan nhất tập trung vào nhu cầu mà người tiêu dùng chưa từng biết là mình có.

Nếu du hành ngược thời gian về khoảng mười năm trước, nhiều người tiêu dùng sẽ không thể nghĩ mình có quyền đòi một thiết bị cho phép họ gọi được điện thoại, chơi trò chơi, xem thời tiết, đọc báo, mua hàng… tất cả gói trong một món đồ gọn nhỏ trong túi. Nền công nghiệp hiện đại phát triển, NOKIA trở thành một thương hiệu thiết kế tưởng chừng vĩ đại tới mức thống trị từ kỹ thuật công nghệ viễn thông, thiết kế kiểu dáng thay đổi liên tục, bao bì đẹp, đơn giản, kết cấu tiện dụng, hiện đại ngoài sức tưởng tượng, khiến cho các nhà sản xuất khác đã cạnh tranh với họ bằng cách đua theo công nghệ kèm theo hạ giá thành để tồn tại. Nhưng khi Apple đưa ra iPhone, chiếc điện thoại này đã thay đổi động lực của ngành điện thoại di động. Thay vì chạy đua về giá cả, đưa nó xuống đáy, Apple đã đi theo hướng khác. Họ chi nhiều tiền hơn để thiết kế hàng loạt sản phẩm công nghệ cao mà người tiêu dùng thích, đặc biệt là giới trẻ. Từ thiết kế vỏ hộp đến sản phẩm, ta thấy sự hòa quyện yếu tố tối giản mà tinh tế của hình thức với tính năng cũng như chất lượng công nghệ ở trình độ đỉnh cao. Đúng như Steve Jobs  nói: "Tôi thích táo và thích ăn chúng. Nhưng ý tưởng chính đằng sau quả táo là để mang lại sự đơn giản cho người dân trong cách tinh vi nhất và nó là như vậy, không có gì khác", và câu nói "Đừng làm nó trông dễ thương" trở nên thật dễ hiểu, thể hiện triết lý kinh doanh là chinh phục và hiệu quả của một thương hiệu mạnh. Ở bất kỳ quốc gia nào, người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền trước, xếp hàng chờ tới khi được sở hữu sản phẩm. Người đam mê sản phẩm của Apple đã yêu thích nó ngay từ cái nhìn đầu tiên. Với nhiều tín đồ, iPhone không phải là một sản phẩm thuần túy, nó là hiện thân một thứ văn hóa của người sành điệu, chịu chơi, tạo hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trên toàn cầu.

Nếu những sản phẩm công nghệ có không gian riêng để thu hút khách hàng thì những sản phẩm thông dụng khác lại đua tranh tên tuổi của mình ở các siêu thị đồ dân dụng. Khi đến siêu thị, người tiêu dùng cần quan sát một chút, chọn một vài sản phẩm và trả lời hai câu hỏi đơn giản: “Đây là sản phẩm gì?” và “Nhãn hiệu nào đứng đằng sau nó?”. Ta sẽ ngạc nhiên khi nhận ra một số sản phẩm khó thể trả lời hai câu hỏi đó trong vòng dưới 10 giây.

Việc này đòi hỏi thiết kế lại phải tìm đến những phương án khác, phù hợp với chủng loại sản phẩm và chất lượng, cũng như chức năng nó. Theo lẽ thường, khi bắt đầu thiết kế bao bì, người thiết kế luôn cố gắng miêu tả hình ảnh của sản phẩm trên bao bì thật hoàn hảo. Họ có thể cho xuất hiện trên sản phẩm những hình ảnh thật hấp dẫn, yếu tố màu sắc, cấu tạo hình dáng bao bì là những ưu tiên trước nhất để gây nên sự chú ý.

Trên thực tế có khá nhiều thiết kế bao bì mang tính liệt kê ích lợi của sản phẩm, chú trọng thiết kế bề ngoài trông dễ thương mà gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm thực sự bên trong. Giả dụ, thiết kế bao bì trông đẹp mắt, nhìn ngon miệng, giống các loại đồ uống trái cây, nhưng lại là một sản phẩm nước tẩy rửa, vì vậy có thể gây nhầm lẫn tai hại cho người sử dụng. Đây là một ví dụ điển hình cho sự thiếu rõ ràng của thiết kế bao bì sản phẩm. Ví dụ tiếp theo về tính chân thật, tương xứng giữa chất lượng bên trong và hình ảnh bên ngoài, trong chúng ta chắc đã từng đôi lần thấy bao bì hộp sữa chua có rất nhiều hoa quả tươi ngon như hạt lựu hoặc chanh leo nhưng thật ra chỉ là hương liệu công nghiệp. Việc miêu tả sản phẩm một cách tốt hơn giá trị thực của nó quá nhiều sẽ khiến khách hàng thất vọng với thương hiệu và sẽ quay lưng nếu gặp lại.

Nhưng cho dù là sản phẩm không đắt tiền, không xa xỉ nhưng để tạo ra thương hiệu ghi dấu trong lòng khách hàng thì thiết kế vẫn luôn cần sự khác biệt. Bởi như trên đã phân tích, câu chuyện thương hiệu nằm ở chỗ tạo nên sự khác biệt. Ghi lại ấn tượng sâu đậm với khách hàng, thiết kế bao bì của sản phẩm phải độc đáo, khác biệt, đây là nguyên tắc. Muốn tâm trí khách hàng loại bỏ những thương hiệu khác từ trong tiềm thức, đòi hỏi thiết kế phải hàm chứa hình ảnh ấn tượng với nhiều yếu tố như ý tưởng sáng tạo, phong cách thiết kế mới lạ và tiêu chí luôn phải khác những đối thủ của mình. Ví dụ, mọi người thích bao bì có ảnh chụp đồ ăn thì hãy thử thiết kế bao bì minh họa cho đồ ăn hay lấy thiết kế chữ theo một phong cách nào đó dạng Typography làm điểm nhấn, nếu nhiều người thiết kế theo chiều ngang thì có lẽ thương hiệu này nên thiết kế theo chiều dọc. Thời của bách hóa đã xa, thời của siêu thị đang đến và nở rộ, điều này cũng là vấn đề để thiết kế thương hiệu cần chú ý tới nhận diện theo phong cách bày bán trên kệ hàng. Vì trong thực tế những siêu thị hiện đại như Metro, BigC, Fivi Mart hay Coop Mart… một sản phẩm không bao giờ đứng một mình, khi sản phẩm được xếp thành nhiều cột ngang và cột dọc trên kệ hàng chúng sẽ tạo ra một hiệu ứng bắt mắt người tiêu dùng.

 

Tài liệu tham khảo

1. Thomas L. Frieman - Nguyễn Quang A và nhóm dịch (2006), Thế giới phẳng, Nxb Trẻ.

2. Jay Greene - Phan Hoàng Lệ Thủy dịch (2012), Thiết kế làm nên thương hiệu, Nxb Trẻ.

3. Hội Mỹ Thuật Việt Nam (2006), Triển lãm thiết kế đồ họa 2006, ĐHMTCN Hà Nội.

4. Phạm Phương Linh (2015), Xu hướng nghiên cứu và thiết kế đồ họa trong thương hiệu thương mại, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số Tết/2015.

5. Công Minh - Tiến Huy (2013), Những chiến lược khác biệt để phát triển thương hiệu, Nxb ĐHSP TP HCM.

6. Nguyễn Quân (2004), Con mắt nhìn cái đẹp, Nxb Mỹ thuật.

7. Lê Huy Văn - Trần Văn Bình (2011), Lịch sử Design, Nxb Xây dựng.

8. Lê Huy Văn (2012), Cơ sở phương pháp luận design, Nxb Mỹ thuật.

9. http://www.news.discovery.com