Nội san

Đôi nét về truyền dạy hát Iếu của người tày xã Đồng Yên, Hà Giang

02 Tháng Mười Hai 2015

Vũ Thị Kiều Ngân

 

            Đất nước ta là một đất nước đa dân tộc. Vì vậy, âm nhạc cổ truyền nước ta cũng phản ánh tính chất đa dân tộc đó. Nó vừa mang những đặc điểm Việt Nam nói chung, được các thành phần dân tộc vun đắp lên trong quá trình bốn nghìn năm lịch sử, nhưng cũng rất phong phú và đa dạng về màu sắc địa phương và màu sắc của các dân tộc Việt Nam nói riêng. Mỗi một dân tộc là một nền văn hóa có bề dày lịch sử từ những yếu tố văn hóa gốc rễ cho đến những yếu tố văn hóa hình thành trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.

             Khi nói về nền văn hóa của một quốc gia nào đó phải đi tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc nhỏ và tìm ra được những nét văn hóa chung nhất đại diện cho một dân tộc lớn (dân tộc Việt Nam). Để gìn giữ và bảo tồn vồn văn hóa của quốc gia nhất thiết phải đi từ những nền văn hóa của các dân tộc và với những nét văn hóa đặc trưng nhất, bản sắc của dân tộc. Trong những thành tố cấu thành nền văn hóa của dân tộc Tày nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng thì nghệ thuật dân gian trong đó có nghệ thuật hát Iếu của dân ca Tày có thể nói là một thành tố văn hóa quan trọng góp phần làm nên bộ mặt văn hóa không chỉ của tộc người Tày Đồng Yên nói riêng mà còn mang ý nghĩa văn hóa rất lớn của cả tỉnh Hà Giang.

Hà Giang là địa phương cư trú của 22 tộc người và mỗi tộc người đều có những thể loại dân ca rất độc đáo. Trong các tộc người ở Hà Giang thì chiếm phần đông là tộc người Tày. Tộc người Tày yêu thích ca hát và nổi tiếng với các làn điệu Cọi, Iếu, Then… Tộc người Tày ở huyện Bắc Quang cũng như tộc người Tày sinh sống ở những nơi khác trong cả nước đều có hát Then, hát Cọi, nhưng người Tày ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang còn có một làn điệu dân ca được gọi là hát Iếu. Hát Iếu của người Tày xã Đồng Yên rất độc đáo về mặt nội dung cũng như hình thức diễn xướng, hát Iếu là lối hát đối đáp giao duyên trao gửi tình cảm lứa đôi, ca ngợi cuộc sống, ca ngợi Đảng và Bác Hồ. Hát Iếu thường được tổ chức vào ngày vui xuân, vui hội. Hát Iếu là một truyền thống tốt đẹp, góp phần đem niềm vui trong cuộc sống sinh hoạt, trong lao động sản xuất của tộc người Tày nơi đây.

Trong kho tàng nghệ thuật dân gian của tộc người Tày xã Đồng Yên, hát Iếu là thể loại dân ca rất đặc sắc. Những bài hát Iếu đã in sâu trong tâm hồn tình cảm của người dân nơi đây và vẫn được lưu truyền cho các thế hệ con cháu. Nội dung hát Iếu, ngoài việc cầu xin thần thánh phù giúp cho cuộc sống ấm no, bình an ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, ca ngợi cuộc sống, thì những lời tâm tình nhắn gửi, yêu thương giữa các tràng trai và các cô gái là vấn đề chính.

 Hát Iếu tạo nên một truyền thống tốt đẹp, một giá trị văn hóa riêng góp phần làm cho con người nơi đây đẹp cả về nhân cách lẫn tài năng, khơi dậy niềm vui trong cuộc sống sinh hoạt, trong lao động sản xuất của tộc người Tày Đồng Yên. Hát Iếu trước kia tại xã Đồng Yên chỉ được diễn ra vào các ngày lễ, tết hàng năm, nhưng vài năm trở lại đây loại hình dân ca này đã đang dần dần thu hút được sự quan tâm của người dân bản địa, họ có thể hát Iếu với nhau bất cứ lúc nào, hát Iếu khi đi chợ, khi đi làm đồng ruộng, có khi là bữa cơm trong nhà hay ở đám cưới… Hiện nay những nghệ nhân hát Iếu ở xã không còn nhiều và họ chủ yếu là truyền dạy trong gia đình và cho một số người yêu thích hát Iếu. Nhà văn hóa xã Đồng Yên là nơi câu lạc bộ hát Iếu hoạt động, với phạm vi truyền dạy hẹp chứ chưa được truyền dạy sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh Hà Giang.

Hiện nay có ba nghệ nhân đã và đang làm công tác truyền dạy hát Iếu tại nhà của ông Hoàng Văn Chữ một nghệ nhân cao tuổi sống tại thôn Vĩnh Phúc, xã Đồng Yên. Ông năm nay 81 tuổi hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ hát Iếu tại xã Đồng Yên. Chia sẻ cùng ông những kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian, cụ thể là hát Iếu dân ca Tày trong việc truyền dạy lại cho nhân dân trong xã hội nói chung và cho thế hệ con cháu nói riêng, ông nói “Hát Iếu đối với người Tày xã Đồng Yên là hơi thở, là máu trong huyết quản. Chúng tôi yêu nó, và hát thường xuyên trong các ngày lễ, tiệc, hội của xã” … Ông thường được xem và nghe hát các làn điệu từ ông mình và những người dân nơi đây. Và tuy họ đã mất nhưng ông Chữ vẫn một lòng chung thủy với làn điệu dân ca trữ tình này. Bởi vậy, ông là một trong số ít người lăn lộn với hát Iếu, ông hô hào, động viên khích lệ mọi người luyện tập, vốn liếng có bao nhiêu, ông truyền lại với tất cả tấm lòng say mê và nặng nghĩa ân tình. Mong muốn tha thiết của ông và cũng như của mọi người dân xã Đồng Yên, là mỗi năm tết đến xuân về con trai trong thôn An Xuân - Đồng Yên lại được sang bên kia sông mời các cô gái thôn Phố Cáo - Đồng Yên cùng hát giao duyên như một thời đã từng như vậy.

Ngoài ra còn có nghệ nhân Mai Thị Hồng Chắn năm nay 29 tuổi, hiện là nghệ nhân trẻ tuổi nhất của làn điệu hát Iếu này, trước kia bà sinh sống ở huyện Lục Yên - Yên Bái, sau khi lập gia đình thì bà đã chuyển đến sinh sống tại thôn Vĩnh Phúc, xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang từ năm 2008 đến nay và giữ chức vụ phó chủ nhiệm câu lạc bộ hát Iếu xã Đồng Yên, là người trực tiếp và thường xuyên truyền dạy hát Iếu tại câu lạc bộ cũng như tại gia đình ông Hoàng Văn Chữ. Ông Hoàng Thanh Phong 43 tuổi, cũng là một trong số nghệ nhân truyền dạy hát Iếu, hiện sống tại thôn Phố Cáo xã Đồng Yên và làm nghề tự do. Với niềm đam mê, yêu thích nghệ thuật, say mê hát Iếu nên Ông đã rất quan tâm đến việc truyền dạy cho con cháu lớp thế hệ trẻ ngày nay nhằm lưu truyền, kế thừa, bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca này tại câu lạc bộ.

            Câu lạc bộ hát Iếu được thành lập từ năm 2011 do các nghệ nhân cao tuổi thôn Phố Cáo tự thành lập, trong đó ông Hoàng Văn Chữ làm chủ nhiệm và bà Mai Thị Hồng Chắn làm phó chủ nhiệm. Họ đã mượn địa điểm là nhà văn hóa xã Đồng Yên để tổ chức sinh hoạt hát Iếu với nhau theo định kì hàng tháng chứ không có câu lạc bộ chính thức dành cho hoạt động văn hóa này. Vì điều kiện về vật chất còn hạn chế nên các cụ ông cụ bà nghệ nhân nơi đây chỉ có thể gặp gỡ nhau vào một ngày giữa tháng để chia sẻ và làm công tác truyền dạy cho nhưng ai thích hát Iếu. Thường thì có tầm 2 đến 4 nghệ nhân cao tuổi và tầm hơn 10 người dân bản địa đến nhà văn hóa xã để sinh hoạt câu lạc bộ hát Iếu. Thời gian để sinh hoạt thường từ 19h30 cho đến 21h30 tối. Các nghệ nhân cao tuổi sẽ chia ra làm hai đội để Iếu với nhau trước. Nội dung sẽ là hỏi thăm sức khỏe, gia đình, nhà ở với nhau. Và sau khi màn chào hỏi kết thúc thì sẽ là các hình thức hát Iếu tự phát đơn lẻ của những người trẻ tuổi, họ Iếu giao duyên, Iếu nói kháy nhau hoặc Iếu đố nhau trong không khí rất vui vẻ.

            Các nghệ nhân nơi đây đã không ngừng nghiên cứu sưu tầm, tư liệu hóa nhằm tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về nghệ thuật hát Iếu, đào tạo và truyền dạy các bản hát Iếu cổ và bản Iếu mới. Nhằm quảng bá và giới thiệu nghệ thuật hát Iếu. Việc truyền dạy hát Iếu do các nghệ nhân nhiều tuổi trong xã hiện nay thực hiện. Nhưng cũng có lúc mời các nghệ nhân ở tỉnh khác về tham gia giao lưu và truyền dạy cho mọi người trong xã mình, địa phương mình.

Tộc người Tày ở xã Đồng Yên cũng như tộc người Tày sinh sống ở những nơi khác trong cả nước đều có truyền thống lịch sử, nền văn hoá lâu đời phong phú, đa dạng, có những nét đặc trưng riêng về phong tục tập quán của cư dân từng địa phương. Trong tổng thể văn hoá dân gian của tộc người Tày xã Đồng Yên, hát Iếu là một hình thức sinh hoạt dân ca độc đáo, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, phản ánh sinh động tâm hồn cũng như phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian của cư dân bản địa. Hát Iếu không chỉ là nét đẹp văn hoá, mà còn là một bộ phận tiêu biểu trong văn học dân gian của tộc người Tày ở địa phương.

            Truyền dạy hát Iếu ở xã Đồng Yên là một hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa và giáo dục, nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc, cổ truyền của xã Đồng Yên - Hà Giang nói riêng, đồng thời góp phần giáo dục và hình thành văn hóa thẩm mỹ âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung. Hoạt động truyền dạy hát Iếu đã được các nghệ nhân truyền dạy trong phạm vi rất hẹp của xã Đồng Yên và cũng có những nghệ nhân, đạt được danh hiệu ở các cuộc thi trên toàn quốc, cũng như địa phương mình, nhưng chưa tập chung vào chiều sâu chất lượng hiệu quả của hoạt động này, quan sát trên thực tế cho thấy, truyền dạy hát Iếu là hoạt động mà phần lớn người học yêu thích, nhưng sự tham gia của người học, với tư cách là một chủ thể sáng tạo thì quá ít, đa số người học tham gia với tư cách là khán giả thụ động.

Cũng giống như dân ca của các dân tộc khác, hát Iếu có những nét tương đồng và khác biệt trong hình thức diễn xướng, thể thơ, các biện pháp tu từ hay không gian và thời gian nghệ thuật... Tuy nhiên, trong tiếng hát giao duyên của hát Iếu thì lời văn trau chuốt, giàu hình tượng, hấp dẫn, dễ rung cảm được lòng người do thể thơ có sự dung nạp của thể thất ngôn - thể thơ có khuôn phép, quy định với thể thơ tự do đã tạo nên sự đa dạng trong cách diễn đạt lời ca nghệ thuật. Hát Iếu còn sử dụng thủ pháp ẩn dụ, so sánh ví von, không gian và thời gian mang tính nghệ thuật cao. Các yếu tố thuộc phương diện nghệ thuật được thể hiện trong hát Iếu giúp ta có cái nhìn sâu sắc, thâm nhập vào tư duy của người Tày để nhận biết khám phá những cái hay, cái đẹp, nét độc đáo của hát Iếu.

 Để kế thừa, bảo tồn và phát triển vốn di sản văn hóa này trong giai đoạn hiện nay, không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi thế hệ, mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là những người làm công tác văn hóa văn nghệ, những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, để làm sao lĩnh vực văn hóa văn nghệ, trong đó có âm nhạc giữ được trọng trách của mình theo đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước đã đề ra là: “Xây dựng nền văn hóa có tính Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” và đặc biệt, trong Nghị quyết Trung ương V khóa VIII Đảng ta đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tiến đến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Triều Ân (1994), Ca dao Tày Nùng, Nxb Văn học.       

2.    Triều Ân, Hoàng Quyết, Hoàng Đức Toàn (1996), Từ điển văn hóa cổ truyền dân tộc Tày, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

3.    Hoàng Văn Chữ (2012), Tàng mừa nả, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

4.    Hoàng Văn Chữ, Nông Phúc Tước, Hoàng Nừng (2012), Iếu (dân ca tày), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

5.    Nguyn Chí Huyên (2002), Ngun gc lch s tc ngưi Tày vùng biên gii phía bc Vit Nam, Nxb Văn hóa dân tc, Hà Ni.

6.    Hoàng Ngọc La, Hoàng Văn Toàn, Vũ Anh Tuấn (2002), Văn hóa dân gian Tày, Sở Văn hóa - Thông tin, Thái Nguyên.

7.    Lã Văn Lô, Hoàng Văn Thư (1984), Văn hóa Tày - Nùng, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

8.    Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn (1968), Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

9.    Hoàng Lương (1981), Một số nghi lễ cầu mùa của các dân tộc ít người ở miền Bắc nước ta, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

10.   Hoàng Minh Nguyệt (2009), Hát Iếu ở Bắc Quang, Hà Giang - Những đặc điểm nội dung và nghệ thuật, Nxb Đại học Sư phạm Thái Nguyên.