Nội san

Giá trị tiêu biểu của lễ hội đền Nguyên Phi Ỷ Lan (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội)

10 Tháng Mười Hai 2015

Đậu Thị Thu Lan

 

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, từ 19 đến 21 tháng Hai âm lịch, du khách thập phương lại tấp nập hành hương về xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội để dự lễ hội truyền thống - Hội đền Nguyên phi Ỷ Lan (đền Bà Tấm). Nhân vật thờ phụng của lễ hội chính là Nguyên phi Ỷ Lan, vị Nguyên phi có tài trị nước an dân. Bà là một nhân vật lịch sử đã có công lao to lớn trong việc củng cố triều nhà Lý nói riêng và sự phồn thịnh của nước nhà nói chung.

Trong đời sống văn hóa của người Việt, lễ hội đóng vai trò là một hoạt động văn hóa cộng đồng, thể hiện các giá trị tinh thần cũng như vật chất của cộng đồng. Người Việt đã sáng tạo ra lễ hội như là một nhu cầu cần thiết cho đời sống tâm linh của họ, gắn với những ước mơ, những khát vọng hướng tới chân, thiện, mĩ, hay những cái đẹp của cuộc sống được bộc lộ trong sự hòa hợp giữa con người với môi trường tự nhiên, sự ngưỡng mộ thành kính đối với các lực lượng siêu nhiên, sự biết ơn với những người đã có công khai phá và bảo vệ xóm làng. Lễ hội cũng mang lại sức mạnh tinh thần cho con người để chống chọi và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, là nơi gửi gắm niềm tin của mọi thành viên trong cộng đồng và lễ hội đền Nguyên phi Ỷ Lan cũng mang những giá trị tiêu biểu ấy như bao lễ hội khác.

1.    Giá trị lịch sử

Trong nhịp sống xã hội hiện đại ngày nay, con người ngày càng bị xa rời với điều kiện tự nhiên, môi trường và lịch sử xa xưa. Vì vậy, lễ hội không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn là cầu nối giữa con người ở xã hội đương đại và cội nguồn của mình. Con người được tham gia lễ hội như được trở về với những kí ức lịch sử thiêng liêng, ở nơi đó có vị thần hoàng làng đang theo dõi và che chở cho họ. Lễ hội đền Bà Tấm được tổ chức hàng năm để cầu khấn vị nữ thần bảo trợ của cộng đồng, đồng thời để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân của con cháu với công đức của Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đối với đất nước. Cả cuộc đời Bà dành trọn tâm huyết cho việc ổn định, phát triển đất nước Đại Việt độc lập, tự chủ và phồn thịnh, chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là dân nghèo. Với quê hương, Bà dành nhiều ân điển cho quê nhà, xây dựng ngôi chùa Linh Nhân Tư Phúc Tự góp phần phát triển Phật giáo vùng ven kinh đô cũng như chăm sóc tới đời sống tôn giáo của người dân Dương Xá, đến nay dân địa phương vẫn ngày đêm hương khói. Việc làm của Bà không chỉ như một hành vi làm gương về sự sùng kính đạo Phật mà còn như một lời khuyên đối với người dân về đức từ bi, hiếu sinh.

Lễ hội đền Nguyên phi Ỷ Lan - hội đền Bà Tấm còn được gọi là Hội nhà thánh vì Nguyên phi Ỷ Lan được xem là vị thánh của nhân dân ở đây. Bà hội tụ được ba danh vọng cao nhất: Một, là Vua Bà đã hai lần nhiếp chính, lần một “làm vua” thay chồng tức vua Lý Thánh Tông khi nhà vua cầm quân đi đánh giặc, lần hai thay vua con là Lý Nhân Tông trị nước khi thái tử lên ngôi còn nhỏ, lúc 7 tuổi. Hai, nguyên phi được tôn là Phật Bà Quan Âm bởi lòng yêu thương dân chúng, chăm lo đời sống toàn dân, đi cùng danh phong “Mẫu nghi thiên hạ”, “thượng đẳng tối linh thần”. Ba, sự linh thiêng phù hộ của Bà cũng được người dân ngưỡng vọng với danh phong Phù thánh Linh nhân Hoàng Thái Hậu. Trong mỗi mùa lễ hội, các đội tế rước đều biểu diễn những bài múa nhịp nhàng kéo du khách về một không gian xưa khi Nguyên phi Ỷ Lan về quê mẹ dự trẩy hội làng. Không những thế, các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, cờ người, hội thả chim.. mỗi lần được tái hiện lại giúp cho những thế hệ sau này biết và hiểu thêm một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của dân tộc, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, các giá trị truyền thống đó rất cần được tôn trọng, gìn giữ trước cơn bão văn hóa từ các nước khác du nhập. Truyền thuyết, sự tích về Bà cũng cho thấy sự đóng góp lớn lao và cơ bản của bậc nữ lưu kiệt hiệt hiếm có trong lịch sử nước nhà. Từ một thôn nữ, qua hai lần “nhiếp chính” trong suốt nửa cuối thế kỷ XI, Bà đã góp phần tạo dựng nên thời kỳ cường thịnh, oanh liệt của nước Đại Việt: chiến thắng cuộc xâm lược phương Bắc và mở rộng bờ cõi phía Nam, dựng nền văn hiến Nho học, phát triển đạo Phật, chăm lo phát triển nông nghiệp và hết lòng thương yêu, gần gũi người dân.

Những kiêng kỵ tên húy trong phong tuc thờ cúng Bà cũng một cách nhắc lại lịch sử một vị nguyên phi ở triều Lý có nhiều công lao cho đất nước. Khuôn viên khu di tích Đền Bà Tấm luôn là điểm đến mang đầy ý nghĩa lịch sử đối với khách du lịch, đặc biệt là những vị khách nhỏ bé, là những cô bé cậu bé tiểu học, được đến tham quan tìm hiểu về lịch sử của ngôi đền này. Không chỉ học sinh tiểu học của các trường quanh khu vực, mà học sinh của các trường tiểu học trong nội thành cũng được đến đây tham quan, vui chơi (Trường tiểu học Nghĩa Tân - Cầu Giấy, trường Tiểu học Thủ Lệ - Ba Đình, trường Tiểu học Trung Tự - Đại Yên, Bà Triệu…), nhằm mục đích giáo dục lòng kính trọng đối với các bậc tiền nhân có công với đất nước và khơi dậy truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước. Các bé khi về trường đều có bài cảm tưởng về chuyến đi của mình với một ấn tượng sâu sắc khi được biết về tài năng và đức độ của vị Thần - Phật - Mẫu Ỷ Lan, và mong có một lần được quay lại nơi đây.

Như vậy, lễ hội truyền thống đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục truyền thống lịch sử qua những nghi lễ mang tính “Uống nước nhớ nguồn”. Thông qua các hoạt động của lễ hội, người dân hiểu rõ hơn về Bà và từ đó họ hiểu và biết đến cội nguồn của cộng đồng. Mặt khác, những nghi thức tế lễ trong lễ hội cũng chính là cách bày tỏ lòng biết ơn thành kính và ghi nhớ công lao che chở, phù hộ dân làng của các vị thần được thờ, điều này góp phần vào việc giáo dục con người hôm nay về đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

2. Giá trị văn hóa

“Bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc: Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hoá dân tộc mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hoá dân tộc. Nếu như không có các nghi lễ và các trò hội thì các làn điệu dân ca quan họ, các điệu múa sinh tiền, múa con đĩ đánh bồng, múa rồng, múa lân...; các vở chèo, rối nước,..; các trò đánh cờ người, chọi gà, chơi đu, đánh vật, bơi trải, đánh phết, trò trám... sẽ rất khó được duy trì.

Mang tính tổng thể nguyên hợp, lễ hội không chỉ là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử, đó còn là thời điểm mạnh của hoạt động văn hóa cộng đồng, tập hợp tinh hoa trong các sáng tạo các loại hình nghệ thuật. Màu sắc, âm thanh, mùi vị, động thái của sức sống cộng đồng tràn ngập khắp không gian làng quê. Nghệ thuật ngôn từ, âm nhạc và nhảy múa, sân khấu, hội họa, kiến trúc…, các trò chơi dân gian, các trò thể thao, thành quả lao động được phô diễn và dâng lên trước thần linh. Mỗi dịp lễ hội diễn ra, người dân lại cùng nhau tập luyện các môn thể thao, các điệu múa, cách dâng hương, các tiết mục văn nghệ quần chúng… để rồi khi lễ hội diễn ra cũng là lúc người dân được sống trong không khí nhộn nhịp, vui tươi, đầy màu sắcLễ hội đền Nguyên phi Ỷ Lan ở Dương Xá được tổ chức cho thấy tục cầu mưa qua trò diễn kéo cờ ở lễ hội, phản ảnh tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp và cho thấy sự đa dạng về hình thức tín ngưỡng này ở các địa phương khác nhau. Cũng như vậy, tục thả chim câu để cầu trời quang mưa tạnh… Các trò diễn này đều nhằm tới việc cầu cúng mưa thuận gió hòa, “nhân khang vật thịnh” của cư dân nông nghiệp.

Cố kết cộng đồng: Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được ra đời và nuôi dưỡng trong đời sống cộng đồng và cũng để phục vụ cộng đồng. Lễ hội truyền thống đền Nguyên phi Ỷ Lan gắn bó với dân làng từ xưa tới nay, để lại những phong tục đẹp trong đời sống cộng đồng làng xã. Người dân luôn tuân theo vòng quay của tự nhiên và mùa vụ, tạo ra trong con người nơi đây những nhu cầu tâm linh và nhu cầu vui chơi giải trí, nhu cầu giao tiếp cộng đồng mà lễ hội chính là nơi đáp ứng được những điều đó.

Đền Nguyên phi Ỷ Lan (Nguồn: st)

 

Trong lễ hội, con người đều tham gia trình diễn và hưởng thụ, tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng và sự nhất quán trong việc trao truyền các giá trị văn hóa qua các thiết chế làng xã. Lễ hội không chỉ dừng lại ở phạm vi của một xã mà nó còn mang tính chất vùng bởi có sự tham gia của nhân dân quanh vùng. Những con người nơi đây dù ở xa quê, đi đâu, làm gì nhưng cứ mỗi dịp xuân về lại nhớ về quê hương, về nơi “chôn rau cắt rốn”. Về với lễ hội, người ta không phân cao thấp, sang hèn mà mọi thành viên tham dự đều có quyền hưởng thụ như nhau. Do đó, trong lễ hội, mối quan hệ giữa con người với con người là thân mật, cởi mở và phóng khoáng, nó như một sợi dây ràng buộc, níu kéo làm cho con người xích lại gần nhau hơn, xóa đi sự xa lạ và làm nảy sinh tình cảm yêu thương, gắn bó với quê hương, đất nước và con người.

Trong không khí của ngày hội, người ta tạm quên đi những ngăn cách xã hội, những bon chen đời thường để cùng nhau thực hiện những nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng, cùng nhau hướng về lễ hội với niềm tin chân thành, cùng thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh và thành kính với thánh thần để cầu mong sự che chở, bảo vệ cho sự bình yên của cộng đồng. Trong ngày hội, ai ai cũng có thể tham gia các cuộc thi tài trong không khí cởi mở và bình đẳng. Trong lễ hội, các hoạt động như lễ rước, tế lễ, trò chơi dân gian như: chọi gà, tổ tôm hộp, cờ người, bóng chuyền, cầu lông, thả chim… đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng, tạo nên sự cộng cảm giữa các thành viên trong lễ hội, sự nhất quán trong việc trao truyền những giá trị văn hóa giữa các thế hệ, giúp con người giao hòa giữa quá khứ với hiện tại, mọi người cùng nhau tham gia vào việc tái tạo và sáng tạo những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Cứ mỗi dịp lễ hội diễn ra, bà con nhân dân các thôn trong xã đều háo hức tham gia vào công tác chuẩn bị từ rất sớm. Với sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, nhân dân trong vùng đã cùng nhau góp công sức để lễ hội được diễn ra một cách trang trọng và đúng nghi thức nhất.Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, mỗi năm đều có phường hát ở các nơi đến đăng cai, phường hát nào được địa phương tín nhiệm mới được hát giữ cửa đền cho tới khi rã đám. Ngoài các phường hát giữ cửa đền còn có các phường chèo, tuồng đến diễn vào buổi tối góp vui cho lễ hội.Trong lễ hội thì các nghi thức tế lễ là một phần rất quan trọng, đảm bảo đầy đủ về nội dung, đúng thứ tự và thể hiện được sự trang trọng, tôn nghiêm.

Sáng tạo và hưởng thụ văn hóa: Lễ hội có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Trong lễ hội hàm chứa một tâm tưởng vừa kín đáo sâu xa, vừa lan tỏa bao trùm là sự thờ cúng các vị thần linh, xét về chiều sâu cốt lõi thì Nguyên phi Ỷ Lan là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp mà mọi người hướng tới, là người có công dựng làng giữ nước hoặc có công lao rất to lớn đối với triều đình phong kiến.

Nhân dân mở hội để hồi tưởng công lao của Bà qua đó một lần nữa tô đậm thêm sự đoàn kết nhất trí trong đời sống và lối sống của người dân trong xã. Việc tổ chức lễ hội hàng năm, ngoài việc tưởng nhớ đến công lao người được nhân dân tôn thờ còn là dịp để nhân dân tham dự vào các trò chơi sau một năm làm việc vất vả. Đó cũng là lúc nhân dân được chơi, được nghỉ ngơi, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Tất cả được thể hiện qua các nghi thức, từ rước nước, tế lễ, cúng chay đến trò diễn, trò chơi múa lân, kép cờ, chọi gà… đều gắn với đời sống thực tế và ước vọng đủ đầy của cư dân nông nghiệp.

Lễ hội truyền thống giúp người dân cảm nhận được những nét đẹp, những truyền thống quý báu của văn hóa làng xã. Cứ mỗi lần mở hội, nhân dân xã Dương Xá đều hy vọng rằng ước nguyện của toàn thể cộng đồng về một đời sống chung no đủ, giàu có, bình an trở thành hiện thực. Trong những ngày hội chính quyền địa phương kết hợp với người dân  đứng ra tổ chức, sáng tạo và tái hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và đồng thời hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh do mình tạo ra. Tiêu biểu nhất là việc người dân trong làng đã kiếm tìm, sưu tầm để phục dựng và củng cố lại cách thức thực hành nghi thức tế lễ, phục dựng lại một số trò chơi dân gian như: tổ tôm hộp, cờ người... Do đó, lễ hội còn là cơ hội cho mọi người hiểu nhau và gần nhau hơn khi họ cùng tham gia các trò diễn và cùng nhau tham dự các trò chơi trong hội làng. Trong xã hội hiện đại, giá trị sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của lễ hội là một trong những giá trị cần được bảo tồn và phát triển giá trị đó.

3. Cân bằng đời sống tâm linh

Cuộc sống của con người trong xã hội hiện đại ngày nay ngày càng được cải thiện và nâng cao thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần trong đời sống tâm linh vẫn luôn hiện hữu. Đó là đời sống con người hướng tới cái cao cả, thiêng liêng, cái mà con người ngưỡng mộ và ước vọng cũng như tôn thờ, trong đó có niềm tin tôn giáo tín ngưỡng. Với vị nữ thánh nổi tiếng có nhiều công lao và gắn bó sâu sắc với lịch sử dân tộc, đất nước, Nguyên phi Ỷ Lan được thờ cúng rất trang trọng. Mỗi khi gặp khó khăn hay u uất trong lòng, người dân thường hay đến đền làm lễ, tại những nơi này họ cảm thấy tinh thần sảng khoái và thông suốt hơn, họ cảm nhận được như có một sức mạnh vô hình nào đó luôn sẵn sàng che chở, phù hộ và giúp đỡ họ. Bà cũng được xem như một thần thành hoàng và trở thành vị nữ thần bảo trợ, làm chỗ dựa cho người dân gửi gắm niềm tin và hi vọng.

Trong lễ hội ngày nay, ngoài vai trò chuyển tải các giá trị văn hóa và lịch sử thì nó còn là phương tiện giúp con người cân bằng đời sống tâm linh, giải tỏa những vướng mắc về tinh thần, người dân đến với lễ hội với một lòng thành kính, biết ơn và sự cầu mong thầm kín của riêng mình, đồng thời thỏa mãn được nguyện vọng nào đó cho bản thân, gia đình và cộng đồng.Đến với lễ hội, con người được hòa mình trong không khí tưng bừng của lễ hội và được trải nghiệm trong môi trường văn hóa thân quen. Lễ hội mang đến cho con người một không gian mới, một cuộc sống mới và là thời điểm để con người có thể bộc lộ tất cả những gì tinh túy tiềm ẩn trong bản thân thông qua các màn diễn xướng, trò chơi dân gian, cách giao tiếp văn hóa, cũng như lễ hội mang lại cho họ trạng thái thăng hoa từ đời sống hiện thực.

Trong tục lệ thờ Nguyên phi Ỷ Lan, nhân dân nơi đây kiêng gọi tên “Tấm - Cám”, mà người Dương Xá gọi là “Bổi - Đớn”. Bởi, truyền thuyết về Nguyên phi Ỷ Lan gắn liền với câu chuyện dân gian “Tấm- Cám”, Nguyên phi Ỷ Lan được cho là có thân phận khổ như cô Tấm trong chuyện cổ tích, nên người dân nơi đây vẫn gọi Bà là “Bà Tấm”. Cũng như bao nơi khác thờ vị thánh của mình, nhân dân kiêng gọi hai chữ “Tấm - Cám”. Một kiêng kị khác nữa là, khi tế lễ Bà thì chỉ được dùng các đồ chay, không được dùng đồ mặn để cúng tế. Người dân ở đây cho biết, việc chỉ cúng đồ chay khi dâng lên Bà với nhiều lý do: thứ nhất, vốn sinh thời Bà Nguyên phi Ỷ Lan là người trọng đạo Phật; thứ hai, cúng đồ chay để thể hiện sự tao nhã, tinh khiết, giản dị, không vướng bụi trần như chính con người Bà…

            Lễ hội đền Nguyên phi Ỷ Lan ở Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và phong tục,... không chỉ có ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của người dân xã Dương Xá, huyện Gia Lâm mà còn có sức ảnh hưởng tới cả khu vực rộng lớn xung quanh.

 

 

                                TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

2.    Đảng ủy xã Dương Xá (2000), Lịch sử Đảng bộ xã Dương Xá.

3.        HĐND - UBND xã Dương Xá (2014), “Báo cáo tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội của xã Dương Xá”.

4.        Đặng Văn Lung(2004), Văn hóa Thánh Mẫu, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5.        Nhiều tác giả(2008), Gia Lâm Văn hóa và Phát triển, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

6.    Hạnh Nguyên (2011), Huyền thoại về người phụ nữ Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội.

7.        Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm (2011), Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

8.     Trần Ngọc Thêm (1997), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục T.P Hồ Chí Minh.

9.    UBND huyện Gia Lâm (2010), Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

10.    Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý (2010), Lễ hội Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.