Nội san

Phủ Dầy - Hệ thống giá trị văn hóa

03 Tháng Mười Hai 2015

                                                                     Nguyễn Thị Hoa

 

Phủ Dầy là quần thể kiến trúc độc đáo, có giá trị về lịch sử văn hóa cao. Nơi đây là ghi dấu tín ngưỡng truyền thống của nhân dân xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nói riêng và của người dân Việt  nói chung. Đây là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh  một vị thần chủ  của tín ngưỡng thờ Mẫu đồng thời là vị Thánh trong Tứ bất tử.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một nét văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt. Đây là sự tin tưởng, ngưỡng mộ tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần với các hiện tượng tự nhiên, được người đời cho rằng có chức năng bảo trợ và che chở cho sự sống của con người như: trời đất, rừng núi, sông nước hay thờ những vị Hoàng Hậu, Thái Hậu, Công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân với nước, khi mất hiện linh phù trợ cho quốc thái dân an. Thờ Mẫu có nguồn gốc từ miền Bắc các vị Mẫu được thờ trong đền, chúa, miếu điện. Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất phát từ phong tục thờ tín ngưỡng của người Việt xưa, nơi gửi gắm ước mơ khát vọng sống tốt đẹp, có sức khỏe tài lộc và may mắn, chính giá trị văn hóa bản địa tạo nên sức sống trường tồn của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tục thờ Mẫu Liễu Hạnh song song tồn tại cùng đạo Phật, cũng như tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ danh nhân, danh tướng có công với dân, với nước. Việt Nam với nền văn minh lúa nước, văn hóa nông nghiệp. Loại hình văn hóa mang tín ngưỡng bản địa và có từ lâu đời, đồng thời có sự phát triển biến thiên qua các thời kỳ lịch sử nhưng không bị mai một phải nói đến là tín ngưỡng đạo Mẫu. Đạo Mẫu nói chung không coi thế giới tự nhiên là một thực thể riêng biệt, tách biệt với con người mà coi con người như một chủ thể, thế giới tự nhiên là khách thể.

Di tích lịch sử văn hóa phủ Dầy gồm hai ngôi phủ lớn là Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu. Ngoài ra, bao quanh mỗi Phủ là một hệ thống các Đền, Miếu. Hội phủ Dầy thực sự hấp dẫn du khách bởi sự đan xen giữa những nghi thức trang trọng cùng những nghi thức văn hóa dân gian sôi nổi đặc sắc. Tiêu biểu nhất trong hội phủ Dầy là nghi thức rước Mẫu lên thỉnh kinh từ phủ chính Tiên Hương lên chùa Tiên Hương vào ngày mùng sáu tháng ba âm lịch hàng năm. Đám rước dài hàng km trang trọng, có đội ngũ nhạc, có phường bát âm, có lễ rước đuốc được tổ chức vào tối ngày mùng năm và sẽ thả ba ông rồng bay. Ngày mùng tám tháng ba sinh hoạt văn hóa Hoa Trượng Hội. Trong lễ hội còn có múa rồng hội trên đỉnh núi Kim Thái, xem đấu vật, kéo co và thưởng thức bành dầy, mía đường, rượu cúc những món ăn dân dã nhưng lành bụng, thanh cao. Khi màn đêm buông xuống hội có tổ chức hát những làn điệu chầu văn mượt mà để dâng lên Mẫu kèm theo với hát chầu văn hình thức hầu bóng ở nguyệt sân đình tại phủ Tiên Hương. Công tác chuẩn bị cho lễ hội rất công phu, chu đáo. Để có được một lễ hội đặc sắc là nhờ sự đóng góp của nhân dân, các cấp, các ngành, chính quyền của xã Kim Thái và đặc biệt là các thủ nhang, những người bảo vệ trùng tu, giữ gìn, phát triển lễ hội. Những đóng góp đó đã góp phần không nhỏ để lễ hội thêm phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức du hội của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Tín ngưỡng lễ hội được tổ chức tạo nguồn thu về kinh tế đáng kể cho người dân sinh sống và làm việc tại khu di tích phủ Dầy. Nó tác động trực tiếp đến giải quyết việc làm cho người thất nghiệp, tạo nguồn thu ổn định cho người dân, xóa đói giảm nghèo, đời sống nơi đây được cải thiện rõ ràng nhờ vào sự phát triển của di tích phủ Dầy.

Nhờ có hội phủ Dầy nhiều người biết đến danh tiếng của địa phương, từ đó quảng bá những sản phẩm truyền thống do chính người dân trong xã làm ra như: sản phẩm nông nghiệp, đồ lưu niệm gia công, ẩm thực địa phương. Đặc biệt những hộ dân kinh doanh cây cảnh có nguồn thu đạt hiệu quả kinh tế cao, thu được của khách du lịch trong tỉnh và các tỉnh thành khác đến với di tích phủ Dầy. Khoa kỹ thuật ngày càng phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến được áp dụng trong công tác bảo vệ và khôi phục, phát triển làm mới tại khu di tich phủ Dầy và trong đời sống của người dân tại xã Kim Thái. Những phát triển về khoa học ấy làm cho nhận thức của người dân phát triển kịp với thời đại không bị lạc hậu nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Ảnh: Khu di tích Phủ Dầy (Nguồn: st)

 

Văn hóa truyền thống là bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc, là kết tinh làm nổi bật những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc, thể hiện thông qua các hoạt động, sinh hoạt lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Lễ hội phủ Dầy là một hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống về tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, phát huy tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Tại lễ hội phủ Dầy hàng năm được tổ chức các trò chơi dân gian như kéo chữ, Hoa trượng hội, chơi cờ người, kéo co, biểu diễn văn nghệ truyền thống, đặc biệt có hội thi hát chầu văn nhằm bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống, mang đến cho giới trẻ những hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa địa phương cũng như văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Cùng với sự phát triển kinh tế của tỉnh Nam Định nói chung và của xã Kim Thái, huyện Vụ Bản nói riêng, hoạt động du lịch đã có nhiều những chuyển biến đáng kể qua các năm. Lượng khách về với lễ hội phủ Dầy ngày càng nhiều, sự thu hút chính bởi một quần thể kiến trúc độc đáo, những sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc trong lễ hội đã đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng người Việt hướng về đất Mẫu. Vì vậy, hành khách đến với quần thể di tích phủ Dầy và Lễ hội phủ Dầy không chỉ là nhân dân, khách thập phương trong cả nước và những du khách quốc tế.

Bên cạnh thu hút khách du lịch làm tăng thêm phần sôi động cho lễ hội tại phủ Dầy, giá trị văn hóa phủ Dầy còn quảng bá được nhiều làng nghề truyền thống hiện có tại Kim Thái, mang đến cho du khách những sản phẩm do chính tay người dân nơi đây làm ra. Phục vụ công tác dâng lễ lên Thánh Mẫu Liễu Hạnh, phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của nhân dân địa phương. Đồng thời mang đến cho du khách những sản vật đậm hương vị địa phương như: bánh dầy, bánh gai, kẹo lạc, bánh nhãn, bánh đa và các nông sản khác... Hay những sản phẩm phục vụ tín ngưỡng tâm linh của du khách như: những cây cảnh làm bằng thủ công, những cành hoa lộc nơi đất mẫu làm ra. Chính nhờ những sản phầm này đã góp phần thêm tăng trưởng kinh tế đang kể cho nhân dân địa phương nơi đây. Giải quyết việc làm cho những người thất nghiệp, tạo việc làm thêm cho những người nông dân khi nông nhàn để tăng thêm thu nhập. Thực tế cho thấy những năm gần đây, đời sống của nhân dân nơi đây đã thay đổi rõ rệt, nhiều ngôi nhà cao tầng đã được xây lên, đường xá giao thông được bê tông hóa và cơi nới khang trang sạch đẹp. Sản phẩm bày bán tại phủ Dầy cũng thêm phong phú, đa dạng bởi có sự giao thương với các sản phẩm trong nội tỉnh và các tỉnh thành khác.

Như vậy, giá trị văn hóa phủ Dầy đã góp phần không nhỏ đến phát triển kinh tế tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản làm nguồn thu chính để trùng tu, tôn di tích, đảm bảo giá trị truyền thống vốn của của giá trị văn hóa phủ Dầy, đồng thời làm tăng thêm chất lượng cuộc sống người dân nơi đất Mẫu giáng sinh.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt đã đạt được phủ Dầy còn những mặt tồn đọng những  hạn chế cần được khắc phục để di tích lịch sử văn hóa phủ Dầy ngày một phát triển sánh tầm với các lễ hội lớn trong nước và quốc tế. Tình trạng lễ hội hỗn loạn tại phủ Dầy hiện nay là một thực trạng mang tính cấp thiết và cần chỉnh đốn. Hiện tượng tín ngưỡng bị hiện đại hóa, đã xóa đi mọi lề lối trong đời sống tín ngưỡng xưa kia mà ông cha để lại. Sự đứt gãy trong lịch sử tín ngưỡng người dân địa phương đã để lại hậu quả đến tận bây giờ, rất thiếu kiến thức về tín ngưỡng, nên mới gây ra sự hỗn loạn và xung đột trong lễ hội.

Có thể nói từ trước đến nay nghĩa vụ và trách nhiệm của trưởng Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa phủ Dầy chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Để dẫn đến  tình trạng  như hiện nay phủ Dầy vẫn chưa ổn định, ban quản lý hoạt đông chưa đem lại hiệu quả, chủa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, tất cả mọi hoạt động của các đền, phủ đều do thủ nhang là người quyết định chính. Chính vì thế dẫn đến tình trạng phủ Dầy hiện các giá trị văn hóa đã và đang bị phá vỡ đi không gian truyền thống vốn có, thay vào đó là những văn hóa hiện đại len lỏi du nhập. Ban quản lý được thành nhưng chất lượng hoạt động thì thực sự chưa hiệu quả, dường như để cho có, tất cả mọi hoạt động diễn ra tại các phủ đều được các thủ nhang điều hành và thực hiện. Như vậy thực trạng về sự điều hành, phát huy trách nhiệm nghĩa vụ, quyền hạn của ban quản lý di tích tại di tích lịch sử văn hóa phủ Dầy thực sự đang trong tình trạng báo động, cần phải được điều chỉnh.

Việc tổ chức và quản lý lễ hội phủ Dầy đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của quê hương, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, tham quan du lịch của nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đối với cá nhân tôi là một người con sinh ra và lớn lên trên mành đất Nam Định - một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, một trong những cái nôi sinh ra tín ngưỡng thờ Mẫu là phủ Dầy. Được nuôi dưỡng trong một vùng quê giàu truyền thống như thế, trong tôi cũng một phần nào đó ngấm được tư tưởng uống nước nhớ nguồn đặc biệt là một cử nhân văn hóa được đào tạo chuyên ngành về quản lý văn hóa; Được cung cấp đầy đủ những kiến thức bổ trợ về bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể, tôi mong muốn mang những kiến thức và những kinh nghiệm của thầy cô trong trường để giúp cho giá trị văn hóa di tích phủ Dầy không những đến với trong nhận thức đạo đức của đông đảo người dân giá trị văn hóa của Việt Nam, mà còn là giá trị văn hóa của toàn nhận loại. Do đó, việc tìm hiểu về giá trị văn hóa di tích phủ Dầy trong đời sống người dân xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định không những là nhiệm vụ mà còn là niềm đam mê của tôi ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Hạnh Cẩn (2004), Lược sử thanh thế Mẫu Liễu Hạnh và di sản VH lễ hội Phủ Dầy, Nxb giáo dục.

2. Đoàn Thị Điểm (1730)Truyền kỳ tân phả, Nxb Văn hóa Dân tộc - Hà Nội Nxb Trẻ.

3. Đoàn Thị Điểm (1990) Vân Cát Thần Nữ, Nxb Văn hóa Dân tộc - Hà Nội.

4. Đặng Vũ Hoạt- Hà Thế Ngữ (1986), Giáo dục học, Tập 1- Nxb Giáo dục

5. Trần Hữu Nam (2009) - Du lịch và văn hóa trong mối quan hệ tương hỗ - Sở VHTT Nam Định.

6. Nguyễn Xuân Năm - Nam Định Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc - Sở VHTT Nam Định.

7. Bùi Văn Tam (2007), Phủ Dầy tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh, Nxb văn hóa dân tộc.

8. Bùi Đinh Thảo (chủ biên), Nguyễn Quang Hải (1998),Hát chầu văn, Nxb Âm nhạc.

9. Hồ Đức Thọ (2003), Huyền tích Thánh Mẫu và di sản lễ hội Phủ Dầy, Nxb VHTT.