Nội san

Thực trạng hoạt động triển lãm tại Trung tâm văn hóa tỉnh Hải Dương

04 Tháng Giêng 2016

Bùi Thị Ánh Ngọc [*]

 

Triển lãm được coi là phương tiện phản ánh chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là công cụ tuyên truyền vận động trực tiếp quần chúng nhân dân; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân thông qua những hình thức tổ chức triển lãm, nội dung triển lãm. Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, hoạt động triển lãm càng trở nên không thể thiếu trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.

            Hàng năm, theo kế hoạch, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương tổ chức ba cuộc triển lãm tại chỗ và các triển lãm lưu động xuống cơ sở, duy trì và thay mới liên tục nội dung của trạm tin. Ngoài ra, Trung tâm văn hóa còn thực hiện một số cuộc triển lãm đột xuất khác khi được cấp trên giao như: tham gia Triển lãm an toàn giao thông khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cân tại Hải Phòng (tháng 8 năm 2014); tham gia Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam 2015 tại Giảng Võ (tháng 9 năm 2015) và trưng bày lại nội dung triển lãm này tại Nhà triển lãm phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Những lần tham gia triển lãm toàn quốc hay tại các địa phương khác, gian triển lãm của tỉnh Hải Dương đều đạt kết quả cao. Đây là những đóng góp lớn tạo cho hoạt động triển lãm không đánh mất vai trò của mình tại tỉnh Hải Dương.

STT

Tên triển lãm

Số đơn vị trong tỉnh tham gia

Khách tham quan (người)

1

Hội báo Xuân 2010

10

500

2

Hội báo Xuân 2011

10

600

3

Hội báo Xuân 2012

10

600

4

Hội báoXuân 2013

10

800

5

Hội báo Xuân 2014

10

850

6

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh năm 2015 chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh

20

1300

Bảng số lượng đơn vị tham gia và khách tham quan tại

Hội Báo xuân hàng năm và triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh năm 2015 [Nguồn: Số liệu tác giả điều tra, 2015]

 

            Mỗi cuộc triển lãm đã thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, thể hiện sự cố gắng trong việc khai thác những giá trị văn hóa tốt đẹp của Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương. Các cuộc triển lãm đã ít nhiều tạo được không khí tưng bừng trong xã hội cho từng đợt tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Từng cuộc triển lãm có một sắc thái riêng trong đó triển lãm Hội báo xuân là có quy mô và hình thức trưng bày lớn nhất. Triển lãm này có sự phối hợp với ngành báo chí, với nhiều phòng ban, cơ quan đơn vị trong tỉnh và tổ chức vào đúng dịp nhân dân cả nước đón tết cổ truyền của dân tộc nên thu hút sự quan tâm của nhân dân và lượng khách tham quan đông hơn các cuộc triển lãm khác trong năm, triển lãm vào dịp 30 tháng 4 thường là triển lãm tranh cổ động kết hợp với ảnh thời sự của tỉnh, triển lãm chào mừng ngày Quốc khánh 2 tháng 9 hàng năm là triển lãm trưng bày ảnh nghệ thuật, nên chủ yếu khách ghé thăm là các họa sỹ, nhiếp ảnh. Tại triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội năm 2015 chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, lượng khách ghé thăm tăng cao hơn rất nhiều dù nội dung trưng bày chỉ có hai phòng, quy mô chưa xứng tầm thành tựu trong 70 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Hải Dương. Điều này cho thấy, nhu cầu của nhân dân trong thưởng thức các hoạt động triển lãm mang tầm cao, có đầu tư nhiều của các cơ quan chính quyền.

 

 

Gian trưng bày của tỉnh Hải Dương tại Triển lãm "Thành tựu Kinh tế - Xã hội năm 2015"

(Nguồn: st)

           

Như chúng ta đã biết, công tác tổ chức triển lãm của Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương cũng có sự tham gia liên kết với nhiều các Ban, ngành, đoàn thể như Ban tuyên giáo, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, Hội Nông dân, sở Thông tin truyền thông,... Tất cả các đơn vị phối hợp thực hiện với trung tâm văn hóa tỉnh để tổ chức triển lãm đều xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, không kinh doanh và luôn cung cấp mọi nội dung, tài liệu trực quan trong thời gian ngắn nhất, chất lượng tốt nhất,... đưa ra các giải pháp giúp cho triển lãm phát huy tốt nhất vai trò tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của mình, làm cho triển lãm được quần chúng nhân dân biết đến.

Về quá trình liên kết tham gia triển lãm của các ban, ngành đoàn thể trong tỉnh có một số kết quả tích cực:

            Thứ nhất, tất cả các triển lãm mở tại Nhà triển lãm đều có sự tham gia liên kết của các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị này đều nhận thức được vai trò của triển lãm trong công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và đã tích cực tham gia mọi triển lãm khi được mời phối hợp thực hiện. Tuy số lượng các ban, ngành, đoàn thể được tham gia liên kết dù không nhiều nhưng họ đã có sự chủ động trong lựa chọn nội dung, cách thức thực hiện phù hợp, đã có sự đầu tư, chuẩn bị cho các nhiệm vụ của mình trong khi tổ chức triển lãm, không thụ động chờ đợi vào tham mưu, hướng dẫn của Trung tâm Văn hóa tỉnh.

            Thứ hai, với các cuộc triển lãm như Hội Báo xuân, các đơn vị đã đầu tư bố trí gian trưng bày của mình với hình thức đẹp nhất. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khi tham gia liên kết ngoài các giải thưởng của Trung tâm Văn hóa chuẩn bị, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng thường chuẩn bị sẵn nhiều giải thưởng cho các tác giả, tác phẩm nhằm động viên và khích lệ tinh thần tham gia triển lãm.

STT

Loại triển lãm

Số đơn vị
tham gia

Năm 2014

Năm 2015

1

Triển lãm tranh cổ động

0

5

2

Triển lãm ảnh thời sự

4

6

3

Triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật, tranh mỹ thuật

0

7

4

Triển lãm về Biển dảo

5

0

5

Triển lãm ảnh thời sự  phục vụ tuyên truyền các sự kiện chính trị lớn của tỉnh (đại hội thi đua yêu nước, Đại hội Đảng bộ tỉnh)

0

20

Bảng số lượng đơn vị tham gia liên kết trong một số triển lãm

[Nguồn: Số liệu tác giả điều tra, 2015]

            Về hình thức trưng bày trực quan của triển lãm đã cho thấy những đóng góp tích cực như:

            Thứ nhất, hình thức trưng bày trực quan của triển lãm tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương vẫn đảm bảo tính thống nhất, tính tuyên truyền, phù hợp nội dung giáo dục chính trị tư tưởng.

            Thứ hai, tài liệu trực quan có thay đổi theo từng chủ đề nội dung triển lãm, có hiện vật trưng bày, có ảnh, tranh, có biểu đồ, bản đồ. Năm 2014, triển lãm chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30 tháng 4 có trưng bày ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa và bản đồ cổ, bản chữ cổ do Bảo tàng Lịch sử cung cấp. Hội báo xuân hàng năm có ảnh, có các ấn phẩm của các tạp chí, các báo hoạt động trên địa bàn tỉnh...

            Những đóng góp tích cực trong các lĩnh vực của triển lãm tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương trong những năm qua đã phần nào tạo sự quan tâm của người dân trong tỉnh đến hoạt động triển lãm dù chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn.

Chỉ tiêu

Mức độ hài lòng

Tốt

Tỷ lệ (%)

Khá

Tỷ lệ (%)

Trung bình

Tỷ lệ (%)

1.  Nội dung triển lãm

50

55,56

30

33,33

10

11,11

2.  Tuyên truyền quảng cáo

42

46,67

35

38,89

13

14,44

3. Trưng bày, trang trí triển lãm

46

51,11

40

44,44

4

4,44

Bảng đánh giá của người xem về hoạt động triển lãm tại Hải Dương

[Nguồn: Số liệu tác giả điều tra, 2015]

Qua tìm hiểu, nghiên cứu cho thấy nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật, nhu cầu mong muốn có được địa điểm giao lưu văn hóa, giữ gìn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống thông qua hoạt động triển lãm cũng như có nhiều cuộc triển lãm tổ chức phối hợp với hội chợ thương mại, triển lãm thành tựu, trong nhân dân tỉnh Hải Dương là rất lớn và đây cũng chính là những vấn đề mà Trung tâm văn hóa tỉnh Hải Dương cần cập nhật và có những định hướng phát triển cho phù hợp.

 

Biểu đồ mong muốn của người xem về việc giữ gìn và phát triển

các cuộc triển lãm tại trung tâm văn hóa Tỉnh Hải Dương

[Nguồn: Số liệu tác giả điều tra, 2015]

 

            Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì hoạt động triển lãm tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương vẫn còn một số tồn tại như lượng khách đến tham quan không nhiều, hình thức trưng bày trực quan và tuyên truyền cổ động còn đơn điệu, nghèo nàn.

Triển lãm tại chỗ, với lộ trình hoạt động thường kỳ, quen thuộc như vậy nên ngoài triển lãm xuân là có khách tham quan đông hơn một chút. Còn các cuộc triển lãm khác chỉ có khách vào thời gian khai mạc mà chủ yếu là các đại biểu được mời của các cơ quan, phòng, ban, đơn vị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo chí, lãnh đạo đại diện cho Ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, các tác giả tranh cổ động, nhiếp ảnh và một lớp học sinh của trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong gần Nhà triển lãm. Sau thời gian khai mạc triển lãm mở cửa ngày ba buổi: sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ, tối từ 19 giờ đến 22 giờ, nhưng gần như không có khách ghé thăm quan, không có các đoàn học sinh đến học tập trong bất kỳ một cuộc triển lãm nào mặc dù gần khu vực nhà triển lãm có rất nhiều trường học.

            Triển lãm lưu động xuống cơ sở đều được các Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố đón nhận rất nhiệt tình và các cuộc triển lãm đều thực hiện ngoài trời, treo nhờ trên hàng rào của các cơ quan chính quyền tại ngã ba, ngã tư đông người qua lại hoặc ngay cạnh chợ của thị trấn, của huyện. Dù đây là hình thức triển lãm mà người dân tại các vùng quê được trực tiếp xem, nhưng tại nơi diễn ra triển lãm thực tế lượng khách tham quan tại những triển lãm này không nhiều, mỗi cuộc triển lãm được tổ chức cũng chỉ thu hút đông người dân sống gần đó, nhất là lúc bắt đầu treo, có đến nhìn ngắm, hỏi một vài điều họ chưa biết, còn những ngày sau chủ yếu là các cháu thanh, thiếu niên đến chơi đùa quanh đó. Thực tế lượng khác tham quan tại những triển lãm này không nhiều.

            Về lượng khách ghé xem trạm tin, do địa điểm đặt trạm tin đẹp, có đông người qua lại, lại mới được xây dựng những năm gần đây nên có rất đông người, đặc biệt là các bác trung niên, các cụ già đến xem và đọc báo, nhưng trong khoảng 10 năm gần đây lượng người xem giảm dần. Thêm vào đó, các hộ kinh doanh dịch vụ gần đó lại ngay phía trước trạm tin, có hôm khách chiếm hết chỗ người xem, các cụ già muốn đến xem ảnh cũng ngại không dám vào, không những vậy hình ảnh này còn tạo ấn tượng không đẹp, nhếnh nhác tại trạm tin.

            Tuy triển lãm vẫn được Trung tâm Văn hóa tỉnh duy trì tổ chức hoạt động với cả ba thể loại cơ bản là triển lãm tại chỗ, triển lãm lưu động và trạm tin, nhưng với những nguyên nhân chủ quan và khách quan qua phân tích cho thấy sự hấp dẫn, khả năng thu hút quần chúng nhân dân chưa cao, người dân thờ ơ với thông tin mà triển lãm đưa lại. Triển lãm mở cửa đón khách tuy đạt kết quả là duy trì được nhiệm vụ tuyên truyền nhưng chỉ dừng lại là một hoạt động theo kế hoạch, không tạo sự đổi mới, hình thức trưng bày đơn điệu nên không thu hút được quần chúng nhân dân.

Về hình thức trưng bày trực quan của triển lãm cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định như chưa có sự đổi mới, triển lãm chỉ chủ yếu là ảnh (giống như một trạm thông tin) không phát huy tính sáng tạo, chỉ là hoạt động nằm trong kế hoạch, chính những điều đó làm cho hiệu quả của công tác tuyên truyền cổ động giảm đi, thể hiện ở sự quan tâm của quần chúng nhân dân, lượng khách tham quan đến xem triển lãm ngày càng giảm sút. Một cuộc triển lãm với kinh phí đầu tư khoảng 35 triệu đồng, đây là một phần kinh phí không lớn nhưng hơn một nửa số tiền đó lại được chi cho việc rửa ảnh để trưng bày còn các nội dung khác đều phải tiết giảm tối đa.

            Triển lãm tranh cổ động chỉ là cuộc trưng bày các tác phẩm đoạt giải và đạt chất lượng, trưng bày không trang trọng, bỏ hết các khung kính gỗ để gim trực tiếp lên tường đã làm giảm hiệu quả về mặt mỹ thuật, đôi khi do giấy mỏng, viền tranh nhỏ nên mới treo một vài ngày đã có bức tranh bị rách, xộc xệch rơi ra khỏi vị trí treo.

            Triển lãm lưu động xuống cơ sở không có áp phích cổ động, tờ rơi, sách, khẩu hiệu, băng đĩa hình hoặc kết hợp với hoạt động của Đội Tuyên truyền lưu động nên dẫn đến sự đơn điệu. Vì được trưng bày ngoài trời với không gian rộng rất dễ bị chìm lấp, nhưng thời gian hoạt động triển lãm không có hoạt động tuyên truyền quảng cáo nên người dân không nắm được thông tin.

            Trạm tin có nội dung trưng bày đơn điệu, quen thuộc, có phần đơn giản, các ảnh trưng bày không bo viền như trước mà cũng ghim trực tiếp vào pa - nô nên hình thức trực quan không đẹp, kích thước ảnh quá nhỏ dẫn đến người xem rất khó trong tiếp cận với thông tin (mỗi ảnh có kích thức khoảng 18cm x 20cm), Báo Nhân dân và báo Hải Dương treo ở mặt phía sau của trạm tin dẫn đến nhiều người dân không biết. Ánh sáng hiện nay không còn phù hợp cho hoạt động xem hình ảnh và đọc báo tại trạm tin cũng như không còn tác dụng cho quảng cáo trạm tin thu hút sự chú ý của người dân. Thêm vào đó, sau khoảng thời gian sử dụng 20 năm nên đến nay trạm tin cũng đã xuống cấp rất nhiều, hệ thống thanh trượt gây trở ngại lớn cho việc thay nội dung triển lãm, pa - nô do để lâu có sự cong vênh, ít được lau chùi (chỉ đến đợt thay nội dung mới thực hiện công việc này) nên trong khung kính trạm tin côn trùng chết nhiều gây ấn tượng không đẹp cho người thưởng thức triển lãm.

Từ những phân tích trên cho thấy, ngày nay người dân với nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tăng cao, trong khi đó xã hội phát triển với nhiều hình thức tiếp cận thông tin nhanh, hiện đại nên bất kỳ một loại hình triển lãm nào dù là triển lãm tại chỗ, triển lãm lưu động hay là hình thức trạm tin cũng cần có sự khác biệt hơn, ấn tượng hơn, thể hiện sự đầu tư và trách nhiệm của đơn vị tổ chức để thu hút sự quan tâm của người dân, cho nhân dân thấy được rằng triển lãm là nơi họ cần phải đến để biết thêm những sự kiện mới, luồng thông tin mới, mối giao lưu mới.

 

                                      Tài liệu tham khảo

1.    Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở (2012), Kỷ yếu hội nghị nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền cổ động trực quan tại cơ sở, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.

2.    Hoàng Lâm, Phạm Hiệp (1995), 50 năm Văn hóa thông tin Hải Hưng 1945-1995, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Hưng, Hải Hưng.

3.    Nhiều tác giả (2005), Những kỷ niệm khó quên, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Dương, Hải Dương.

4.    Nhiều tác giả (2000), Lịch sử ngành văn hóa thông tin Hải Dương, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương, Hải Dương.

5.    Nguyễn Văn Phong (2006), “Một số hình thức cổ động trực quan”, Tạp chí xây dựng Đời sống văn hóa, (số 48, tr.25).

6.    Minh Quế (2004), “Ngành Thông tin - Văn hóa Hải Dương nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ”, Tạp chí Văn hóa Hải Dương, (số 2, tr.32).

7.    Phương Vy (1997), “Các mặt hoạt động của văn hóa thông tin”, Văn hóa - thông tin cơ sở, (số 25, tr.9).

 

-------------------------------------

 

 

[*] Lớp Cao học k1 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa