Nội san

Đình, Chùa, Bia Bà La Khê –Điểm sáng trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích ở Hà Đông

24 Tháng Mười Hai 2015

Đào Thùy Linh ([*])

 

Quần thể di tích Đình, chùa, Bia bà La Khê gồm có Đình La Khê, chùa Diên Khánh, Bia Bà La Khê và Bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ. Trong đó Đình La Khê và Chùa Diên Khánh là hai di tích được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989; Bia Bà và Bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ (được khởi công xây dựng tháng 8/2013, khánh thành tháng 9/2014) nằm trong khuôn viên Đình La Khê...

La Khê là một vùng đất cổ thuộc nước Văn Lang xưa, được thành lập từ thế kỷ 11 và có tên làng từ thế kỷ 14. La Khê tên cũ là La Ninh đến năm Tân Mùi (1591) Mạc Mục Tông đổi là Hồng Ninh nên La Ninh đổi thành La Khê, như vậy địa danh La Khê đã có cách ngày nay 424 năm.

La Khê xưa là một trong những làng La thuộc tổng La nổi tiếng của huyện Từ Liêm là một trong những làng “Tứ quý danh hương” còn được dân gian lưu truyền trong câu ca “Nhất Mỗ, Nhì La, Thứ ba Canh, Cót”; không chỉ có gạo ngon, the đẹp mà còn có các bậc hiền tài học rộng biết nhiều. Người La Khê vẫn tự hào rằng: "Văn có Tiến sĩ, võ có Quận công”, “Trai làng là Lang trung, gái làng là thứ phi”. Vốn là làng có nghề dệt lụa lâu đời, La Khê nức tiếng xa gần với các sản phẩm The, Sa, Vân, Địa, Quế, Gấm với chất liệu mát, mỏng, nhẹ, bền đẹp và hoa văn tinh xảo. Bên cạnh đó, La Khê còn có cụm di tích Đình, Chùa, Bia Bà La Khê nổi tiếng linh thiêng, ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước đến chiêm bái cầu may, cầu tài, cầu lộc. Đây cũng là địa phương làm rất tốt công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, là điểm sáng để các địa phương khác có di tích trên địa bàn quận Hà Đông học tập và noi theo.

Cụm di tích Đình, chùa, Bia bà La Khê gồm có Đình La Khê, chùa Diên Khánh, Bia Bà La Khê và Bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ. Trong đó Đình La Khê và Chùa Diên Khánh là hai di tích được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989; Bia Bà và Bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ (được khởi công xây dựng tháng 8/2013, khánh thành tháng 9/2014) nằm trong khuôn viên Đình La Khê chưa được xếp hạng di tích lịch sử. Đình La Khê được khởi dựng từ thế kỷ 17 và đến thế kỷ 18 được xây dựng quy mô là nơi thờ hai vị thành hoàng làng La Khê là Hắc diện đại vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa, đây là 2 vị thiên thần (thần nhà trời) có công dẹp giặc loạn nhiễu nhương tại mảnh đất La Khê bảo hộ dân làng. Tương truyền rằng, xa xưa nhân dân trong vùng nghèo nàn cơ cực, giặc giã hoành hành. Một đêm trăng thu tỏa sáng, già làng nghiêm mộng thấy vị tướng quân cao lớn, vóc dáng oai phong, mặt đen, râu rậm, mắt sáng, mình mặc áo giáp vàng, tay mang thiên kích, ngài cho biết là Hắc diện đại vương vâng mệnh trời xuống giúp dân trừ họa. Vào một buổi khác, quân giặc đông như kiến cỏ tràn qua, nhân dân trong cơn hoảng loạn, bỗng thấy luồng gió mát, trên trời xuất hiện nàng tiên gương mặt dịu hiền, hào quang tỏa sáng, ung dung trên quầng mây trắng, tay phất nhành hoa gọi cuồng phong. Tức thì mây mù trời, cát bụi chim muông bay đầy mặt đất, lũ giặc giày xéo lên nhau bỏ chạy, trời đất trở lại hòa bình. Nàng tiên dạy rằng: Thiên tiên Bảo Hoa công chúa giúp muôn dân. Từ đó, dân làng nhớ ơn hai vị thiên thần nên lập miếu thờ coi như hai vị thành hoàng làng được thờ phụng đến tận bây giờ. Trải qua các triều đại phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn triều đình đã ban 28 đạo sắc phong hai vị thành hoàng làng là Thượng đẳng phúc thần. Ngoài ra, Đình La Khê còn thờ 10 vị thánh sư người Trung Quốc khi di cư đến đây đã mang theo nghề dệt The truyền lại cho dân làng, từ đó danh hiệu The La Khê mới trở lên nổi tiếng khắp đất nước và sau này còn được biết đến ở thị trường quốc tế. Chùa La Khê (Diên Khánh tự, nghĩa là trường tồn) là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Lý (khoảng thế kỷ thứ 11) khi Phật giáo hưng thịnh và được coi như quốc giáo. Chùa Diên Khánh là một điểm đến của các tín đồ Phật giáo và nhân dân trong vùng lễ Phật cầu an hiện còn giữ được nhiều di vật quý đặc biệt là bức tượng Đức giáo chủ bổn sư bằng đá; Tượng Di Đà phát quang bằng gỗ; Tượng quan âm tọa sơn bằng gỗ; Tượng Quan Âm đứng, bộ tượng Cửu Long; Bộ tượng Thi giả, bộ tượng Thổ địa, bộ tượng Hộ pháp khuyến Thiện và Trừng ác. Cụm di tích còn có Đền thờ Đức Thánh Bà thờ bà Trần Thị Hiền, con gái cụ Dũng Quận Công Trần Trân, người làng La Khê; bà là người phụ nữ xinh đẹp, hiền thục, khéo léo và đức hạnh được vua Mạc Đăng Doanh phong là “Đệ nhị cung phi”. Sinh thời, Bà luôn hết lòng phò vua giúp nước nhưng lại mất sớm khi tuổi tròn 27 tại quê nhà. Những năm sinh sống ở quê hương, Bà cũng có nhiều đóng góp cho dân làng địa phương. Khi mất, Bà đã trao lại toàn bộ ruộng đồng, tài sản cho dân. Tưởng nhớ công đức của Bà, Vua Mạc đã cho khắc vào bia đá, đặt tại mộ bà ở cánh đồng “Hoàng Hậu” tên nôm gọi là Cánh đồng Vang. Xưa kia mộ bà chỉ đặt tấm bia đá ở giữa đồng, sau có mái tôn lợp sơ sài lấy chỗ nhân dân cúng bái. Nay, bia đá đã được đưa về phía trái sân Đình La Khê và xây dựng thành ngôi miếu nguy nga hài hòa với tổng thể kiến trúc và cảnh quan của cụm di tích. Năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao đã xin thỏa thuận của các ngành có liên quan để đặt Bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ tại một góc sân đình La Khê do đây là địa điểm diễn ra phiên xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ. Trải qua 9 tháng xây dựng, bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ đã hoàn thành với diện tích 4mx4m lòng nhà bia, cột và vì kèo mái bằng gỗ, trên mái lợp ngói ri, 4 mái cong rất hài hòa với cảnh quan cụm di tích. Trải qua chiến tranh, chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa mới được thành lập ngày 2/9/1945 còn non trẻ lại phải chống đỡ với thù trong giặc ngoài do đó để bảo đảm chính quyền yêu cầu cấp bách đặt ra là phải có cơ quan xét xử, trừng trị bọn phản cách mạng. Ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 33C/SL thành lập các Tòa án quân sự. Ngày 23/8/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 163 thành lập Tòa án binh lâm thời; ở khu vực có chiến sự thành lập các Toà án binh tại mặt trận. Đây là tiền thân của hệ thống Tòa án nhân dân và Tòa án quận sự bây giờ. Trải qua gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ngành tòa án đã phát huy được vai trò của mình trong việc thực thi và bảo vệ pháp luật. Việc đặt Bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ tại cụm di tích Đình, Chùa, Bia Bà La Khê là nơi để cán bộ ngành tòa án ôn lại lịch sử trong các ngày lễ trọng đại đồng thời cũng làm gia tăng sức hấp dẫn của điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng nơi này.

Quần thể di tích Đình - Chùa - Bia Bà tại phường La Khê (Nguồn: st)

Từ khi khởi dựng, cả Đình La Khê và Chùa Diên Khánh đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng lần trùng tu lớn nhất gần đây là năm 2008, 2009; vào năm 2010, xây thêm các hạng mục phụ trợ là hệ thống 60 ki ốt bán hàng được quy hoạch gọn gàng, khoa học và thuận tiện bên ngoài di tích. Công tác tu bổ, tôn tạo cụm di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận nội dung trong đó diện tích các dãy nhà trong đình, chùa đều được giữ gìn nguyên trạng nhưng cốt nền và chiều cao cột đình, chùa đều được thỏa thuận nâng cao 50 cm cho phù hợp với hạ tầng thoát nước đô thị và cảnh quan khu vực xung quanh. Hàng năm, Đình cũng là nơi dân làng La Khê tổ chức lễ hội, tưởng nhớ công đức của 2 vị thành hoàng làng và 10 vị tổ nghề dệt. Lễ hội diễn ra vào 3 ngày 14,15,16 tháng Giêng hàng năm. Thông thường chỉ tổ chức hội lệ, mở cửa Đình cho nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh đầu năm. Vào những năm “hòa cốc phong đăng” (những năm mưa thuận, gió hòa, được mùa) hay như cách tổ chức hiện nay là vào các năm chẵn, thông thường 5 năm một lần, làng tổ chức hội lớn đại đám có rước thu hút hàng ngàn lượt người tham dự lễ hội. Vào các ngày tổ chức lễ hội ngoài lễ tế thành hoàng, nhân dân địa phương thường tổ chức các hình thức vui chơi giải trí phong phú như: Đêm văn nghệ quần chúng do cán bộ và nhân dân địa phương tự tổ chức; đi thuyền hát quan họ tại ao đình do các liền anh liền chị quan họ Bắc Ninh biểu diễn; các giải thể thao như cầu lông, bóng đá, cờ tướng; hội thi chim, chọi gà; trưng bày sinh vật cảnh như chim chóc, hoa lan... Công tác tổ chức lễ hội và quản lý di tích được làm tương đối tốt, bài bản cùng với sự linh thiêng của cụm di tích là lý do thu hút đông đảo du khách đến tham quan, hành hương và lễ lạt cầu may; lượng khách năm sau thường đông hơn năm trước; số lượng tiền giọt dầu và công đức của nhân dân đóng góp cho cụm di tích cũng tăng lên đáng kể. Doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ như trông giữ xe, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ăn uống cũng thu lợi không nhỏ. Nhân dân địa phương và du khách thập phương về với cụm di tích ở La Khê đều phát lòng hảo tâm công đức số tiền lớn, số tiền ấy được ban quản lý di tích La Khê sử dụng 100% vào hoạt động của ban quản lý và công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Do đó, đến với La Khê du khách rất hài lòng về cảnh quan thiên nhiên xanh, sạch, đẹp, gọn gàng và cụm di tích được bảo tồn tôn tạo nguyên trạng vừa cổ kính, trang nghiêm vừa hoành tráng, chắc chắn. Đình, Chùa La Khê từ khi xây dựng đến nay vẫn nằm giữa làng La Khê, trông về hướng nam Nam đó là hướng người quân tử của vua (Thánh nhân nam diện nhĩ thỉnh thiên hạ) nghĩa là thánh nhân quay mặt phía nam nghe lời cầu thiên hạ. Tương truyền cảnh trí nơi đây xưa kia cây cối xanh tốt, um tùm, nghệ thuật kiến trúc các tòa nhà trong cụm di tích hài hòa với cảnh trí thiên nhiên, nơi đây được nhiều nhà địa lý xưa ca ngợi là mảnh đất “Tú khí dưỡng thanh long” (tức là Rồng thiêng được nuôi dưỡng bởi khí thiêng). Trước đình là ao rộng, đường được trải bê tông chắc chắn; xung quanh ao đình được kè đá khang trang; ở giữa ao đình có bài trí chín con rồng bằng đá có hệ thống đèn và phun nước vào các ngày lễ tết tạo ra cảnh quan thoáng đãng và đẹp mắt vừa giúp điều hòa không khí và mang lại phong thủy tốt cho di tích. Mặt bằng chùa Diên Khánh trước đây kiến trúc theo lối chữ nội công ngoại quốc nhưng hiện nay đã mất hai dãy hành lang tả hữu và nhà bia. Mặt bằng kiến trúc đình rất rộng được bố trí theo lối chữ Đinh, được thiết kế nhiều nhà, nhiều lớp nhưng hiện nay chỉ còn một cổng tam quan giống tam quan chùa Diên Khánh, một phương đình, một nhà tiền tế (đại bái), một nhà trung cung và một nhà hậu cung. Đền thờ Đức Thánh Bà được xây dựng tại sân Đình La Khê, trông về hướng Đông, hướng mặt trời mọc, hướng của sự sinh sôi nảy nở được xây dựng theo lối chữ Tam gồm có Nhà tiền tế, Trung cung và Hậu cung. Nhìn chung, Đình La Khê và Chùa Diên Khánh đều xây dựng theo lối kiến trúc đơn giản tường hồi bít đốc, tiền kẻ hậu bẩy, kiến trúc bộ vì kèo mái trên giá chiêng chồng dường con nhị. Từ đầu câu đầu cột trốn đến dường chân được tỳ lực trên chiếc kẻ nối từ quá giang dưới tới đầu cột hiên. Kẻ này tỳ bụng trên chiếc xà đại nơi đầu cột hiên. Mái trong được chạy suốt từ xà nóc xuống và không có cốn, được kết cấu kẻ ngỗng. Các phần gỗ trong các tòa nhà được trang trí ít. Tuy nhiên phần trang trí được thể hiện đầu xà, dường theo phong cách xưa là rồng văn hoa khá đẹp. Rồi đến các bảo vật như túi càn khôn, bầu rượu và những hoa lá cách điệu. Kiến trúc các tòa nhà ở đền thờ đức Thánh Bà gồm có Tiền đường 5 gian được xây kiểu hai tầng tám mái, phía trước để mở rất thoáng như kiến trúc chung của đình. Trên nóc mái tòa Tiền đường có trang trí rồng chầu mặt trời (thái cực sinh lưỡng nghi), là biểu tượng cho âm dương giao hòa, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đầu đao các mái đều được trang trí sóng nước và kìm nghê là biểu tượng truyền thống trong văn hóa người Việt, hình tượng thường thấy trong các kiến trúc đình, đền, chùa ở Việt Nam.

 Sau khi tôn tạo hệ thống các cột cái, cột con tại các dãy nhà trong cụm di tích đều được sử dụng chất liệu gỗ lim đồng nhất, các cửa đều sử dụng loại cửa bức bàn dễ dàng lắp ghép và tạo được sự thoáng đãng tối đa cho không gian thờ tự khiến cảm giác gần gũi, thân quen như ngôi nhà Việt truyền thống. Hệ thống cột ở hàng hiên Chùa Diên Khánh trước đây được xây bằng gạch Bát Tràng, miết mạch to hiện nay đã được thay lại bằng hệ thống các cột bằng đá vuông có trang trí tạo tác hoa lá, mặt trước cột đá có các câu đối viết bằng chữ Nho. Một số các cấu kiện gỗ trước kia là gỗ tạp, gỗ xoan sau khi được tu bổ đã được thay bằng hệ thống gỗ Lim rắn chắc, đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền cao trước sự thay đổi của thời tiết khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Toàn bộ hệ thống sân và đường đi trong cụm di tích được lát gạch vuông đỏ Bát Tràng 30cmx 30cm.

 

Công trình hoàn thành đã làm thỏa mãn được mong muốn của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nguồn vốn xã hội hóa do nhân dân thập phương công đức; quá trình tu bổ, tôn tạo được ban giám sát cộng đồng do nhân dân địa phương thành lập giám sát chặt chẽ; đơn vị thi công có trình độ và tay nghề thủ công cao góp phần tạo nên một công trình tôn giáo, tín ngưỡng được bảo tồn, tôn tạo đảm bảo được tính chân xác và kỹ, mỹ thuật trong thi công các cấu kiện, hạng mục công trình.  Cụm di tích sau khi hoàn thành, nhân dân thập phương lại tiếp tục công đức các hiện vật, đồ thờ để trang trí di tích. Ban quản lý di tích La Khê đã làm tốt công tác quản lý, bảo quản, tu bổ phục hồi cụm di tích đồng thời phát huy vai trò làm chủ di tích của cộng đồng, là điểm sáng để các địa phương khác học tập và noi theo.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội (1988), Hồ sơ xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật Chùa Diên Khánh, xã Văn Khê, Hà Đông.
  2. Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội (1988), Hồ sơ xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật Đình La Khê, xã Văn Khê, Hà Đông.
  3. Nguyễn Chí Bền (2010), Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội.
  4. Cục di sản văn hóa (2008), Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, tập 4, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  5. Phan Đình Dũng (2014), “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với sinh kế và phát triển cộng đồng dân cư tại chỗ”, Tạp chí Lý luận chính trị, (số 4).
  6. Đảng uỷ xã Văn Khê (1994), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Văn Khê (thị xã Hà Đông) 1936-1954, tập I.
  7. Nguyễn Minh Đăng (2007), “Kể chuyện sự tích Bia Bà”, Tạp chí Hán Nôm, (số 6), Tr.72-75.
  8. Đảng ủy-HĐND-UBND thị xã Hà Đông (2004), Thị xã Hà Đông xưa và nay.
  9. J. Rouan (1925), Hà Đông tỉnh địa dư chí, Nxb Hà Nội.
  10.  Nguyễn Hồng Kiên (1993), Đình làng Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
  11.  Nhiều tác giả (2007), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Viện Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
  12.  Nhiều tác giả (2014), Con đường tiếp cận di sản văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  13.  Nhiều tác giả (2010), Thăng Long-Hà Nội tuyển tập công trình nghiên cứu văn hóa, Nxb Hà Nội.
  14.  Quận ủy, HĐND-UBND-UBMTTQ quận Hà Đông (2014), Hà Đông quá trình hình thành và phát triển, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
  15.  Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (2007), Địa chí Hà Tây.
  16.  Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (1999), Di tích Hà Tây.
  17.  Lưu Minh Trị (2012), “Về vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, thực tiễn.

                                                

[*] Lớp Cao học k1 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa