Nội san

HÀ NHÌ - Đôi nét văn hóa đặc trưng

08 Tháng Giêng 2016

Nguyễn Thị Lê Ngân[*]

 

Yếu tố độc đáo và hấp dẫn đầu tiên khi đến với bản làng người Hà Nhì ở Y Tý chính là ngôi nhà. Nếu như người Kinh có câu tục ngữ “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là ba việc lớn của một đời người, thì người Hà Nhì có câu “Lạ Khố Khố Hứ Chà” có nghĩa là ngôi nhà là quan trọng nhất.

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, thuộc miền núi phía Tây Bắc, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều và có tiềm năng phát triển kinh tế đa ngành. Về địa lý hành chính, tỉnh gồm 01 thành phố trực thuộc và 08 huyện, trong đó có huyện Bát Xát, là một huyện nằm ngay sát biên giới Việt Trung, đây là huyện địa bàn rất quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh, diện tích tự nhiên trên 1000km², với 70% diện tích là đồi núi. Đồng thời, huyện có tỉ lệ người đồng bào thiểu số chiếm trên 80% với 14 dân tộc anh em, trong đó người Hà Nhì, Dao chiếm chủ yếu. Người Hà Nhì là một trong những dân tộc có nét văn hóa truyền thống đặc sắc và khác biệt nhiều so với những dân tộc anh em cùng chung sống. Dưới góc độ là nhà quản lý văn hóa, chúng tôi thiết nghĩ cần thiết phải phát huy văn hóa đó gắn với du lịch dựa trên các nét độc đáo của văn hóa truyền thống nhằm bảo tồn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp và đặc sắc của đồng bào người Hà Nhì, đồng thời đem lại lợi ích cho hoạt động kinh tế của địa phương nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung.

 

Ảnh: Bản làng Y Tý – Lào Cai (Nguồn: st)

 

Người Hà Nhì tại Y Tý - Bát Xát - Lào Cai là một trong những dân tộc ít người của đại gia đình Việt Nam. Người Hà Nhì có nguồn gốc lâu đời từ Trung Quốc di cư sang, nên họ có những phong tục, tập quán truyền thống tương đối độc đáo và đặc sắc gần giống với người dân tộc của Trung Quốc, đây được coi là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Dân tộc Hà Nhì có rất nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc điển hình như nhà trình tường, trang phục, lễ hội, các đặc sản đặc trưng. Do cư trú chủ yếu trên vùng núi cao nên người Hà Nhì rất giỏi canh tác trên đất dốc, có nhiều kinh nghiệm đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng bậc thang và nhiều phong tục, tập quán rất đặc sắc. Mặc dù không có chữ viết, nhưng người Hà Nhì lại có bộ lịch riêng cho mình.

Yếu tố độc đáo và hấp dẫn đầu tiên khi đến với bản làng người Hà Nhì ở Y Tý chính là ngôi nhà. Nếu như người Kinh có câu tục ngữ “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là ba việc lớn của một đời người, thì đối với người Hà Nhì có câu “Lạ Khố Khố Hứ Chà” có nghĩa là ngôi nhà là quan trọng nhất. Cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi cũng luôn gắn bó với mái nhà, vì vậy ngôi nhà chiếm một vị trí không thể thay thế được. Mỗi một ngôi nhà dựng trong một tập thể đều không thể nằm ngoài những quy định của bản, của làng của xã. Nhà ở của người Hà Nhì là nơi mang đậm nét nhất, nó thể hiện các phong tục tập quán, lối sống của mỗi cá nhân, nhóm người hay một tộc người. Ngôi nhà của dân tộc Hà Nhì khác với các dân tộc khác chính là được làm gần như hoàn toàn bằng đất và đá. Tuy ngôi nhà được trình bằng đất bùn nhưng rất kiên cố, đặc biệt thường tạo cảm giác ấm áp về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Ngôi nhà được dựng lên bằng tình cảm của anh em, họ hàng trong thôn bản, ngôi nhà như một minh chứng cho tinh thần đoàn kết của một cộng đồng. Điều đó lại càng khẳng định một lần nữa, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người Hà Nhì nơi đây. Khẳng định về cái gọi là làng bản, là nòng cốt để xây dựng một đất nước vững mạnh - vững mạnh ngay từ những xã của người đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi biên cương xa xôi. Về vị trí nhà ở, trước tiên người Hà Nhì rất chú trọng và quan tâm đến vị trí đất bản, bởi đất của bản có tốt thì người dân mới yên tâm làm ăn. Các quy định được đặt ra khá chặt chẽ, có quy định rõ ràng, bản làng của người Hà Nhì phải được chọn nơi vùng núi cao dốc thoai thoải giống chiếc yên ngựa, xung quanh có nguồn nước quanh năm để đảm bảo việc tưới tiêu và nước sinh hoạt cho cả bản làng. Khí hậu được chọn là vùng khí hậu ôn đới, vừa ấm áp, vừa mát mẻ. Tên của bản làng người Hà Nhì phụ thuộc vào việc người Hà Nhì có sống chung với dân tộc khác hay không, đó là dân tộc nào. Có thể lấy ví dụ tên A Lù (Bát Xát - Lào Cai) là người dân Hà Nhì sinh sống cùng người Mông, Lao Chải là người Hà Nhì sống xen kẽ cùng người Thái, bản làng xã Mù Cả (Mường Tè - Lai Châu) tiếng Hà Nhì là Mo - nghĩa là đường ngựa đi. Người Hà Nhì thường cư trú thành một bản riêng rẽ, ít cư trú với các dân tộc khác trên cùng một bản, chỉ cùng chung sống trên cùng một thôn hoặc một xã. Theo như quy định cũ trước đây của làng, mỗi một bản làng to hay nhỏ đều phụ thuộc vào điều kiện canh tác, số lượng nhân khẩu của làng tương đương với số lượng thửa ruộng. Nếu làng tăng dân số thì cần phải nhờ đến thầy cúng để làm lễ, cúng vùng đất mới. Còn làng cũ được gọi là bản mẹ, còn bản mới được hình thành do việc giãn dân gọi là bản con.

Trong ngôi nhà của người Hà Nhì, bếp được coi là nơi rất quan trọng. Do nơi đây khí hậu quanh năm sương mù ẩm ướt nên bếp của người Hà Nhì bao giờ cũng đặt trong nhà, có tác dụng vừa giữ ấm áp vừa giúp cây cột, tường nhà them chắc bền. Các hoạt động hàng ngày của gia đình người Hà Nhì hầu hết đều diễn ra quanh bếp lửa, từ nấu ăn đến tiếp khách, bếp còn là nơi thờ thần bếp linh thiêng. Bởi vậy, có nhiều điều kiêng kị liên quan đến bếp lửa như khi ngồi không được để chân hay làm dịch chuyển viên đá dựng ở góc bếp vì theo quan niệm của người Hà Nhì, viên đá chính là nơi trú ngụ của thần bếp; cứ mỗi dịp đầu năm hoặc cuối năm, người phụ nữ - mẹ, sẽ chịu trách nhiệm tắm rửa, dâng lễ cho thần bếp, nếu người mẹ trong gia đình đã mất thì người con gái lớn sẽ chịu trách nhiệm này thay người mẹ.

Đây được coi là một di sản văn hóa của người Hà Nhì thể hiện rõ ràng những nét độc đáo đặc sắc vừa là tổ ấm của mỗi gia đình, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng, vừa là đơn vị sản xuất kinh doanh. Ngôi nhà không chỉ là để che nắng che mưa mà còn là nơi sưởi ấm tâm hồn cũng như bảo tồn nét truyền thống của mỗi gia đình, của mỗi dân tộc. Những ngôi nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì ở Y Tý khi nhìn từ trên cao xuống tựa như những chiếc nấm khổng lồ nằm bên sườn núi đang mờ ảo, lúc ẩn lúc hiện trong sương mù dày đặc. Vẻ đẹp ấy không khỏi xốn xang lòng người. Tìm hiểu văn hóa người Hà Nhì ở Y Tý mà bỏ quên không tìm hiểu về ngôi nhà trình tường nơi đây, cách sống và sinh hoạt trong ngôi nhà là một điều thiếu sót vô cùng lớn của chuyến đi tìm hiểu văn hóa vùng cao.

 

Ảnh: Chàng trai, cô gái Hà Nhì- Lào Cai (Nguồn: st)

 

Yếu tố thứ hai khiến ta bị thu hút đó là những bộ trang phục truyền thống duyên dáng của người Hà Nhì nơi đây. Trang phục của người Hà Nhì khá đơn giản, không quá cầu kỳ, màu sắc rực rỡ như những trang phục của dân tộc khác cùng như Dao đỏ, Mông, Thái. Từ những công đoạn bắt đầu cho đến công đoạn trang trí, thành phẩm đều do chính tay người phụ nữ Hà Nhì làm nên. Từ xa xưa, người Hà Nhì đã biết trồng bông, dệt vải, thêu thùa. Màu sắc chính của bộ trang phục truyền thống người Hà Nhì là màu xanh chàm. Có lẽ đặc sắc nhất trên bộ trang phục của người dân tộc Hà Nhì đó là những họa tiết được thêu tay trên tà áo, cổ áo và mũ của các em bé nơi đây. Điểm đặc sắc thứ hai để dễ dàng nhận biết trang phục người Hà Nhì ở Y Tý chính là mái tóc của người phụ nữ. Nó được kết bằng sợi cây rừng và đuôi ngựa, có tác dụng trang trí và giữ ấm đầu về mùa đông, thậm chí còn có thể làm khăn cuốn cổ khi ngủ về mùa đông và gối khi đi ngủ. Bộ trang phục của người dân tộc Hà Nhì còn thể hiện tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên và những kinh nghiệm sống của người giữa thiên nhiên. Dễ dàng nhận thấy những họa tiết trên trang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì thể hiện sự hòa hợp giữa yếu tố con người và thiên nhiên. Các họa tiết phản ánh một phần cuộc sống sinh hoạt.

Trong tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc Hà Nhì cũng như các dân tộc khác, có rất phong phú và nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm như: lễ hội cúng thần Rừng (Gà ma gio), lễ hội chùm khăn, lễ hội tạ thần nước, lễ hội cầu mùa Khù Già Già,... Người Hà Nhì rất tin vào vạn vật hữu linh, tức là các sự vật đều có linh hồn ngự trị, theo quan niệm dân gian của người Hà Nhì đó là các vị thần (hơ). Các nghi lễ này được tổ chức dựa theo lịch âm. Đối tượng thờ cúng ở các lễ hội khác nhau, tuy nhiên chủ yếu là thờ cúng các vị thần gần gũi với đời sống con người như thần rừng, thần nước, thần núi, ông bà tổ tiên,... Lễ hội Khù Già Già là một trong ba lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Hà Nhì. Được tổ chức vào tháng 6 (âm lịch). Người  Hà Nhì mở hội Khồ Già Già hay còn gọi là Tết tháng Sáu vào cuối hè khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh lá, cầu mong một vụ mùa bội thu. Bằng các nghi lễ truyền thống người Hà Nhì thể hiện sự tôn kính đối với thần rừng, núi, trời và thần đất. Lễ hội này phản ánh lên như cầu, mong ước của người dân luôn được trời đất phù hộ, mưa thuận gió hòa, để người dân yên tâm làm ăn, mùa mang bội thu.

Chuẩn bị vào hội, ngoài các khoản đóng góp cho việc tổ chức cúng tế, mỗi gia đình cử một người lên núi cắt năm bó cỏ gianh đem về lợp lại mái lán tế thần “Á gơ lạ só”. Trâu tế thần là con vật không thể thiếu, đó là một con đực to, màu đen tuyền, không có bất cứ đốm trắng nào trên mình.

Vào ngày Tỵ, người dân Hà Nhì tổ chức mổ trâu dâng cúng các vị thần. Trâu cúng được dắt ra và buộc vào cột đu “A quý”. Khi thầy cúng làm xong nghi lễ tế thần, các thanh niên khỏe mạnh lấy dây da buộc chặt bốn chân của trâu, giật nó ngã vật ra. Thầy cúng sẽ lấy một nắm cỏ gianh xoa và buộc vào mõm con vật này khỏi kêu. Người Hà Nhì quan niệm, nếu trâu mà kêu thì năm ấy sẽ mất mùa. Người được chọn chôn cột đu “A quý” sẽ là người có nhiệm vụ chọc tiết trâu tế thần. Đàn ông trong làng chịu trách nhiệm tiến hành mổ trâu lấy thịt chia đều cho các gia đình mang về làm mâm cúng tổ tiên. Sang ngày Ngọ, đồng bào bắt đầu tổ chức cúng lễ và mở hội vui chơi vào chập choạng tối bởi người Hà Nhì cho rằng, thời gian đó các vị thần gió, đất sẽ đã đi nghỉ ngơi yên tĩnh. Từ sáng sớm cùng ngày, tiếng chày giã bánh dầy của những người phụ nữ Hà Nhì đã rộn rã khắp làng bản. Loại gạo làm bánh thường là gạo nếp thơm do chính gia đình tự trồng cấy được trong năm. Sau khi ngâm nước khoảng hai, ba giờ. Gạo được cho vào chõ đồ chín và mang vào cối giã của thôn. Khi xôi nếp được giã nhuyễn, những người phụ nữ Hà Nhì sẽ cùng nặn bánh dầy theo các dạng mỏng, tròn rồi lấy lá chuối ốp vào hai mặt cho mịn đều.

Mâm cúng của các gia đình Hà Nhì thường là một bát ruợu nếp, thịt trâu, chè gừng và một cặp bánh dầy… Những gia đình mang mâm ra cúng tại lán tế thần “Á gơ lạ só” đều là những gia đình không gặp điều rủi ro trong năm.

Phần lễ và phần hội đều do hai thầy cúng chính và phụ đảm nhận trước các mâm cơm “hà chì” truyền thống và thường cúng trước chân cột đu “A quý”. Người Hà Nhì không đọc bài cúng như một số dân tộc khác mà thể hiện bằng các động tác quỳ gối biểu hiện sự gửi gắm ước mơ của họ. Sau khi các thầy làm lễ cầu xin các thần phù hộ cho dân làng, lần lượt các gia đình quỳ lạy ba lần trước bàn thờ sau đó mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại lán tế thần. Đến phần hội, sau khi thầy cúng sẽ đu ba vòng ở đu dây và bập bênh sau đó các thành viên khác mới được chơi. Khi những người khác tham gia vào trò chơi bập bênh, thầy cúng cầm các hạt cơm và đậu tương tung vào nơi mọi người đang vui chơi với mong muốn cầu chúc cho mùa màng tươi tốt bội thu. Trong phần hội không thể thiếu được các điệu múa truyền thống của người Hà Nhì. Múa gọi lúa “A đù lu chế’ là điệu múa cầu mùa nhằm mong hồn mẹ lúa về với bản làng để mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nương. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi dân gian như đu dây, bập bênh, hát giao duyên, múa sư tử, thổi khèn lá, thể hiện những nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.

Thông qua những nghi lễ thờ cúng của lễ hội này cho thấy dân tộc Hà Nhì rất chú trọng đến những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần tự nhiên có ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Đồng thời cũng thể hiện tinh thần đoàn kết tập thể, sự tương trợ lẫn nhau trong một cộng đồng làng xã.

Cùng với yếu tố đặc trưng tiêu biểu trên, dân tộc Hà Nhì còn có một kho tàng văn nghệ dân gian rất phong phú với các loại truyện kể, hát ru, dân ca và múa phản ảnh cuộc sống lao động, đấu tranh, chinh phục tự nhiên, khả năng sáng tạo, thể hiện ước mơ khát khao vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc… và nghề thủ công truyền thống đan nát, thêu dệt vải, hiện nay vẫn đang được gìn giữ và truyền dạy cho các thế hệ sau.

Tất cả những yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì ở Y Tý đều là tài sản quý báu không chỉ của dân tộc Hà Nhì mà còn là tài sản quý bàu của 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Việc duy trì những nét văn hóa truyền thống trên trang phục người Hà Nhì là một vấn đề hết sức cần thiết, bởi nó đang bị đe dọa bởi chính sự thay đổi của yếu tố bên trong dân tộc Hà Nhì và các yếu tố xung quanh tác động. Vì vậy, cần có những biện pháp bảo vệ và gìn giữ văn hóa truyền thống trước những làn sóng đô thị hóa - hiện đại hóa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban chỉ đạo du lịch huyện Bát Xát, Báo cáo hơn 4 năm thực hiện phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bát Xát, 1/2015.

2. Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường, Báo cáo số 1809/BC – BTNMT, 15/5/2014

3. Vũ Văn Hòe và Vũ Xuân Hiếu, (2001), Du lịch bền vững, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

4. Chu Thùy Liên, (2004), Tìm hiểu văn hóa dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

5. Dương Tuần Nghĩa, (2011), Tri thức dân gian và nghi lễ truyền thống trong sản xuất nông nghiệp của người Hà Nhì Đen ở thôn Lao Chải (Lào Cai), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

6. Trần Hữu Sơn, (1997), Văn hóa dân gian Lào Cai, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

7. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), (2010), Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Tổng cục Thống kế Việt Nam, Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2014.

 

 

___________________

 

[*] Lớp Cao học k1 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa