Nội san

Một số vấn đề đặt ra cho công tác quản lý di tích lịch sử Bạch Đằng 1288 trong giai đoạn hiện nay

02 Tháng Hai 2016

 Ngô Đình Dũng[*]

 

                                                                                         

Quảng Yên, Quảng Ninh, vùng đất lịch sử, văn hiến, với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với những chiến công lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Dòng sông Bạch Đằng lịch sử đã chứng kiến trận thủy chiến Bạch Đằng của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938, Lê Hoàn chống quân Tống xâm lược năm 981 và Trần Hưng Đạo đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288, làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Hiện nay, các di tích gốc thuộc quần thể di tích lịch sử Bạch Đằng 1288 đã được xếp hạng hạng di tích quốc gia đặc biệt, là những di sản văn hóa quý báu, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, góp phần giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, niềm tự hào đối với các thế hệ người Việt Nam. Đồng thời, di tích lịch sử Bạch Đằng còn là tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã đi vào lịch sử và có tầm ảnh hưởng lớn đến lịch sử thế giới. Hệ thống các di tích: Bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa, hai cây lim cổ thụ Giếng rừng, các đình, đền, miếu dòng sông Bạch Đằng, truyền thuyết, lễ hội... là những di sản văn hóa minh chứng cho chiến thắng hào hùng của quân dân nhà Trần gắn liền với tên tuổi và thiên tài quân sự của người anh hùng dân tộc, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Để quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử Bạch Đằng 1288, trong những năm qua, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có sự quan tâm đặc biệt đến di tích. UBND thị xã Quảng Yên đã lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di của di tích. Ban hành hành và triển khai các văn bản pháp lý để quản lý di tích... Công tác bảo tồn, tôn tạo di tích được quan tâm đầu tư, hiện nay đã hoàn thành cơ bản các hạng mục bảo tồn, tôn tạo theo Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Hoàn thành tôn tạo Khu trung tâm di tích (đền Trần Hưng Đạo - Miếu Vua Bà, Bến đò cổ); khu vực phát huy giá trị phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, lễ hội và du lịch ở di tích Bạch Đằng. Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, đường dẫn vào các Bãi cọc Bạch Đằng, khu vực Bãi đỗ xe và các hạng mục khác của di tích gồm hệ thống các đình, đền, miếu liên quan đến di tích lịch sử Bạch Đằng 1288. Tổng kinh phí đầu tư từ năm 1998 đến nay trên 120 tỷ đồng bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách thị xã và nguồn huy động xã hội hóa.

 

Ảnh: Bãi cọc Bạch Đằng 1288 (Nguồn: St)

 

Hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học ở di tích Bạch Đằng 1288 được chú trọng, nhằm cung cấp đầy đủ và kịp thời các tư liệu, tài liệu, những bằng chứng khoa học có sức thuyết phục nhất về những giá trị lịch sử của sự kiện Chiến thắng Bạch Đằng 1288. Đây là những căn cứ, nguồn tư liệu, tài liệu để xuất bản các sách, tạp chí, ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về di tích lịch sử Bạch Đằng. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý di tích ở các xã, phường nơi có di tích đã được triển khai. Hầu hết các điểm di tích thuộc di tích lịch sử Bạch Đằng 1288 đều thành lập Ban quản lý di tích; đồng thời, ban hành các quy chế quản lý, quy chế phối hợp quản lý giữa các cơ quan, đơn vị đối với việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, UBND thị xã, Ban điều hành quản lý di tích của thị xã đã quan tâm thường xuyên đến công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến di tích. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với những tập thể và cá nhân có thành tích trong bảo vệ, phát huy giá trị di tích, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Qua đó, khẳng định, di tích lịch sử Bạch Đằng 1288 đã được Chính quyền các cấp quan tâm đặc biệt. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như: Nguồn kinh phí đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích còn ít, tiến độ giải ngân chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Việc triển khai các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn chậm do thiếu vốn và còn lúng túng trong việc triển khai. Chưa xây dựng được mô hình tổ chức, bộ máy quản lý cho di tích xứng tầm với giá trị đặc biệt của di tích. Việc phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch còn hạn chế, lượng khách đến tham quan di tích Bạch Đằng chưa nhiều.

Để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Bạch Đằng 1288 trong giai đoạn hiện nay, cần có những định hướng và các giải pháp phù hợp, cụ thể như sau:

Một là, về định hướng bảo tồn, tôn tạo di tích

Phải hướng tới mục tiêu giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với các thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Giới thiệu với quốc tế về lịch sử dân tộc Việt Nam về truyền thống Bạch Đằng và chiến thắng Bạch Đằng 1288 lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Đảm bảo nguyên tắc bảo tồn giá trị nguyên gốc của di tích, tu bổ, tôn tạo phần công trình bị hư hỏng. Tôn tạo, phục hồi di tích phải dựa trên các căn cứ lịch sử, tài liệu lịch sử, kết quả khảo cổ học và các căn cứ khoa học khác.

Hiện đại và đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, gắn mục tiêu bảo tồn với phát huy giá trị di tích.

 Định hướng cộng đồng nhân dân cư sinh sống trong vùng di tích cùng tham gia công tác bảo tồn, tôn tạo di tích vật thể và phi vật thể.

Hai là, đối với việc phát huy giá trị di tích

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa phi vật thể di tích lịch sử Bạch Đằng 1288 gồm: Khu vực quảng trường lễ hội, đài tưởng niệm, khu dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, du lịch, hỗ trợ nghề thủ công truyền thống đối với các hộ dân khu vực xung quanh di tích.

Tổ chức các lễ hội ở di tích Bạch Đằng đảm bảo cân bằng giữa phần lễ và phần hội nhằm gìn bản sắc văn hóa của địa phương phù hợp với không gian văn hóa hiện đại, trong đó có cả yếu tố nhịp độ phát triển xã hội. Phát huy giá trị lễ hội Bạch Đằng và các lễ hội truyền thống khác gắn với không gian lễ hội Bạch Đằng và truyền thống văn hóa Bạch Đằng gắn với phát triển du lịch.

Khuyến khích mọi người dân ở xung quanh di tích Bạch Đằng tiếp cận với các hiện vật, di vật khảo cổ nhằm trưng bày rộng rãi và tuyên truyền các giá trị khảo cổ của di tích.

Phát triển du lịch trong nước và quốc tế, nhằm giới thiệu và quảng bá giá trị di tích lịch sử Bạch Đằng, thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa, gắn kết quan hệ giữa di sản văn hóa Bạch Đằng với du lịch một cách bền vững.

Phát huy giá trị của di tích Bạch Đằng thu hút du lịch, để mang lại lợi ích cho các cộng đồng dân cư, tăng thu nhập, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, qua đó gắn kết người dân với di tích và trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Tính toán và dự báo đến những dữ liệu về du lịch và yêu cầu cấp thiết phải bảo tồn di sản, đồng thời, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch trong môi trường lịch sử và phân bổ các hoạt động trong cả năm để tránh nguy cơ khai thác du lịch một cách quá mức tại di tích Bạch Đằng.

 

Ảnh: Đoàn rước trong Lễ hội Bạch Đằng (Nguồn: St)

 

Một số giải pháp thực hiện.

Thứ nhất,  tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử Bạch Đằng 1288, đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị. Từ đó xây dựng được những cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp với điều kiện thực tế quản lý ở di tích lịch sử Bạch Đằng.

 Dự báo những biến động trong thực tế công tác quản lý di tích theo từng thời điểm nhất định của đời sống xã hội, đảm bảo tính thống nhất và đồng thuận cao và sự đồng tình hưởng ứng của cộng đồng và toàn xã hội tham gia quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Thực hiện tốt Luật di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật di sản văn hóa. Ban hành các các quy định, quy chế quản lý di tích phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Phân cấp quản lý di tích, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý di tích, đồng thời đề cao trách nhiệm và tính chủ động của các cấp chính quyền địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Thành lập, củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý di tích các cấp theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Bạch Đằng phù hợp với cấp độ, giá trị và quy mô của từng di tích.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa, điều chỉnh bổ sung, một số điều của Luật di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức hoạt động của các mô hình quản lý di sản văn hóa theo từng cấp độ và giá trị xếp hạng di tích. Đối với di tích Bạch Đằng 1288 là di tích quốc gia đặc biệt cần được quản lý theo cách đặc biệt.

Xây dựng Chính sách khuyến khích đầu tư, xã hội hóa trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Bạch Đằng. Tiếp tục duy trì và cấp vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho các địa phương nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn, tôn tạo di tích.

Ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ cho những người trực tiếp trông coi, quản lý ở các di tích. Tôn vinh, khuyến khích, động viên kịp thời bằng các hình thức khen thưởng cho các Nghệ nhân và những người có công bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa Bạch Đằng cho cộng đồng.

Khuyến khích một số mô hình hợp tác “Công - tư” trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Bạch Đằng 1288.

Thứ hai, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, tuyên truyền về thực thi pháp luật bảo vệ di sản văn hóa đến các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng. Giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa thông qua các nội dung trong chương trình giáo dục bảo vệ di sản trong các trường học, các cấp học, thông qua các phương tiện Truyền thông đại chúng để nhân dân, du khách và cộng đồng hiểu biết về di tích lịch sử Bạch Đằng 1288.

Xuất bản và phát hành các ấn phẩm, tạp chí, xây dựng website giới thiệu về di tích lịch sử Bạch Đằng 1288 bằng nhiều ngôn ngữ.

Thứ ba, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý ở di tích Bạch Đằng 1288 theo hướng thành lập Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thị xã, trực tiếp quản lý di tích, theo hướng là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.

Thứ tư, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa từ thị xã tới cơ sở. Chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, bổ sung nguồn nhân lực cho Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Bạch Đằng và cán bộ quản lý, trông coi ở các di tích lịch sử Bạch Đằng.

Tuyển chọn, bố trí, sử dụng các cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất chất chính trị, trí tuệ, đạo đức, năng lực và có chuyên môn sâu trong quản lý di tích, nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ ở các di tích Bạch Đằng.

Xây dựng đề án, kế hoạch theo từng giai đoạn để đào tạo nâng cao năng lực hiệu quả công tác cán bộ ở Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Bạch Đằng và các Ban quản lý di tích ở địa phương.

Ưu tiên bố trí biên chế hợp lý cho bộ làm công tác quản lý ở di tích Bạch Đằng và có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ quản lý, người trông coi ở các di tích Bạch Đằng.

Thường xuyên cử cán bộ đi học tập, tham quan, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý di tích ở trong nước và nước ngoài...

Thứ năm, quản lý quy hoạch các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở di tích. Thực hiện và quản lý tốt công tác quy hoạch và các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội xung quan di tích Bạch Đằng. Đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Bạch Đằng 1288. Tuân thủ nghiêm các quy định của Luật di sản văn hóa, đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di sản văn hóa, không làm phá vỡ cảnh quan, môi trường xung quanh di tích.

Thứ sáu, quản lý đất đai ở di tích, Đo vẽ, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích và cấp sổ đỏ cho các di tích thuộc di tích lịch sử Bạch Đằng 1288.

- Quản lý đất đai ở khu vực 1 (vùng lõi di tích): Là khu vực bảo tồn di tích tương ứng với khu vực bảo vệ 1 của các di tích. Có phương án bảo tồn, tôn tạo cho từng di tích dựa trên các tài liệu lịch sử, kết quả khảo cổ và khảo sát điền dã.

- Quản lý đất đai ở khu vực bảo vệ 2 (khu vực vùng đệm di tích): Là vùng đệm để bảo vệ cảnh quan di tích trước các hoạt động khai thác, sử dụng, xây dựng trong khu vực và khu vực dân cư xung quanh. Đây là khu vực bảo vệ cảnh quan di tích tương ứng với khu vực bảo vệ hai của các di tích.

Thứ bảy, hợp tác quốc tế trong quản lý di tích. Tích cực, chủ động hợp tác quốc tế, nhằm tranh thủ các nguồn lực, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới theo hướng phát triển bền vững.

 Tổ chức các hội thảo chuyên đề, các sinh hoạt khoa học về di tích Bạch Đằng để thu thập thêm tư liệu, tài liệu, tham vấn các chuyên gia quốc tế trong việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Thứ tám, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về di tích đặc biệt là hoạt động tu bổ, tôn tạo và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở xung quan di tích Bạch Đằng.

Thường xuyên kiểm tra công tác quản lý cổ vật, quản lý việc đưa mới, di dời các hiện vật ở di tích. Kiểm tra việc thực hiện quản lý đất đai ở di tích, quản lý các hoạt động dịch vụ ở di tích để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hành vi xâm hại, làm ảnh hưởng đến di tích.

Kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường ở di tích, các hoạt động tín ngưỡng ở di tích. Để sớm phát hiện và ngăn ngừa những hành vi lợi dụng di tích để hành nghề mê tín dị đoan...

Nêu cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền các cấp và người đứng đầu trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di tích, di sản văn hóa ở các di tích Bạch Đằng. Khen thưởng, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật về di sản văn hóa, xâm hại đến di tích lịch sử Bạch Đằng...

 



                                        TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.      Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII), Nghị quyết số 03/NQ/TW, ngày 16/7/1998 Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

2.      Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI), Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

3.      Ban chấp hành Đảng bộ thị xã Quảng Yên, Nghị quyết số 01/NQ/TU ngày 22/7/2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020;

4.      Công ước của UNESCO về việc bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên của thế giới Ðã được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Ðại hội đồng UNESCO tại Paris ngày 16-11-1972;

5.      Công ước của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được Đại hội Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp tại Paris từ 17 tháng 10 đến 21 tháng 11 năm 1992, kỳ họp lần thứ 17;

6.      Ngô Đình Dũng, (2015), đề tài khoa học Bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa và một số lễ hội truyền thống, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh;

7.      Ngô Đình Dũng, Nguyễn Việt, (2011), Những phát hiện gốm sứ và hài cốt xung quanh bãi cọc Bạch Đằng ở Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đô thị Quảng Yên - Truyền thống và định hướng phát triển, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Nxb Thế giới;

8.       Ngô Đình Dũng, Nguyễn Việt, (2013), Văn hóa Bạch Đằng - Một cách tiếp cận rộng hơn trong nghiên cứu chiến thắng Bạch Đằng 1288, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng 1288 – 2013, Hội khoa học lịch sử Việt Nam;

9.       Ngô Đình Dũng, Lê Thị Liên, (2013), Di tích Bạch Đằng năm 1288 - Mấy suy nghĩ về vấn đề nghiên cứu và bảo tồn trong tương lai, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng 1288 - 2013, Hội khoa học lịch sử Việt Nam;

10.   Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn, (2014), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật Hà Nội;

11.   Hiến chương VENICE Hiến chương Quốc tế về Bảo tồn và Trùng tu Di tích và Di chỉ (1964) Đại hội Quốc tế lần thứ hai các Kiến trúc sư và Kỹ thuật gia về Di tích lịch sử, Venice, 1964, được ICOMOS chấp nhận năm 1965;

12.   Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Lao động Hà Nội;

13.    Lê Hồng Lý, (2010), (Chủ biên),  Dương Văn Sáu, Đặng Hoài Thu, Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội;

14.   Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh (đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, Bến đò rừng, Bãi cọc Yên Giang và khu phát huy giá trị di tích);

15.   Thủ tướng Chính phủ Quyết định 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Bạch Đằng

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa