Nội san

Những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa chùa Mỹ Cụ - thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

30 Tháng Giêng 2016

 Nguyễn Thị Hạnh[*]

 

Di tích lịch sử văn hoá là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá lâu đời của dân tộc, là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hoá, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng, vĩ đại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hoá nhân loại.

Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là một tỉnh tiếp giáp với vùng đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Quảng Ninh cũng mang nhiều ảnh hưởng của vùng văn hóa Bắc Bộ. Rất nhiều các công trình kiến trúc, đền đài, miếu mạo, chùa chiền được xây dựng trên mảnh đất giàu truyền thống này trong số đó không thể không nói đến Chùa Mỹ Cụ ở thị xã Đông Triều, ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Chùa Mỹ Cụ xây dựng ở làng Mỹ Cụ nên lấy tên làng đặt cho chùa với ý nghĩa “Đất vua chùa làng”, làng quyết định sự tồn tại và phát triển chùa của làng mình. Tên làng được xuất phát từ truyền thuyết sau: “Tương truyền xưa vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử đi tu, dân làm cỗ ngon dâng vua, nên đặt tên là Mỹ Cụ. Tên chữ ‘‘Sùng Khánh tự”. Sùng có nghĩa là đức tin tuyệt đối, vừa tin tưởng vừa tôn kính, là đề cao phật pháp vô biên; Khánh có nghĩa là tốt lành - Một ngôi chùa thờ Phật luôn đem lại mọi điều tốt lành cho mọi người. Chùa tọa lạc bên sườn núi Chè, thuộc thôn Mỹ Cụ, xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Tên cũ là núi Đầu Hươu, xã Mỹ Cụ, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Từ thành phố Hạ Long (thủ phủ tỉnh Quảng Ninh) đi theo Quốc lộ 18A về phía tây - nam khoảng 65 km, rẽ trái 200m đến UBND xã Hưng Đạo. Từ UBND xã đi tiếp khoảng 1,6km đến di tích.

Chùa Mỹ Cụ có tổng diện tích (cổng chùa, sân chùa và chùa chính) là 656m2. Chùa chính kiến trúc kiểu chữ đinh, diện tích 168m2. Phế tích nhà Tổ còn lại nền móng, diện tích 104m2 và 2 trụ cột hai bên. Nhà Tăng, nhà bếp, cổng tam quan không còn dấu vết gì để lại. Chùa chính hiện nay gồm có 7 gian bái đường và 3 gian hậu cung, tường xây gạch đỏ, móng chùa được xây bằng đá. Nền chùa cao hơn sân 1,1m, lòng nhà lát gạch đỏ, mái lợp ngói mũi sấu thời Lê và mũi hài thời Nguyễn. Hậu cung mới sửa lại lợp ngói ta. Chùa tọa lạc trên sườn núi Chè ở độ cao 20m. Núi Chè có hình con rùa (một trong tứ linh) và chùa được xây dựng trên đầu linh vật đó. Chùa quay về hướng Đông - Nam là hướng của trí tuệ, hướng của tâm linh, phía trước là cánh đồng lúa xanh tốt, xa xa là sông Quế trải dài mềm mại, sau nữa là dải núi đất cây cối xanh tươi tựa những con kỳ lân chầu về đất Phật. Ngày nay, tuy nhân dân đã làm nhà phía dưới chân chùa, nhưng trước chùa vẫn giữ được vẻ phong quang, thoáng đãng.

Chùa chính hiện nay về mặt kiến trúc có nhiều nét giống với nhiều ngôi chùa cổ khác, tuy nhiên có những nét kiến trúc cổ truyền cần lưu giữ. Vì kèo kết cấu kiểu chồng rường giá nghiêng, bộ vì được dựa trên kết cấu 4 hàng chân cột. Trên đỉnh là một thượng lương (xà nóc), xà này chịu lực trên một đấu hình thuyền khắc chìm chữ thọ, đấu này tì lực trên một thớt ngắn hình chữ nhật. Chính giữa mái là bức hoành phi có đắp nổi chữ “Sùng Khánh tự”. Tường phía trước bên phải chùa có đắp nổi hình tượng hoa cúc mãn khai lật ngược. Hai gian bên phải, 2 gian bên trái xây kín tới tận mép hiên. 3 gian giữa thụt hơn vào 80 cm và có lắp cửa gỗ. Cột kèo đều bằng gỗ lim lớn. Cột cái có đường kính 30cm và cột quân có đường kính 25cm. Đá tảng kê chân cột hình vuông, mỗi chiều 50cm, gờ tròn kê chân cột đường kính 35cm. Hậu cung được nối liền với bái đường nhờ 2 cột phụ và kẻ xó.

Những thành công trong công tác bảo tồn, phát huy

Trong những năm vừa qua dưới sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, chính quyền và sự phối hợp của địa phương đã góp phần tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều trong đó có di tích chùa Mỹ Cụ.

Công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ được triển khai hàng năm với mức đầu tư hàng chục tỉ đồng, cụ thể bằng các văn bản chỉ đạo: Công văn số 01/UBND-XD2 ngày 13/01/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh  “V/v điều chỉnh tiến độ thi công gói thầu xây lắp công trình: Tu bổ, tôn tạo chùa Mỹ Cụ, huyện Đông Triều”; Công văn số 66/UB ngày 05/12/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh “V/v trùng tu, tôn tạo chùa Mỹ Cụ, huyện Đông Triều”; Quyết định số 135/QĐ-UB ngày 14/4/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh “V/v phê duyệt dự án đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích chùa Mỹ Cụ, huyện Đông Triều”; Quyết định số 150/QĐ-UB ngày 23/06/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh “V/v chỉ định thầu và giá chỉ định gói thầu tu bổ, tôn tạo di tích chùa Mỹ Cụ, huyện Đông Triều”,...

Các hệ thống Chùa chính, Nhà Tổ, Nhà Tăng, Tam quan, Tháp tổ được đầu tư, tôn tạo bảo tồn, giữ nguyên quy mô và kiến trúc. Hệ thống tượng phật được giữ gìn tốt, do yếu tố thời gian không tránh được việc mối mọt, tuy nhiên có sự sửa chữa, tu bổ kịp thời.

Trên cả nước trong thời gian gần đây, nhờ có sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã giúp cho công tác xã hội hóa kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đạt kết quả tốt. Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí rất lớn cho việc đầu tư, tôn tạo, tu bổ nhiều ngôi chùa. Với việc đầu tư đại trà và sự hiện đại hóa quá mức trong dự án trùng tu, tôn tạo này đang xóa nhòa những rêu phong cổ kính dẫn đến tình trạng nhiều ngôi chùa được các doanh nghiệp tặng các bức tượng mới, các đồ thờ tự mới, như vậy các yếu tố cổ đã không còn được giữ nguyên vẹn, dần dần bị các yếu tố hiện đại xen vào. Tuy nhiên Chùa Mỹ Cụ không có tình trạng trên, hệ thống tượng thờ, đồ thờ tự được giữ nguyên trạng, cấu trúc ngôi chùa được giữ nguyên, trùng tu tôn tạo nhưng không làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích. Bên cạnh đó việc sử dụng ngân sách nhà nước cho việc trùng tu, tôn tạo di tích đã được sử dụng đúng mục đích, có sự kiểm kê rõ ràng minh bạch, hạn chế được tối đa thất thoát và đạt hiệu quả cao.

Cơ cấu tổ chức và bộ máy: Bộ máy tổ chức chặt chẽ hợp lý, có Ban quản lý chùa, Ban quản lý, bảo tồn và tôn tạo di tích chùa Mỹ Cụ được kiện toàn gồm có 15 người trong đó có sự tham gia của Sư trụ trì và người dân địa phương, những người gắn bó và có sự hiểu biết sâu sắc về di tích Chùa. Nhiều văn bản pháp lý được ban hành mang tính chỉ đạo, định hướng đối với việc quản lý di tích chùa Mỹ Cụ trong đó quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích.

Lễ hội truyền thống chùa Mỹ Cụ được tổ chức vào dịp 10-12 tháng Giêng âm lịch hằng năm đã góp phần bảo tồn và giữ gìn những nét đẹp truyền thống, những giá trị văn hóa độc đáo của di tích chùa Mỹ Cụ.

Việc thanh kiểm tra công tác quản lý di tích chùa Mỹ Cụ được tiến hành thường xuyên, kịp thời giải quyết những vướng mắc, xử lý các vi phạm, sai phạm trong công tác quản lý chùa của địa phương và đặc biệt có sự khen thưởng động viên kịp thời đối với các tổ chức và cá nhân có những đóng góp cho sự bảo tồn và phát triển của chùa.

  Những hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy

            Bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn nhiều vấn đề chưa được quan tâm chú ý. Công tác quản lý vẫn còn thiếu sót, cơ chế quản lý vẫn còn nhiều kẽ hở.

            Các hệ thống văn bản về bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thị xã Đông Triều chưa nhiều. Các văn bản chỉ đạo thường chung chung, một văn bản thường áp dụng cho hầu hết các di tích, mặc dù mỗi di tích thường có những đặc điểm riêng cả về vị trí và mặt kiến trúc. Quy hoạch tổng thể chung các tuyến du lịch tâm linh của thị xã Đông Triều trong đó có chùa Mỹ Cụ chậm được triển khai; sản phẩm văn hóa và du lịch còn nghèo.

Chùa Mỹ Cụ (Nguồn: st)

 

Việc đầu tư bảo tồn đã có nhưng còn khá ít, sự quan tâm vào cuộc của các cấp ngành còn ở mức độ. Chưa phát huy được những thế mạnh sẵn có của chùa, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di tích chùa tới du khách còn rất hạn chế, chưa lôi kéo được đông đảo du khách đến với chùa mặc dù các giá trị khai thác đối với chùa rất lớn.

Do sự phát triển của kinh tế, đời sống người dân được nâng cao, chính vì vậy dẫn đến việc các hộ dân lấn chiếm đất của chùa để xây dựng các công trình gia đình, các ngôi nhà hiện đại của người dân được xây dựng phía trước cổng chùa khiến cho cảnh quan của chùa mất dần nét cổ kính, uy nghiêm.

 

 Nguyên nhân

Thiếu sự đồng bộ trong phân cấp quản lý, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Các nguồn lực của tỉnh và thị xã cho việc trùng tu tôn tạo di tích chưa nhiều, nguồn xã hội hóa chưa đạt hiệu quả cao. Các nguồn lực do dân đóng góp chưa được quy tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước, nên không được định hướng để sử dụng có hiệu quả. Đội ngũ tham gia tu bổ không có kiến thức về trùng tu. Đáng báo động khi hiện nay phần lớn việc trùng tu các di tích ở nước ta vẫn do các đơn vị xây dựng dân dụng thực hiện. Thiếu kiến thức về di sản, không chấp hành các quy định về trùng tu di tích, dẫn đến chất lượng di tích sau trùng tu không đảm bảo, gây nhiều bức xúc trong xã hội. 

 Địa phư­ơng còn thiếu chủ động trong công tác bảo tồn, còn trông chờ nhiều ở nhà n­ước. Công tác quy hoạch chậm, việc kiểm tra, giám sát từ các cơ quan cấp trên còn chư­a đ­ược th­ường xuyên, đặc biệt trong việc giám sát chất l­ượng chuyên môn các công trình bảo tồn còn chư­a sâu sát. Chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức khai thác du lịch và dịch vụ tại di tích. 

 Đội ngũ chuyên môn còn thiếu và yếu chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, nhiều cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đặc biệt là quản lý di tích nhưng chuyên môn không liên quan đến văn hóa hay di tích, đây là một thực tế không chỉ ở Ban Quản lý di tích chùa Mỹ Cụ mà rất nhiều Ban quản lý di tích khác cũng trong tình trạng như vậy. Việc tu bổ di tích hiện nay mới chỉ tập trung vào di tích chính nổi tiếng, hầu như chưa có di tích nào được đầu tư tu bổ hoàn chỉnh từ kiến trúc tới hạ tầng, từ nội thất tới ngoại thất. Bên cạnh đó, chất lượng tu bổ di tích, nhất là những hạng mục được thi công bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp còn chưa đạt yêu cầu về chuyên môn, đa số là học trái ngành hoặc chỉ học qua cao đẳng. Xuất phát từ thực tế quản lý ở nước ta còn nhiều hạn chế, đội ngũ nhân viên quản lý chưa nhiều, trình độ quản lý chưa cao, cùng với sự bào mòn hủy hoại theo thời gian. Hơn nữa một bộ phận dân cư chưa ý thức được tầm quan trọng của các di tích văn hóa trong đời sống xã hội đã làm cho các di tích bị xuống cấp một cách trầm trọng.

Chưa kêu gọi được các doanh nghiệp để liên kết các tour du lịch trong khu vực cho nên các hoạt động thăm quan của du khách đến với di tích chủ yếu mang tính tự phát.

Công tác quản lý và bảo tồn di tích chùa Mỹ Cụ trong thời gian qua được sự quan tâm vào cuộc của các cấp ngành của tỉnh và địa phương nên đã đạt được những kết quả nhất định. Đã bước đầu có sự đồng bộ thống nhất từ tỉnh tới địa phương trong việc phân cấp quản lý và bảo tồn các giá trị di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Quảng Ninh nói chung và di tích Chùa Mỹ Cụ nói riêng. Bên cạnh sự chỉ đạo của tỉnh thì sự vào cuộc của thị xã, của phường Hưng Đạo và đặc biệt là sự chung tay góp sức của nhân dân địa phương đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bào tồn các giá trị của chùa trong thời gian qua. Bằng những tư liệu, hiện vật còn lưu giữ được đến ngày nay, có thể nói Chùa Mỹ Cụ đã đóng góp đáng kể cho công tác nghiên cứu khoa học, cho sự tìm hiểu về sự phát triển của lịch sử địa phương, góp phần làm phong phú thêm kho tàng tài sản hiện vật quý giá của thị xã Đông Triều nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thì việc bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật của chùa Mỹ Cụ là hết sức cần thiết bởi chùa Mỹ Cụ là một trong những di sản văn hóa có giá trị đặc biệt quan trọng của tỉnh Quảng Ninh. Hiện tại và trong tương lai các di sản văn hóa của Quảng Ninh luôn là niềm tự hào của tỉnh Quảng Ninh và của cả nước góp phần thắng lợi vào mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         Đào Duy Anh (1993), Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

2.         Toan Ánh (1992), Tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

3.         Toan Ánh (1992), Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

4.         Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Quảng Ninh Đất và Người, Nxb Lao Động - Xã hội, Hà Nội.

5.         Phan Kế Bính (1992), Việt Nam phong tục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

6.         Trần Lâm Biền (2001), Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

7.         Trần Lâm Biền (2003), Chùa Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

8.         Đoàn Văn Chúc (1997), Xã hội học Văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

9.         Di tích danh thắng Quảng Ninh (tập I), Ban Quản lý Di tích Danh thắng Quảng Ninh.

10.     Vũ Khiêu, Nguyễn Hồng Phong (2003), Địa chí Quảng Ninh quyển 3, Nxb Thế giới, Hà Nội.

11.     Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1).

12.     Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên- IUCN (1963), Sách đỏ.

13.     Luật Di sản văn hóa (2001).

14.     Luận văn Thạc sỹ “Những giá trị văn hoá nghệ thuật đình Phong Cốc” của Kiều Đinh Sơn, Ban Quản lý Di tích Danh thắng tỉnh Quảng Ninh.

15.     Thi Sảnh, Văn hoá nghệ thuật Quảng Ninh từ một góc nhìn, Nxb Sở Văn hoá Thông tin Quảng Ninh, Quảng Ninh.

16.     Thi Sảnh, Quảng Ninh Miền đất những trầm tích, Nxb Thế giới, Hà Nội.

17.     Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (2013), Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, Nxb Thế giới, Hà Nội.

18.     Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển Tiếng việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, Hà Nội.

 

-------------------------------------------------------------

 

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa