Nội san

Quản lý hoạt động bảo tàng Quảng Ninh - Một góc nhìn từ thực trạng và đề xuất giải pháp

02 Tháng Hai 2016

            Nguyễn Đức Phương[*]

 

 

Bảo tàng Quảng Ninh được thành lập năm 1960, với tên gọi lúc đó là Bảo tàng lịch sử và cách mạng khu Hồng Quảng, đặt tại số nhà 5B Cầu Cao, thị xã Hòn Gai. Năm 1964, khu Hồng Quảng hợp nhất với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh và bảo tàng tỉnh cũng đổi tên thành Bảo tàng Quảng Ninh.

Sau khi được đổi tên, Bảo tàng Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ chính của mình là tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân vùng mỏ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh, góp phần không nhỏ trong công tác thực hiện công cuộc xây dựng và củng cố chính quyền còn non trẻ. Văn hóa phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, cả nước đi lên CNXH. Bảo tàng Quảng Ninh tiếp tục thực hiện nhiều cuộc triển lãm lưu động trên toàn tỉnh, và tại một số thành phố trong cả nước, thực hiện thêm nhiệm vụ là: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Năm 1990, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định lấy trụ sở Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Ninh để làm Bảo tàng Quảng Ninh, tại số 165, đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Hạ Long. Bảo tàng Quảng Ninh là một công trình văn hoá của tỉnh Quảng Ninh và cũng là một trong những bảo tàng lớn ở Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhận được sự quan tâm  của UBND tỉnh, Sở VHTTDL, Bảo tàng Quảng Ninh được đầu tư xây dựng mới. Căn cứ theo Quyết định số 1057/QĐ-UBND, ngày 10/5/2012 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tảng - Thư viện tỉnh Quảng Ninh thuộc khu văn hóa, thể thao cột 3, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, để thay thế các công trình cũ, đã xuống cấp, thực hiện chức năng nhiệm vụ của bảo tàng tỉnh. Đến tháng 10/2013, Bảo tàng Quảng Ninh được khánh thành và đưa vào sử dụng. Năm 2014, bảo tàng tiếp tục thực hiện giai đoạn hai là chỉnh lý hệ thống trưng bày và đến ngày 14/2/2015 đã hoàn thiện cơ bản hệ thống trưng bày thường xuyên và tổ chức khai trương đón khách tham quan.

Đánh giá thực trạng công tác quản lý hoạt động Bảo tàng Quảng Ninh, thông qua việc khảo sát thực tế về tổ chức và quản lý hoạt động Bảo tàng, thể hiện các ưu điểm sau:

Thứ nhất, thông qua phương tiện giáo dục trực quan sinh động Bảo tàng đã góp phần giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thể hệ trẻ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của lãnh đạo tỉnh và Sở VHTTDL của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đất nước nói chung.

Thứ hai, bảo tàng Quảng Ninh thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh, đã kịp thời ban hành được một số quy định, nội quy làm việc và thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước đối với cán bộ viên chức trong bảo tàng.

Thứ ba, bảo tàng Quảng Ninh trong thời gian dài có lượng cán bộ ít, kinh phí và ngân sách được cấp rất hạn hẹp nhưng bằng tinh thần đoàn kết, nhiệt huyết của nhiều thế hệ cán bộ bảo tàng tất cả vì công việc, gắn nhiệm vụ theo chức năng của mình, Bảo tàng Quảng Ninh đã nghiên cứu, sưu tầm và thu thập được hàng vạn tài liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị lịch sử sâu sắc, làm phong phú thêm cho kho cơ sở và hệ thống trưng bày bảo tàng. Cùng với việc sưu tầm tài liệu hiện vật, Bảo tàng Quảng Ninh đã phục vụ 1.800 đoàn tương đương khoảng 97.795 khách tham quan, trong đó có nhiều đoàn là đại biểu Trung ương Đảng, Chính phủ, các tổ chức quốc tế, bảo tàng nước ngoài, các đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước.

Để có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình và đạt được những kết quả tích cực đó, trước hết là sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ công nhân viên từ cán bộ làm công tác quản lý đến các cán bộ của bảo tàng. Trong những năm qua Bảo tàng Quảng Ninh đã nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh cùng nhiều bằng khen, giấy khen trong nhiều năm liền, được UBND tỉnh, Sở VHTTDL tặng danh hiệu “Tập thể lao động có thành tích xuất sắc”, Chi bộ “trong sạch vững mạnh”.

Thứ tư, hiện nay bảo tàng đang có ưu thế về nhiều mặt, thể hiện ở một số điểm nhấn sau:

Về không gian cảnh quan, kiến trúc: Nằm bên bờ vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh có kiến trúc độc đáo ấn tượng, không gian cảnh quan đẹp. Bên ngoài, tòa nhà được lắp 10.000m2  kính bán cường lực có khả năng chống tự vỡ do biến đổi nhiệt tựa như như tấm gương khổng lồ phản chiếu cảnh sắc vịnh Hạ Long, màu đen của than - đặc trưng vùng mỏ bất khuất.

 

Ảnh: Không gian cảnh quan Dự án Bảo tàng- Thư viện Lễ cắt băng khánh thành Bảo tàng Quảng Ninh, tháng 10/2013 (Nguồn: Bảo tàng Quảng Ninh)

 

Về không gian trưng bày: Với trên 5.000 các tư liệu hình ảnh, hiện vật gốc, tiêu biểu có giá trị lịch sử và hàm lượng khoa học sâu sắc, được trưng bày tại các các không gian bên trong và bên ngoài Bảo tàng Quảng Ninh, có hình thức trưng bày đặc sắc, hấp dẫn, hiện đại đã phản ánh chân thực lịch sử, văn hóa, con người và thiên nhiên Quảng Ninh trong quá trình hình thành và phát triển. Tầng 1 bảo tàng trưng bày không gian về biển - Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới. Sảnh tầng 1 nổi bật với trưng bày bè mảng Trà Cổ với cánh buồm nâu, bộ khung xương cá voi vây tạo ấn tượng cùng 04 ống núi trưng bày về tự nhiên- đa dạng sinh học với nhiều chủ đề khác nhau. Tầng 2 trưng bày đa dạng hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh Quảng Ninh, độc đáo với những thiết kế đường cong bằng chất liêu gỗ, mô phỏng hình ảnh con thuyền.

 

Ảnh: Một góc trưng bày trong nhà và ngoài trời (Nguồn: Bảo tàng Quảng Ninh)

 

Về sử dụng trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại: Thông qua hệ thống điều hòa, hút mùi, hút ẩm, hệ thống ánh sáng các loại đèn Spotlight cảm ứng chuyển động tự bật, tắt, hệ thống Camera hồng ngoại, cầu thang vận hành tự động.

Tóm lại, công tác quản lý hoạt động của Bảo tàng Quảng Ninh bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, sớm đi vào ổn định và hoạt động mang lại những kết quả rất khả quan và được cấp trên đánh giá cao. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà đặc biệt là công tác quản lý hiện vật, công tác nghiên cứu, sưu tầm, công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đã được Bảo tàng Quảng Ninh luôn chú trọng. Các hoạt động trong suốt thời gian qua của Bảo tàng Quảng Ninh là những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của tỉnh Quảng Ninh, của đất nước - nguồn lực cơ bản của quá trình công nghiệp hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá đa dạng, phong phú, trong tương lai, Bảo tàng Quảng Ninh chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách tham quan đến với bảo tàng.

Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm đã nêu, Bảo tàng Quảng Ninh vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như:

Về   cơ cấu tổ chức, cán bộ: Bảo tàng Quảng Ninh đã chuyển về trụ sở mới và đang hoạt động, nhưng có thể nói số lượng cán bộ công nhân viên còn quá ít, bộ máy tổ chức của Bảo tàng Quảng Ninh chưa thực sự hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Về công tác tổ chức sưu tầm: Trong thời gian qua, Bảo tàng Quảng Ninh gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sưu tầm hiện vật, nguyên nhân chính là do: Kinh phí cấp để sưu tầm chưa cụ thể, luôn bị động bởi vì nguồn kinh phí được cấp hàng năm của Bảo tàng là rất hạn chế. Chính vì vậy việc thực hiện những kế hoạch sưu tầm dài hạn hay sưu tầm các sưu tập hiện vật có giá trị nhiều khi không thực hiện được. Mặt khác, phòng Nghiên cứu - sưu tầm- trưng bày mới được thành lập đầu năm 2015, biên chế hiện nay chỉ có 02 đồng chí nên khi triển khai công việc gặp rất nhiều khó khăn.

Về công tác giáo dục - tuyên truyền, hướng dẫn phục vụ khách tham quan: Do kinh phí hạn chế nên công tác giáo dục - tuyên truyền của Bảo tàng Quảng Ninh chưa được đầu tư có chiều sâu. Các hình thức giáo dục - tuyên truyên chưa đa dạng và phong phú. Chưa có các ấn phẩm văn hoá để tuyên truyên quảng bá cho bảo tàng đến với công chúng. Mặt khác, đội ngũ thuyết minh viên biết từ hai ngoại ngữ trở lên còn thiếu, tổ chức dịch vụ khách tham quan vẫn còn sơ sài.

Về công tác quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị: Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của Bảo tàng Quảng Ninh, đặc biệt là các thiết bị hiện đang phục vụ cho công tác nghiên cứu, kiêm kê, bảo quản, trưng bày và phục vụ khách tham quan là những phương tiện kỹ thuật công nghệ quá hiện đại, gây khó khăn trong công tác vận hành, bởi vì khả năng sử dụng các thiết bị này của cán bộ trong bảo tàng còn hạn chế, công tác tham mưu, đề xuất việc duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, bảo hành hệ thống thiết bị kỹ thuật này cũng bị hạn chế. Các thiết bị sử dụng hết thời gian khấu hao khi phải thay thế, vấn đề về kinh phí được sử dụng để mua trang kỹ thuật cũng chưa được đầu tư kịp thời...

Một số giải pháp chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của Bảo tàng Quảng Ninh, cụ thể như sau:

Một là,  kiện toàn bộ máy, nhân lực đủ điều kiện để quản lý, vận hành

Tăng cường xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ công nhân viên bảo tàng là biện pháp căn bản để nâng cao trình độ công tác chuyên môn của bảo tàng, nhằm đạt được hiệu quả và lợi ích xã hội tốt đẹp. Thực tế đã chứng minh muốn xây dựng một bảo tàng phải dựa vào hai đội ngũ đó là: đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ cán bộ chuyên môn - kỹ thuật. Hai đội ngũ này hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhau cùng hoạt động và không thể thiếu một trong hai đội ngũ này. Bảo tàng phải coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn, lại vừa phải coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý. Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức và nhân lực là yêu cầu cấp thiết đối với Bảo tàng Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay và lâu dài. Mặt khác, bổ sung cán bộ, trước tiên cần ổn định và xác định rõ vị trí, các phòng chức năng trung tâm với các nhiệm vụ của Bảo tàng Quảng Ninh để bố trí cán bộ theo những chuẩn mực chặt chẽ. Nếu chỉ chú ý tới sự nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của cán bộ viên chức thôi thì chưa đủ mà còn đòi hỏi cán bộ bảo tàng phải có kiến thức chuyên môn và năng lực tổ chức thực hiện và phải có tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Cán bộ được nhận vào làm việc đều phải qua sát hạch về chuyên môn và các yêu cầu riêng của Bảo tàng Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy của bảo tàng có một ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của bảo tàng và đảm bảo cho việc hoàn thành các nhiệm vụ công tác của bảo tàng. Nó có thể điều hòa hành vi của mọi người, làm cho toàn thể cán bộ công nhân viên của bảo tàng trong công tác có quy chuẩn để mà theo, có điều lệ để mà dựa, từ đó đảm bảo cho công tác của bảo tàng triển khai đâu ra đấy. Thực tế đã chứng minh, tất cả những bảo tàng có chế độ quy tắc kiện toàn và sát thực tế, quán triệt việc chấp hành đến nơi đến chốn, thì các công việc đều có trật tự, có hiệu quả.

Ba là, xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức và nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động nghiệp vụ bảo tàng

 Kế hoạch quản lý của Bảo tàng Quảng Ninh cần có các nội dung như: Mục đích hoạt động của bảo tàng; Sưu tầm và sắp xếp các sưu tập - với sự tham khảo các yêu cầu mang tính luật pháp và nghiệp vụ; Chăm sóc và bảo đảm an toàn cho các sưu tập hiện vật; Nghiên cứu các sưu tập hiện vật và nghiên cứu các chuyên đề; Tuyên truyền - gồm tất cả các hình thức tuyên truyền tới công chúng về các cuộc triển lãm, các phần trưng bày, thu nhận và cung cấp thông tin, các dịch vụ giáo dục, maketing; Tiếp cận và sử dụng các sản phẩm của bảo tàng; Sắp xếp và đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ; Chăm sóc và bảo hành các công trình của bảo tàng; Tuân thủ luật pháp quốc gia và quốc tế.

Bốn là, tăng cường sưu tầm các tài liệu hiện vật

Hiện nay qua khảo sát, nghiên cứu thực tế tại Bảo tàng Quảng Ninh cho thấy còn nhiều tài liệu hiện vật về văn hóa các dân tộc, hiện vật về khảo cổ học, hiện vật về một số sự kiện trọng đại của tỉnh Quảng Ninh, mẫu vật về tự nhiên, đa dạng sinh học… Vì vậy, để có thể sưu tầm được các tài liệu hiện vật phong phú, đa dạng thì Bảo tàng Quảng Ninh cần phải: Tăng cường công tác tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh, trong các cuộc hội nghị và các buổi hướng dẫn tham quan để mọi người trong xã hội có ý thức tốt trong việc phát hiện, giữ gìn và sưu tầm tài liệu, hiện vật đóng góp cho bảo tàng; Cần nghiên cứu và tổ chức tốt mạng lưới cộng tác viên nhằm động viên và tạo điều kiện cho những người yêu thích bảo tàng giúp đỡ và cộng tác với bảo tàng về mọi mặt, nhất là việc phát hiện và hiến tặng hiện vật cho bảo tàng; Tăng cường mối quan hệ với các bảo tàng bạn để giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau chặt chẽ hơn nữa trong việc phối hợp sưu tầm hiện vật, trao đổi hiện vật tránh tranh chấp hiện vật; Thường xuyên liên hệ với các ban, đơn vị thuộc Sở VHTTDL cùng liên kết với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để phối hợp sưu tầm các tài liệu, hiện vật, hình ảnh thuộc nhiều chủ đề đang trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh hiện nay; Tiếp tục giữ mối liên hệ tốt với các cơ quan nghiên cứu khoa học, các đoàn thể, tổ chức, các nhà nghiên cứu khoa học, các vị lão thành cách mạng, các nhà sưu tập tư nhân... vận động để họ hiến tặng những tài liệu, hiện vật  về tự nhiên, lịch sử xã hội có liên quan đến nội dung trưng bày cho bảo tàng.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Quảng Ninh nên có những chính sách nhằm động viên, khích lệ khen thưởng cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân có công đóng góp hiện vật cho bảo tàng.

Năm là, tăng cường quản lý nguồn nhân lực Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý

Trong việc quản lý đội ngũ cán bộ của bảo tàng thì việc quản lý cán bộ chuyên môn chiếm vị trí rất quan trọng. Một bảo tàng dù là nâng cao trình độ bảo quản hiện vật, thiết kế trưng bày, nghiên cứu khoa học hay phục vụ công chúng, giáo dục xã hội, thì cán bộ chuyên môn - kỹ thuật luôn có tác dụng quyết định. Muốn xây dựng được bảo tàng thì nhất định phải xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn kỹ thuật, có tố chất nghiệp vụ chính trị tốt, được bố trí công việc hợp lý, tương đối ổn định, lâu dài.

Sáu là, tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện

Đối với bảo tàng, kiểm tra là một công tác rất quan trọng trong quá trình tổ chức và quản lý bảo tàng, mục đích của kiểm tra là nhằm điều chỉnh những nhận thức cũng như những hành vi sai trái trong quá trình tổ chức hoạt động của minh. Mặt khác, Bảo tàng Quảng Ninh cần chủ động xây dựng mối quan hệ gắn bó với các trường học, các đoàn trực thuộc, các công ty du lịch lữ hành trong và ngoài nước, để đưa khách tham quan bảo tàng tới bảo tàng nghiên cứu, học tập thưởng thức và tăng cường giao lưu hợp tác giữa các bảo tàng để trao đổi kinh nghiệm hoạt động chuyên môn, trao đổi hiện vật, phối hợp tổ chức trưng bày triển lãm, hội thảo chuyên đề, xuất bản ấn phẩm... để có thể từng bước hòa nhập với hệ thống bảo tàng Trung ương và các bảo tàng địa phương. Hơn nữa, Bảo tàng Quảng Ninh phải thực hiện từng bước công tác xã hội hóa các hoạt động của mình. Tăng cường hoạt động xây dựng đội ngũ tình nguyện viên.

Tóm lại, Bảo tàng Quảng Ninh là một thiết chế văn hóa khoa học, hiện đại có quy mô lớn, kiến trúc đồng bộ. Về cơ bản có sự hài hòa giữa nội dung và hình thức trưng bày; bảo tồn và giới thiệu lịch sử, văn hóa và thiên nhiên Quảng Ninh một cách khoa học, hiện đại và sinh động, là điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Mặc dù hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong hoạt động Bảo tàng mà không phải ngày một ngày hai khắc phục, xử lý ngay được. Tuy nhiên trong thời gian sớm nhất, được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh sẽ luôn vận động, học hỏi, rút kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện mình. Xứng đáng khẳng định rõ “Tầm quan trọng của một thiết chế văn hóa  đối với hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, hoạt động theo kế hoạch hàng năm,  là nơi hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế văn hóa cấp huyện và cơ sở; đủ sức phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sáng tạo các giá trị văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh” (Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 ( Khóa VIII) của Tỉnh ủy Quảng Ninh về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong nhiệm vụ thứ 10 về xây dựng thiết chế văn hóa). Trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

 

 

TÀI liệu tham khảo

1.   Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (1994), Sưu tập hiện vật bảo tàng, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

2.   Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (1997), Sự nghiệp bảo tàng những vấn
đề cấp thiết
, Nxb Lao động, Hà Nội.

3.   Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (1998), Bảo tàng với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

4.   Bảo tàng Cách mạng Việt Nam  (2004), Bảo tàng góp phần hoàn thiện nhân cách con người, Nxb Lao động, Hà Nội.

5.   Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Cục Di sản văn hóa (2005); Công tác bảo quản hiện vật bảo tàng, Nxb Hà Nội.

6.   Trương Quốc Bình (2011), “Nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ để đổi mới hoạt động bảo tàng ở Việt Nam”, Tạp chí Di sản Văn hóa, Số 36, tr.20-25.

7.   Bộ Văn hóa - Thông tin (2005), Tọa đàm công tác giáo dục của bảo tàng, Nxb Hà Nội.

8.   Bộ Văn hóa - Thông tin (2005), Bảo vệ và phát triển di sản văn hoá trong sự phát triển bền vững, Nxb Hà Nội.

9.   Bộ Văn hóa - Thông tin (2006), Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng (Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2006/QĐ-BVHTT, ngày 15/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin).

10. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2008), Quyết định số 47/2008/QĐ-BVHTTDL, ngày 3/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ và người thực hành bảo quản hiện vật bảo tàng.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa