Nội san

Bảo tồn Nhã nhạc cung đình Huế sự kế thừa những giá trị nhân văn trong thời kỳ hội nhập

17 Tháng Tư 2016

Theo Văn bản pháp luật quốc tế, do UNESCO ban hành ngày 17/10/2003, thì "Di sản văn hóa phi vật thể" được định nghĩa như sau: “Di sản văn hóa phi vật thể" được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Vì những mục đích của Công ước này, chỉ xét đến những di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với các văn kiện Quốc tế hiện hành về quyền con người, cũng như những yêu cầu về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân, và về phát triển bền vững”. Như vậy ở đây, Âm nhạc dân tộc nói chung, Nhã nhạc và Âm nhạc dân tộc xứ Nghệ nói riêng, được hiểu là nghệ thuật trình diễn đi kèm với các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng... Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong khuôn khổ bài viết này, do là đơn vị đang có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của Nhã nhạc, nên chúng tôi muốn đề cập đến việc kế thừa và bảo tồn Nhã nhạc trong đời sống hiện nay và đưa ra một số định hướng cho hoạt động bảo tồn Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam.

1. Giải pháp bảo tồn Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam

"Bảo vệ" là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này”. Theo GS.TS Đặng Văn Bài – Phó chủ tịch Hội Di sản Văn  hóa Việt Nam, đại diện của Việt Nam trong ủy ban Di sản thế giới: Trước đây, do nhận thức chưa đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể, coi nó chỉ là một bộ phận mang tính chất năng của di sản văn hóa vật thể mà không phải là một dạng di sản có tính độc lập tương đối. Vì thế, việc bảo vệ và phát huy giá trị chưa được quan tâm thỏa đáng, dẫn đến tình trạng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể bị biến dạng và thậm chí còn bị mai một, thất truyền. Như vậy có thể thấy, từ khi nhà Nguyễn cáo chung Nhã nhạc cung đình Huế cũng mất dần môi trường diễn xướng, các nhạc công cung đình đã từng trình diễn các bài bản Nhã nhạc phục vụ cho các nghi lễ tế Giao, tế Miếu, tế Xã Tắc… đã không còn đất diễn, một số bỏ nghề, số còn lại cố bám víu vào nghiệp diễn và đưa loại hình này vào trình diễn trong các dịp tế đình làng, tế họ tộc… ở các vùng nông thôn của Huế và các vùng phụ cận. Ngoài ra, do có tư tưởng giấu nghề và chỉ truyền nghề nhạc cho những người trong cùng họ tộc nên dẫn đến sự thất truyền một cách đáng tiếc của một số bài bản nằm trong hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế.

Việc bảo tồn những tinh hoa của Nhã nhạc cung đình Huế là một công việc cần thiết trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và phát triền. Do đó, những giải pháp đưa ra trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc trưng này cũng cần phải có một quy chế riêng như: Có chính sách ưu đãi, khuyến khích nhiều hơn nữa đối với những gia đình có truyền thống, có tay nghề và đang nắm giữ những bí kíp nghề nghiệp; kịp thời xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân (vấn đề này, thời gian qua chúng ta đã làm, nhưng số nghệ nhân Nhã nhạc được đề xuất thì đếm chưa hết ngón của một bàn tay); có chính sách khuyến khích đối với những người cung cấp các tài liệu có liên quan đến việc sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn Nhã nhạc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua mô hình truyền dạy, đào tạo tập huấn cho nhạc công làm nguồn nhân lực kế thừa, và tăng cường đội ngũ cán bộ có chất lượng làm công tác nghiên cứu về Nhã nhạc cung đình Huế.

Thực hiện Công ước quốc tế về Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể (gọi tắt là Công ước 2003) mà Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước này, với sự giúp đỡ của UNESCO, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị được giao trách nhiệm thực hiện dự án với sự tham gia của cộng đồng và sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan ban ngành và tổ chức liên quan thực hiện, đã tiến hành nhiều hoạt động: khảo sát và tư liệu hóa; đào tạo và truyền dạy; quảng bá và phát huy… Trong các hoạt động đó, công tác đào tạo nhạc công Nhã nhạc trẻ và tập huấn nâng cao kỹ năng biểu diễn Nhã nhạc là một trong những hoạt động nhằm xây dựng những nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu, tư liệu hóa và truyền dạy các kỹ năng về Nhã nhạc cho thế hệ trẻ, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản này ở các cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.

Nhiều học viên có năng khiếu xuất thân từ các gia đình nghệ nhân truyền thống đã được tuyển chọn, đào tạo và truyền dạy để trở thành lực lượng nhạc công Nhã nhạc trong tương lai có đủ kiến thức về văn hoá và kỹ năng nghề nghiệp.

Khóa đào tạo được bắt đầu từ ngày 03/11/2005, với các chuyên ngành đào tạo: đàn nguyệt, đàn tam, sáo, trống, đàn tỳ bà, đàn nhị và kèn. Đây là một khoá đào tạo đặc biệt được đào tạo theo hình thức truyền khẩu từ các nghệ nhân (truyền nghề, truyền ngón theo dạng một thầy, một trò) và được dạy ký-xướng âm theo kiểu truyền thống (Họ, Xự, Xàng, Xê, Cống…). Khóa đào tạo nhạc công Nhã nhạc này đã được các giáo sư, nghệ nhân, nghệ sĩ có uy tín trực tiếp lên chương trình và giảng dạy như cố GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Tô Ngọc Thanh, PGS.TS Hà Sâm, cố nghệ nhân dân gian Trần Kích, nghệ nhân Trần Thảo, nhà giáo Nguyễn Đình Sáng (nguyên Hiệu trưởng Trường VHNT tỉnh TT-Huế), nhà Huế học Nguyễn Xuân Hoa… cùng một số nghệ sĩ Nhã nhạc có tên tuổi của Huế.

  Vào tháng 7/2008, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, mà đại diện là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mời 2 chuyên gia về âm nhạc là PGS.TS Oshio Satomi, giảng viên Đại học Miyagi-Nhật Bản và TSKH. Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội đến Huế tham gia đánh giá chất lượng khoá đào tạo Nhạc công Nhã nhạc. Tại đây, qua nghiên cứu các giáo trình đào tạo, tiếp cận với các nhạc công, giáo viên giảng dạy và các nhà quản lý, hai chuyên gia đánh giá rất cao về chất lượng khóa đào tạo từ nội dung, khung chương trình đến phương pháp giảng dạy hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đào tạo nhạc công chuyên nghiệp, điều kiện học tập cũng như các chế độ trợ cấp rất tốt. Các môn học lý thuyết cung cấp các kiến thức cơ bản về lịch sử âm nhạc truyền thống; các môn thực hành giúp các nhạc công có được kỹ năng, phương pháp biểu diễn phù hợp và tôn trọng truyền thống âm nhạc của Nhã nhạc; các chuyên đề đặc biệt giới thiệu về lịch sử văn hoá Huế, âm nhạc truyền thống Huế, âm nhạc truyền thống Nhật Bản giúp các em hiểu rõ thêm về lịch sử, văn hóa, âm nhạc truyền thống và âm nhạc nước ngoài.

   Để bảo tồn và phát huy các giá trị về Nhã nhạc truyền thống trong xã hội hiện đại, các chuyên gia đề nghị khóa học đào tạo nhạc công Nhã nhạc trẻ nên được duy trì liên tục trên cơ sở đào tạo phù hợp; tiếp tục đào tạo nâng cao về kiến thức âm nhạc truyền thống, phương pháp biểu diễn Nhã nhạc cho các nhạc công chuyên nghiệp để đáp ứng các đòi hỏi hiện tại và xây dựng đội ngũ kế nghiệp truyền thống Nhã nhạc trong tương lai.

Bên cạnh việc đào tạo, truyền dạy kiến thức về Nhã nhạc, công tác quảng bá và phát huy giá trị di sản Nhã nhạc cung đình Huế cũng được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức trong công chúng về các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quý báu này. Đây là hoạt động được triển khai mạnh nhất nhằm tiếp tục nâng cao vị thế của Nhã nhạc. Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tổ chức nhiều đợt biểu diễn Nhã nhạc tại Hà Nội, thành phố Hồ Chính Minh và nhiều tỉnh thành trong nước nhân dịp các sự kiện lớn của quốc gia và địa phương; tham gia các festival và chương trình giao lưu nghệ thuật tại một số quốc gia châu Âu (như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Ý, Tây Ban Nha) và châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào…), để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Đặc biệt, các tiết mục Nhã nhạc cũng góp phần làm nên thành công của các kỳ Festival Huế qua các chương trình nghệ thuật hoặc phục dựng nghi lễ đặc sắc: Đêm Hoàng Cung, lễ tế Nam Giao, Lễ hội thi Tiến sỹ Võ, lễ tế Xã Tắc, lễ Truyền lô, Huyền thoại sông Hương, Hành trình mở cõi…và gần đây nhất là chương trình sân khấu hóa Thiên hạ Thái bình được dàn dựng hoành tráng, công phu.

2. Một số định hướng cho hoạt động bảo tồn Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam.

Để tiếp tục duy trì và phát huy những thành tựu đã đạt được trong công tác bảo tồn giá trị di sản Nhã nhạc trên quy mô lớn hơn, nghiên cứu sâu rộng hơn và mang tình bền vững hơn, chúng ta cần:

- Tiếp tục cập nhật và bổ sung thông tin, dữ liệu về các nghệ nhân, các nhân chứng của Nhã nhạc; tiếp tục đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học về giá trị lịch sử và nghệ thuật, các hình thức diễn tấu, các bài bản hiện còn và đang bị thất lạc để bổ sung và cập nhật không ngừng các chương trình biểu diễn của Nhã nhạc.

-  Mở rộng nghiên cứu về các lễ hội cung đình của Triều Nguyễn để chọn lọc phục hồi trong các dịp Festival Huế, tạo không gian và môi trường diễn xướng thường xuyên cho Nhã nhạc.

- Thường xuyên tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật này tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, đặc biệt là cần thêm vào chương trình biểu diễn những bài bản Nhã nhạc vừa được sưu tầm, nghiên cứu để nhằm giới thiệu công chúng những giá trị nghệ thuật mà loại hình này vốn có.

- Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phi vật thể vùng Huế để tập trung được các nguồn lực trong tỉnh, nguồn đầu tư của chính phủ và nguồn tài trợ của cộng động quốc tế cho công cuộc bảo tồn gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể vùng Huế.

Theo vanhien.vn