Nội san

Quản lý khu di sản trung tâm hoàng thành Thăng Long, Hà Nội

11 Tháng Năm 2016

         Phan Duy Thắng [*]

 

Ở nước ta có nhiều di sản văn hóa phi vật thể cũng như vật thể, điều đó thể hiện sự đa dạng phong phú của kho tàng di sản văn hóa.  Là những di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa được phân thành 4 loại hình khác nhau, cụ thể là: Di tích khảo cổ; Di tích lịch sử; Di tích kiến trúc nghệ thuật và Di tích danh lam thắng cảnh. Mỗi loại hình này đều có những đặc trưng, những tiêu chí để xác định, vì thế chúng có vai trò và ý nghĩa khác nhau đối với tiến trình phát triển văn hóa. Trong trường hợp cụ thể với thủ đô Hà Nội.

 

Cuộc khai quật khảo cổ học tại số 18 phố Hoàng Diệu thuộc quận Ba Đình (Hà Nội) diễn ra từ năm 2002 đến 2005 được coi là cuộc khai quật khảo cổ quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là một trong các di sản tiêu biểu của thủ đô Hà Nội. Năm 2006, nhận rõ tầm quan trọng và giá trị to lớn của khu di sản văn hoá thế giới Hoàng thành Thăng Long, UBND Hà Nội đã quyết định thành lập riêng một cơ quan quản lý khu di sản này, đó là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố. Trung tâm này là một đơn vị sự nghiệp, có chức năng và nhiệm vụ cụ thể là bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di sản văn hoáHoàng thành Thăng Long.

Với giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, kiến trúc nghệ thuật của khu di sản Hoàng thành Thăng Long, ngày 12 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội (quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội) là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1). Sau đó, ngày 31 tháng 7 năm 2010, tại Brasilia, thủ đô của Brazil, kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban Di sản Thế giới của Unesco đã biểu quyết thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí: chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú... của Thủ đô Hà Nội, nước CNXH Việt Nam.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nhu cầu nghiên cứu, tham quan du lịch của khách trong nước, ngoài nước và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa mặc dù đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành và các tổ chức trong nước và quốc tế nhưng còn gặp nhiều khó khăn bất cập. Đó là tình trạng xâm hại di tích, thất thoát cổ vật và việc ứng dụng công nghệ cao trong công tác bảo quản chưa được áp dụng rộng rãi. Sự tác động của thiên nhiên, ảnh hưởng của thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, bên cạnh đó các hành động vô thức hay hữu thức của con người và nền kinh tế thị trường cũng tác động không nhỏ đến thực trạng, tình trạng kỹ thuật xuống cấp của khu di sản này.

Một trong những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận là chiều dài lịch sử văn hóa. Tại Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long có nhiều tầng văn hoá của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau, tiếp nối nhau liên tục, không đứt đoạn. Các di tích đó có mối quan hệ và sự kiên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp, nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về qui hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long. Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban)… để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.

 

Ảnh: Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long  (Nguồn: tác giả)

 

Bên cạnh đó, những di vật trong khu khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu là minh chứng cụ thể về trình độ phát triển cao của kinh tế, văn hoá. Với sự tôn sùng đạo Phật thời Lý- Trần, nhiều di vật đã mang dấu ấn của Phật giáo, từ mô hình tháp, chân tảng đá hoa sen, chim, uyên ương... Rồng nằm trong lá đề là di vật mang dấu ấn biểu tượng của thần quyền kết hợp với vương quyền.. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy hàng triệu di vật khảo cổ, trong số đó có nhiều đồ gốm sứ, tiền đồng của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á... là bằng chứng cho thấy Thăng Long là trung tâm giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại của Trung Quốc, Nhật Bản, phương Tây chứng minh rõ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa của Thăng Long trong lịch sử.

Di sản văn hóa Việt Nam là kết tinh trí tuệ, tình cảm, truyền thống của các thế hệ. Mặc dù phải trải qua biết bao biến cố của lịch sử, bị mất mát, huỷ hoại bởi chiến tranh và điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng kho tàng Di sản văn hóa ấy vẫn vô cùng phong phú và đa dạng. Di sản văn hóa Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại, với tư cách là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Từ Đề cương Văn hoá năm 1943 của Đảng, đến Sắc lệnh số 65/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam tới Nghị quyết Trung ương V, khoá VIII về xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đều thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa X năm 2001, Luật Di sản văn hóa được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002 tiếp tục đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam.

Để thực hiện được các nhiệm vụ bảo tồn khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn với tư cách là cơ quan quản lý di sản đã tổ chức rất nhiều các hoạt động bảo tồn. Quy hoạch tổng thể cho di tích là một trong những nhiệm vụ quan trong của cơ quan quản lý di sản, từ đó sẽ có những kế hoạch cụ thể cho các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản. Việc làm đó sẽ tạo điều kiện để phát huy giá trị của di sản trong xá hội đương đại.Có thể nhận thấy, việc thực hiện thành công các dự án nàysẽ đạt được các mục tiêu nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị của di sản văn hóa tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long và để khu di sản này xứng đáng với tầm vóc của một di sản văn hóa vật thể của nhân loại.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi lưu giữ các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc có giá trị quân sự, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo. Đây là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của các triều đại phong kiến Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử và là minh chứng về sự diễn tiến của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Những giá trị nổi bật này của khu di sản được thể hiện ở 3 đặc điểm tiêu biểu, đó là: thứ nhất, có chiều dài lịch sử văn hóa; thứ hai, tính liên tục của di tích với tư cách là một trung tâm quyền lực quốc gia, và thứ ba, có các tầng văn hóa và di vật đa dạng, phong phú, chứa đựng nhiều giá trị.

Trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã vận dụng và thực hiện tốt Luật Di sản Văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu các công ước, văn kiện cùng các khuyến nghị của quốc tế trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Quá trình thực hiện công tác chuyên môn như: kiểm kê, nghiên cứu khoa học về di sản; bảo vệ chống vi phạm không gian di sản, tu bổ, tôn tạo di sản; phát huy gái trị di sản. Các hình thức thu hút nguồn lực cho tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long ngày càng được mở rộng và nâng cao hiệu quả. Việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc, góp phần hạn chế những vi phạm. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nhằm nâng cao kiến thức và năng lực quản lý di sản cho cán bộ làm công tác này được chú trọng, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của di sản. Tuyên truyền trong nhân dân và khách tham quan hiểu biết về pháp luật di sản nói chung; do vậy mà các giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thủ đô hiện nay.

 

Thời gian qua, mặc dù Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã có những chủ trương, chỉ đạo các phòng, ban thực hiện nhiệm vụ phát huy tốt giá trị của khu di sản phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng. Song qua thực tiễn cho thấy, trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản này vẫn còn một số hạn chế cần được Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của thủ đô và định hướng của Nhà nước. Xuất phát từ thực tế, khu di sản Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới, vì vậy, khi nghiên cứu về vấn đề này cần xem xét các văn bản quốc tế, các văn bản quốc gia để làm công cụ cho việc quản lý di sản văn hóa.Căn cứ vào việc triển khai các nhiệm vụ của bộ máy quản lý khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Các giải pháp có khả năng mang lại hiệu quả cao trong quá trình quản lý khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Những giải pháp nêu trên mang tính chiến lược có thể áp dụng lâu dài và có những điều chỉnh hợp lý về cơ chế chính sách cũng kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực. Tổ chức bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích và tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, khẳng định vai trò của cộng đồng và đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích góp phần vào việc khai thác phục vụ phát triển du lịch thủ đô. Các giải pháp nêu trên góp phần quan trọng trong công tác quản lý tại khu di sản này, tiến tới bảo tồn và phát huy tốt các giá trị của di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội hiện nay.

Trong thời kỳ mở cửa hội nhập với thế giới, chắc chắn nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa sẽ đòi hỏi ở một mức độ cao hơn. Khách du lịch đến Khu di sản Trung tâmHoàng thành Thăng Long - Hà Nội không chỉ muốn tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa... mà còn tìm hiểu về lịch sử thủ đô nghìn năm văn hiến của Hà Nội. Việc nâng cao chất lượng quản lý tại Khu di sản Trung tâmHoàng thành Thăng Long - Hà Nội phải được Đảng, Nhà nước và các cấp cùng quan tâm tổ chức và quản lý.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa