Nội san

Một sô giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức hoạt động văn hóa - thể thao cho sinh viên trường Đại học Nội vụ Hà Nội

12 Tháng Năm 2016

 Trần Thị Phượng [*]

 

 

Tổ chức hoạt động văn hóa-thể thao (VHTT) cho sinh viên tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (ĐHNVHN) không những tạo ra sân chơi rèn luyện sức khỏe, tinh thần bổ ích, lý thú, tăng cường tinh thần đoàn kết giao lưu học hỏi giữa các sinh viên mà đây chính là một trong những kênh chủ đạo, tạo sức hút để đoàn kết, tập hợp sinh viên tham gia nhiệt tình các hoạt động Đoàn. Đồng thời, thông qua những hoạt động VHTT, sẽ có thêm những sân chơi lành mạnh, góp phần phát triển nhân cách đạo đức cho mỗi sinh viên trong tình hình hiện nay…

Trong những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường, hoạt động VHTT trường ĐHNVHN luôn diễn ra sôi nổi. Những tiết mục văn nghệ do sinh viên dàn dựng và biểu diễn ngày càng công phu và hấp dẫn. Đội văn nghệ, thể thao của trường đã tham gia nhiều chương trình và đạt không ít giải thưởng.Thông qua các hoạt động VHTT, nhà trường đã phát hiện được rất nhiều tài năng văn nghệ, thể thao xuất sắc, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa của trường, cũng như tạo sân chơi lành mạnh giúp sinh viên phát huy năng khiếu, sở trường, đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng chính đáng.

  1. Sự cần thiết trong việc tổ chức các hoạt động VHTT cho sinh viên nhà trường

Do những đặc điểm riêng của sinh viên Trường ĐHNVHN nên công tác tổ chức hoạt động VHTT trong nhà trường rất cần thiết hay nói cách khác việc tổ chức những hoạt động VHTT đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của sinh viên. Không những vậy, hoạt động VHTT cần được nghiên cứu để phát triển sâu rộng dưới nhiều hình thức khác nhau, nhằm cân bằng với những hoạt động học tập trong nhà trường và giúp các bạn sinh viên phát triển toàn diện. Điều này là cần thiết bởi sau những giờ học tập căng thẳng thì việc tham gia các hoạt động VHTT sẽ giúp sinh viên ĐHNVHN lấy lại sự cân bằng giữa học tập và giải trí, thư giãn về tâm lý để có thể học tập và rèn luyện một cách tốt nhất. Đồng thời giúp những sinh viên nhút nhát, rụt rè, tự ti sẽ hoà mình vào tập thể, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, mọi người hiểu nhau hơn, thông cảm, gần gũi, chia sẻ với nhau những khó khăn.

Với phương châm “Vui để học tập, khỏe để cống hiến”, phong trào VHTT luôn được Ban Giám hiệu, Đoàn Trường quan tâm phát động, tạo sân chơi lành mạnh trong sinh viên. Nhờ vậy, hoạt động này được sinh viên hưởng ứng rất nhiệt tình, trở thành một phong trào sâu rộng, đạt hiệu quả cao. Hằng năm, vào các dịp ngày lễ kỷ niệm, Đoàn trường còn tổ chức các giải thi văn nghệ, thể thao như: giải bóng đá, bóng chuyền, tiếng hát sinh viên... tạo khí thế thi đua luyện tập sôi nổi giữa các lớp, các khoa, các liên chi đoàn.

  1. Một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động VHTT trong nhà trường

2.1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động VHTT cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường.

Để nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động VHTT trong nhà trường, cần thực hiện một số biện pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền để giúp cán bộ và sinh viên trong nhà trường nhận thức được mục đích, ý nghĩa của hoạt động VHTT trong đời sống tinh thần của sinh viên. Việc này cần được diễn ra thường xuyên, lồng ghép vào những buổi sinh hoạt chính trị, học Nghị quyết, họp Hội đồng giáo dục, tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm quản lý, tổ chức học tập ngoại khóa các chuyên đề như văn hóa giáo dục, đạo đức, lối sống...

Thứ hai, thông qua những giờ lên lớp, giờ sinh hoạt tập thể, cán bộ lớp cần động viên, khích lệ đối với những thành viên trong lớp chưa có những nhận thức đúng về hoạt động VHTT.

Thứ ba, tạo điều kiện cho sinh viên được trực tiếp tham gia vào hoạt động VHTT, cũng như đề xuất những hoạt động VHTT tại trường phù hợp với từng nhóm nhu cầu khác nhau là điều hết sức cần thiết trong việc xây dựng, lên kế hoạch tổ chức các hoạt động VHTT.

2.2. Tăng cường ban hành và chỉ đạo các văn bản quản lý của nhà trường

Việc cụ thể hóa đường lối, định hướng, giải pháp, cách thức tiến hành tổ chức hoạt động VHTT trong các văn bản chỉ đạo là cơ sở pháp lý để công tác tổ chức hoạt động VHTT được tiến hành đồng bộ, tạo được sự đồng thuận, phối hợp giữa các lực lượng để hoạt động này có hiệu quả. Để làm tốt công tác này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần xây dựng những tiêu chí đánh giá, bám sát mục tiêu đề ra trong việc tổ chức các hoạt động VHTT một cách cụ thể như đối tượng áp dụng, nguồn lực tổ chức và quản lý, phương pháp và cách thức tiến hành, mục tiêu cần đạt được, nguồn kinh phí cũng như những chế tài xử lý nếu cá nhân nào vi phạm. Trong đó, cần quy định cụ thể việc yêu cầu giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động này ở những hình thức khác nhau, tùy vào điều kiện thực tế của chương trình, hoạt động cụ thể.

 

Ảnh: Liên chi Quản trị nhân lực được trao giải đội cổ vũ ấn tượng nhất (Nguồn: http://.truongnoivu.edu.vn)

 

2.3.Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực tham gia

Để thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động VHTT trong nhà trường thì đội ngũ làm công tác này cần được quan tâm, bồi dưỡng và thường xuyên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, lực lượng tham gia, tổ chức các hoạt động VHTT chủ yếu là các thành viên trong BCH Đoàn trường, các đồng chí phụ trách liên chi và bí thư các chi đoàn. Để hoạt động VHTT được hiệu quả thì việc tăng cường, bổ sung và phát triển đội ngũ kế cận là hết sức cần thiết và phải được ưu tiên. Nhà trường cần tạo điều kiện để các đồng chí này được tham gia các lớp đào tạo và bồi dường nghiệp vụ, tiếp cận được những kiến thức mới trong việc tổ chức hoạt động VHTT, đáp ứng được tình hình mới

2.4.Đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các tổ chức trong nhà trường

Ban Giám hiệu nhà trường sớm xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện tổ chức các hoạt động VHTT và cử cán bộ chuyên trách theo dõi sao cho có hiệu quả. Hiện nay, việc tổ chức các hoạt động VHTT trong nhà trường chủ yếu giao cho BCH Đoàn trường là đầu mối. Đồng thời, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của sinh viên trong việc tham gia hoạt động VHTT cũng cần được tiến hành thường xuyên, nhất là thông qua các sinh hoạt định kỳ của liên chi đoàn. Cần thiết lập mối quan hệ thường xuyên với các lực lượng như chủ nhiệm lớp, bí thư chi đoàn, Phòng Công tác sinh viên, Đoàn Trường… để có được những sự hợp tác, phối hợp thật sự hiệu quả.

2.5. Đổi mới phương thức hoạt động VHTT

Nghiên cứu tổ chức các loại hình thể dục thể thao đa dạng, đáp ứng được nhiều hơn nữa nhu cầu tham gia của sinh viên toàn trường. Tạo cơ hội cho tất cả sinh viên được tập luyện TDTT, hướng tới việc đáp ứng được yêu cầu về thể lực của sinh viên trong tình hình mới. Có cơ chế phát triển các môn thể thao hiện đại như Aerobic, Yoga hay các môn thể thao truyền thống khác để đáp ứng nhu cầu sở thích của các đối tượng. Nhà trường cần thực hiện cơ chế hỗ trợ chuyên môn và các điều kiện khác để các đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ, hay các tổ chức đoàn thể thuộc Đoàn khối các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương (phường Xuân La, quận Tây Hồ) đứng ra tổ chức các giải thi đấu TDTT theo các loại hình và quy mô khác nhau.

Tạo điều kiện để các chi đoàn tự xây dựng các CLB, đội thể thao theo hướng đảm bảo mọi đối tượng đều có cơ hội tiếp cận với hoạt động TDTT trong nhà trường. Trong đó chú trọng đến việc đổi mới phương thức tổ chức điều hành các hoạt động thi đấu thể thao trong nhà trường hướng đến sự công bằng, thi đấu lành mạnh.

2.6.  Nâng cao chất lượng hoạt động VHTT

Để nâng cao chất lượng hoạt động VHTT thì cần làm tốt các yếu tố như: đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của nhà trường đối với hoạt động VHTT, đầu tư cho cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phù hợp với những hoạt động VHTT… cụ thể là:

Nhà trường cần chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đa dạng hóa, phát triển các hoạt động VHTT hướng đến việc hưởng thụ các giá trị văn hóa đích thức của sinh viên. Việc tổ chức các hội thi, liên hoan, chương trình… cần có sự đổi mới, đa dạng, tránh để lặp lại kịch bản của những năm cũ, gây nhàm chán.

Vì đối tượng thụ hưởng chính của các hoạt động VHTT là sinh viên, kể cả với tư cách là người tham gia và khán giả. Mà sinh viên là những người rất nhạy bén trong những hoạt động này nên việc huy động trí tuệ, sự sáng tạo của đội ngũ sinh viên trong chính những hoạt động VHTT là phù hợp với chính nhu cầu và nguyện vọng của họ. Do đó, trong công tác tổ chức hoạt động VHTT cần giảm bớt sự can thiệp, áp đặt của những người thuộc thế hệ đi trước mà cần lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng của các bạn sinh viên. Chỉ khi đó thì những hoạt động VHTT mới gần gũi, thiết thực đối với các bạn sinh viên.

2.7. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và thi đua khen thưởng

Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động VHTT của trường. Thông qua hoạt động này, nhà trường có đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi lần hoạt động. Phòng Công tác sinh viên cũng cần có những đợt khảo sát, lấy ý kiến của sinh viên nhà trường đối với những hoạt động VHTT đang diễn ra để có cái nhìn toàn diện, có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để việc tổ chức những hoạt động hình thức, không hữu ích cho chính các bạn sinh viên nhà trường.

Nhà trường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tổ chức hoạt động thể thao ngoại khoá cho sinh viên của khoa, đơn vị chức chức năng và chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ quản quản lý nhà nước về hoạt động học tập, tập luyện và thi đấu thể thao cho sinh viên.

Căn cứ kết quả tham gia các hoạt động học tập, tập luyện và thi đấu thể thao của sinh viên, các đơn vị, nhà trường có hình thức tuyên dương, khen thưởng kịp thời đối với tập thể và cá nhân sinh viên, cán bộ, giáo viên có thành tích xuất sắc trong việc tham gia, tổ chức các hoạt động học tập, tập luyện và thi đấu thể thao.

Có thể nói, hoạt động văn hóa thể thao trong nhà trường rất quan trọng trong việc hình thành nên mỗi cá nhân phát triển toàn diện về Đức – Trí – Thể - Mỹ. Để những hoạt động văn hóa thể thao phát huy được những mặt tích cực trong đời sống tinh thần của sinh viên thì cần thực hiện đồng bộ những giải pháp, trong đó chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo nhà trường cũng như của sinh viên giữ vị trí then chốt.

 

 

                                  Tài liệu tham khảo

1.    Hoàng Chí Bảo (2006), Văn hóa và con người Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, Hà Nội.

2.    Nguyễn Trần Bạt (2005), Văn hóa và con người, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

3.    Bùi Đặng Dũng (2002), Một số mô hình hoạt động Đoàn, Hội trong thanh niên trường học, Nxb Thanh niên.

4.    Phạm Duy Đức (chủ biên) (2010), Phát triển văn hóa Việt Nam  giai đoạn 2011 – 2020 xu hướng và giải pháp, Nxb CTQG, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa