Nội san

Giá trị tiêu biểu trong nghi lễ cấp sắc của người dao Thanh Phán huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh

17 Tháng Năm 2016

Nguyễn Thị Thanh  [*]

 

            Hoành Bồ là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, có lịch sử và văn hóa lâu đời với 11 dân tộc sinh sống ở 13 xã, thị trấn tạo nên sự đa dạng về văn hóa các dân tộc thiểu số. Xác định nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, huyện bước đầu quan tâm đầu tư nguồn lực cho việc nghiên cứu, sưu tầm các Di sản văn hóa (DSVH)  phi vật thể như: Hội làng người Dao Thanh Y Bằng Cả; Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ xã Lê Lợi và đặc biệt là Lễ Cấp sắc của người Dao Thanh Phán.

            Ở huyện Hoành Bồ, cộng đồng người Dao Thanh Phán gọi “Lễ Cấp sắc” bằng cái tên khác là “Lễ Bàn Cổ”. Một thanh niên người Dao được tổ chức Lễ Cấp sắc là dịp cộng đồng nghe lại lịch sử hình thành dân tộc mình, tạo nên sự tự tôn dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên, từ đó răn dạy mỗi người có cách sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp. Đó là sự hướng tới việc thiện, không làm điều ác, biết tôn trọng thầy, biết ơn cha mẹ, trung thực và giàu lòng vị tha ... Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và cộng đồng dòng tộc. Trong Lễ Cấp sắc còn có nhiều bài hát, điệu múa, tiết múa độc đáo; trang phục, đạo cụ phong phú, đa dạng. Lễ Cấp sắc của người Dao Thanh Phán được coi như một kho tàng văn hóa cổ truyền có gía trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc và tính giáo dục cao.

1. Giá trị lịch sử

Lễ Cấp sắc của người Dao Thanh Phán nói riêng và người Dao nói chung cung cấp một số tư liệu về nguồn gốc dân tộc, quá trình di cư và những sinh hoạt văn hóa, xã hội của cộng đồng. Trước hết là những câu chuyện truyền thuyết, những bài ca đọc trong nghi lễ cấp sắc là những tài liệu quý để tìm hiểu về nguồn gốc tộc người đó là sự tích Bàn Vương. Những câu chuyện hay, những bài thơ dài không dừng lại ở sự tích Bàn Vương mà còn nói về quá trình di cư của tổ tiên họ vào Việt Nam như thế nào.    

Cũng qua Lễ Cấp sắc, ta có điều kiện tìm hiểu cách làm giấy dó của dân tộc Dao, cách nhuộm vải, cách cắt may trang phục thầy cúng kiểu nữ. Đây là dịp tốt để chức ta nghiên cứu trang phục cổ phản ánh lại thời kỳ mẫu hệ xã xưa mà người phụ nữ Dao còn làm thầy cúng. Cũng qua trang phục chúng ta được hiểu thêm về nguồn gốc thủy tổ người Dao, sự thân thiện với môi trường đó là mô típ trang trí trên áo (hoa văn hoa lá, mặt trời, rồng phượng…).

            Qua LCấp sắc, ta cũng thấy được Đạo giáo ảnh hưởng khá sâu đậm trong tục lệ sinh hoạt của người Daođược họ tiếp thu và cải biến đi nhiều. Tất cả mọi người đàn ông của dân tộc Dao đều phải qua LCấp sắc Đạo giáo. Ai không qua LCấp sắc thì dù chết già linh hồn họ cũng không được về với tổ tiên (Bàn vương), lúc sống cũng không được cúng bái cha mẹ, cao hơn nữa là Bàn Vương, quan niệm "Ai không làm LCấp sắc sẽ không được công nhận là con cháu Bàn Vương" đã đi vào tiềm thức người Dao Thanh Phán. Tục lệ này khẳng định tính phổ biến của Đạo giáo ở người Dao. Từ cái ngoại sinh trở thành cái nội sinh tồn tại đến tận ngày nay. Đó chính là sự xâm nhập của Đạo giáo vào tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Dao nói chung và người Dao Thanh Phán nói riêng thông qua Lễ Cấp sắc.

 

Ảnh: Lễ Cấp sắc của người Dao Thanh Phán xã Đồng Lầm, huyện Hoành Bồ

(Nguồn:  Phòng VHTT huyện Hoành Bồ)

 

2. Giá trị văn hóa, nghệ thuật

Có thể nói Lễ Cấp sắc là một di sản văn hoá quý báu có giá trị nghệ thuật độc đáo của tộc người Dao. Trong LCấp sắc có nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật được trình diễn. Các loại nhạc cụ dân tộc như trống, kèn, thanh la, não bạt, chuông con, tù và… được sử dụng trong LCấp sắc có khả năng biểu cảm khác nhau, khi hoà tấu trở thành một dàn nhạc dân tộc rất độc đáo. Âm nhạc trong LCấp sắc cũng rất đa dạng tuỳ thuộc vào mỗi lễ thức cụ thể, có khi rất tĩnh nghiêm, trầm lắng, có khi lại sôi động, vui nhộn tùy thuộc vào từng lễ nhỏ trong Nghi lễ cấp sắc (như Lễ dâng hương, Lễ thượng quang, Lễ Bàn Vương)

Bên cạnh đó, những cuốn sách nôm dao cổ với những bài thơ, những lời ca; những câu ca dao, tục ngữ; những điệu nhảy trong LCấp sắc rất độc đáo và mang tính vũ đạo cao. Bộ tranh thờ 18 bức vẽ các nhân vật và sự tích Đạo giáo là những tác phẩm hội hoạ có giá trị, vì nó không chỉ giúp cho việc nghiên cứu sâu về tôn giáo mà còn giúp cho việc nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình dân gian của các dân tộc thiểu số ở nước ta. Trang phục trong LCấp sắc cũng là một yếu tố rất quan trọng, nó không chỉ làm cho màu sắc của lễ hội thêm rực rỡ mà thông qua các hoạ tiết hoa văn trang trí trên áo thầy cúng, trên trang phục người được cấp sắc và trang phục cô dâu đã thể hiện sinh động tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào Dao, kỹ năng thêu thùa, lao động sáng tạo, đức tính kiên nhẫn, của người phụ nữ dân tộc Dao trong nghệ thuật may thêu trang phục truyền thống.

Đây có thể coi là những giá trị văn hóa truyền thống quý báu được kết tinh trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt của đồng bào Dao. Đó là cơ sở, làm nền tảng cho việc sáng tạo những giá trị văn hóa mới vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phong phú, lành mạnh trong giai đoạn hiện nay.

3. Giá trị nhân văn

            Giá trị nhân văn trong LCấp sắc của người Dao Thanh Phán thể hiện ở những mặt cơ bản sau:

            Một là, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người

            Nội dung của Lễ Cấp sắc có ý nghĩa giáo dục tích cực đối với người thanh niên Dao. Điều này được thể hiện rất rõ trong các lời giáo huấn, những điều quy định ghi trong tờ âm dương điệp, đó là: không được coi thường trời đất, thần phật; không được ngược đãi cha mẹ; không được sát hại sinh linh; không được trộm cắp, hại người; không được khinh rẻ người nghèo; không được tham hoa hay sắc làm nhơ bản thân; không được uống rượu ăn nói càn quấy; thấy người gặp nạn, dù đêm hôm khó khăn vẫn phải cứu người. Hay các nội dung khác răn dạy người thanh niên khi được cấp sắc phải: không được sát hại tính mệnh (tự tử); không được tham lam; không hỗn hôn dục tà; không được khinh tâm; không được phẫn nộ điên đảo; không được vọng ngôn sinh ngữ mà phải trung trực nội ngoại thuận hòa; bảo quốc ninh gia, không được thoái thoát chuyển tâm ...

            Trong các điều giáo huấn ghi trong đạo sắc cấp cho người thụ lễ đều hướng tới cái chân, cái thiện; tuyệt đối kiêng kỵ người phụ lễ làm điều ác. Đó là sự kính trọng các thầy đã làm LCấp sắc, biết ơn nghĩa mẹ cha, thủy chung với bạn bè, có lòng vị tha và dũng cảm, sống thành thật hơn nữa, các điều giáo huấn này đôi khi còn được thực hiện bằng lời thề của người phụ lễ dưới sự giám sát của các thần linh và tổ tiên nên tính giáo dục càng có giá trị. Ngoài ra, những giáo lý trong LCấp sắc còn khuyên dạy con người biết tôn trọng và chấp hành luật lệ, tập tục, tập quán tộc người. Bởi vậy, người thụ Lễ cấp sắc thường luôn tự nguyện trong việc tu dưỡng đạo đức để làm việc thiện, tránh gây ra tội ác. Có thể nói, Lễ Cấp sắc đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con người Dao biết sống lương thiện, hòa hợp cộng đồng, biết tôn trọng tập tục, tập quán tộc người.

            Như vậy, tập tục theo chu kỳ đời người với các nghi lễ được toàn thể gia đình, dòng họ, làng bản tham dự như cái "khung" văn hóa định hình "nhào nặn" nên nhân cách của các thành viên trong cộng đồng. Đó cũng chính là lý do để các thành viên tồn tại và phát triển trong môi trường văn hóa tộc người.

            Hai là, góp phần bảo tồn nhiều giá trị văn hóa tộc người

            Tập tục trong đời sống của các tộc người là một lối sống của cộng đồng được ra đời, định hình, thử thách trong quá trình hình thành và phát triển của các tộc người và nó như một nhu cầu tất yếu, một lẽ đương nhiên cần có trong đời sống của cộng đồng người. Lễ Cấp sắc của người Dao Thanh Phán được ra đời và duy trì đến hôm nay chắc hẳn cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Từng khung cảnh của buổi lễ theo từng sắc thái lúc hành lễ của các thầy cúng tạo nên sự trang nghiêm của các nghi thức cúng lễ. Trong LCấp sắc còn có nghệ thuật biểu diễn của các thầy cúng với các điệu nhẩy múa như: múa gà, nhảy bát quái.... Đây là những điệu múa được biểu diễn theo những bài hát hoặc thơ cúng. Bên ngoài có tiếng trống, tiếng chiêng đệm theo tạo nên nét độc đáo riêng có của người Dao Thanh Phán Hoành Bồ nói riêng và dân tộc Dao nói chung trong cả nước.

4. Giá trị cố kết cộng đồng

Quy định gia đình có người làm LCấp sắc thì không đụng chạm vào việc bếp núc; không được giết lợn, mổ gà … nên mọi công việc bếp núc thường được cộng đồng làng xóm đảm nhiệm dưới sự chỉ đạo của các thầy. Do vậy, tinh thần cộng đồng làng bản trong LCấp sắc của người Dao Thanh Phán ở Hoành Bồ thể hiện khá rõ. Mỗi khi gia đình nào làm LCấp sắc cho con trai đều được sự giúp đỡ trong việc dựng ngũ đài sơn, nấu nướng hay các công việc khác. Không chỉ đến giúp đỡ mà họ còn đến chia vui với gia chủ. Mỗi khi gia đình có việc lớn đều được sự giúp đỡ, sẻ chia này có tính luân chuyển, tự giác thành thông lệ làm cho mọi người trong dòng họ, trong làng bản gần gũi với nhau, gắn kết với nhau hơn. Tính cố kết cộng đồng làng bản trở lên chặt chẽ và bền vững hơn.

Mặt khác với quy định bố không cấp sắc cho con, anh không cấp sắc cho em, các em thiếu nhi nam nữ trong dàn đồng ca hát trong Lễ Cấp sắc không có mối quan hệ huyết thống với người được cấp sắc … chính vì vậy gia đình có người được cấp sắc sẽ được cộng đồng làng xóm hỗ trợ, điều này làm cho mối quan hệ làng xóm ngày càng thắt chặt, tạo nên tính đoàn kết cộng đồng rất cao ở người Dao Thanh Phán Hoành Bồ.

Một điểm nữa trong Lễ Cấp sắc là đối tượng thờ cúng, suy tôn cao nhất trong cộng đồng người Dao Thanh Phán là Bàn Vương – Thủy tổ của người Dao. Vì vậy, khi bà con làng xóm tới giúp gia đình có người làm Lễ Cấp sắc vừa là thể hiện tinh thần hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau nhưng cũng là thể hiện sự tôn kính đối với Bàn Vương. Điều này càng làm tăng thêm tính cố kết của cộng đồng người Dao Thanh Phán Hoành Bồ nói riêng và cộng đồng người Dao nói chung của tỉnh Quảng Ninh.

Tóm lại, Lễ Cấp sắc của người Dao Thanh Phán không chỉ chứa đựng các thông điệp về rèn luyện nhân cách con người hướng tới chân thiện mỹ mà còn có giá trị độc đáo về mặt lịch sử, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật và khoa học, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Đồng thời góp phần bảo tồn, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa mang đậm tính chất tộc người. Với kinh tế du lịch, đây là nguồn tài nguyên nhân văn quý báu cho ngành du lịch khai thác và phát triển.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Phạm Thị Hằng (Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Lịch sử 2010) Lễ cấp sắc và tang ma của người Dao Tuyển ở Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

2.  Huyện ủy Hoành Bồ (2011), Nghị Quyết số 04-NQ/HU ngày 26/8/2011 về một số phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

3.  Sở VHTT, Dự án sưu tầm Lễ cấp sắc người Dao Thanh Phán (1999) tài liệu lưu hành nội bộ..

4.  UBND huyện Hoành Bồ (2014), Kế hoạch số 821/KH-UBND ngày 23/7/2014 của UBND huyện về kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản văn hóa huyện Hoành Bồ giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020.

5.  Nguyễn Quang Vinh, Những vấn đề về Người Dao ở Quảng Ninh.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa