Nội san

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Kiến Thụy, Hải Phòng

17 Tháng Năm 2016

Lê Hoài Đức [*]

 

Vùng đất Kiến Thuy, Hải Phòng trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Tiền nhân đã để lại cho hậu thế không chỉ là vùng đất giàu tiềm năng về điều kiện tự nhiên, về biển và chiều sâu lịch sử với những cột mốc vàng son trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm từ xưa đến nay mà còn để lại một hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng…

Huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng với hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, trong đó 13 di tích cấp quốc gia đã minh chứng về một huyện Kiến Thụy có bề dày lịch sử, truyền thống văn hoá phong phú. Mỗi di tích đều để lại dấu ấn văn hoá của người Việt từ ngàn xưa trên xứ Hải Tần Phòng Thủ xưa (Hải Phòng ngày nay). Việc giữ gìn, tôn tạo tu bổ và khai thác những giá trị lịch sử, văn hoá của các di tích làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

Hệ thống di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của huyện Kiến Thụy có niên đại khá sớm, có nhiều di tích đã tồn tại hàng trăm năm gắn với nhiều sự kiện lịch sử và nhiều danh nhân nổi tiếng của đất Việt qua các thời kì lịch sử khác nhau. Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kiến Thụy thì hiện nay trên địa bàn huyện có 13 di tích lịch sử văn hóa có giá trị và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trong đó có 6 chùa, 2 đình, 2 đền, 2 miếu và 1 nhà thờ họ.

1. Những kết quả đạt được của công tác quản lý di tích

Hoạt động quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) cấp quốc gia của huyện Kiến Thụy từ năm 2001 đến nay đã có những bước tiến trong công tác quản lý. Thực hiện đúng các văn bản pháp quy của nhà nước về di sản văn hóa (DSVH), huyện đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, kiểm kê di tích trên địa bàn huyện, lập hồ sơ lưu trữ làm cơ sở cho việc đề nghị xếp hạng di tích, tiến hành trùng tu tôn tạo nhiều di tích có giá trị, tổ chức giám định các di vật - cổ vật trong các di tích để có kế hoạch bảo vệ và quản lý. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục Luật Di sản văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích đã được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Nhiều lễ hội có giá trị văn hóa gắn với di tích đình làng được khôi phục, lễ hội Minh Thề đền Hòa Liễu mang một giá trị đặc biệt và hiếm có trên cả nước cũng được khôi phục từ năm 2003 đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời gắn kết cộng đồng ngày càng phát triển mạnh và bền vững.

Thực hiện đề án công trợ kinh phí chống xuống cấp DTLSVH xếp hạng cấp quốc gia giai đoạn (2008-2013), (2014-2018). Kết thúc giai đoạn 2008-2013 đã có 6 di tích được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn công trợ của thành phố kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa. Khi di tích được tu bổ, đồng thời hệ thống đường xá cũng được nâng cấp, mở rộng thuận tiện cho việc đi lại sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Trong các năm qua đã có rất nhiều đoàn nghiên cứu là cán bộ viện mĩ thuật, bảo tàng lịch sử quốc gia, bảo tàng mĩ thuật Việt Nam đã về Kiến Thụy để nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật thời Mạc tại các xã Thuận Thiên, Đại Hà, Thụy Hương, Đông Phương - nơi còn bảo lưu được nhiều di vật thời Mạc.

Toàn bộ hệ thống DTLSVH cấp quốc gia trên địa bàn huyện Kiến Thụy đã được kiểm kê, công tác lập hồ sơ di tích đã được triển khai tích cực mang tính khoa học, pháp lý cao. Chất lượng hồ sơ khoa học về di tích cũng như xếp hạng di tích ở Kiến Thụy được tổ chức một cách khoa học, thực hiện  đầy đủ theo yêu cầu, quy định của nhà nước.

Các hoạt động phổ biến kiến thức khoa học, tuyên truyền pháp luật được thực hiện tốt. Nhiều hình thức được thực hiện như tham quan di tích, nói chuyện chuyên đề, giảng dạy cho học sinh sinh viên, viết báo, sách, xuất bản các công trình nghiên cứu về di tích trở thành nguồn tài liệu chính thống và giá trị. Hàng năm UBND huyện Kiến Thụy, Phòng Giáo dục huyện đã tổ chức tuyên dương các học sinh, sinh viên giỏi có thành tích học tập xuất sắc tại Khu tưởng niệm vương triều Mạc. Công tác cán bộ được chú trọng, Các chuyên viên phòng Văn hóa Thông tin đều được đào tạo nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ.

2. Những mặt hạn chế của công tác quản lý di tích

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác quản lý DTLSVH ở huyện Kiến Thụy so với những yêu cầu thực tế thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác quản lý nhà nước và quản lý  nghiệp vụ trong lĩnh vực bảo tồn còn nhiều bất cập về cơ chế quản lý, phân cấp và phối hợp còn lỏng lẻo, thiếu sự phối kết hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban ngành, các cấp chính quyền địa phương. Thiếu sự phối kết hợp giữa các ban ngành quản lý di tích, cụ thể là phòng nghiệp vụ di tích của Bảo tàng Hải Phòng với phòng Thanh tra và chính quyền huyện, BQL di tích xã…nên đã chưa kịp thời  phát hiện xử lý kiên quyết những vi phạm đối với di tích, như xâm hại di tích và để tình trạng này kéo dài nhiều năm. Trong công tác quản lý, chỉ đạo không kịp thời để triển khai tôn tạo di tích, thủ tục cấp phép chậm chạp. Nhiều di tích bị xâm phạm trong quản lý đất đai, lấn chiếm xây dựng nhà ở, chiếm dụng công trình di tích để sử dụng không đúng mục đích.

 

Chùa Khánh Đối, Kiến Thụy, Hải Phòng (Nguồn: st)

                    

Hiện nay, đội ngũ làm công tác quản lý di tích của thành phố Hải Phòng cũng như huyện Kiến Thụy còn rất mỏng, họ phải thực thi khối lượng công việc vượt quá khả năng của mình. Qua tìm hiểu cho thấy, công tác quản lý di tích còn nhiều vấn đề cần thực hiện từ khâu điều tra phát hiện di tích, lập hồ sơ xếp hạng, tổ chức bảo vệ di tích, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị, cho tới các khâu khác như tuyên truyền pháp luật về bảo vệ di tích, huy động các nguồn vốn để tu bổ tôn tạo di tích, kiểm tra xử lý các vi phạm, khen thưởng và kỉ luật. Vì thế, việc thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn làm công tác tu bổ di tích là điều hết sức đáng quan tâm.

Do thiếu những am hiểu về tu bổ, tôn tạo di tích, nên đối với các di tích được trùng tu bằng nguồn vốn xã hội hóa nên người dân và người trông coi di tích thường có tâm lý thay thế nhiều cấu kiện mới và tâm lý muốn tu sửa với quy mô hoành tráng. Vì vậy một số di tích đã không giữ được các yếu tố nguyên gốc.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH có hiệu quả, trước hết cần phải cụ thể hóa các văn bản của cơ quan quản lý cấp trên; triển khai thực hiện như quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý di tích cơ sở; xin phép xây dựng, trùng tu sửa chữa trong di tích, tiêu chuẩn mới xếp hạng di tích, quy trình xin phép đưa đồ thờ tự công đức vào di tích, việc thẩm định các di vật cổ.

Việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp quy của nhà nước cần đồng bộ giữa Sở VH, TT& DL, Phòng VH & TT huyện với Ban văn hóa các xã để đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường công tác kiểm kê phân loại giám định các di vật trong di tích nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người trông nom di tích quản lý, bảo quản cũng như phát huy giá trị văn hóa của chúng trong đời sống của nhân dân.

Tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí đầu tư cho việc tu bổ tôn tạo di tích, nhất là các di tích cấp quốc gia. Việc khai thác giá trị văn hóa của hệ thống di tích cần phải được chú ý nhiều hơn nữa thông qua việc phối hợp với các cơ quan, đoàn thể nhằm tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị  văn hóa, lịch sử.

Phân cấp quản lý trực tiếp và toàn diện cho địa phương như hiện nay còn có nhiều bất cập. Việc này UBND cấp thành phố có thể phân cấp quản lý cho cấp huyện, xã nhưng không phải là quản lý toàn diện mà là quản lý từng mặt. Cần vận dụng những hình thức quản lý khác nhau nhằm sử dụng và bảo vệ di tích được tốt nhất. Đối với các di tích gắn với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng thì việc trông nom, hương khói có thể giao cho thủ từ, sư trụ trì hoặc những người trong dòng họ trông coi dưới sự bảo trợ, kiểm tra của chính quyền địa phương.

Sở VH, TT & DL thành phố Hải Phòng cần tăng cường công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở. Sớm nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể về văn hóa, trong đó chú ý đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tiến hành rà soát, kiện toàn, bảo quản hồ sơ, ảnh tư liệu, bản vẽ công trình kiến trúc của các di tích bằng công nghệ hiện đại, phục vụ công tác bảo tồn và tra cứu.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH.

Tích cực tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, giúp họ nâng cao ý thức, hiểu biết về việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa của quê hương mình; Phát hiện ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm mọi trường hợp hành nghề mê tín, lấn chiếm di tích đồng thời giải quyết dứt điểm những điểm nóng có liên quan, không để phát sinh những vụ việc mới.

Để việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân đối với công tác quản lý DTLSVH đạt được hiệu quả, trước hết cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy một cách đồng bộ, nhất quán; thường xuyên mở các lớp tập huấn về nội dung Luật Di sản văn hóa, Nghị định 90, 92, 70… mở rộng đối tượng được tham gia tập huấn kể cả quần chúng nhân dân làm cho Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp quy thực sự đi vào đời sống xã hội.

Hiện nay công nghệ thông tin ngày càng phát triển, mọi người đều có thể tiếp cận và với nhiều người nhất là giới trẻ hiện nay thì đây là phương tiện thường xuyên, không thể thiếu. Chính vì vậy, việc áp dụng công nghệ thông tin để giới thiệu truyền bá hệ thống di tích lịch sử của huyện Kiến Thụy là rất cần thiết. Hơn lúc nào hết, công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm về việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích cần phải được thực hiện tốt trong giai đoạn hiện nay. Việc tuyên truyền cần được xã hội hóa với nhiều hình thức đổi mới, phong phú, đa dạng nhằm xây dựng ý thức tự giác, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn các DSVH.

Cần quy hoạch cụ thể và tập trung trước hết vào các di tích đã xuống cấp trầm trọng và nằm trong vùng dân cư có nhiều khó khăn về kinh tế, khả năng huy động vốn xã hội hóa thấp, các di tích xuống cấp nghiêm trọng, di tích có kiến trúc gỗ, di tích nằm trong tuyến khai thác du lịch cũng như di tích bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật, tư liệu lịch sử có giá trị.

Cần có quy định trong các di tích không tiếp nhận công đức bằng hiện vật các loại, chỉ nhận công đức khi di tích còn thiếu nhưng phải phù hợp với di tích và với văn hóa truyền thống Việt Nam, được sự kiểm duyệt của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

Đối với cán bộ quản lý, cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa. Tạo điều kiện để cán bộ văn hóa cơ sở tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy di sản do huyện, thành phố, hay trung ương tổ chức. Cung cấp cho họ những tài liệu hướng dẫn về di sản văn hóa để họ được tiếp cận, nghiên cứu vận dụng phù hợp với địa phương. Thường xuyên mở lớp tập huấn về kiến thức bảo tồn cho cán bộ quản lý từ thành phố tới cơ sở. Coi trọng việc đào tạo nguồn lực cho hoạt động bảo tồn theo hướng chuyên sâu phù hợp với đặc thù ngành.

Việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, UBND huyện Kiến Thụy cần có chính sách đãi ngộ đối với người trực tiếp trông coi tại di tích. Hàng năm nên dành một khoản kinh phí nhất định cho đối tượng trông coi, bảo vệ di tích, hoặc ngành VH & TT có chính sách khen thưởng bằng tinh thần, vật chất một cách kịp thời để khích lệ, động viên các đối tượng này. Như vậy họ mới hăng hái, nhiệt tình để tiếp tục gắn bó bảo vệ và có trách nhiệm hơn với di tích.

Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý di tích cần phải tiến hành một cách khoa học, xây dựng thành kế hoạch kiểm tra từng thời điểm trong năm. Cơ quan chuyên môn có thể tiến hành kiểm tra định kì và cũng có thể tiến hành kiểm tra đột xuất. Qua đó sẽ thấy được những thành tựu cũng như tồn tại trong công tác quản lý ở cấp cơ sở, nhờ đó đưa ra được những phương hướng sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Quy định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân thành viên trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tiến hành kiểm tra chéo giữa các địa  bàn, khu vực để nâng cao hiệu quả hoạt động; đề ra cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH cấp quốc gia trên địa bàn huyện nhằm vừa khai thác các tiềm năng của văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được các DSVH và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương. Một vấn đề cũng rất quan trọng và cần thiết trong công tác thanh tra kiểm tra các di tích lịch sử văn hóa là việc tiếp nhận đơn thư tố giác tình trạng vi phạm di tích hoặc tình trạng xuất hiện những hoạt động lệch chuẩn, cơ quan chức năng cần phải lắng nghe cũng như lập đoàn công tác xuống địa bàn tìm hướng giải quyết kịp thời. Xã hội phát triển, nhu cầu của cuộc sống đặt ra nên đôi khi xuất hiện nhiều hoạt động lệch chuẩn gây ảnh hưởng đến di sản nói chung và di tích nói riêng. Tại di tích chùa Trà Phương đã xuất hiện tình trạng xây dựng trái phép, chùa Lạng Côn BQL DT tự ý đưa tượng Phật mới vào…Nếu không phát hiện kịp thời và có biện pháp giải quyết ngay từ khi họ mới vi phạm thì sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý sau này, thậm chí di tích sẽ còn bị xâm hại nghiêm trọng. Vì thế hoạt động thanh tra, kiểm tra luôn luôn cần phải được chú trọng, song hành với các biện pháp bảo tồn khác.

Di tích lịch sử văn hóa là một bộ phận cấu thành của DSVH, là tài sản vô giá của nhân loại và mỗi quốc gia, dân tộc. Huyện Kiến Thụy có hệ thống DSVH khá tiêu biểu, đặc biệt là hệ thống di tích lịch sử quốc gia. Cũng như các di tích khác trong cả nước, mỗi di tích quốc gia ở đây vừa là một bảo tàng nghệ thuật, vừa là thiết chế văn hóa, giáo dục, vừa là sân khấu hóa về vật thể. Mỗi di tích LSVH là một bức thông điệp mà các thế hệ đi trước đã để lại, thông qua đó gửi gắm những suy nghĩ về công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp xây dựng, giải phóng và bảo vệ đất nước, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có thể tìm lại lịch sử oai hùng của cha ông trên nhiều bình diện khác nhau. Việc quản lý nhằm giữ gìn những di sản văn hóa đó cho hôm nay và mai sau thể hiện sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân. Đó cũng là thể hiện cụ thể lòng yêu nước của thế hệ hôm nay bằng ý thức giữ gìn, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông.

 

                                                        

                                                    TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Chu Quang Trứ (2001),   Di sản văn hóa dân tộc trong tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Mỹ Thuật.

2.      Hoàng Vinh (1997), Một số vấn đề về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia.

3.      Nguyễn Thị Nguyên (2004), Quản lý văn hoá trong kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nxb Văn hoá thông tin.

4.      Nguyễn Đình Thanh (2008), Di sản văn hóa bảo tồn và phát triển, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

5.      Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (2014), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia.

6.      Trịnh Thị Minh Đức, Phạm Thị Thu Hương (2007), Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, Nxh Đại học quốc gia, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa