Nội san

Đặt tên tác phẩm tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật

17 Tháng Năm 2016

                                                                                    Nguyễn Thành Việt [*]

                                                      

Bài vẽ tranh sáng tác tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật là một sản phẩm tổng hợp chuyên ngành. Sau bốn năm làm quen, tập dượt với hoạt động sáng tác, mỗi sinh viên chọn cho mình một hướng thể hiện tác phẩm. Từ ý tưởng đến phác thảo, nghiên cứu thực tế, xây dựng nội dung và thể hiện chất liệu là một quá trình sáng tạo nghệ thuật chặt chẽ. Giá trị của tác phẩm hội họa nằm ở nội dung, tư tưởng được thể hiện qua tác phẩm. Tuy nhiên, tên gọi của tác phẩm lại chính là ấn tượng đầu tiên tác động tới người xem, đồng thời cũng thể hiện một cách khái quát chủ đề của tác phẩm và phân biệt nó với các tác phẩm khác. Bài viết này đưa ra một số gợi ý về việc đặt tên cho tác phẩm nhằm giúp sinh viên ngành Sư phạm Mỹ thuật có được một bài vẽ tranh sáng tác tốt nghiệp với chất lượng nghệ thuật tốt nhất.

1.         Một số cách đặt tên tác phẩm hội họa thường gặp

1.1.        Đặt tên theo đối tượng được phản ánh

Là cách đặt tên tranh lấy từ đối tượng chính mà tác giả muốn thể hiện. Cách đặt tên theo đối tượng phản ánh đơn giản, giúp người xem dễ hiểu, mang xu hướng hiện thực trong việc diễn tả đặc điểm đối tượng và cảm xúc của người vẽ.

Những tác phẩm phản ánh về đối tượng là những phiên chợ như: Chợ chiều, Chợ sớm, Chợ trưa, Chợ vùng cao, Chợ Bắc Hà, Phiên chợ trung du, Chợ Cát Bà, Phiên chợ vùng biên giới…vừa nói lên sự việc, gắn với địa chỉ, địa lí vừa có thể nhờ không gian, thời gian, thời tiết được phản ánh trong tranh để gợi cho người xem thấy nội dung ẩn chứa bên trong. Hay khi vẽ về đề tài sinh hoạt, tác giả có thể dùng những cái tên như: Lễ hội tháng  ba, Lên chùa, Lên đồng, Rước kiệu, xay lúa, Đêm giao thừa…. Đối với tranh chân dung, các tác giả lấy nhân vật đặt cho tên tác phẩm như: Em Thúy, mẹ Suốt, Anh Trỗi, Chị Sáu, Chị tôi, Hai chị em, Em bé H Mông, Hai mẹ con, Cha con…Với tranh phong cảnh, tên địa phương được tác giả dùng làm tên tranh, ngoài ra có thể gắn với thời điểm khác nhau như: sáng, trưa chiều, tối, bình minh, hoàng hôn hoặc trạng thái như: vui buồn, phấn khích, nhớ thương…hoặc có khi được gắn với màu sắc bằng những cái tên: Những cây cọ đỏ, Nắng vàng trên phố, Hạ trắng, Sóng xanh… vừa để phản ánh sự vật, hiện tượng vừa gợi chút cảm xúc, nghiêng sang hướng hình tượng hóa đối tượng.

1.2. Đặt tên theo quá trình sáng tác, cảm xúc, dấu ấn thời gian, không gian hoặc những hoài niệm

Cảm xúc, Cá, Tĩnh vật, Phong cảnh, Thiếu nữ, Môi son, Mùa đông, Quý bà, Trên phố, Thời đại mới và cuối cùng là số hóa: 1, 2, 3, 4 (Cảm xúc 1, Cảm xúc 2, Cảm xúc 3); Qúy bà 1, Quý bà 2, Quý bà 3…tùy theo số tranh tác giả muốn người xem tiếp cận lần lượt từng nội dung có tính liên tục, giàu tính trang trí, hình thức thể hiện theo mạch liên kết với nhau. Có khi tên tranh đặt là Vô đề (Vô đề 1, Vô đề 2, Vô đề 3); Thể nghiệm. Những cái tên như: Nhớ một chiều Tây Bắc, Nhớ Hội An, Tuổi thơ, Thời thơ ấu, Đồng dao, Khúc nhạc đồng quê, Đêm Trường xa, Nhớ biển, Điệu múa cổ, Trầm tích, Một cõi đi về, Khoảng lặng, Lặng nhìn cuộc sống, Ngày ấy, Quê ngoại, Một thời để nhớ, Nam tiến, Tây Tiến, Qua miền sang tối… gợi cho người xem phải suy ngẫm, cảm xúc dâng trào khi nhớ về một kỉ niệm, một khoảnh khắc hay một thời từng trải qua. Hay những trò chơi dân gian: Nu na nu nống, Chơi ô ăn quan, Bịt mắt bắt dê, Kéo co, Chơi chuyền chơi chắt, Chơi bi… cũng được dùng để đặt tên cho tác phẩm.

 

Tác phẩm: Vô đề (Tác giả: Đinh Tiến Hiếu)

 

1.3.        Đặt tên theo lối ví von, nhân cách hóa đối tượng phản ánh (thiên về hình tượng hóa)

Tính điển hình hóa, nhân cách hóa chính là biểu hiện của nghệ thuật nói chung, nghệ thuật hội họa nói riêng. Mượn cái này để nói lên cái kia, nhân cách hóa đối tượng, vẽ cái này nhưng gợi cho người xem hiểu thế kia,  diễn đạt ngôn ngữ tạo hình gợi cho người xem thấy có âm thanh, thời gian… Gợi cho trí tưởng tượng phong phú của người xem, mang tính tư duy hình tượng như: Ra phố, Hóa thân, Chiếc bàn làm việc của người trực ca…Vẽ cánh đồng lúa vàng và những người nông dân gặt lúa đặt tên Mùa vàng ta thấy ý nghĩa hơn bởi không chỉ màu vàng của lúa mà là thành quả lao động của con người quý như vàng, giá trị như vàng. Lấy đối tượng làm cái cớ để nói lên tâm tư nguyện vọng hay phản ánh thế giới hiện thực. Vẽ mấy cô bán hàng trong khung cảnh buổi chiều ế ẩm, tác giả lấy tên Xế chiều không chỉ nói về không gian, thời gian được diễn tả trong tác phẩm mà còn gợi tới tâm trạng của chính nhân vật trong tác phẩm.

1.4.        Đặt tên theo lối tạo hình

Tạo hình là yếu tố ngôn ngữ cơ bản của tác phẩm hội họa, cũng chính là hình thức thể hiện của tác phẩm; là tên gọi chỉ chung cho việc xây dựng và điều chỉnh ngôn ngữ tạo hình, các yếu tố như nhịp điệu, không gian, động tĩnh, chất cảm…Mỗi người có một lối tạo hình khác nhau vì thế nhờ đó đã tạo ra phong cách riêng, phân biệt với những tác giả khác.

Nhịp điệu vùng cao, Bồng bềnh, Những chấm trắng trên đồng, Giao hưởng, Giai điệu, Khoảng sáng, Thể nghiệm… là những tên tranh rất hiệu quả khẳng định được ý đồ tạo hình gắn với nội dung một cách chặt chẽ. Đặt tên tranh theo lối tạo hình có thể xuất hiện từ khi đặt bút vẽ, tác giả bám sát theo tên tranh mà xây dựng lối tạo hình, điều chỉnh phương pháp, bút pháp, diễn chất diễn hình…. Tên tranh theo lối tạo hình thường là người vẽ nắm chắc, vững vàng cách tạo hình rồi thể nghiệm, phát triển từ ý tưởng tạo hình đến nội dung. Vì thế tác giả phải nghiên cứu đơn giản, khái quát hình, màu, đậm nhạt hết sức chắt lọc (tối giản, tinh giản, giản lược) để xây dựng một hướng hình thức thể hiện riêng của mình 

1.5.        Đặt tên mang tính khát vọng

Đợi, Chờ, Ngày mai ơi, Ai ơi, E va trở về, Một ngày như mọi ngày, cảm hứng Đông Sơn, Tiếng thét, Bình minh trên phố, Tiếng Đồng vọng, Màu xanh, Thu đi... là những cái tên thể hiện khát vọng hướng người xem đạt tới lý tưởng thẩm mỹ sâu sắc với mong muốn giáo dục cảm hóa con người, hướng tới Chân –Thiện- Mỹ, mong muốn cải tạo thế giới hiện thực hoặc cũng có khi tiếc nuối những gì ngày hôm qua tươi đẹp đã mất. Đây là cách đặt tên khó nhưng rất hiệu quả nhờ đó mà nội dung tranh phong phú hơn, ví dụ “Đợi” của Nguyễn Quang Hưng, đối tượng là những bà mẹ bồng con chờ được khám bệnh; ngoài cái nhìn trực quan được thể hiện rõ nét, trong tranh người xem còn có thể cảm nhận được nội dung sâu xa ở đây chính là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ dành cho bà con dân tộc miền núi, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta phải làm gì để cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bớt khó khăn khổ cực, để khoảng cách đời sống giữa miền núi và miền xuôi ngày càng gần nhau hơn.

 

Tác phẩm: Đợi (Tác giả: Nguyễn Quang Hưng)

 

Tác phẩm Ngày mai ơi là cuộc sống tươi sáng phía trước mà con người muốn vươn tới. Vì vậy, dù khi đứng giữa ngã ba đường cần phải lựa chọn, con người cũng sẽ tìm thấy hướng đi đúng để có một cuộc sống đẹp hơn. Một này như mọi ngày thể hiện mong muốn một cuộc sống thanh bình, yên ả, không bị thay đổi, xáo trộn. Bên cạnh khát vọng cuộc sống hạnh phúc của con người còn là lời nhắn nhủ, nhắc nhở con người biết giữ gìn bản sắc, môi trường sống. Đô thị hóa phản ánh sự bành trướng, làm cho các tộc người thiểu số bị thu hẹp, họ không biết đi đâu, về đâu khi mà không gian văn hóa của họ phải nhường chỗ cho kiến trúc công nghiệp, hiện đại. Và quá trình đô thị hóa còn để lại dấu ấn trên trang phục của họ - thổ cẩm, họa tiết trang trí nay chỉ là những mảng hình kỉ hà của công nghệ dệt hiện đại.

 

Tác phẩm: Đô thị hóa (Tác giả: Nguyễn Thành Việt)

 

2.     Kết luận

Trên đây là một số cách đặt tên tranh thường gặp và sự phân loại trên chỉ mang tính tương đối. Nghệ thuật là sự chắt lọc những gì điển hình nhất của thế giới hiện thực. Vì vậy, tên tranh cũng cần ngắn gọn, súc tích nhưng phải thể hiện được cái hay, cái đẹp trong nội dung của tác phẩm, phải chuyển tải thông tin và hướng người xem thấy được ý tưởng cũng như nội dung của mỗi tác phẩm. Tên của tác phẩm hội họa còn chứa đựng một nỗi niềm tâm sự nào đó khiến người xem phải suy tư trăn trở, tìm hiểu những ẩn ý của tác giả thông qua hình tượng nghệ thuật.

 

 

____________________________

[*] ThS. Trưởng khoa Mỹ thuật cơ sở