Nội san

Đổi mới hoạt động thông tin, tuyên truyền tại trường đại học Y Hà Nội

19 Tháng Năm 2016

                                                  Phạm Thành Nguyên [*]

                                                 

        Công tác thông tin cổ động có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Do đó, người làm công tác này luôn phải có tư duy sáng tạo, đổi mới cả về quy mô và nghệ thuật tuyên truyền. Đặc biệt tùy theo từng giai đoạn lịch sử, tùy thời điểm thích hợp, người làm công tác tuyên truyền cần đưa ra những dự báo trước chính xác về công tác tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là đối với loại hình cổ động trực quan.

        Thông tin, tuyên truyền là một nguồn lực quan trọng trong các trường Đại học nói chung, với Đại học Y Hà Nội nói riêng. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền trong những năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội đã chú trọng tới đội ngũ làm công tác thông tin tuyên truyền trong Nhà trường. Thông tin tuyên truyền là phương tiện quan trọng để phổ biến, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề thời sự lớn của đất nước và quốc tế, những vấn đề mới đặt ra trong sự nghiệp đổi mới, qua đó giúp nâng cao nhận thức, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội trong công tác, học tập và mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần cùng các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Thông tin, tuyên truyền là công cụ để định hướng tư tưởng, hướng dẫn suy nghĩ và hành động cho toàn xã hội, góp phần quan trọng để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.

        Trong thời đại công nghệ thông tin, sự phát triển mạnh của các loại hình báo chí, nhất là báo mạng và truyền hình, công tác thông tin cổ động cũng phải thích ứng, sáng tạo, để đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình hiện nay. Có thể nêu một số vấn đề sau:

Một là, Nâng cao hiệu quả của đội ngũ làm công tác tuyên truyền trong tình hình hiện nay

        Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các Phòng, Ban liên quan biên soạn tài liệu, bổ sung các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của Trường trong từng giai đoạn về công tác thông tin tuyên truyền.

        Xây dựng kế hoạch phối hợp công tác giữa các tổ chức đoàn thể trong Trường: Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Tiểu ban Tuyên giáo, tổ Thông tin và Truyền thông, phòng Tuyên huấn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên.... về lĩnh vực thông tin tuyên truyền, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức.

        Nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo các Phòng, Ban, Đoàn, Hội về công tác thông tin tuyên truyền tại Đại học Y Hà Nội. Thực tiễn cho thấy, thành công cũng như hạn chế đối với công tác thông tin tuyên truyền còn phụ thuộc vấn đề nhận thức của đối tượng tiếp nhận. Vì thế, các đơn vị phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nhận thức vai trò công tác thông tin tuyên truyền đối với cán bộ, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên.

        Chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền các cấp thuộc Trường Đại học Y Hà Nội. Có thể nói hiệu quả công tác tuyên truyền phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác này. Cán bộ tuyên truyền là chủ thể của mọi hoạt động tuyên truyền, do đó, nếu không xây dựng được một đội ngũ cán bộ am hiểu sâu sắc về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giàu nhiệt tình cách mạng thì khó mang lại hiệu quả mong muốn cho công tác này trong điều kiện mới. Đặc biệt, đối với công tác tuyên truyền của Trường Đại học Y Hà Nội hiện nay, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng là yêu cầu cấp thiết.

Phát huy vai trò của người làm công tác thông tin tuyên truyền tại Trường Đại học Y Hà Nội, cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách, cập nhật phản ánh các hoạt động của Trường, hướng dẫn các đơn vị triển khai các kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp nội dung và tình hình mới.

Tăng cường cả về số lượng và chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên của cơ quan, đơn vị. Cần có kế hoạch bố trí, bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Việc cung cấp thông tin tuyên truyền, tài liệu văn bản là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền.

Hai là, Đổi mới nội dung tuyên truyền, đảm bảo tính định hướng, phong phú và hấp dẫn

         Tích cực tuyên truyền, động viên, khích lệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tự giác, sáng tạo thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để họ có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và chủ nghĩa xã hội.

        Nâng cao hiệu quả việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đưa cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu. Cán bộ lãnh đạo nhà trường phải là những tấm gương trong "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", lời nói gắn liền với việc làm, "học tập" phải đi đôi với "làm theo".

        Tuyên truyền kiến thức về quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nâng cao cảnh giác cách mạng tiến hành kiên quyết, phối hợp đồng bộ nhằm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chiến lược "diễn biến hòa bình" trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế - xã hội...; ngăn chặn, đầy lùi những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

        Công tác thông tin tuyên truyền phải luôn luôn chú trọng tính định hướng, tính thuyết phục, tính hiệu quả. Hoạt động thông tin tuyên truyền tại Đại học Y Hà Nội phải bám sát thực tiễn, phải gắn với ngành y, với công tác khám chữa bệnh, công tác phòng, chống bệnh, dịch, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình, an toàn thực phẩm, những rủi ro và tai biến trong y khoa…; gắn với trường học: cụ thể là việc học tập, nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên; gắn với công tác giảng dạy và đào tạo; bên cạnh các hoạt động văn hóa, xã hội, nhu cầu giải trí: văn hóa, văn nghệ, thể thao...

        Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến giữa lãnh đạo Nhà trường với học viên, sinh viên; chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời những diễn biến tư tưởng, tâm tư, tình cảm của cán bộ, viên chức, người lao động và học viên, sinh viên.

        Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thực hiện phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu". Nhân rộng và tạo sức lan tỏa lớn các gương điển hình, tiên tiến, nhân tố mới; giữ gìn những giá trị nhân văn cao đẹp trong cuộc sống...

Ba là, Đổi mới hình thức tuyên truyền kết hợp với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hiện đại hoá phương tiện tuyên truyền

        Đổi mới phương thức thông tin tuyên truyền, tạo tính tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu, nhận thức bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, hình thành ý thức tự giác, thói quen học tập nâng cao trình độ trong cán bộ, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.

        Công tác tuyên truyền miệng: là một hình thức đặc thù trong công tác tư tưởng của Đảng; là kênh thông tin chính thống, trực tiếp truyền bá sâu rộng Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến học viên, sinh viên; thông báo kịp thời, có định hướng các vấn đề thời sự quan trọng của thành phố, trong nước, quốc tế… Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác này.

        Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, xuất bản: cần phải đồi mới theo hướng phong phú, đa dạng, sinh động, phù hợp với đặc điểm đối tượng, tăng cường sử dụng các hình thức phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại. Tăng cường giáo dục học viên, sinh viên thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại và hệ thống báo chí, xuất bản của Trường Đại học Y Hà Nội. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về nội dung giáo dục lý tưởng Cách mạng, đạo đức, lối sống; nêu gương người tốt, việc tốt, đặc biệt là những tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống; Tăng cường số lượng và chất lượng các bài viết, buổi phát thanh, phát hình về nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; Mở rộng các cuộc đối thoại giữa các thế hệ, giữa những người có uy tín xã hội trên các lĩnh vực với thanh niên trên các phương tiện báo chí, phát thanh và truyền hình; Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền thanh của Trường Đại học Y Hà Nội; Tổ chức các hình thức thi tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử của đất nước, dân tộc, truyền thống của ngành y, truyền thống Đại học Y Hà Nội trên các phương tiện truyền thông đại chúng; Tăng cường xuất bản các loại sách, truyện mang tính giáo dục cao, định hướng xây dựng lối sống văn hóa, phổ biến kiến thức, kỹ năng sống.

        Tuyên truyền thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ: Tăng cường định hướng tuyên truyền thông qua các loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật. Định hướng cho học viên, sinh viên phát triển loại hình văn hóa hiện đại mang tính khoa học và nhân văn, tham gia bảo tồn và phát triển các lễ hội văn hóa; tổ chức các điểm văn hóa học viên, sinh viên theo cụm dân cư; tổ chức các hội thi, hoạt động văn hóa dân gian; tổ chức các cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật dành cho học viên, sinh viên. Phát huy hình thức liên kết trong tổ chức hoạt động, chào mừng các ngày lễ lớn trong năm như ngày thành lập Đảng 3/2, ngày truyền thống ngành Y tế 27/2, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Lễ mừng Quốc khánh 2/9, lễ Khai giảng năm học mới, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11,...

        Khai thác và sử dụng triệt để mạng internet phục vụ công tác tuyên truyền: có nhiều cách thức khác nhau để thực hiện tuyên truyền trên mạng internet. Đưa các tài liệu tuyên truyền lên mạng internet là chuyển nội dung của các ấn phẩm tuyên truyền đã xuất bản (sách, đặc san, tờ gấp, tờ rơi, băng casset, đĩa hình, đĩa tiếng…) thành dữ liệu điện tử và đăng tải dữ liệu đó trên mạng internet; Tổ chức giao lưu trực tuyến: là hình thức đối thoại qua mạng internet, là dịp để những người tham gia bày tỏ, trao đổi những quan điểm của mình về những vấn đề cụ thể; Xây dựng nội dung thông tin tuyên truyền trên mạng internet: bước này bao gồm các thao tác như thu thập thông tin, biên soạn tài liệu, cung cấp ảnh (nếu có). Nội dung thông tin càng phong phú càng hấp dẫn được độc giả. Thông tin nên được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, có hình ảnh minh họa sinh động và cần được cập nhật thường xuyên để tạo ấn tượng mới cho trang Website; Thiết kế giao diện, hình thức trình bày: một giao diện Website được thiết kế khoa học, hợp lý sẽ thể hiện rõ được ý tưởng, mục đích của việc tuyên truyền. Quảng bá giới thiệu địa chỉ tuyên truyền trên mạng internet: mục đích của công việc này là để nhiều người biết và truy cập vào trang Web

         Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực quan: Pa nô, băng rôn, poster, áp phích, tờ rơi. Khai thác hiệu quả báo giấy thông qua việc đặt mua báo, tạp chí chính thống, báo ngành y, cung cấp cho các đơn vị trong Nhà trường.

        Những năm qua, Đại học Y Hà Nội là ngôi trường luôn coi trọng công tác thông tin tuyên truyền. Thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền đã có những tác động thay đổi ý thức cũng như nhận thức của cán bộ, giảng viên, sinh viên; đào tạo các thế hệ bác sĩ, nguồn nhân lực y tế, đã có những đóng góp nhất định cho đất nước những năm trường kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, hoạt động thông tin, tuyên truyền trong xã hội diễn biến phức tạp, tác động đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên. Do vậy, tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền là một kênh quan trọng tại Trường Đại học Y Hà Nội.

        Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, công tác quản lý thông tin, tuyên truyền của Nhà trường cần đổi mới hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò hết sức quan trọng, đồng thời đề ra các giải pháp triển khai, thực hiện cụ thể trước tình hình mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2006), Tài liệu học tập Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Hồ Chiếu, Phan Văn Thọ (dịch) (1983), Tuyên truyền miệng – Lý luận – tổ chức – phương pháp, Nxb Hà Nội.

3. Cục Văn hóa Thông tin cơ sở (1997), Sổ tay công tác Văn hóa - Thông tin, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

4. Văn hóa Thông tin cơ sở (1998), Công tác Thông tin cổ động Triển lãm, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa