Nội san

Quản lý hoạt động văn hóa - thể thao tại Cung văn hóa thiếu nhi Quảng Ninh

20 Tháng Năm 2016

 Bùi Thị Vân Anh [*]

 

Quảng Ninh nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải  Phòng - Quảng Ninh. Cùng với sự phát triển của cả nước trong quá trình hội nhập, Quảng Ninh đang có những bước khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội; các hoạt động trao đổi văn hóa giữa các vùng miền, quan hệ quốc tế ngày càng phong phú, đa dạng...

Cung văn hóa thiếu nhi (CVHTN) Quảng Ninh đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng, là nơi tập hợp thiếu nhi thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện năng khiếu thiếu nhi, tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao…

Theo khảo sát của tác giả, cung VHTNQN hiện có gần 30 môn học được giảng dạy. Bên cạnh các môn truyền thống có ngay từ ngày đầu thành lập, Cung còn có những môn mới được tổ chức thêm trong quá trình hoạt động đáp ứng nhu cầu của thiếu nhi như: Vovinam, khiêu vũ thể thao, bellydance, tin học, kỹ năng sống, soroban...Số lượng học sinh đông nhất là trong dịp hè, năm sau luôn cao hơn năm trước, riêng các lớp bơi cơ bản hè năm 2015 có 870 em theo học, đông nhất từ trước tới nay.

Khi tìm hiểu về nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ngoài giờ học, 400 em học sinh của thành phố Hạ Long từ 8-14 tuổi bao gồm cả nam và nữ, có địa điểm sống gần với CVHTN đang tham gia học tập sinh hoạt và học tập, vui chơi tại Cung thể hiện tổng hợp qua phiếu thăm dò ý kiến: Các em đến học tập, vui chơi tại Cung khá dài, các em đã yêu thích và gắn bó với hoạt động của Cung thể hiện ở con số 199 em có thời gian sinh hoạt từ 1 năm trở lên, nhiều em đã học tại Cung trên 4 năm. Điều đó đã chứng minh được các hoạt động của Cung hiện nay đã đáp ứng nhu cầu học tập, mong muốn được tham gia hoạt động tập thể của các em.          

Tiến hành tìm hiểu sâu về đánh giá của các em học sinh khi học tập và sinh hoạt ở Cung được biết  94 % các em  thấy thiết thực khi tới học tập, tuy nhiên vẫn còn 6 % học sinh cho rằng hoạt động ở mức bình thường.

 

Ảnh: Lớp Việt võ đạo Cung VHTN Quảng Ninh giao lưu với đoàn

Thiếu sinh quân Ấn Độ năm 2015 (Nguồn: st)

 

Cán bộ phụ trách và giáo viên của Cung là những thầy cô được đào tạo cơ bản có trình độ và nhiều thành tích trong lĩnh vực hoạt động văn hóa -  thể thao. Qua thăm dò ý kiến, các em đánh giá cao về chất lượng giảng dạy, thầy cô yêu mến học sinh; các em cảm nhận và đánh giá các thầy cô nhiệt tình giảng dạy là 92%, tôn trọng yêu mến học sinh là 100%.

Nhu cầu chủ yếu của các em học nhóm bộ môn kỹ năng cao nhất là bơi, soroban, kỹ năng sống, khiêu vũ.  Nhóm các môn kỹ năng này thu hút đến 70 % số học sinh. Riêng đối với môn nhạc cụ dân tộc có ít nhất số học sinh lựa chọn (8 em). Có thể từ con số trên cho thấy nhu cầu của học sinh và phụ huynh hướng dần đến các nhóm kỹ năng giúp các học sinh phát triển khả năng hòa nhập, tham gia các hoạt động tập thể, hiện đại, những môn học truyền thống có xu hướng giảm học sinh trong những năm gần đây.

Ngoài đào tạo cho các em thiếu nhi ra, Cung còn có các Câu lạc bộ của thanh niên, nhân dân thuộc nhiều lứa tuổi tới sinh hoạt như: CLB Aerobic, khiêu vũ cổ điển, Yoga, tennis, bóng bàn gia đình được chia thành các khung giờ khác trong ngày, chủ yếu từ 17h00 - 21h00...

Đối với một Cung, Nhà thiếu nhi thì hoạt động Đoàn - Đội là một nội dung trọng tâm. Nhiều năm liên tục Cung tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho cán bộ phụ trách làm công tác thiếu nhi của tỉnh, cán chỉ huy đội các cấp. Theo đó, chất lượng giáo viên phụ trách và chỉ huy đội ngày càng được nâng cao, việc bồi dưỡng được tiến hành đều đặn hàng năm, góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động Đoàn - Đội trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm đã có 850 cán bộ, giáo viên và 950 em học sinh được tham gia các lớp tập huấn công tác Đội. Đào tạo được 17 đội  nghi thức cấp huyện và 14 đội cấp Liên đội với trên 700 em tham gia, ngoài ra còn nhiều khóa học trải nghiệm, sân chơi khác thu hút các em học sinh.

Có thể thấy, Cung đã có sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, cán bộ con người dành cho công tác quản lý hoạt động văn hóa - thể thao. Thường xuyên chỉ đạo, xây dựng và triển khai các kế hoạch hoạt động, các phong trào thi đua nhân các dịp Lễ, ngày truyền thống trọng đại của dân tộc và của Đoàn, Đội qua đó góp phần tạo nên sân chơi phong phú cho hoạt động thiếu nhi.

Các cán bộ công nhân viên (CBCNV), thầy cô giáo năng lực, tâm huyết, tận tâm với nghề, yêu trẻ, tích cực trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ góp phần nâng cao nghiệp vụ công tác Đội cho đội ngũ làm công tác thiếu nhi của tỉnh; nghiên cứu các mô hình phù hợp với từng nhóm đối tượng phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, thị hiếu của học sinh.

Tuy nhiên công tác nắm bắt nhu cầu của thiếu nhi đôi khi chưa bắt kịp với những chuyển biến trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu, sở thích và sự biến đổi trong đời sống tâm sinh lý của thiếu nhi, phương pháp giảng dạy còn nghèo nàn, xơ cứng, một số môn chưa thu hút được sự quan tâm, yêu thích. Trình độ nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung, còn hạn chế về khả năng sư phạm với trẻ em…Về cơ chế, chính sách của nhà nước liên quan đến đầu tư CSVC, chế độ cho cán bộ, giáo viên từ góc độ nhà quản lý chưa nhìn một cách đúng đắn vai trò của hoạt động văn hóa nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động. Công tác thi đua khen thưởng của hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi của tỉnh Quảng Ninh còn bỏ ngỏ bởi cấp huyện còn nhiều bất cập, cần có một sự thống nhất trong cơ chế chính sách dành cho thiết chế văn hóa thiếu nhi tại tỉnh Quảng Ninh. Xuất phát từ những hạn chế còn tồn tại nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động văn hóa - thể thao tại Cung văn hóa thiếu nhi Quảng Ninh

Thứ nhất, về quản lý, chỉ đạo

Cần có sự định hướng sâu sắc hơn các nội dung giáo dục, nhất là về lý tưởng, đạo đức lối sống, văn hóa, thể chất hướng thiếu niên nhi đồng vươn tới giá trị chân - thiện - mỹ. Cụ thể như phải hiểu biết về truyền thống dân tộc, những giá trị văn hóa dân tộc, các dân tộc, nét văn hóa vùng miền, nghệ thuật cơ bản… Chấn chỉnh, kiểm soát các loại đồ chơi, thông tin trên mạng Internet, quản lý ấn phẩm, báo chí, truyện, tranh ảnh, phim, đĩa dành cho trẻ em nhằm hạn chế việc trẻ em tham gia vào các hoạt động tiêu cực.

Nhà nước cần có các chính sách phân bổ và giám sát việc sử dụng ngân sách cho các khu vui chơi giải trí

Thứ hai, về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý

Cần lựa chọn cán bộ quản lý phải có tâm và có tầm, yêu thích trẻ, có kiến thức chuyên sâu về văn hóa - thể thao; có sự chuẩn bị đầu tư và xây dựng bền vững lâu dài công tác cán bộ. Bên cạnh đó cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên vững vàng, có uy tín đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục, nhất là các vận động viên, nghệ sỹ tại Quảng Ninh để tăng cường lực lượng trong các dịp hè.

Thứ ba, đối với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ

          Cần có tính toán kỹ cơ sở vật chất hiện tại trong quá trình đợi đầu tư, xã hội hóa một số mô hình nhỏ phù hợp để tăng thêm hoạt động cho học sinh, sử dụng CSVC sẵn có trong khi đợi đầu tư Cung mới. Bố trí và xây dựng các mô hình câu lạc bộ mới hướng đến đối tượng thanh niên, liên kết với các trường học trên địa bàn để tận dụng tối đa hoạt động bể bơi.

Nghiên cứu sâu nắm bắt nhu cầu của thanh thiếu nhi từ đó giúp cho nhà quản lý hoạch định được chiến lược lâu dài và kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn cụ thể phù hợp với điều kiện địa phương nhất là trong thời gian tới Cung sẽ trở thành Cung Thanh thiếu nhi.

Có hình thức phân rõ lứa tuổi học sinh, tránh trường hợp trong lớp học sinh chênh lệch từ 3 tuổi trở lên, hạn chế khả năng tiếp thu và kết quả học tập; cần xây dựng các mô hình hoạt động Đội, sinh hoạt sao làm mẫu cho cơ sở, các cuộc thi để các em thiếu nhi không tới sinh hoạt tại Cung cấp tỉnh đều có cơ hội tham gia hoạt động, sân chơi theo mô hình của cung.

Thứ tư, về công tác thanh tra, kiểm tra, và thi đua khen thưởng

Cung thiếu nhi cần có phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác chỉ đạo của ngành giáo dục để sắp xếp cân đối lịch sinh hoạt, học tập khoa học kiến thức văn hóa và định hướng để học sinh tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao ngoài giờ góp hiệu quả nhất.

Cần bám sát chỉ đạo của cấp trên, định hướng hoạt động theo chỉ đạo của ngành chủ quản, khuyến khích những cách làm hay, đổi mới sáng tạo, hiệu quả, cụ thể và thiết thực. Công tác thi đua khen thưởng cần được tiến hành công khai, dân chủ và kịp thời để động viên các tập thể cá nhân; lấy kết quả thi đua khen thưởng là một trong những tiêu chí để động viên cán bộ xét bổ nhiệm, cử đi đào tạo nâng cao...

Có thể nói, hoạt động văn hóa có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với thiếu nhi. Thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi chính là môi trường giáo dục ngoài nhà trường cần thiết để các em học sinh được rèn luyện về thể chất, tinh thần, trở thành những con người toàn diện - chủ nhân tương lai của nước nhà.

Từ những vấn đề nêu trên, trong thời gian tới Cung VHTN Quảng Ninh cần có các hướng giải pháp cụ thể, thiết thực trong việc quản lý hoạt động văn hóa - thể thao để nâng cao chất lượng hoạt động, giúp các em thiếu nhi có nhiều cơ hội tốt hơn được học tập, sinh hoạt vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó vấn đề đặt ra là cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, đưa ra những chính sách, cơ chế phù hợp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi, các doanh nghiệp, xã hội cần chung tay góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho các mô hình hoạt động vì trẻ em.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.            Bộ Chính trị (2012), “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Chỉ thị số 20 ngày 05 tháng 11 năm 2012, Hà Nội.

2.            Bộ Giáo dục và đào tạo (1998), Giáo dục hệ thống giá trị đạo đức - nhân văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.            Chính phủ (2010), Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 1991-2000; 2001-2010, Hà Nội.

4.              Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Văn kiện hội nghị lần IV Ban chấp hành TW Đảng khoá VII. Đổi mới công tác giáo dục - đào tạo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5.             Đảng cộng sản Việt Nam (2012), Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6.             Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín BCHTƯ khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

7.             Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tỉnh Quảng Ninh (2015), Báo cáo tổng kết hoạt động Cung văn hóa thiếu nhi giai đoạn 2010 - 2015, Quảng Ninh.

8.             Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh (2012), Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2012 - 2017, Quảng Ninh.

9.            Hội đồng Đội tỉnh Quảng Ninh (2015), Báo cáo tổng kết công tác Đội năm học 2014 - 2015, Quảng Ninh.

10.           Hội đồng Đội tỉnh Quảng Ninh (2015), Chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm 2015, Quảng Ninh.

11.           Hội đồng Đội Trung ương (2016), Báo cáo hoạt động Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi toàn quốc năm 2015, Hà Nội.

 

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa