Nội san

Quản lý lễ hội truyền thống ở huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội

23 Tháng Năm 2016

Nghiêm Thị Hường [*]

 

Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử, là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, dân tộc. Người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị “Thần” - những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại.

Phú Xuyên là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa. Phú Xuyên có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đặc sắc và đa dạng. Trong kho tàng di sản văn hóa đó, lễ hội truyền thống chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Các lễ hội truyền thống ở Phú Xuyên khá phong phú, đa dạng về loại hình, về mức độ phân bố, phản ánh sự thích nghi, lối ứng xử của cộng đồng cư dân đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Trong lễ hội ở Phú Xuyên có nhiều nghi lễ, cổ tục, diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian đặc sắc, phản ánh sự đa dạng văn hóa của cộng đồng cư dân Phú Xuyên trong tiến trình lịch sử. Nằm trong vùng văn hóa đồng bằng sông Hồng, Phú Xuyên mang đậm nét văn hóa nông nghiệp lúa nước mà điển hình là cơ cấu tổ chức làng xã truyền thống của Việt Nam với các lễ hội truyền thống. Phú Xuyên là vùng đất đậm đặc những dấu tích lịch sử với 112 di tích văn hóa được các cấp công nhận và xếp hạng. Phú Xuyên cũng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng. Nhiều làng xã có các nhà khoa bảng, các vị đỗ đạt làm rạng danh cho non sông đất nước. Bên cạnh đó, Phú Xuyên còn được mệnh danh là vùng đất trăm nghề, với nhiều nghề thủ công nổi tiếng.

Toàn huyện có 51 lễ hội truyền thống. Trong đó có 4 lễ hội diễn ra tại đền, 44 lễ hội diễn ra tại Đình,  2 lễ hội diễn ra tại chùa. Tất cả các lễ hội này được tổ chức với quy mô cấp xã, thôn.  Các lễ hội truyền thống ở Phú Xuyên thường tập trung vào mùa xuân và mùa thu với địa điểm diễn ra lễ hội truyền thống thường là ở đình, đền, chùa. Lễ hội ở Phú Xuyên tái hiện và gắn liền với sinh hoạt nông nghiệp của cư dân. Một số lễ hội đã được nghiên cứu, khôi phục trở lại sau nhiều năm gián đoạn. Nội dung hoạt động của các lễ hội được ghi lại qua các tục lệ, qua các tài liệu thư tịch hoặc văn bia ít nhiều đều gắn với kinh tế nông nghiệp; các hoạt động tế lễ, rước, các bài văn tế, các trò diễn đều có sự gắn kết với nông nghiệp, với nền văn minh lúa nước. Hoạt động lễ hội cũng rất đa dạng với rất nhiều cuộc thi phản ánh nét sinh hoạt xưa của cư dân nông nghiệp như thi cỗ, thổi cơm thi.Trong lễ hội truyền thống ở Phú Xuyên thường có các trò chơi dân gian độc đáo, các hình thức diễn xướng dân gian độc đáo.

 

Ảnh: Lễ hội truyền thống chùa Phổ Am (Nguồn: tác giả)

 

Với tư cách một di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống là một đối tượng nghiên cứu mà tiếp cận nó sẽ giải quyết được những vấn đề lý luận, lịch sử, văn hóa. Nghiên cứu quản lý lễ hội truyền thống không những chỉ giải đáp được những câu hỏi liên quan đến những vấn đề của bản thân lễ hội truyền thống mà còn đóng góp vào quá trình nghiên cứu lễ hội với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Những lễ hội truyền thống diễn ra trên địa bàn Huyện đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh, làm phong phú them đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân. Các hoạt động lễ hội đã khơi dậy ý thức cộng cảm, niềm vui được hòa nhập với cộng đồng, hướng về cội nguồn, hướng con người tới cái thiện. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống đã góp phần giữ gin và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương thông qua việc khôi phục và duy trì nhiều hình thức diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian độc đáo, đặc sắc như: chạy lợn, hò cửa đình, múa Bài bông, tế thánh,…Ngoài những trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia thì tại các lễ hội truyền thống còn có các hoạt động văn hóa, thể thao như: giao lưu các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, ca trù, rối nước) và các giải thể thao truyền thống như: đấu vật, bắn nỏ, bong truyền thu hút ngày càng đông du khách đến tham gia dự lễ hội truyền thống.

Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của di tích của lễ hội truyền thống đã góp phần nâng cao ý thức của người dân nhất là thế hệ trẻ để họ không chỉ tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương mà còn giúp họ ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công “hộ quốc an dân”.

Lễ hội là món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống của con người. Lễ hội là sự cộng hưởng các giá trị về mặt lịch sử, phong tục, văn chương, nghệ thuật, là bảo tàng sống về các giá trị tinh thần, dân chủ, nhân văn đã được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là sự thỏa mãn các nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, giải trí. Đó là nhu cầu giao lưu, học hỏi, là sự đoàn kết. Quan trọng nhất là nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa góp phần nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư. Trong lễ hội, tất cả mọi người không phân biệt tầng lớp, đẳng cấp, giới tính, tuổi tác… đều được tham gia, đều có thể cất lên tiếng nói của mình, bình đẳng, vô tư. Lễ hội luôn mang tính thiêng với hạt nhân là sự sùng bái một nhân vật lịch sử hoặc một vị thần thánh, qua đó giáo dục cách ứng xử có văn hóa của con người với thiên nhiên môi trường, với cội nguồn quá khứ, với con người. Lễ hội là một cách giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” rất hiệu quả.

Lễ hội ở Phú Xuyên có những đặc điểm nổi bật đó là: Đa số lễ hội ở Phú Xuyên tập trung vào mùa xuân; lễ hội gắn với di tích đình, đền, chùa; lễ hội là sự tái hiện và gắn liền với sinh hoạt nông nghiệp của cư dân; lễ hội có những trò chơi dân gian, hình thức diễn xướng dân gian độc đáo.

 

Ảnh:  Lễ hội đình Giẽ Thượng  (Nguồn: tác giả)

 

Thực tiễn công tác quản lý lễ hội truyền thống ở Phú Xuyên những năm qua về cơ bản có nhiều ưu điểm. Bộ máy quản lý được hình thành, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Cơ chế quản lý phân cấp đồng bộ, khá hiệu quả. Mô hình quản lý lễ hội có sự kết hợp giữa vai trò tự quản của cộng đồng với sự hỗ trợ của nhà nước là mô hình khá hiệu quả ở huyện Phú Xuyên. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội được chú ý và triển khai với nhiều nội dung, trong đó Phú Xuyên tập trung vào tuyên truyền, nghiên cứu sưu tầm để khôi phục lại những lễ hội truyền thống đặc sắc và mở rộng quảng bá để lễ hội trở thành tiềm năng trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những biểu hiện tích cực thì lễ hội truyền thống ở Phú Xuyên cũng có nhiều nhược điểm. Đó là xu hướng hiện đại hóa, thương mại hóa lễ hội, hiện tượng lợi dụng niềm tin tôn giáo và lễ hội để mưu lợi bất chính và vi phạm pháp luật trong lễ hội.

Từ việc áp dụng mô hình quản lý lễ hội phù hợp cùng với sự phân cấp rõ ràng trong quản lý, các hoạt động quản lý lễ hội ở Phú Xuyên đều được triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả cao nên hầu hết các lễ hội truyền thống của huyện vẫn giữ được bản sắc, tổ chức theo hướng gọn nhẹ, trang nghiêm, tiết kiệm. Bên cạnh những ưu điểm trên đây thì công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở Phú Xuyên vẫn còn nhiều hạn chế như: thiếu chiến lược lâu dài và sự đồng bộ trong bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội, chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của lễ hội, đội ngũ cán bộ còn yếu, không ổn định, quá trình trùng tu, tôn tạo di tích ở một số nơi đã làm mất đi giá trị nguyên gốc, ảnh hưởng tới không gian thiêng của lễ hội.

Trong xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, sự biến đổi của lễ hội truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý. Sự đơn điệu hóa, trần tục hóa, thương mại hóa,… làm cho lễ hội biến đổi mạnh mẽ cả về chức năng, mục đích, cấu trúc và chịu nhiều tác động từ kinh tế, chính trị, xã hội đương thời. Bởi vậy, định hướng cho các nhà quản lý lễ hội được đưa ra trong đó nhấn mạnh cần phải bám sát thực tiễn, rút kinh nghiệm trên cơ sở lý luận về quản lý lễ hội để đưa ra mô hình quản lý hiệu quả để quản lý lễ hội có sự định hướng của nhà nước nhưng không làm mờ nhạt vai trò chủ thể của cộng đồng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Toan Ánh (2005), Nếp cũ hội hè đình đám, Nxb Trẻ, Hà Nội.

2.  Ban chấp hành Trung ương Đảng (1998), Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Hà Nội.

3.   Ban chấp hành Trung ương Đảng (2009), Kết luận số 51-KL/TW ngày 12/05/2009 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Hà Nội.

4.   Ban Bí Thư TW Đảng (2015), Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 về tăng cường các biện pháp giữ gìn, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông; khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các lễ hội, Hà Nội. 

5.   Ban Bí thư TW Đảng (2015), Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/03/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030, Hà Nội.

6.  Bộ Văn hóa Thông tin (1988), Quy chế mở hội truyền thống ban hành kèm theo Qđ số 54/VHQH ngày 04/10/1988.

7.   Bộ Văn hóa Thông tin (1988), Chỉ thị 27-CT/TW ngày 21/1/1998 về việcthực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

8.      Bộ Văn hóa - Thông tin (2001), Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/08/2011 về việc ban hành quy chế tổ chức lễ hội, Hà Nội.

9.      Bộ Văn hóa Thông tin (2004), Tài liệu học tập bồi dưỡng kiến thức quản lý ngành văn hóa thông tin, Hà Nội. 

10.   Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2015), Công văn số 556/BVHTTDL-VHCS ngày 12/02/2015 về việc tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa