Nội san

Quản lý di tích, lễ hội đền Kỳ Sầm tại xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng

01 Tháng Sáu 2016

 Nông Linh Hương [*]

 

            Cao Bằng một mảnh đất xa xôi, địa đầu của Tổ quốc, là một tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam. Đây là một vùng đất có lịch sử truyền thống, văn hóa lâu đời với sự sinh sống của nhiều dân tôc anh em. Mỗi một dân tộc mang những nét đặc trưng riêng về phong tục tập quán được thể hiện trong đời sống sinh hoạt, văn hóa tâm linh và đặc biệt là trong các lễ hội truyền thống. Các lễ hội ở đây thường được gắn liền với các ngôi đền, chùa, miếu… và được tổ chức hàng năm vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các di tích, lễ hội tại tỉnh vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý khiến cho một số di tích bị xuống cấp, các lễ hội được tổ chức sơ sài, nội dung còn nghèo nàn… chưa thực sự mang lại hiệu quả cho phát triển du lịch và kinh tế của địa phương.

            Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay hàng năm có nhiều lễ hội khác nhau nhau được tổ chức, mỗi lễ hội mang một sắc thái riêng tạo nên sự phong phú cho nên văn hóa của các dân tộc thiểu số nơi đây. Một trong số những lễ hội lớn và đặc sắc của tỉnh đó chính là lễ hội đền Kỳ Sầm. Lễ hội này gắn liền với di tích đền Kỳ Sầm thuộc địa bàn xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ngôi đền được nhân dân trong vùng dựng lên để thờ vị anh hùng dân tộc Tày người Cao Bằng tên là Nùng Trí Cao. Ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước vào thời nhà Lý (1009 – 1225), từ nhỏ ông đã tài trí thông minh hơn người, khi lớn lên ông có công lao dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi đất nước. Theo dân gian truyền lại rằng sau khi ông mất đã để lại ấn Thái Bảo tại núi Khâu Sầm (Kỳ Sầm), vì vậy để tưởng nhớ công ơn của ông đối với dân tộc nên nhân dân nơi đây đã lập miếu thờ và đặt tên là miếu Long Ấn sau này miếu được dời xuống chân núi Kỳ Sầm và chính là đền Kỳ Sầm ngày nay.

            Danh nhân Nùng Trí Cao là một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam, nhờ những công lao to lớn đối với đất nước và dân tộc nên ông đã được nhân dân thần thoại hóa là “người trời” có những phép thuật kỳ lạ. Ông có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ đối với nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc mà còn được biết tới với vai trò là một vị thánh chính là thánh ông Hoàng Bát Nùng trong tín ngưỡng Tam - Tứ phủ của người Việt, nơi gửi thác những mong ước về sự dung dưỡng của các nữ thần, mẫu thần, là sự cầu ước sinh sôi nảy nở, sức khỏe, tài lộc….

            Khu di tích đền Kỳ Sầm được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia vào ngày 16 tháng 01 năm 1993, cho tới ngày nay vẫn chưa có một kết luận chính xác nào về thời gian mà ngôi đền được xây dựng, nhưng dựa theo lối kiến trúc thì ngôi đền được phỏng đoán xây dựng vào khoảng thời nhà Nguyễn. Đền nằm trên địa thế tựa núi, nhìn sông, dãy núi phía sau uốn lượn như mình rồng tạo bức bình phong vững chãi che chắn gió bão, phóng tầm mắt ra phía trước là dải đất thấp bằng phẳng, xa xa là dòng sông Bằng quanh năm chảy hiền hòa. Theo phong thủy của người Việt đây là thế đất tốt lành, thể hiện được sự linh thiêng và uy nghi đồng thời mang ý nghĩa cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Khuôn viên đền rộng chừng 1ha, với khu nhà đền ẩn hiện sau những tán cây cổ thụ trăm năm tuổi tạo không gian cảnh quan hài hòa, xanh mát mang lại cảm giác thanh tịnh cho nơi đây.

 

Ảnh: Khu nhà bái đường tại đền Kỳ sầm (Nguồn: Tác giả)

 

Hàng năm, tại đền Kỳ Sầm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch lễ hội được tổ chức theo truyền thống. Lễ hội Kỳ Sầm diễn ra thường niên như một sự nhắc nhở con cháu ý nghĩa uống nước, nhớ nguồn, luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Trong lễ hội, những chiến tích lịch sử hào hùng của dân tộc được ôn lại thông qua những bài văn tế lễ, những hoạt động của buổi lễ và tạo dựng sự gắn kết cộng đồng thông qua các trò chơi dân gian diễn ra ở phần hội. Tinh thần đoàn kết được đề cao tạo nên sức mạnh của tập thể cùng chung sống, hòa hợp, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ và cùng phát triển. Lễ hội đền Kỳ Sầm luôn mang những giá trị lịch sử to lớn không chỉ đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng mà còn góp phần gìn giữ những truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc, như một bản trường ca còn vang vọng mãi tới những thế hệ mai sau về những chiến tích oanh liệt của cha ông.

 

Ảnh: Dâng lễ vật vào 12h đêm trong ngày 10 tháng Giêng mỗi năm ở

đền Kỳ Sầm (Nguồn: st)

 

            Lễ hội  là dịp thu hút đông đảo khách thập phương tới tham gia sinh hoạt văn hóa tâm linh, vui chơi, giải trí với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhưng bên cạnh đó, với lượng du khách đông đảo kéo theo nhiều nhu cầu khác nhau về dịch vụ cũng như phát sinh các vấn đề về an ninh, môi trường… nếu không có một bộ máy chuyên trách quản lý sẽ dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong lễ hội. Để mọi hoạt động bảo tồn, tôn tạo và trùng tu di tích, cũng như tổ chức lễ hội hàng năm tại đền Kỳ Sầm được diễn ra thuận lợi, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Ban quản lý di tích đã được thành lập.

Ban Quản lý di tích là một tổ chức xã hội được hội nghị hiệp thương nhân dân đề cử và được sự công nhận, chỉ đạo của UBND xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Tổ chức bộ máy hoạt động bao gồm 1 Trưởng ban do đại diện chính quyền xã chịu trách nhiệm chung các hoạt động của Ban quản lý Di tích. Hai phó trưởng ban chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền những giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đến với người dân và du khách tham quan. Các thành viên khác được phân công vào các tiểu ban chủ yếu là cán bộ UBND xã. Mỗi tiểu ban thực hiện một nhiệm vụ chuyên trách được giao bao gồm các tiểu ban: Tiểu ban tiếp đón, tiểu ban thiết chế xây dựng, tiểu ban lễ hội, tiểu ban kinh tế - tài chính. Ngoài ra, một số thành viên khác sẽ được phân công, huy động thêm trong mỗi dịp lễ hội.

            Nhìn chung, cơ cấu bộ máy Ban Quản lý di tích khá chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, đảm bảo không bị chồng chéo về nhiệm vụ và trách nhiệm. Tuy nhiên, thành phần trong Ban Quản lý chỉ có các cán bộ nhà nước mà không có sự tham gia của đại diện nhân dân, của cộng đồng nên dễ dẫn tới sự xa rời dân, không hiểu được hết ý nguyện trong dân. Chưa kể, một số cán bộ chuyên trách là người từ nơi khác tới, khi thực hiện nhiệm vụ có thể sẽ xảy ra tình trạng không hiểu hết về phong tục tập quán địa phương, gây ra những thiếu sót, hoặc thực hiện sai các nghi lễ, phong tục, quan niệm của người dân, ảnh hưởng tới tính thiêng của không gian nghi lễ (di tích), gây mất lòng tin trong nhân dân. Như vậy, cũng có nghĩa sẽ thiếu đi sự thống nhất giữa chính quyền và nhân dân, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản sẽ mang lại hiệu quả không cao.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại và nâng cao hiệu quả đối với công tác quản lý di tích và lễ hội đền Kỳ Sầm thì trước hết trong những năm tới, chính quyền địa phương cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chế, quy định rõ ràng trong công tác bảo tồn, các quy định đối với khách tham quan cùng những nội dung cụ thể trong hoạt động văn hóa - tín ngưỡng gắn với sự tồn tại của di tích và lễ hội.

Công tác quản lý di tích và lễ hội mỗi giai đoạn có những yêu cầu, thách thức khác nhau được đặt ra, những tác động của kinh tế thị trường, môi trường xã hội… ảnh hưởng trực tiếp tới di sản. Do đó, cần điều chỉnh chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn tránh bị lạc hậu, kém hiệu quả, bảo thủ, trì trệ trong công tác quản lý. Điều chỉnh các chính sách, quy định kịp thời là tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn để giải quyết các vấn đề liên quan một cách nhanh chóng, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý. Cần phân rõ nhiệm vụ của các cấp quản lý để nâng cao trách nhiệm, xác định rõ phạm vi công việc từ đó điều chỉnh các chính sách, quyết định đúng với quyền hạn và trách nhiệm của mình dựa trên sự thống nhất cao của tập thể để không tạo sự chồng chéo, rối ren, khó hiểu trong công tác quản lý thực tiễn.

Các cơ quan có liên quan cần phối hợp chặt chẽ cùng thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm, phát hành những ấn phẩm, băng, đĩa, hình ảnh… để làm tài liệu và quảng bá hình ảnh, giá trị của di sản xúc tiến phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh nhà. Tổ chức hợp lý và quản lý chặt chẽ đối với các loại hình dịch vụ trong lễ hội, có những biện pháp chế tài cụ thể để răn đe và xử phạt hợp lý, tránh tái diễn những tiêu cực. Tuyên truyền, giáo dục đồng thời kết hợp với nhân dân địa phương, huy động nguồn lực tham gia trong công tác tổ chức lễ hội, khuyến khích sự sáng tạo làm phong phú, mới mẻ hình ảnh của lễ hội nhưng không làm mất đi những giá trị truyền thống. Có những chính sách khen thưởng, đãi ngộ đối với những cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

            Trong công tác bảo tồn, bảo vệ di tích, tổ chức lễ hội để có thể phát huy được hết những giá trị của nó ngoài sự chỉ đạo của chính quyền địa phương thì cộng đồng đóng một vai trò rất quan trọng. Cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức về các giá trị của di tích và lễ hội bằng nhiều hình thưc như: tuyên truyền qua sách, báo, trưng bày, triển lãm tranh, ảnh, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về những giá trị lịch sử - văn hóa của di tích cho nhân dân tại địa phương… Huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích qua đó khai thác được những kinh nghiệm bảo tồn của cộng đồng, tận dụng được khả năng sáng tạo, hiểu thêm về các tập tục truyền thống, bồi dưỡng thêm kiến thức trong công tác quản lý… góp phần làm phong phú thêm những giá trị của di tích và lễ hội.

            Thành viên Ban quản lý di tích cần được đào tạo thêm hay thường xuyên tập huấn để nâng cao kỹ năng quản lý, đáp ứng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; biết đánh giá thực tiễn để nhìn nhận lại một cách khách quan các mặt tích cực và tiêu cực còn tồn tại trong hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đưa ra những biện pháp cụ thể mang tính chiến lược, tiến tới đẩy lùi những tiêu cực tồn tại.

Cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành có liên quan trong tỉnh giúp thực hiện tốt các nội dung bảo tồn di sản, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Thường xuyên kiềm tra công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cảnh quan di tích, các hoạt động tín ngưỡng, các hạng mục công trình kiến trúc, cây di sản… để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi gây ảnh hưởng tới di tích, kịp thời đưa ra những biện pháp bảo tồn phù hợp. Cần đẩy mạnh công tác thanh tra và kiểm tra nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình thực hiện từ đó tham mưu cho các cơ quan chủ quản để xử lý triệt để những tiêu cực còn tồn tại.

            Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh Cao Bằng nói chung và di tích lịch sử - văn hóa đền Kỳ Sầm nói riêng được thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, qua đó giáo dục truyền thông đoàn kết, yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ ngày này, đồng thời tạo nên nguồn nội lực to lớn phát triển du lịch, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Triều Ân (2010), Huyền thoại dân tộc Tày, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2. Ban tuyên giáo tỉnh ủy – sở giáo dục đào tạo tỉnh Cao Bằng (2003), Địa lý lịch   sử tỉnh Cao Bằng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Ban tư tưởng – Văn hóa Trung ương (2004), Xây dựng môi trường văn hóa –   một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Hà Nội.

4. Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên (1993), Đại Việt Sử ký toàn thư –       bản kỷ - quyển II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Phùng Chí Kiên (9/2013), Báo cáo kết quả thực hiện của đề tài Đền chùa          miếu Cao Bằng – thực trạng và giải pháp quy hoạch bảo tồn, tôn tạo trên      địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng – Sở Văn hóa Thể thao và        Du lịch, Cao Bằng

5. Đoàn Ngọc Minh – Trần Mộng Dần, Truyện kể về Nùng Trí Cao, Nxb Kim        Đồng, Hà Nội.

6. Hoàng Quyết, Dũng tướng miền biên ải, Nxb Văn hóa – thông tin, Hà Nội.

7. Tỉnh ủy Cao Bằng – Viện sử học Việt Nam (1995), Nùng Trí Cao kỷ yếu hội      thảo khoa học, Nxb Sở văn hóa thông tin, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa