Nội san

Hoạt động giải trí của vận động viên tại trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh Quảng Ninh

01 Tháng Sáu 2016

                                                                     Vũ Thị Kim Ga [*]

 

Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Quảng Ninh, được thành lập ngày 24/11/1961. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, gắn liền với các giai đoạn lịch sử dân tộc qua các thời kỳ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chống Mỹ cứu nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, hội nhập và phát triển, được sự quan tâm, đầu tư hiệu quả của Đảng, Nhà nước và ngành thể dục thể thao, đến nay đã trở thành một Trung tâm huấn luyện thể thao của tỉnh Quảng Ninh hiện đại nhất trong toàn quốc.

Hệ thống cơ sở vật chất của Trung tâm bao gồm: sân bãi, nhà tập, bể bơi, các phòng tập bổ trợ, các trang thiết bị tập luyện đạt tiêu chuẩn cao, có thể đáp ứng yêu cầu tập luyện và thi đấu cho các đội tuyển thể thao. Đặc biệt, tại khu B có Trường bắn đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể tổ chức tốt các cuộc thi đấu trong nước và quốc tế. Là địa điểm tin cậy và tin tưởng về công tác quản lý, huấn luyện và đào tạo của đội tuyển Quảng Ninh, hàng năm trung tâm tiếp nhận từ 15 đến 20 đội thể thao với khoảng 200 đến 300 vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia nước ngoài tập huấn. Với bề dày truyền thống hơn 50 năm, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức, huấn luyện viên, vận động viên tại Trung tâm đã nỗ lực hết mình đóng góp cho sự phát triển thể thao thành tích cao của đất nước. Trong thành công chung của thể thao Việt Nam tại các đấu trường Olympics, Asians, SEA Games, các giải vô địch thể giới, Châu Á, Đông Nam Á có sự đóng góp chính và chủ yếu của các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm. Chính  vì vậy, Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Quảng Ninh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng rất nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Độc lập hạng Ba. Trung tâm luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đã được hình thành xuyên suốt quá trình hơn 50 năm thành lập và phát triển để xứng đáng là bệ phóng tin cậy cho các đội tuyển tỉnh Quảng Ninh tham gia trên con đường chinh phục đỉnh cao thành tích tại các đấu trường trong và ngoài nước.

 Trong những năm qua, những hoạt động giải trí dành cho vận động viên đã được trung tâm chú trọng, qua đó đã góp phần đem lại những sắc thái mới trong công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng như đáp ứng được nhu cầu phong phú của vận động viên về hoạt động giải trí. Cụ thể, phát triển các kỹ năng, sáng tạo cá nhân và nâng cao tinh thần tập thể; tạo điều kiện tốt cho học tập và tập luyện đạt thành tích cao khi thi đấu; công tác tổ chức hoạt động giải trí đã từng bước đáp ứng được nhu cầu giải trí của vận động viên tại Trung tâm; vận động viên đã quan tâm nhiều hơn đến giải trí, dành thời gian rỗi cho các hoạt động, loại hình giải trí và đánh giá về giải trí với các mức độ khác nhau. Hơn nữa, trong công tác tổ chức hoạt động giải trí những năm gần đây, tỷ lệ vận động viên tham gia các hoạt động giải trí do Câu lạc bộ, Nhà văn hóa tổ chức chiếm 84.3% cho thấy công tác tổ chức hoạt động giải trí đã đáp ứng được một phần nhu cầu giải trí của vận động viên tại Trung tâm. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu, kết bạn của vận động viên được mở rộng; các hoạt động giải trí ngày càng được mở rộng về quy mô và chất lượng, đa dạng về hình thức, nắm bắt được xu thế chung của thời đại và đáp ứng nhu cầu của vận động viên, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của vận động viên tại Trung tâm. Có thể khẳng định, các hoạt động giải trí dành cho vận động viên đã góp phần đem lại những sắc thái mới trong công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng như đáp ứng được nhu cầu của vận động viên về hoạt động giải trí. Những thành công trong việc tổ chức các hoạt động giải trí cho vận động viên tại Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Quảng Ninh đã mang lại những tác dụng rất lớn trong việc giáo dục, quản lý vận động viên vào các tổ chức đoàn thể, xã hội. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề nổi cộm cần phải quan tâm trong khi xây dựng các hoạt động giải trí cho vận động viên như: Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức, chậm đổi mới; nhiều hình thức còn hoạt động quá cũ dẫn đến sự nhàm chán cho các vận động viên; một số loại hình câu lạc bộ đã được thành lập song việc duy trì hoạt động vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều lúc phải ngừng hoạt động vì chưa tìm được nội dung hoạt động thích hợp. Chẳng hạn như câu lạc bộ khiêu vũ, câu lạc bộ bia của trung tâm, ban đầu vận động viên tham gia rất đông, sau dần dần bỏ dở vì ngày càng ít vận động viên tham gia. Việc phát huy tính sáng tạo của vận động viên trong các hoạt động văn hóa chưa cao, vận động viên còn ỷ lại trông chờ vào hoạt động giải trí mà các tổ chức cấp trên tạo ra, ít có sáng kiến tự tổ chức hoạt động cho riêng bộ môn của mình. Nhiều vận động viên tham gia các hoạt động giải trí còn mang tính thực dụng, hoạt động vì một lý do quyền lợi nào đó mà quên đi tính trong sáng, lòng nhiệt tình, một yếu tố luôn cần trong các hoạt động văn hóa. Hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ trong thời gian qua chưa thể đáp ứng được nhu cầu giải trí của vận động viên; các thiết chế văn hóa tồn tại một cách yếu ớt, hoạt động cầm chừng. Cần phải cải tổ bộ máy tổ chức sao cho gọn nhẹ, hiệu quả nhất.

Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giải trí của vận động viên Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới, thiết nghĩ cần triển khai tốt một số nội dung, cụ thể:

   Một là, nâng cao nhận thức về hoạt động giải trí của vận động viên, cần phải nhận thức một cách đúng đắn rằng sự quan tâm, đầu tư, phát triển nguồn lực trẻ, phát huy thế mạnh của thanh niên cũng chính là sự đầu tư cho sự phát triển bền vững của nước nhà. Để đáp ứng được nhu cầu chính đáng, đúng đắn và cần thiết của vận động viên đòi hỏi công tác tuyên truyền giáo dục phải được đổi mới và nâng cao về chất lượng, nhiều hoạt động giải trí phải được tổ chức mang tính hiệu quả cao. Cần chú trọng phát huy các điều kiện phục vụ cho nhu cầu tập luyện, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho vận động viên. Đặc biệt trong quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa hiện nay, vận động viên Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Quảng Ninh cần tỉnh táo để nhận thức được những yếu tố văn hóa nào cần kế thừa và phát huy trong thời gian tới.

            Hai là, đầu tư ngân sách quản lý và tổ chức hoạt động giải trí của vận động viên, để làm tốt xã hội hóa, cần đổi mới phương thức quản lý của Nhà nước, chuyển một phần công việc của Nhà nước cho nhân dân và các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thực hiện, nhưng Nhà nước không giảm trách nhiệm, không giảm ngân sách cho các hoạt động thể dục thể thao; tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia và hỗ trợ các đối tượng chính sách. Nói cách khác, xã hội hóa chính là quá trình Nhà nước và nhân dân cùng làm để thực hiện định hướng chúng, quy hoạch chung về phát triển thể dục thể thao. Trong điều kiện thực tiễn của nước ta, chỉ có đẩy mạnh xã hội hóa thể dục thể thao mới có thể bảo đảm phát triển sự nghiệp thể dục thể thao thành một ngành kinh tế dịch vụ, có đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế đất nước.

 Ba là, đa dạng hóa các loại hình giải trí và đổi mới nội dung, hình thức giải trí của vận động viên với nhiều hoạt động phong phú, không chỉ đọc, xem, nghe, nhìn, mà các vận động viên còn tham gia vào quá trình sáng tạo, biểu diễn; các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao vì vậy việc đặt ra yêu cầu về tổ chức các hoạt động giải trí cho các vận động viên không chỉ dừng lại ở các trạng thái thụ động tiếp cận mà phát triển ở cả trạng thái động: vận động cơ thể, biểu diện nghệ thuật hay thăm quan du lịch. Đa dạng hóa các loại hình giải trí dựa theo nguyên tắc phù hợp với môn tập luyện cho vận động viên trở nên thông minh, nhanh nhện, khéo léo. Phát triển cơ thể lành mạnh, góp phần vào việc hình thành nhân cách đạo đức.

   Bốn là, tăng cường xã hội hóa các hoạt động giải trí của vận động viên trước hết là đã có sự chuyển biến về nhận thức, coi xã hội hóa là một giải pháp quan trọng để phát triển sự nghiệp thể dục thể thao nước nhà. Về phương thức quán lý, đã từng bước khắc phục cơ chế Nhà nước bao cấp toàn phần cho hoạt động thể dục thể thao, tạo điều kiện huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội trong từng lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao. Nâng cao vai trò của tổ chức xã hội, các ban, ngành đoàn thể trong việc tổ chức hoạt động giải trí cho vận động viên. Tùy vào chức năng của mỗi đơn vị, cơ quan đoàn thể mà định hướng tổ chức các hoạt động giải trí phù hợp với khả năng của đơn vị mình.

Ngoài việc đầu tư các tụ điểm giải trí từ nguồn ngân sách nhà nước, có sự kết hợp giữa nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân, cá nhân có khả năng tổ chức.

   Năm là, nâng cao chất lượng quản lý tổ chức, trước hết cần nâng cao năng lực quản lý các câu lạc bộ. Cụ thể, cần cải tiến về bộ máy quản lý, tổ chức hoạt động giải trí. Hầu hết các hoạt động giải trí cho vận động viên hiện nay đều được thực hiện qua các khâu: lập kế hoạch, bàn kế hoạch hoạt động, trình ban lãnh đạo và tiến hành tổ chức. Trong khâu này việc các “lãnh đạo” có cho phép tổ chức các hoạt động giải trí hay không là rất quan trọng.  Người cán bộ tổ chức phải thực sự hiểu biết và nắm bắt tốt tâm lý của vận động viên, nhu cầu của họ, từ đó mới có thể tổ chức tốt các hoạt động giải trí. Họ phải trả lời được những câu hỏi: vận động viên thích cái gì, đáp ứng như thế nào, đáp ứng bằng cách nào. Cùng một cách sinh hoạt, cùng một vấn đề đưa ra, song nội dung tổ chức hoạt động giải trí cần thay đổi như thế nào, tạo cái mới ra sao, kịch bản một chương trình giải trí như thế nào cho tốt...tất cả đòi hỏi vào khả năng sáng tạo của người tổ chức.

            Sáu là, tăng cường công tác thi đua khen thưởng, chúng ta đều biết, công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy mọi hoạt động. Vì vậy, việc khen thưởng động viên kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức làm tốt công tác quản lý, tổ chức các hoạt dộng giải trí cho vận động viên cũng là việc nên làm và cần phải làm một cách chính xác, kịp thời, công khai và minh bạch. Qua đó dấy lên phong trào Thi đua sôi nổi, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch, góp phần hiệu quả tuyên truyền vận động nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Có thể nói, nhu cầu giải trí là một trong những nhu cầu quan trọng trong đời sống của xã hội nói chung, vận động viên nói riêng. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu giải trí của con người theo đó phát triển cùng. Đối với mỗi cá nhân, hoạt động giải trí góp phần tạo sự cân bằng trong đời sống, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc học tập, lao động. Đồng thời giải trí cũng giúp con người có cơ hội phát triển toàn diện bản thân, phát huy được hết khả năng trong mỗi con người. Chính sự biến đổi của xã hội đã góp phần làm cho nhu cầu giải trí của vận động viên có nhiều biến đổi về chất và lượng. Đã xuất hiện nhu cầu giải trí của vận động viên với nhiều nét mới theo xu hướng gia tăng tính tập thể và tính tự do của các hoạt động giải trí. Bên cạnh các yếu tố tích cực, chúng ta cũng cần chú ý đến mặt tiêu cực mà nó mang lại. Đặc biệt khá nhiều tệ nạn xã hội đã hình thành bắt nguồn từ những gì đang diễn ra trong thế giới ảo. Ngược lại với sự phát triển mạnh mẽ nhu cầu giải trí của vận động viên là sự đáp ứng có phần hạn chế từ phái xã hội. Những thiết chế giải trí Nhà nước ít về số lượng, nghèo nàn về hình thức hoạt động, yếu kém trong khâu quản lý sức thu hút đối với vận động viên chưa cao. Những tụ điểm cá nhân hoạt động tương đối tự do và ở cách quá xa trung tâm huấn luyện. Để đáp ứng nhu cầu giải trí của vận động viên không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức hay một cấp, một ngành cụ thể. Đó là vấn đề mà toàn xã hội phải quan tâm. Cần triển khai đồng bộ các biện pháp đa dạng, trên nhiều lĩnh vực, từ biện pháp quản lý hành chính, quy hoạch đô thị, biện pháp giáo dục, tác động đến nhận thức, làm thay đổi dần quan niệm xã hội đối với giải trí. Đây là công việc phức tạp và khó khăn đòi hỏi thời gian và sự đầu tư thỏa đáng không chỉ về kinh phí mà cả công sức trí tuệ xã hội.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Trần Văn Bính (2002) (chủ biên), Vai trò văn hóa trong hoạt động chính trị của Đảng ta hiện nay, Nxb Lao Động, Hà Nội.

2.   Trần Văn Bính (2011), Truyền thống và hiện đại trong phát triển văn hóa và con người ở nước ta hiện nay, Tạp chí Tuyên Giáo.

3.   Đinh Thị Vân Chi (2003), Nhu cầu giải trí của thanh niên, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.

4.   Chỉ thị số 36/CT-TW của Ban bí thư Trung ương Đảng khóa VII ngày 24/3/1994 về công tác thể dục thể thao trong giai đoạn mới.

5.       Đoàn Văn Chúc (1997), Xã hội văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

6.       HanDan (2006) Bàn về giải trí, ngành giải trí và giải trí thân thể, khoa học thể thao (6) (bản dịch, lưu tại thư viện của Viện khoa học thể dục thể thao).

7.       Trần Hướng Dương (2006), Tổ chức hoạt động văn hóa vui chơi giải trí cho chẻ em trong các nhà thiếu nhi ở Thủ đô Hà Nội hiện nay, Luận văn Thạc sỹ Quản lý văn hóa, Trường Đại học văn hóa Hà Nội.

8.       Phạm Duy Đức (1996), Giao lưu văn hóa đối với sự phát triển văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9.       Luật Thể dục thể thao và các văn bản hướng dẫn thi hành (2007), Nxb TDTT Hà Nội.

10.    Thanh Lê (1999), Văn hóa và lối sống, Hành trang vào thế kỷ XX, Nxb Xã hội, Hà Nội.

11.    Thanh Lê (2001) (chủ biên), Văn hóa lối sống xã hội chủ nghĩa và xu thế toàn cầu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

12.    Bùi Xuân Mỹ, Phạm Minh Thảo (2000), Từ điển thể thao, NxbVăn hóa Thông tin, Hà Nội.

13.    Phạm Đình Nghiệp (2000), Kỹ năng tổ chức hoạt động công tác thanh thiếu niên, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

14.    Đoàn Văn Thái (2006), Quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay, Nxb Thanh niên.

15.    Lê Thanh (1998), Văn hóa và lối sống, NxbTrẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

16.        Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX (2001), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa