Nội san

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới hoàng thành Thăng Long

15 Tháng Sáu 2016

Nguyễn Tài Tuấn [*]

 

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Hoàng Thành Thăng Long là biểu tượng tinh thần của đất nước, cũng là nơi ở và trị vì của các vua tại triều và các quan lớn của các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung Hưng của nước ta.

Hoàng Thành Thăng Long những di tích khảo cổ còn sót lại của một tổ hợp cung điện xa xưa được phát hiện năm 2002 ngay ở trung tâm Thủ đô Hà Nội. Quá trình khai quật, nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra các di tích, di vật cho thấy đây là một tổ hợp các cung điện xếp tầng lên nhau qua nhiều triều đại mà phần chính nhất là từ thời Lý (thế kỷ XI), kéo dài liên tục đến tận thời Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Hoàng thành Thăng Long được đánh giá là một khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nói về lịch sử Việt Nam. Khu di tích tiêu biểu này có giá trị to lớn, không chỉ có giá trị quốc gia dân tộc mà còn mang tầm vóc giá trị nhân loại.

Ngày 31/7/2010, tại kỳ họp thứ 34 Ủy ban Di sản thế giớicủa Unesco đã thông qua nghị quyết, công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Đó là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân Việt Nam, là tài sản vô giá để lại cho muôn đời sau và cũng chính là tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thủ đô và cả nước. Trở thành di sản văn hóa thế giới, Hoàng  thành Thăng Long mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật tạo dựng cảnh quan đặc sắc…đồng thời, cũng đặt ra những nhiệm vụ và trách nhiệm to lớn đối với nhân dân thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản này.

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử nói chung, việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Thế giới Hoàng Thành Thăng Long là nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nhu cầu nghiên cứu, tham quan du lịch của khách trong nước, ngoài nước và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị đối với khu di sản trong bối cảnh đô thị hiện đại đang phát triển trở thành những khó khăn, thách thức lớn. Đây cũng một vấn đề vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài, đòi hỏi sự góp sức của nhiều cơ quan quản lý, nhiều nhà khoa học, của cộng đồng dân cư và sự giúp đỡ, hợp tác quốc tế và đặc biệt cần sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, huy động và sử dụng các nguồn lực trong nước và sự hỗ trợ quốc tế để làm tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất, trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Đời vua Lý Thái Tổ, sinh năm 1000, lên ngôi 1028 - 1054, năm Kỷ Tỵ (1029). Ông xây dựng các cung điện trong thành Thăng Long, phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng Điện Giang Vũ. Lại mở cửa Phi Long thông với Uy Viễn, hướng chính nam dựng điện Cao Minh, đều có thềm rồng, trong thềm có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa, Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ. Bốn mặt thành mở 4 cửa.

Vào triều Trần, trong 175 năm các vua Trần trị vì đất nước (1225 - 1400), kinh đô Thăng Long đã trở nên sầm uất với 61 phường; nhiều thương nhân Trung Quốc, Châu Âu đến buôn bán, làm ăn. Với biết bao nhiệm vụ nặng nề: nội trị, dẹp Chiêm Thành quấy nhiễu nước ta; 3 lần chống giặc Nguyên - Mông, về lại Thăng Long, “mùa hạ, tháng 4, thượng hoàng ngự ở hành lang Thị Vệ. Hoàng Thành Thăng Long được sửa sang, xây dựng lại, nhưng không có gì thay đổi lớn so với thời Lý.

Thời nhà Hồ rời Kinh đô vào Thanh Hóa,vào cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly dần dần dành được quyền bính, năm 1397, tháng giêng, sai người “đi xem đất và đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó”. Tháng 11 (1397) Quý Ly bức vua dời kinh đến phủ Thanh Hóa…dỡ gạch ngói, gỗ lớn ở các cung điện Thụy Chương, Đại An, giao hết cho các châu Từ Liêm và Nam Sách chở tới kinh đô mới, …Mùa xuân, tháng 3, ngày 15 năm Mậu Dần (1398) Quý Ly bức vua phải nhường ngôi cho hoàng tử An…Quý Ly làm cung Bảo Thanh ở phía tây nam núi Đại Lại.

Thời Lê, Mạc và Lê Trung Hưng, Khi giặc Minh xâm chiếm nước ta, chúng phá nốt ngoài thành. Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại giang sơn, đã cho xây dựng lại Hoàng Thành và các đời vua Lê sau này cũng cho sửa chữa, xây dựng thêm.

 

Trung tâm Hoàng ThànhThăng Long (Nguồn: st)

 

Thời Tây Sơn, cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh, nội chiến “Đàng Ngoài - Đàng Trong” chỉ chấm dứt khi phong trào Tây Sơn năm 1786 hạ thành Phú Xuân và một tháng sau, ngày 21/7/1786 Nguyễn Huệ vượt sông Gianh, kéo đại quân vào Thăng Long, lật đổ chính quyền họ Trịnh và trao lại quyền hành cho vua Lê Hiến Tông.

Thời Nguyễn, năm 1802 nhà Nguyễn giành được chính quyền trên cả nước. Nhà Nguyễn dời Kinh đô về Huế, năm 1805 Gia Long ra lệnh phá thành Thăng Long cũ và xây một thành mới theo kiểu Vauban cuối thế kỷ XVII của Pháp làm Bắc thành Hà Nội và Điện Kính Thiên.

Thời Pháp thuộc, năm 1882, thực dân Pháp chiếm Hà Nội, Năm 1888, Hà Nội thành thuộc địa của Pháp. Thực dân Pháp phá thành để xây dựng phố xá, công sở. Trong Thành Cổ Hà Nội, năm 1886 - 1887 Pháp phá điện Kính Thiên để làm trụ sở chỉ huy pháo binh thực dân, chỉ còn lại nền điện, các đôi rồng đá và cửa Bắc Môn, Hậu Lâu ở phía Bắc; cửa Đoan Môn, Cột Cờ ở phía Nam. Phải đến cuối thế kỷ XIX công việc phá thành, lấp hào mới xong.

Từ 1954 đến nay, năm 1954 quân đội ta tiến về giải phóng Thủ đô, tiếp quản khu Thành Cổ từ tay Pháp. Trong Thành Cổ đã được phân chia thành từng khu như hiện trạng hiện nay. Ngày nay trong Thành Cổ Hà Nội vẫn còn cửa Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên với các đôi rồng chầu trên chín bậc dẫn lên Điện; Lầu Công Chúa và cửa Bắc Môn với ba phía tường Cấm Thành. Tại phía Đông Cấm Thành, bên ngoài là Đông Cung, phía trong là dinh phó tổng trấn, trước dinh là sáu tào (tức là sáu  bộ của triều đình theo cách gọi ngày nay). Thành Cổ hiện nay chỉ là một phần  nhỏ của Hoàng Thành xưa. Do hoàn cảnh chiến tranh Thành Cổ do quân đội quản lý.

Toàn bộ khu Di sản là trung tâm của cấm thành, Hoàng thành - nơi ở và làm việc của vua và Hoàng gia, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và lịch sử thăng trầm của Kinh đô Thăng Long, kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII. Các công trình kiến trúc trên đã tạo nên sự đa dạng về phong cách kiến trúc ở khu Di sản, là các bằng chứng cho tính liên tục và quá trình tiếp biến văn hóa của khu Di sản, góp khẳng định các giá trị toàn cầu đã được công nhận và cũng là yêu cầu đặt ra cho công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị khu Di sản Văn hóa Thế giới. Việc chọn địa thế của kinh thành cũng như hướng của Kinh thành Thăng Long được coi là một mẫu mực theo thuật phong thủy. Việc xây dựng Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ thuần túy dựa theo các quy tắc Nho giáo và mô hình Trung Hoa. Các yếu tố địa lý và môi trường bản địa cũng được thể hiện rất rõ trong quy hoạch xây dựng Hoàng Thành như không gian, mặt nước, gắn bó với cỏ cây, trong đó có cả những dòng sông nhỏ chẩy qua, nhiều ao hồ, là những nhân tố tạo nên bản sắc “đô thị sinh thái” hay “đô thị sông hồ” độc đáo, hài hòa với thiên nhiên.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo. Khu Di sản là nơi hội tụ, là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long có giá trị to lớn, không chỉ có giá trị quốc gia, dân tộc mà còn mang tầm vóc nhân loại.Khu vực trung tâm của Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được hình thành ở châu thổ sông Hồng. Đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ thế kỷ thứ VII cho đến ngày nay.Hoàng thành Thăng Long tại Hà Nội, với chức năng chính trị và vai trò mang tính biểu tượng, trực tiếp liên quan đến nhiều sự kiện văn hóa và lịch sử quan trọng, và biểu đạt giá trị thẩm mỹ, ý tưởng đạo đức, triết học và tôn giáo.Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là khu di sản đặc biệt quan trọng của Thủ đô và cả nước, là tài sản vô giá của nhân loại. Khu di sản không chỉ có những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khảo cổ, khoa học mà còn có giá trị kinh tế xã hội rất lớn, góp phần phát triển nguồn lực kinh tế du lịch của thủ đô.

Bảo tồn di sản văn hóa, một di sản vô giá như Hoàng thành Thăng Long là một nhiệm vụ quan trọng, cần có hướng đi đúng, cần có kế hoạch bảo tồn lâu dài và bền vững nhằm phát huy giá trị di sản của dân tộc. Từ sau khi được phát hiện, khu Di sản luôn được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Cho tới nay, vẫn còn nhiều vấn đề mới chỉ được đặt ra như những giả thuyết về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, những vật liệu gốc được sử dụng… đó cũng chính là những yêu cầu, những hướng cần được tiếp tục nghiên cứu để có câu trả lời thỏa đáng và chính xác. Khu di tích còn ẩn chứa nhiều tiềm năng cho việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kỹ thuật, công nghệ xây dựng, nên cần có nhiều giải pháp đồng bộnhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, như:

Thứ nhất, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản: Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, Nâng cao năng lực quản lý di sản văn hóa, Đào tạo nguồn nhân lực, Hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, về Cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính.

Thứ hai, cần bảo tồn di sản: Bảo tồn, tôn tạo đối với các di tích và di vật, Sử dụng công nghệ hệ thông tin địa lý trong bảo tồn khu di sản.

Thứ ba, phát huy giá trị di sản: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức giá trị khu di sản, Tổ chức các nghiên cứu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Đẩy mạnh công tác trưng bày, triển lãm, Nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị, Phát huy giá trị khu di sản gắn với phát triển du lịch.

Di sản văn hóa Thế giới Hoàng thành Thăng Long có một vị trí và vai trò vô cùng đặc biệt và quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Di sản là sự thể hiện và hội tụ ước vọng của nhân dân Việt Nam trong quá trình xây dựng đất nước, qua nhiều thế kỷ đấu tranh và đạt được sự thống nhất về văn hóa và xã hội ngày nay. Khu di sản Hoàng thành Thăng Long Hà Nội thực sự trở thành năng lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long là một việc làm cần thiết nhằm bảo vệ bản sắc dân tộc và chuyển tải các giá trị văn hóa gắn với di sản tới nhân dân cũng như với thế giới. Bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu di sản chính là bảo vệ nền văn hóa dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2007), Quyết định số 16/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2007 về việc Xếp hạng di tích quốc gia Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

2.    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2013), Thông tư số 17/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 về việc Hướng dẫn xác định chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

3.    Bộ Xây dựng (2015), Quyết định số 975/QĐ-BXD ngày 2/8/2015 về việc Phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội.

4.    Chính phủ (2010), Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 06/11/2010 về việc Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009.

5.    Chủ tịch Hồ Chí Minh  (1945), Sắc lệnh số 65/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945 về Quy định toàn bộ di tích lịch sử văn hóa là tài sản của nhân dân.

6.    Nguyễn Viết Chức (2001), Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo khu Di tích Thành cổ Thăng Long – Hà Nội, Đề tài NCKH, Sở VHTT Hà Nội.

7.    Thành Nam (2009), Hoàng thành Thăng Long - vóc dáng của một di sản văn hoá thế giới, Nxb VHTT, Hà Nội.

8.    Phan Duy Thắng (2016), Quản lý khu di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Luận văn Thạc sỹ Quản lý Văn hóa, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

9.    Ủy ban di sản thế giới của UNESCO (2010), Kỳ họp lần thứ 34 họp tại Brasilia, thủ đô của Brasil, đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới ngày 01/8/2010.

10.  Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - UBND Thành phố Hà Nội (2015), Hội thảo khoa học Quốc tế: Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới, nhìn từ Hoàng thành Thăng Long, Kỷ yếu Hội thảo.

11.  Viện Bảo tồn Di tích (2011), Kết quả khảo sát và phát lộ một đoạn tường Hành cung thời Nguyễn thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Báo cáo Kết quả khảo sát.

12.  Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2010), Thăng Long - Hà Nội, Lịch sử nghìn năm từ lòng đất, Nxb KHXH, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa