Nội san

Biện pháp rèn luyện kỹ năng thể hiện bài hát trữ tĩnh cho học sinh trung học sư phạm mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên

25 Tháng Sáu 2016

 Doãn Thị Kim Loan [*]

 

 

Giáo dục âm nhạc ngày nay đã có một vị trí đáng kể trong các nhà trường, từ trường Mầm non cho tới các trường Tiểu học và trường Trung học Cơ sở. Với vai trò là một môn học nghệ thuật, âm nhạc đã trở thành phương tiện tích cực, góp phần hình thành, phát triển nhân cách trẻ em một cách hài hòa, toàn diện.

Trong chương trình giáo dục âm nhạc ở trường Mầm non, các bài hát

chiếm giữ một ví trí rất quan trọng. Bài hát được sử dụng để tổ chức hoạt động dạy trẻ hát, hướng dẫn trẻ nghe hát, múa - vận động theo bài hát, chơi trò chơi âm nhạc… Trong đó, các bài hát trữ tình chiếm một số lượng lớn. Có thể nói, giáo viên Mầm non không chỉ dạy cho trẻ hát mà còn phải hát cho trẻ nghe trong hoạt động hướng dẫn trẻ nghe hát, khi tổ chức cho trẻ chơi trò chơi âm nhạc, lúc dạy trẻ vận động theo nhạc hoặc cùng múa hát với trẻ. Bởi vậy, để có thể tổ chức tốt những hoạt động âm nhạc này, các giáo viên cần có những hiểu biết nhất định và đặc biệt phải thể hiện tốt những bài hát nói chung, bài hát trữ tình nói riêng trong chương trình Mầm non. Việc thể hiện tốt các bài hát còn giúp các giáo viên tổ chức hiệu quả hoạt động âm nhạc ngoại khóa.

Tuy nhiên qua điều tra, quan sát thực tiễn ở các trường Mầm non tại Thái Nguyên cho thấy, chất lượng ca hát của giáo viên Mầm non còn hạn chế, đặc biệt trong thể hiện bài hát trữ tình

Thực tế cho thấy, để học sinh thể hiện tốt các bài hát trữ tình, cần phải quan tâm đến việc rèn luyện cho các em những kỹ năng ca hát nói chung, kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình nói riêng, và công việc nghiên cứu tìm ra “Biện pháp rèn luyện kỹ năng thể hiện bài hát  trữ tình cho học sinh Trung học Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên” nhằm mục đích nâng cao chất lượng thể hiện bài hát trữ tình cho học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học hát, đẩy mạnh chất lượng đào tạo giáo viên Mầm non, đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động âm nhạc cho trẻ, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của giáo dục âm nhạc, giáo dục nghệ thuật trong các trường Mầm non.

Rèn luyện kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình trong dạy học hát cho học sinh Trung học Sư phạm Mầm non  phải  gắn với đặc điểm của những bài hát. Có như vậy việc rèn luyện mới phù hợp, hiệu quả và giúp các em thể hiện được tính chất trữ tình của các bài hát. Vì thế, điều đầu tiên đó là học sinh cần được giảng viên hướng dẫn để có những hiểu biết nhất định về các bài hát trong chương trình dạy học hát, nắm vững đặc điểm của các bài hát trữ tình ở các phương diện như: đề tài và lời ca; thang âm, điệu thức; cách tiến hành giai điệu; tầm cữ; nhịp độ; tiết tấu; cấu trúc.

Bên cạnh đó, để học sinh thể hiện được các bài hát trữ tình, còn cần phải hướng dẫn các em thực hiện những bài tập rèn luyện kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình. Với đối tượng học sinh Trung học Sư phạm Mầm non, dạy học hát cho các em không nhằm đào tạo các em trở thành những ca sĩ, giảng viên thanh nhạc hay giáo viên chuyên nhạc trong các trường phổ thông. Các em học hát nhằm mục đích đơn giản hơn, đó là sau khi ra trường có thể tổ chức được các hoạt động âm nhạc trong các trường Mầm non. Đặc biệt, trong hoạt động dạy trẻ học hát và hướng dẫn trẻ nghe hát.

Tìm hiểu về học sinh Trung học Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên cho thấy, nhìn chung các em thích hát, tích cực trong hoạt động ca hát, khả năng tai nghe tương đối tốt. Các em có thể tự nghe và hát được các bài hát thông qua băng, đĩa, mạng internet… Mặc dù, trong thể hiện bài hát nói chung và bài hát trữ tình nói riêng còn có những hạn chế, như: một số em hát ngọng l, n; có em hát rời rạc, chưa thể hiện được tính chất mềm mại, nhẹ nhàng… của bài hát trữ tình; có những em hát luyến, láy chưa chuẩn xác, còn gượng, chưa mềm mại;  một số em lấy hơi trong bài hát còn chưa đúng chỗ, trình bày bài hát chưa tự nhiên… song vẫn có thể nói, học sinh Trung học Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên có khả năng ca hát, có thể học hát và đáp ứng được yêu cầu về tổ chức các hoạt động âm nhạc nói chung cũng như hoạt động ca hát, nghe hát nói riêng trong các trường Mầm non, nếu như các giáo viên tổ chức được các tiết dạy học hát cho các em một cách hiệu quả.

Nghiên cứu trên đây về học sinh Trung học Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên là một trong những căn cứ, để từ đó có thể xây dựng các bài tập nhằm rèn luyện cho các em kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình. Bởi, để có những bài tập phù hợp, có thể vận dụng một cách hiệu quả trong quá trình dạy học hát cho học sinh, việc xây dựng các bài tập cần có căn cứ  hợp lý. Những bài tập rèn luyện kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình cho học sinh Trung học Sư phạm Mầm non được xây dựng dựa theo những tiêu chí:

Thứ nhất là, dựa theo đặc điểm khả năng ca hát của học sinh Trung học Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên.

Thứ hai là, phải rèn luyện được kỹ năng hát trữ tình bằng cách kết

hợp các kỹ năng hát cơ bản.

Thứ ba là, các bài tập luyện giọng được xây dựng từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó hơn.

Căn cứ theo những tiêu chí trên, các bài tập được xây dựng gồm: bài tập luyện kỹ năng hát liền tiếng, hát ngân dài, hát luyến, hát láy; bài tập luyện kỹ năng thể hiện cường độ, nhịp độ và bài tập luyện kết hợp một số kỹ năng hát. Trong thực tế dạy học hát, việc sử dụng những bài tập nào là vấn đề mà các giảng viên cần cân nhắc, lựa chọn cho phù hợp với mỗi giờ dạy học hát, phù hợp với đặc điểm mỗi bài hát. Giảng viên cần nghiên cứu, phân tích cụ thể từng bài hát nhằm hướng dẫn học sinh ứng dụng các kỹ năng hát để thể hiện bài hát một cách linh hoạt, xử lý tốt cách hát liền tiếng, ngân dài, luyến, láy, những sự thay đổi về nhịp độ, cường độ, đáp ứng yêu cầu thể hiện bài hát trữ tình nói chung và mỗi bài hát trữ tình cụ thể trong chương trình dạy học hát nói riêng.

Như vậy có thể thấy, rèn luyện kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình cho học sinh không chỉ là hướng dẫn học sinh thực hiện các bài tập đơn thuần, mà còn phải hướng dẫn các em biết cách ứng dụng vào thể hiện bài hát trữ tình cụ thể trong chương trình dạy học hát, từ các bài hát dành cho trẻ ca hát cho đến những bài hát cho trẻ nghe.

Rèn luyện kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình cho học sinh được tiến hành thông qua các giờ dạy học hát. Bởi vậy, để rèn luyện đạt hiệu quả, quy trình dạy học hát cần được thực hiện một cách khoa học, hợp lý. Việc xây dựng quy trình dạy học hát bài hát trữ tình dựa trên 4 yếu tố:

Một  là,  mục tiêu và nội dung chương trình dạy học hát ở hệ Trung học Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên.

Hai là, đặc điểm khả năng ca hát của học sinh Trung học Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh.

Bốn là, rèn luyện khả năng tương tác của học sinh trong hoạt động nhóm.

Quy trình dạy học hát bài hát trữ tình chia làm hai giai đoạn, đó là

giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn tiến hành. Trong giai đoạn chuẩn bị, các

nhóm học sinh tìm hiểu trước bài hát, tự tập hát trước thông qua băng, đĩa, internet… và tập trình bày bài hát. Do vậy trong giai đoạn tiến hành dạy học hát trên lớp, giảng viên chủ yếu tập trung rèn luyện kỹ năng hát cho các em.

Theo quy trình dạy học mới với hình thức hoạt động nhóm đã phát huy cao khả năng sáng tạo, tính tích cực, chủ động học tập của học sinh. Các em tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu bài hát; vận dụng kỹ năng hát trữ tình để thể hiện các bài hát. Từ các câu trả lời của từng nhóm, sự quan sát, lắng nghe từng nhóm trình bày bài hát, cũng như qua những nhận xét, đánh giá lẫn nhau của các nhóm, giúp học sinh có hiểu biết một cách toàn diện về bài hát và những kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình. Cũng từ hình thức tổ chức dạy học theo nhóm nên khả năng quan sát, chú ý đến từng học sinh của giảng viên được sâu sắc hơn. Với cách dạy học hát này dần hình thành được kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình cho học sinh.

Qua tổ chức thực nghiệm sư phạm và thông qua những căn cứ để đánh giá kết quả thực nghiệm cho thấy, biện pháp rèn luyện kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình cho học sinh Trung học Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên được đề xuất đã mang lại sự chuyển biến tích cực trong dạy học hát ở hệ đào tạo này. Học sinh không những được nâng cao về mặt thái độ đối với các bài hát trữ tình, mà còn có những hiểu biết nhất định về bài hát ở thể loại trữ tình và biết vận dụng các kỹ năng thể hiện bài hát ở thể loại này. Từ đó kết quả học hát của các em đã được nâng cao hơn.

Trong quá trình dạy học hát, việc nghiên cứu, tìm ra các biện pháp rèn luyện cho người học kỹ năng thể hiện bài hát là rất cần thiết. Bởi, để tạo ra được những tác động tích cực, gây ấn tượng tới người nghe, không thể chỉ dừng lại ở việc hát đúng giai điệu, hát thuộc lời bài hát mà phải biết cách

hát, có kỹ năng thể hiện bài hát.

Có thể khẳng định lại, các bài hát trữ tình là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non. Thể hiện được bài hát ở thể loại này góp một phần không nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên Mầm non có thể tổ chức được các hoạt động âm nhạc trong trường Mầm non một cách hiệu quả, đặc biệt trong hoạt động dạy trẻ hát và hướng dẫn trẻ nghe hát. Bởi vậy, học sinh Trung học Sư phạm Mầm non trường CĐSP Thái Nguyên cần phải có những hiểu biết về các bài hát nói chung, bài hát trữ tình nói riêng, có những kỹ năng ca hát nhất định, và vấn đề rèn luyện kỹ năng thể hiện bài hát trữ tình cho học sinh Trung học Sư phạm Mầm non là thực sự quan trọng, cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng dạy học hát, chất lượng đào tạo giáo viên Mầm non, đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc, giáo dục nghệ thuật ở trường Mầm non.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Hộ (2002), Lí luận dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

3. Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại

học Sư phạm.

4. Ngô Thị Nam, Trần Minh Trí, Trần Nguyên Hoàn (1993), Âm nhạc và

phương pháp giáo dục âm nhạc - Tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Hoàng Văn Yến (1998), Trẻ thơ hát, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.  

 ____________________________

[*] Lớp Cao học k4 – Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc