Nội san

Xây dựng chương trình dạy đàn phím điện tử ở Trung tâm ứng dụng và phát triển nghệ thuật

04 Tháng Bảy 2016

Phùng Hoàng Việt [*]

 

Đàn phím điện tử có ảnh hưởng khá sâu rộng trong hoạt động âm nhạc ở nước ta. Có thể nói, đàn phím điện tử có một vai trò rất quan trọng, nó góp phần nâng cao chất lượng thưởng thức, học tập âm nhạc nói riêng và phát triển văn hóa âm nhạc chung, tạo nên sự đa dạng phong phú trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Xây dựng chương trình là một vấn đề cơ bản trong dạy học. Một chương trình có hệ thống và có tính khoa học, phù hợp với đối tượng, mục tiêu và yêu cầu đào tạo là một công việc hết sức quan trọng. Chương trình đó đóng vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động.

Hiện nay ở trung tâm vẫn chưa có một khung chương trình cụ thể thống nhất chung cho các lớp dạy đàn phím điện tử. Đối với đàn phím điện tử, trung tâm vẫn đang dựa vào một số tài liệu đã nghiên cứu, việc giảng dạy của giáo viên chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân nên rất khó quản lý và chất lượng không cao, tồn tại những bất cập.

1. Căn cứ xây dựng chương trình

            Từ thực tế nêu trên cho thấy, muốn nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử nói chung cho học viên tại trung tâm cần phải rà soát lại toàn bộ, từ đó hoàn thiện nội dung chương trình dạy học cho tới việc xây dựng một chương trình. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà tác giả muốn đi sâu tìm hiểu với hy vọng đóng góp một số ý kiến của mình về vấn đề này.

Căn cứ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn

Về phía người dạy:

Như đã nói ở trên, hiện tại trung tâm vẫn chưa xây dựng được một chương trình cụ thể. Giáo viên dạy tại trung tâm vẫn dựa vào những tài liệu đã nghiên cứu nhưng khi vận dụng vào tình hình thực thế khả năng của học viên lại chưa thực sự phù hợp; Giáo viên còn lúng túng trong cách chọn bài, chưa bám sát thực tế cũng như nắm bắt được nhu cầu học của học viên.

Về phía người học:

Hiện nay nhu cầu của người học là rất lớn, đa số các sinh viên học tại các trường sư phạm khi ra trường còn nhiều hạn chế trong việc sự dụng đàn phím điện tử. Một phần là do nhận thức của các em chưa cao về môn học, mặt khác là do chương trình đào tạo của các nhà trường chưa đủ về mặt thời lượng và chưa thực sự chuyên nghiệp. Do vậy, việc đáp ứng yêu cầu dạy học đàn phím trong các trường mầm non, phổ thông, các nhà văn hóa, câu lạc bộ, gia sư dạy đàn còn nhiều bất cập. Để đáp ứng được nhu cầu khi tuyển dụng thì các em phải có kế hoạch học thêm và  bồi dưỡng kiến thức tại các trung tâm đào tạo về âm nhạc có uy tín và chất lượng.

Căn cứ từ mục tiêu để xây dựng nội dung chương trình học phù hợp với thực tế

Dựa vào tình hình thực tế tại trung tâm, mục tiêu đào tạo và giảng dạy gắn liền với thực tế chuyên môn, nghề nghiệp của người học và nhu cầu tại địa phương, lãnh đạo trung tâm đã đề xuất xây dựng chương trình giảng dạy, đổi mới chương trình mang tính thực tế, phù hợp và vừa sức, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của học viên.

Căn cứ vào đội ngũ cán bộ giáo viên âm nhạc và cơ sở vật chất của nhà trường

   Hiện nay đa số đội ngũ giáo viên của trung tâm tuổi đời còn tương đối trẻ, có nhiệt huyết yêu nghề, với trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên, được đào tạo tại các cơ sở có uy tín và chất lượng như: Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học sư phạm nghệ thuật TW, Trường Đại học sư phạm… về cơ bản đã đáp ứng được việc dạy học. Cùng với sự ủng hộ của Ban Giám đốc trung tâm, nhà trường cũng hết sức quan tâm. Tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn còn thiếu. Hiện tại trung tâm đã sửa sang phòng học sạch đẹp nhưng vì điều kiện diện tích phòng nhỏ, lại kết hợp với công việc văn phòng của trung tâm nên chưa có một không gian riêng để học viên học. Đây vừa là điểm thuận lợi và cũng là khó khăn nhất định mà chúng tôi đang dần hoàn thiện để đáp ứng tốt nhất với điều kiện hiện có.

2.  Mục tiêu môn học

Về kiến thức

 Thông qua chương trình dạy đàn phím điện tử sẽ giúp cho học viên nắm bắt được những kiến thức cơ bản và nâng cao về lý thuyết âm nhạc, đặt được hợp âm cho ca khúc, thực hành thuần thục các tác phẩm trong và ngoài nước và đệm hát với các dạng tiết tấu  và mức độ khác nhau.

Về kỹ năng

Trong quá trình học môn đàn phím điện tử sẽ rèn luyện cho học viên vận dụng kiến thức từ lý thuyết âm nhạc sang thực hành, khả năng thị tấu, kỹ năng đệm đàn một cách thuần thục và tự tin. Đồng thời trong quá trình học các em được giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Về thái độ

Thông qua việc học đàn phím điện tử giúp học viên có các kỹ năng thực hành biểu diễn, có cảm nhận sâu sắc hơn về nghệ thuật. Qua quá trình học tập, học viên hiểu hơn về vai trò âm nhạc đối với đời sống xã hội cũng như  những giá trị nghệ thuật, từ đó giúp các em thêm yêu thích, đam mê âm nhạc và kích thích sự sáng tạo của mỗi học viên. Qua việc học còn giúp các em dễ dàng tiếp cận được với quần chúng, vận động được đông đảo quần chúng cùng tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ.

3. Điều kiện tiên quyết

Xây dựng chương trình dạy đàn phím điện tử được áp dụng cho học viên học tại Trung tâm Ứng dụng và Phát triển Nghệ thuật. Để bảo đảm được những yêu cầu đề ra về kiến thức của môn học, điều kiện cần thiết khi học đàn phím điện tử là năng khiếu của học viên và chất lượng giảng dạy của giáo viên.Với chương trình mà chúng tôi xây dựng, khả năng cảm thụ của học viên cũng đóng vai trò hết sức quan trọng bởi nếu học viên nhận thức và cảm thụ âm nhạc không tốt sẽ rất khó tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả. Chất lượng giảng dạy của giáo viên cũng đòi hỏi chúng tôi phải tìm được giáo viên có khả năng chuyên môn cao, tâm huyết với nghề nghiệp và khả năng sư phạm vững vàng. Xây dựng chương trình phải bám sát với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của người học qua đó phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo của học viên.

4. Thời lượng chương trình

Để thời lượng chương trình đảm bảo được những nội dung kiến thức môn học, kiến thức cho người học, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho học viên sau khi kết thúc khóa học, có thể làm tốt được công việc sử dụng thành thạo đàn phím điện tử trong các giờ dạy âm nhạc trong các trường phổ thông, chương trình môn học đàn phím điện tử được chúng tôi xây dựng với thời lượng chương trình học là 60 tiết chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn một gồm 30 tiết giới thiệu về các tính năng và cách sử dụng đàn phím điện tử. Hệ thống các bài luyện tập kỹ thuật ngón cơ bản của tay phải, tay trái. Kỹ thuật luyện ngón Légato, Non légato, Staccato ở các giọng trưởng từ không đến 1 dấu hóa, trên cơ sở đó diễn tấu được một số tác phẩm viết cho đàn phím.

Giai đoạn hai gồm 30 tiết trang bị cho sinh viên các kiến thức và kĩ năng về kỹ thuật sử dụng và trình diễn các  tác phẩm viết cho đàn phím điện tử.

Các kĩ thuật cơ bản của tay phải, tay trái. Kĩ thuật luyện ngón gam trưởng, thứ 2, 3 dấu hóa và hệ thống các bài tập ứng dụng: Các Etude, các sonatine, các tiểu phẩm piano, các tác phẩm chuyển soạn cho đàn phím điện tử có sử dụng phần đệm tự động (Style), bước đầu làm quen với các âm hình đệm cho ca khúc phổ thông.

5. Nội dung chương trình môn học

Nội dung chính của chương trình

Giai đoạn 1:

Chương 1. Giới thiệu các tính năng trên đàn phím điện tử,  gam Cdur và các kỹ thuật luyện ngón cơ bản. (8 tiết)

Chương 2. Các bài luyện tập kỹ thuật cơ bản (10 tiết)

Chương 3. Luyện tập kỹ thuật và bài ứng dụng (10 tiết)

Giai đoạn 2:

Chương 1. Giới thiệu gam a- moll hoà thanh.

Chương 2. Ôn tập các kỹ thuật và các gam đã học, dựng bài

Với những nội dung chính mà tác giả nghiên cứu, xây dựng chương trình môn học đưa vào thử nghiệm, qua một số tiết dạy ở hai lớp, bước đầu đã thu nhận được những kết quả tương đối khả quan. Điều đó cho thấy rằng những kiến nghị xây dựng môn học đàn phím điện tử đưa vào giảng dạy cho học viên là điều hết sức cần thiết. Đồng thời một phần nào đáp ứng được nhu cầu học đàn phím điện tử sát thực với chuyên môn, năng lực của người học để khi kết thúc khóa học có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của địa phương và khu vực. Hơn nữa, Học viên theo học Đàn phím điện tử tại trung tâm đều là học viên ở các trường mầm non, sư phạm âm nhạc, sư phạm tiểu học…Vì vậy, học đàn phím điện tử  được coi là một trong những hoạt động chính thể hiện trình độ, khả năng âm nhạc của các em. Để tạo điều kiện cho các em thể hiện khả năng chơi đàn, ngoài kỹ thuật biểu diễn cũng cần thiết quan tâm đến lĩnh vực đệm hát. Trung tâm đang tìm giải pháp để xây dựng chương trình dạy đàn phím điện tử mang tính khoa học, bám sát với nhu cầu thực tế của học viên. Điều đó thể hiện tầm quan trọng và cấp thiết phải xây dựng chương trình dạy đàn phím điện tử tại Trung tâm Ứng dụng và Phát triển Nghệ thuật.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 1. Nguyễn Ngọc Anh (2013), Nâng cao chất lượng giảng dạy Keyboard cho sinh viên Đại học Sư phạm Âm nhạc tại Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Sư phạm Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

2. Ngô Thị Việt Anh (2013), Biên soạn phần đệm hát cho THCS (Dùng bộ đệm tự động) ứng dụng trong dạy và học đàn phím điện tử ở trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Nghiên cứu khoa học của Giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.

3. Kim Bình - Ngọc Thanh, Các tác phẩm độc tấu soạn cho đàn phím điện tử tập

I, Trung tâm Suối nhạc xb, TP. Hồ Chí Minh.

4. Phạm Chỉnh (2001), Hướng dẫn thực hành phần đệm trên đàn Organ, Nxb Âm

nhạc, Hà Nội.

 5. Hoàng Hoa (2007), Hòa âm ứng dụng, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc