Nội san

Cần một hướng đi mới cho trung tâm sản xuất băng đĩa và truyền bá âm nhạc

22 Tháng Tám 2016

Lê Thị Thu Hiền [*]

 

Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhiều thiết chế văn hóa gặp khó khăn trong công tác quản lý và triển khai hoạt động. Một phần vì cách quản lý cũ không còn phù hợp, một phần vì sự cạnh tranh của các đơn vị ngoài nhà nước đối với việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Trung tâm sản xuất và truyền bá âm nhạc cũng nằm trong bối cảnh chung đó, với chức năng của một đơn vị văn hóa nghệ thuật: Biểu diễn, quảng bá âm nhạc và sản xuất đĩa nhạc phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Trung tâm sản xuất băng đĩa và truyền bá âm nhạc (Trung tâm) có tên Trung tâm sản xuất băng đĩa Âm nhạc thuộc Nhạc viện Hà Nội được thành lập theo quyết định số 1778/TC-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 28/6/1997. Trung tâm có nhiệm vụ đưa các chương trình biểu diễn, những tác phẩm âm nhạc, những chương trình nghiên cứu của cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu, sinh viên và các tác phẩm có giá trị trong nước và nước ngoài vào sản xuất băng đĩa chương trình âm nhạc phục vụ cho nhiệm vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu của Nhạc viện Hà Nội. Tháng 5 năm 2009, Trung tâm đổi tên thành Trung tâm sản xuất băng đĩa và truyền bá âm nhạc theo quyết định số 1828/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký trực thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Việc đổi tên gắn liền với nhiệm vụ của Nhà nước, Ban lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam giao phó, ngoài nhiệm vụ sản xuất băng đĩa phục vụ công tác nghiên cứu giảng dạy, Trung tâm sẽ đảm nhiệm công tác gìn giữ, truyền bá nhằm bảo tồn nghệ thuật âm nhạc dân gian nói chung và các di sản đã được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, từ những bước đi non trẻ đầu tiên đầy gian nan và thử thách, trong gần hai mươi năm qua, Trung tâm đã duy trì, ổn định, thực hiện nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn và truyền bá âm nhạc dân gian truyền thống và đương đại Việt Nam, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân thiện mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn dân chủ và khoa học.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và chuyên môn. Hiện tại, đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn có kinh nghiệm, phần lớn đã chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu. Đội ngũ làm công tác quản lý còn chưa mạnh, do phải làm công tác kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công việc tại Trung tâm bị hạn chế, còn lúng túng trong hướng đi và xử lý công việc không kịp thời. Đồng thời không thể nắm bắt được tâm tư tình cảm của nhân viên dưới quyền vì thế xảy ra tình trạng chưa đồng thuận trong quản lý và thực hiện công việc. Tình hình tài chính kém phát triển, các hoạt động chi phí không hợp lý dẫn đến tình trạng lãng phí nhưng không mang lại hiệu quả cao. Cơ sở vật chất của Trung tâm vẫn còn rất sơ sài, phòng làm việc, máy in, máy tính đều sử dụng nhờ vào Viện Âm nhạc. Là một đơn vị truyền bá âm nhạc dân gian nhưng công tác truyền dạy vẫn chưa được đề cao. Số lượng học viên tham gia truyền dạy chưa nhiều, Năm 2012, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kom Tum mở lớp truyền dạy Âm nhạc dân gian cho cán bộ Trung tâm văn hóa của tỉnh, huyện. Số lượng cán bộ tham gia không nhiều do không sắp xếp được thời gian, thêm vào đó một số cán bộ vẫn chưa nhận thức rõ về công tác bảo tồn gìn giữ loại hình âm nhạc dân gian dân tộc mình. Cuối khóa chỉ có 12/45 cán bộ nhận chứng chỉ. Bên cạnh đó, công tác thu hút khán giả đến tham quan và xem biểu diễn chưa nhiều. Đối tượng khách đến tham quan và nghe nhạc chỉ dừng lại là sinh viên, học viên các trường nghệ thuật và các nhà nghiên cứu âm nhạc, họ đến vì nhiệm vụ học tập, nghiên cứu, chỉ có số rất ít có nhu cầu thưởng thức thực sự. Theo điều tra phỏng vấn nhanh người dân sống trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có 45/140 người muốn đến xem biểu diễn tại Trung tâm

Cùng với công tác truyền bá âm nhạc, việc sản xuất băng đĩa nhạc của Trung tâm cũng rơi vào tình trạng trì trệ, kém phát triển. Số lượng đầu đĩa về âm nhạc dân gian tương đối phong phú, nhưng mới chỉ dừng lại ở âm nhạc dân gian mà chưa đề cập nhiều đến âm nhạc đương đại, các đĩa phục vụ cho công tác giảng dạy chuyên ngành là không có. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để phục vụ cho việc tái sản xuất băng đĩa không được đầu tư, do nguồn thu còn kém. Các đầu đĩa sản xuất từ những năm 1999, 2000 đến nay đã hết, một số đầu đĩa được ưa chuộng: Tuyển chọn ca múa nhạc dân gian Việt Nam; Cồng chiêng Tây Nguyên, Hát Văn, Hát Xẩm, Tỳ bà Hành, Ả Đào… đã hết nhưng chưa được nhân bản. Điều này sẽ càng làm cho công tác thu hút khán thính giả đến với Trung tâm bị giảm sút.

Trước tình hình trên, việc tìm ra hướng đi mới cho Trung tâm là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Để xây dựng được hình ảnh và vị thế của mình, Ban lãnh đạo Trung tâm cần nhấn mạnh vào một số giải pháp sau:

Một là,  xây dựng bộ máy tổ chức và cơ chế quản lý. Bổ sung thêm một số phòng ban chuyên môn, cải tiến công tác tài chính. Hiện tại, Trung tâm chưa có quy chế hoạt động cụ thể, vì vậy cần phải xây dựng một quy chế cho phù hợp với tính chất, đặc thù của đơn vị. Ngoài luật Lao động, luật công chức viên chức… đơn vị cần phải xây dựng quy chế nội bộ riêng cho mình để từ đó làm cơ sở khen thưởng, kỷ luật tạo động lực cho các cán bộ, nhân viên tự hoàn thiện mình hơn. Xây dựng được quy chế nội bộ sẽ là hành lang pháp lý rất quan trọng trong công tác quản lý ở tầm vĩ mô mà không phải can thiệp quá sâu vào công việc của từng cá nhân cụ thể. Bởi nhờ có hệ thống các quy định, quy chế sẽ giúp cá nhân tự điều phối bản thân từ suy nghĩ, hành vi, quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao đồng thời giúp các cán bộ sử dụng kinh phí sao cho hiệu quả và đạt chất lượng tốt nhất, tránh được tình trạng lãng phí, tham nhũng.

Hai là, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Ban lãnh đạo của Trung tâm cần phải được trang bị đủ kiến thức kỹ năng cần thiết giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tham gia vào các lớp học bồi dưỡng: trung cấp chính trị, cao cấp chính trị, quản lý nhà nước. Nhằm tạo tư tưởng đạo đức đúng đắn, lập trường vững vàng có thể nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách toàn diện, có tinh thần yêu nước, luôn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và nhiệt huyết trong công việc để từ đó là tấm gương cho toàn thể nhân viên noi theo. Bên cạnh công tác đào tạo các nhà quản lý, Trung tâm cũng cần chú ý đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp để có thể tạo ra một lực lượng lao động chất lượng, đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc.

Nâng cao chất lượng nội dung truyền bá và sản xuất băng đĩa. Nhiệm vụ truyền bá âm nhạc dân gian là nhiệm vụ tối ưu và quan trọng nhất của Đảng và nhà nước giao phó cho Trung tâm. Vì vậy, muốn làm tốt công tác truyền bá cần phải nắm rõ về nguồn gốc xuất xứ, nội dung của từng thể loại âm nhạc. Cần có sự đầu tư về kinh phí, thời gian nghiên cứu để hiểu nó được sâu sắc hơn từ đó có thể truyền đạt một cách hiệu quả nhất đến với người nghe. Không ngừng đổi mới và nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường tham gia các hoạt động biểu diễn với các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nước. Bên cạnh việc truyền bá âm nhạc dân gian, âm nhạc đương đại cũng cần phải được quan tâm và trú trọng. Cần đa dạng hóa các môn học tại Trung tâm, mở thêm một số môn học: thanh nhạc, kèn…để từ đó cùng với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam góp phần tìm kiếm tài năng âm nhạc cho nước nhà. Bên cạnh công tác truyền bá, công tác sản xuất băng đĩa cần được chú trọng đầu tư. Xây dựng một mô hình sản xuất khép kín, đồng bộ cả về chuyên môn và kỹ thuật. Ngoài việc thay đổi quy trình sản xuất, việc thay đổi và nâng cao hình thức, nội dung là rất quan trọng. Cần đa dạng hóa các tư liệu nghe nhìn và băng đĩa. Không chỉ đơn thuần là các đầu đĩa về âm nhạc dân gian các dân tộc, mà còn có các chương trình biểu diễn âm nhạc đương đại do các giảng viên các khoa: piano, dây, Nhạc cụ truyền thống, Jazz, Accordeon –Ghitar- Organ, Dàn nhạc dân tộc Việt Nam, Trung tâm biểu diễn – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Ba là, thực hiện các hoạt động liên doanh liên kết. Trung tâm nên phối hợp với các nhà làm tour du lịch, các nhà hàng khách sạn, kết hợp biểu diễn âm nhạc với ẩm thực tham quan thực hiện chu trình khép kín tạo điều kiện thuận lợi cho cả đôi bên. Hiện nay, mô hình này đã được rất nhiều cơ sở văn hóa áp dụng: Nhà văn hóa thanh niên thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện dự án Street Food at Weekend – kinh doanh các món ăn đường phố kết hợp với biểu diễn âm nhạc. Chương trình này đã thu hút được rất nhiều giới trẻ quan tâm và biết đến.

Tóm lại, một hướng đi đúng cho Trung tâm không những góp phần nâng cao hiệu quả công tác, thúc đẩy quá trình sản xuất băng đĩa và truyền bá âm nhạc mà còn đóng góp chung vào sự phát triển chung của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

2. Quyết định số 1452/QĐ-HVAN ngày 12/8/2013 của giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam về xây dựng nhiệm vụ phát triển Trung tâm sản xuất băng đĩa và truyền bá âm nhạc đến năm 2020.

3. Đỗ Thị Minh Thúy (2004), Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Thành tựu và kinh nghiệm, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa- Thông tin, Hà Nội

4. Nguyễn Hữu Thức (2014), Quản lý thiết chế văn hóa, Giáo trình giảng dạy tại Đại học sư phạm nghệ thuật TW, Hà Nội.

5. Nguyễn Hữu Thức (2004), Quản lý thiết chế văn hóa, Giáo trình giảng dạy tại Đại học Sư phạn Nghệ thuật TW, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa