Nội san

Những yếu tố tác động đến công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống giai đoạn hiện nay

26 Tháng Tám 2016

                                                                                             Nguyễn Kim Ngân [*]

 

Chính sách đổi mới của Đảng và nhà nước đã tạo dấu mốc quan trọng cho sự thay đổi toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của đất nước. Cũng như các lĩnh vực khác, nghệ thuật biểu diễn của nước ta đang trải qua các thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế tự chủ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh chung mang tính vĩ mô đó, hệ thống các đơn vị nghệ thuật biểu diễn có được những điều kiện hoạt động riêng về cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động, tài chính và nhân lực. Môi trường hoạt động này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là đối với các đơn vị biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Những năm gần đây, kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh, mức sống người dân được cải thiện đáng kể, từ đó đã ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng tác động tiêu cực đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật biểu diễn. Xã hội ngày nay dường như quan tâm nhiều hơn đến lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa quan tâm đầy đủ, thích đáng đến những vấn đề văn hóa nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật chạy theo khuynh hướng thương mại hóa mà rời xa các giá trị chân chính. Mặc khác, do phát triển kinh tế, khoảng cách giàu - nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng giãn rộng dẫn đến sự phân hóa các nhóm khán giả về nhu cầu, thị hiếu và khả năng chi trả cho hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập mạnh mẽ đã thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới diễn ra với tốc độ và quy mô ngày càng tăng. Nhiều sản phẩm và loại hình văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí mới mẻ, hấp dẫn và đa dạng đã và đang du nhập vào nước ta, nh hưởng đến đời sống xã hội Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

               1. Tác động của xu thế toàn cầu hóa

Trong vài thập kỷ gần đây, quá trình toàn cầu hoá diễn ra với tốc độ nhanh chóng, đã và đang trở thành xu thế khách quan, tất yếu của thời đại, tác động đến sự phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Các phương tiện thông tin bùng nổ: internet, điện thoại di động... tạo khả năng thuận lợi cho quá trình giao dịch trao đổi thông tin và còn là công cụ đắc lực cho hoạt động thương mại điện tử.

Toàn cầu hóa trước hết là toàn cầu hóa về kinh tế, nhưng ảnh hưởng và tác động của nó không chỉ ở kinh tế mà còn trực tiếp hoặc gián tiếp thâm nhập vào nhiều lĩnh vực như chính trị, xã hội, văn hóa và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Toàn cầu hóa đã tạo cơ hội lớn cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc, nhất là về kinh tế và khoa học công nghệ. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, toàn cầu hóa đã mở ra cơ hội và triển vọng khả quan để các quốc gia tiến hành giao lưu văn hóa, phát triển khoa học, giáo dục… toàn cầu, tạo động lực cho quá trình đổi mới và hiện đại hóa đất nước.

Dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa những năm qua, khu vực hóa, đời sống kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều biến chuyển lớn. Nhờ mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế với các quốc gia trên thế giới chúng ta đã giải quyết được một số khó khăn trước mắt, khắc phục được một bước sự trì trệ lạc hậu của nền kinh tế. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân được tiếp xúc nhiều hơn với các di sản văn hóa ở trong và ngoài nước, được tiếp xúc với các hoạt động điện ảnh, sân khấu, âm nhạc… Sách, báo và hệ thống thư viện dần chuyển qua hệ thống điện tử với khả năng lưu trữ, sử dụng linh hoạt. Các phương tiện nghe - nhìn như: phát thanh, truyền hình, điện ảnh... đã tạo ra khả năng phổ cập tri thức, truyền bá nghệ thuật rất lớn. Nhờ được tiếp xúc với các tinh hoa văn hoá thế giới mà trình độ thẩm mỹ của công chúng cũng dần được nâng cao. Các hoạt động văn hoá đa dạng đã gắn với quỹ thời gian rỗi của người dân. Các ngành dịch vụ, các điểm vui chơi giải trí, bảo tàng, trung tâm văn hoá, triển lãm, nhà hát... phát triển nhanh chóng đáp ứng mọi sở thích của công chúng. Đặc biệt các ngành “công nghiệp” văn hoá như: điện ảnh, xuất bản, vui chơi giải trí... bắt đầu phát triển và trở thành ngành kinh tế có doanh thu lớn, thu hút lực lượng lao động đông đảo.

Tuy vậy, không thể không nói tới mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đối với xã hội. Không ít trường hợp vì danh và lợi mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tăng. Nhịp sống sôi động do quy luật kinh tế thị trường khơi dậy làm cho vị thế và vai trò của con người trong xã hội thay đổi. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ vào suy nghĩ, cách làm của mỗi người. Lối suy nghĩ của thời kỳ tập trung bao cấp… được thay thế bằng lối tư duy thông thoáng, năng động của nền kinh tế thị trường. Cùng với các phương tiện truyền thông, giải trí phát triển mạnh mẽ một mặt dẫn tới thị hiếu, thẩm mỹ nghệ thuật của khán giả cũng phong phú, đa dạng hơn. Mặt khác, nảy sinh những xuống cấp trong thị hiếu thưởng thức nghệ thuật, hình thành nhu cầu giải trí mà giảm dần thị hiếu thưởng thức. Đương nhiên, các loại hình giải trí có sức hấp dẫn, thu hút công chúng hơn việc thưởng thức nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Toàn cầu hóa làm cho sản xuất phát triển, kéo theo đó là quyền lực và của cải nhưng không có sự tiến bộ tinh thần tương ứng, các giá trị nhân đạo phổ biến là cái gắn bó loài người thành một khối đoàn kết. Có thể nói, kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa đang đặt văn hóa của các dân tộc trước những thách thức, những nguy cơ bất ổn. Đó là khuynh hướng phổ biến các mô típ văn hóa chung có ý nghĩa toàn cầu. Khuynh hướng đó có thể dẫn đến đồng nhất các giá trị văn hóa, san bằng, đồng hóa các nền văn hóa của dân tộc, làm tăng sự chênh lệch về cơ hội tiến bộ, công bằng của các nước trên thế giới. Quá trình toàn cầu hóa sẽ có nguy cơ đe dọa, xóa bỏ sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các vùng, các khu vực; nguy cơ đồng nhất các hệ thống giá trị và truyền thống sẽ dẫn đến sự xóa bỏ ý thức dân tộc, đe dọa làm cạn kiệt khả năng sáng tạo các nền văn hóa - nhân tố được coi là hết sức quan trọng đối với sự  tồn tại lâu dài của các dân tộc.

Trải qua 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế thị trường, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta phải chịu nhiều thách thức về nhiều mặt, nhất là tư tưởng, văn hóa. Sự phát triển của kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa tạo khả năng quốc tế hóa các hiện tượng tiêu cực của đời sống xã hội. Sự du nhập ào ạt, thiếu chọn lọc các giá trị văn hóa từ bên ngoài đã dẫn đến tình trạng tha hóa, lai căng và hủy hoại các giá trị văn hóa tinh thần, nền tảng của xã hội. Những phim kích động bạo lực, những thú vui thấp kém, những trò chơi bạo lực, những bài hát ủy mị, vô nghĩa… từ nước ngoài tràn vào đã góp phần gia tăng các tệ nạn xã hội. Thị trường văn hóa nghệ thuật ở các thành phố đang ở tình trạng báo động khi thị hiếu của lớp trẻ đang bị dẫn dắt bởi những sản phẩm “làm hàng”…Trước sự tấn công dồn dập của thị trường phim, ca nhạc từ nước ngoài và những chương trình mang tính thương mại ở trong nước, sân khấu truyền thống hiện nay đang đứng trước những tác động xấu của toàn cầu hoá, của nền kinh tế thị trường. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật Sân khấu truyền thống trong cả nước gặp khó khăn trong hoạt động, trong đời sống văn nghệ sĩ.... Sân khấu đã xuất hiện những tác phẩm do chạy theo xu thế thị trường, mang tính thương mại hoá nghệ thuật, nội dung không lành mạnh, làm mờ đi những tinh hoa nghệ thuật truyền thống vô cùng quý giá của cha ông ta từ ngàn xưa để lại, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật lai căng: Chèo không ra Chèo, Tuồng không ra Tuồng…Tình hình đó đang nói lên sự xuống cấp trong đời sống tinh thần ở một số bộ phận dân cư trong xã hội có liên quan tới xu thế toàn cầu hóa và trình độ năng lực quản lý xã hội của chúng ta. Những thách thức của thực tiễn như vậy tác động không nhỏ tới công tác quản lý nhà nước về hoạt động Biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống. Việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật Sân khấu truyền thống là vô cùng cần thiết và có vai trò trọng yếu trong việc định hướng và thúc đẩy sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn Sân khấu truyền thống phát triển vừa đảm bảo tính bảo tồn, vừa đáp ứng được thị hiếu của khán giả trong kinh tế thị trường.

2. Chính sách xã hội hoá hoạt động văn hoá

Xã hội hóa các hoạt động xã hội là quá trình vận động, tổ chức các chủ thể xã hội (các cá nhân, nhóm, tổ chức, cộng đồng, tổ chức xã hội) tham gia một cách tự giác vào trong các hoạt động xã hội trên cơ sở nhận thức về vai trò và vị trí của mình trong từng hoạt động xã hội, từ đó mà giúp cho các hoạt động xã hội phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật thực chất là xã hội hóa quyền tổ chức và điều hành các hoạt động sản xuất văn hóa nghệ thuật theo hướng đa dạng hóa chủ thể quản lý, nhằm thu hút đông đảo lực lượng xã hội, các tập thể và tư nhân đứng ra chăm lo các hoạt động văn hóa, tổ chức và điều hành quá trình sản xuất theo đúng pháp luật của nhà nước.

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng xã hội hóa các hoạt động văn hóa không có nghĩa là giảm nhẹ vai trò, trách nhiệm của nhà nước, giảm bớt phần ngân sách, mà trái lại cần nâng cao vai trò của nhà nước trong công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật Sân khấu truyền thống, trong việc định hướng và chỉ đạo, tạo dựng hành lang pháp lý và tăng cường đầu tư cho họat động này.

3. Sự phát triển của kinh tế thị trường

Bản chất của cơ chế kinh tế thị trường do phù hợp với quy luật vận động nội tại của xã hội đã giải phóng mọi sinh lực tiềm tàng trong mỗi cá nhân của toàn dân tộc. Nhịp sống sôi động do quy luật kinh tế thị trường khơi dậy làm cho vị thế và vai trò của con người trong xã hội thay đổi. Từ chỗ là thực thể lệ thuộc như bộ phận của cỗ máy cơ chế cũ, mỗi con người giờ đây trở thành chủ thể thực sự của các quan hệ kinh tế và xã hội.  Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ vào suy nghĩ, cách làm của mỗi người. Lối suy nghĩ của thời kỳ tập trung bao cấp… đang được thay thế bằng lối tư duy thông thoáng, năng động của nền kinh tế thị trường. Cùng với các phương tiện truyền thông, giải trí phát triển mạnh mẽ một mặt dẫn tới thị hiếu, thẩm mỹ nghệ thuật của khán giả cũng phong phú, đa dạng hơn. Mặt khác, nảy sinh những xuống cấp trong thị hiếu thưởng thức nghệ thuật, hình thành nhu cầu giải trí mà giảm dần thị hiếu thưởng thức. Đương nhiên, các loại hình giải trí có sức hấp dẫn, thu hút công chúng hơn việc thưởng thức nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Những thách thức của thực tiễn như vậy tác động không nhỏ tới công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống. Việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống là vô cùng cần thiết và có vai trò trọng yếu trong việc định hướng và thúc đẩy sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống phát triển vừa đảm bảo tính bảo tồn, vừa đáp ứng được thị hiếu của khán giả trong kinh tế thị trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Bộ Chính trị (Ban chấp hành Trung ương Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hà Nội.

2.     Lê Thị Thu Hiền (2009), Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luận văn Thạc sĩ Quản lý Văn hóa trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.

3.     Nguyễn Huy Hồng (1996), “Sân khấu Việt Nam trước và sau ngày thống nhất đất nước”, Văn hóa nghệ thuật, (5), tr.67-68, Hà Nội

4.     Trần Trí Trắc (2009), Đại cương nghệ thuật sân khấu, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

5.     Võ Thị Yến (2007), “Vì sao công chúng quay lưng lại với sân khấu truyền thống”,  Văn hóa nghệ thuật, (8), tr.74-80, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k1– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa