Nội san

Áp dụng phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy phân môn Lý thuyết âm nhạc tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

26 Tháng Tám 2016

Nguyễn Thị Quỳnh Mai [*]

 

Dạy học phân môn Lý thuyết âm nhạc là một phần quan trọng trong bước đầu tiếp cận với bộ môn Âm nhạc của sinh viên ngành Giáo dục Mầm non. Tuy nhiên lâu nay, công tác giảng dạy chủ yếu chú trọng đến những phương pháp dạy học mang tính truyền thống, thụ động, dẫn đến việc dạy và học phân môn này trở nên khó khăn. Trong bài viết này, chúng tôi bàn đến các phương pháp dạy và kĩ thuật học nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác dạy và học của giảng viên và sinh viên đối với phân môn Lý thuyết âm nhạc.

Có thể nói, Lý thuyết âm nhạc là chìa khoá giúp sinh viên tiếp cận với các tác phẩm âm nhạc. Môn học này có mối liên quan chặt chẽ với nhiều môn học âm nhạc khác. Tuy nhiên, phần lớn người học tiếp thu một cách thụ động và thiếu hiệu quả với bộ môn Âm nhạc nói chung và phân môn Lý thuyết âm nhạc nói riêng. Sở dĩ đây là một nội dung khó với đối tượng sinh viên ngành Giáo dục mầm non vì nó cần có năng khiếu về âm nhạc. Thêm nữa, sinh viên cũng chưa có phương pháp học tập hiệu quả. Tất cả những lý do nói trên đã khiến cho việc học phân môn Lý thuyết âm nhạc của sinh viên ngành Giáo dục mầm non còn thiếu tập trung, thiếu khoa học và kết quả không cao.Từ thực tế đấy, việc sử dụng một số phương pháp dạy học theo hướng tích cực là điều cần thiết, nhằm kích thích sự hứng thú, sự tập trung, sự chủ động trong quá trình lĩnh hội bài học của sinh viên. Việc này đã được tiến hành một cách khá phổ biến ở nhiều trường đại học ở các thành phố lớn và đem lại hiệu quả khả thi.

  1. Phương pháp dạy học theo hướng tích cực       

            Phương pháp dạy học đặt và giải quyết vấn đề

            Việc áp dụng phương pháp dạy học đặt và giải quyết vấn đề trong phân môn Lý thuyết âm nhạc sẽ tạo điều kiện cho sinh viên (SV) phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát triển năng lực nhận thức và khả năng nắm bắt và khai thác đối tượng. Kiến thức, kĩ năng sẽ được hình thành ở SV một cách sâu sắc, chắc chắn. Quan trọng hơn hết, SV biết cách chủ động chiếm lĩnh kiến thức, đánh giá được kết quả của bản thân cũng như của các thành viên khác.

            Để thực hiện được phương pháp này GV cần nắm chắc cách thức tiến hành. Dưới đây là một số bước cơ bản để tổ chức dạy học theo phương pháp đặt và giải quyết vấn đề.

             Chọn nội dung

            Căn cứ vào nội dung cụ thể của kiến thưc, GV xác định có sử dụng hay không và sử dụng ở mức độ nào. Trong 11 bài học đã xây dựng, chúng tôi nhận thấy những bài sau có thể sử dụng những phương pháp này: Bài 7: Quãng - cách đọc tên - độ lớn của quãng; Bài 8: Điệu thức - giọng; Bài 9: Hợp âm và cách thành lập; Bài 10 xác định giọng - dịch giọng. Trong những bài nêu trên, tồn tại những vấn đề có thể nảy sinh tình huống ở cả phần lý thuyết và thực hành bài tập. Đây là cơ sở để áp dụng phương pháp.

            Các họat động dạy học         

            Những bước cơ bản của quá trình dạy học có thể kể ra như sau:  

            Bước 1: Nêu vấn đề cần tìm hiểu (Có cần phải xác định giọng trong mỗi bản nhạc hay không? Vì sao? Làm thế nào để xác định giọng điệu của một bài hát?)

            Bước 2: Giải quyết vấn đề (Sv làm việc độc lập, chủ dộng đưa ra những giả thuyết soay quanh những vấn đề đang thực hiện; thực hiện họat động thảo luận nhóm)

            Bước 3: Kết luận (GV hướng dẫn SV tìm hiểu, ghi chép, rút ra kết luận)

            Trên đây là những bước cơ bản trong tổ chức họat động dạy học theo phương pháp đặt và giải quyết vấn đề. Phương pháp này thúc đẩy tính tích cực và khả năng khám phá kiến thức mới thông qua quá trình giải quyết vấn đề của SV. Thói quen làm việc độc lập của SV cũng được xác lập. Nhìn chung đây là một phương pháp có nhiều ưu điểm.

            Phương pháp dạy học hợp đồng

            Nhận thấy rằng việc đưa phương pháp dạy học hợp đồng vào phân môn Lý thuyết âm nhạc một cách thường xuyên (một tuần một lần) không mang tính cả thi. Vì vậy chúng tôi tổ chức dạy học phương pháp này theo nội dung bài học. Tức là hợp đồng sẽ được thực hiện vào mỗi tiết ôn tập. Nội dung hợp đồng bao gồm những bài tập ôn tập lại những nội dung kiến thức đã được học trước khi thanh lý hợp đồng.

            Quy trình tổ chức dạy học theo hợp đồng được chúng tôi tổ chức trên 3 bước như sau:

            Giới thiệu nội dung hợp đồng:

            Chúng tôi sử dụng phương pháp hợp đồng trong 2 buổi ôn tập. Bản hợp đồng thứ nhất được đưa ra khi kết thúc bài học 6, bản hợp đồng thứ 2 được đưa ra khi kết thúc bài học 11. Trong bước này chúng tôi tóm gọn lại kiến thức đã được học trước mỗi buổi ôn tập, giới thiệu nội dung bản hợp đồng, thời gian thực hiện cho mỗi bản hợp đồng từ hai đến ba tuần, giới thiệu tài liệu tham khảo và phần bài tập nhằm hỗ trợ SV thực hiện các nhiệm vụ.

            Tổ chức cho SV nghiên cứu và kí hợp đồng.

            Trong bước này, chúng tôi phát cho mỗi SV một bản hợp đồng, sau đó các em có nhiệm vụ nghiên cứu kĩ nội dung bản hợp đồng để hiểu các nhiệm vụ trong đó. Sau đó SV sẽ quyết định chọn nhiệm vụ tự chọn, và dự kiến thời gian thực hiện các nhiệm vụ trên cơ sở năng lực của mình rồi kí tên vào bản hợp đồng. Cuối cùng GV kí tên vào bản hợp đồng, thông qua đó có thể nắm được kế họach thực hiện hợp đồng của mỗi SV để tổ chức

            Tổ chức, hướng dần SV thực hiện nhiệm vụ.

            Sau khi kí hợp đồng, SV thực hiện nhiệm vụ theo kế họach của mình. Chúng tôi tổ chức cho SV thực hiện hợp đồng ở nhà một cách độc lập.

             Tổ chức nghiệm thu (thanh lí) hợp đồng.

            Chúng tôi đưa ra thời gian khoảng hai tuần để hoàn thành hợp đồng và nghiệm thu hợp đồng tại giờ ôn tập trên lớp học và đưa ra lời nhận xét của mình.

            Dạy học theo dự án phát huy được tính tích cực trong học tập, khơi dậy tính tò mò, sự hứng thú cho đối tượng, rèn luyện cho SV năng lực hợp tác, có khả năng phối hợp họat động để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao, rèn luyện tính bền bỉ, kiên nhẫn, rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, dạy học theo dự án không phù hợp trong việc truyền thụ tri thức lý thuyết mang tính trừu tượng, hệ thống cũng như rèn luyện hệ thống kĩ năng cơ bản. Phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian và sự chuẩn bị công phu.

  1. Kĩ thuật dạy học

            Kĩ thuật khăn phủ bàn

            Kĩ thuật khăn phủ bàn là kĩ thuật tổ chức họat động dạy học mang tính kết hợp giữa họat động cá nhân và họat động nhóm nhằm mục đích kích thích, thúc đẩy sự tham gia tích cực của SV. Tăng cường tính độc lập, trách nhiệm cá nhân đồng thời phát triển mô hình tương tác giữa SV với SV. Với phân môn Lý thuyết âm nhạc chúng tôi tổ chức học chủ yếu ở hình thức làm việc theo nhóm. Tuy nhiên, trong mỗi nội dung SV cần phải sử dụng linh họat những kĩ thuật khác nhau để phục vụ mục đích học tập của mình.

Ví dụ: Chúng tôi lựa chọn vấn đề như sau: Tìm hiểu Quãng - Cách đọc tên quãng - Độ lớn của quãng.

- Chia SV làm 4 nhóm mỗi nhóm 10 thành viên và phát cho mỗi nhóm một tờ giấy A0

- Trên giấy A0 chia thành các phần, gồm phần chính giữa và các phần xung quanh được chia theo số thành viên của nhóm. Mỗi người ngồi vào vị trí tương ứng từng phần xung quanh.

- Mỗi cá nhân làm việc độc trong vài phút, tập trung suy nghĩ trả lời vấn đề được đặt ra theo cách nghĩ riêng của mình và viết vào phần giấy của mình trên phần giấy A0.

- Trên cơ sở những ý kiến của mỗi cá nhân, SV thảo luận nhóm, thống nhất ý kiến và viết vào phần chính giữa của tờ giấy A0.

            - Đại diện các nhóm trình bày kết quả. Các nhóm khác tham gia phản hồi góp ý kiến, GV nhận xét, kết luận.

            Kĩ thuật sơ đồ tư duy

Ví dụ: GV có thể nêu một câu hỏi khái quát: “Hãy sử dụng lược đồ tư duy để tìm hiểu các vấn đề liên quan tới hợp âm và cho ví dụ”.

Đầu tiên SV phân công công việc cho các thành viên trong nhóm, sau đó mỗi SV làm việc độc lập.

- Ở trung tâm sơ đồ SV có thể để từ khoá “Hợp âm” hoặc là hình ảnh khuông nhạc với hợp âm ở trên khuông nhạc.

- Từ trung tâm sẽ được phát triển nối với các hình ảnh hay từ khoá, tiểu chủ đề bao gồm: Hợp âm, hợp âm ba trưởng, hợp âm ba thứ, các thể đảo của hợp âm ba, hợp âm bảy át, các thể đảo của hợp âm bảy át.

 Từ các nhánh chính tiếp tục phát triển phân nhánh tạo sự liên kết của một bức tranh tổng thể mô tả về những khái niệm về hợp âm; khái niệm, cấu trúc, kí hiệu, màu sắc của hợp âm ba trưởng, ba thứ, bảy át…

Việc rèn luyện phương pháp học tập cho SV không chỉ là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn là mục tiêu dạy học. Thay vì tổ chức cho SV ôn tập cuối chương một cách truyền thống, GV có thể triển khai các nội dung cần ôn tập bằng cách sử dụng lược đồ tư duy, tạo điều kiện cho SV có cơ hội sử dụng kiến thức đã học và vận dụng chúng vào thực tế dưới dạng là môt phương án sử dụng sơ đồ tư duy khi ôn tập.

Tóm lại, dạy học nói chung và dạy học âm nhạc nói riêng là một nghệ thuật. Có rất nhiều phương pháp để sử dụng trong quá trình dạy học. Trong đó, không có phương pháp nào là vạn năng mà các phương pháp đó luôn hỗ trợ cho  nhau. Giảng viên cần sử dụng các phương pháp một cách linh hoạt để giờ học đạt được hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục Đào tạo (2000), Âm nhạc và Phương pháp dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học Sư phạm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Dự án Việt - Bỉ (2007), Dạy và học tích cực - một số phương pháp dạy và học tích cực, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  5. Đỗ Hải Lễ (2001), Lý thuyết cơ bản về âm nhạc, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc hoạ Trung ương.
  6. Phạm Tú Hương (2004), Lý thuyết Âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm; Hà Nội.
  7. Thái Duy Tuyên (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc