Nội san

Dạy học tích hợp trong môn âm nhạc ở trường phổ thông

15 Tháng Chín 2016

Nguyễn Thu Thúy [*]

 

Hiện nay, dạy học tích hợp đang là một xu thế được các quốc gia trên thế giới quan tâm. Ở Việt Nam, hình thức dạy học này đang được ngành giáo dục triển khai thực hiện một cách toàn diện trong tất cả các cấp. Trong bối cảnh nước ta đang đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,  hình thức dạy- học này phát huy được khả năng chủ động sáng tạo của cả thầy và trò, nhằm phát triển toàn diện năng lực học sinh. Đây cũng là hình thức giảng dạy được thực hiện ở tất cả các môn bởi tính tích hợp của nó. Trong phạm vi bài viết này, người viết xin được đề cập tới việc tích hợp trong giảng dạy môn âm nhạc ở nhà trường phổ thông.

Việc lồng ghép dạy học tích hợp vào các tiết học âm nhạc chính khóa, ngoại khóa đem lại được hiệu quả cho học sinh. Dạy học tích hợp không chỉ khích lệ tính độc lập sáng tạo mà còn giúp các em trở thành chủ thể của hoạt động học, phải tự học, tự nghiên cứu để tìm ra kiến thức bằng hành động của chính bản thân mình. Các nội dung dạy học âm nhạc gắn với cuộc sống hàng ngày, với các tình huống có ý nghĩa. Các em được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, phải trực tiếp quan sát, thảo luận, làm bài tập, giải quyết nhiệm vụ đặt ra theo cách nghĩ của mình, tự lực tìm kiếm nhằm khám phá những điều mình chưa rõ chứ không phải thụ động tiếp thu tri thức.

Dạy học tích hợp đã được triển khai đến hầu hết các môn học nói chung và môn âm nhạc nói riêng. Tuy nhiên, mức độ sử dụng chưa được đồng đều và chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân thứ nhất là do nhận thức của giáo viên còn chưa đầy đủ sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của dạy học tích hợp. Thứ hai, năng lực của giáo viên và cơ sở vật chất của nhiều trường còn chưa trang bị đầy đủ và chưa đồng đều. Thực tế, các giáo viên chủ yếu xây dựng bài giảng phụ thuộc vào sách giáo khoa âm nhạc, chưa  tích cực, sáng tạo lồng ghép các nội dung khác vào bài giảng dẫn đến các giờ học âm nhạc chưa được phong phú, hấp dẫn.

Xây dựng các chủ đề dạy học âm nhạc tự chọn thông qua hình thức dạy học tích hợp giúp cung cấp cho các em bài dạy mang tính chất kiến thức tổng hợp, các em học tập một cách chủ động. Để cụ thể hơn, chúng tôi xin hướng dẫn 1 số cách tích hợp như sau:

1.  Tích hợp nội dung phân môn học hát với âm nhạc thường thức

Tích hợp giữa phân môn học hát và âm nhạc thường thức là vận dụng kiến thức âm nhạc thường thức để tìm hiểu tác giả, tác phẩm, thể loại, thị hiếu âm nhạc và sau đó là dạy bài hát có nội dung tương ứng với âm nhạc thường thức. Tích hợp giữa phân môn học hát và âm nhạc thường thức có thể tiến hành theo 4  bước sau:

Bước 1: Lựa chọn nội dung âm nhạc thường thức và bài học hát

Việc lựa chọn nội dung âm nhạc thường thức và học hát phải đảm bảo tính thống nhất giữa 2 nội dung. Khi lựa chọn GV chú ý tới thời lượng kiến thức để đảm bảo sự cân đối giữa 2 phân môn, thời gian thực hiện bài dạy.

Ví dụ: Tích hợp giới thiệu dân ca Quan họ Bắc Ninh và học hát bài Lí cây đa 

Bước 2: Giới thiệu về nội dung âm nhạc thường thức 

Phân môn âm nhạc thường thức bao gồm các nội dung: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nghe nhạc; giới thiệu nhạc cụ; giới thiệu một số hình thức biểu diễn âm nhạc; giới thiệu một số thể loại âm nhạc. Ngoài ra còn có thể thêm một số câu chuyện, bài viết về âm nhạc với đời sống xã hội.

Bước 3: Học hát

Việc học bài hát vẫn theo một quy trình: Giới thiệu bài hát, tìm hiểu về bài hát, nghe hát mẫu, khởi động giọng, tập hát từng câu, hát cả bài và tập động tác biểu diễn

Bước 4: Luyện tập, củng cố

2.  Tích hợp nội dung phân môn nhạc lý với tập đọc nhạc và học hát

Các bước để thực hiện tích hợp phân môn nhạc lý với tập đọc nhạc và học hát gồm có 5 bước:

Bước 1: Lựa chọn kiến thức nhạc lí, bài hát

Giáo viên khi lựa chọn bài hát phải chú ý tới nội dung dạy nhạc lí sao cho bài hát được lựa chọn phải sử dụng đến kiến thức nhạc lí cần dạy.

Bước 2: Giới thiệu những khái niệm, nội dung, kiến thức nhạc lí

Các nội dung về nhạc lí dạy cho học sinh trung học cơ sở được giới thiệu ở mức độ sơ giản. Khi dạy nhạc lí giáo viên cần áp dụng phương pháp dạy nhạc lí qua thực hành, qua thực tiễn để rút ra kết luận, rút ra kiến thức cần biết. Giáo viên không nên khai thác sâu, mở rộng kiến thức mà chủ yếu cho học sinh công nhận. Chỉ cần cho cung cấp cho học sinh có khái niệm ban đầu và cách nhận biết, sử lí khi gặp kiến thức nhạc lí đó trong bản nhạc.

Bước 3: Liên hệ những kiến thức nhạc lí qua các ví dụ, qua bản nhạc và âm thanh

Giáo viên nên gợi ý và điểu khiển học sinh tự phát hiện và khám phá kiến thức mới thông qua các ví dụ.

Giáo viên cần sử dụng các phương tiện dạy học như: Đàn, thanh phách, song loan, bảng phụ… để minh họa cho học sinh

Ở mỗi kiến thức nhạc lí giáo viên nên minh họa bằng nhiều hình thức khác nhau để học sinh có thể hiểu, cảm nhận.

Bước 4: Vận dụng kiến thức nhạc lý để thực hành đọc nhạc

Sau khi học sinh đã hiểu và có những kiến thức sơ lược về nhạc lí. Giáo viên vận dụng cho học sinh đọc bản nhạc có sử dụng kiến thức nhạc lí đó. Khi dạy bài tập đọc nhạc giáo viên vẫn theo quy trình: Giới thiệu bài tập đọc nhạc, tìm hiểu bài tập đọc nhạc, luyện tập cao độ, luyện tập tiết tấu, tập đọc từng câu.

Bước 5: Học hát

Ở bước này học sinh đã được đọc nhạc nên việc cho học sinh học hát không thực hiện theo các bước như một bài học hát bình thường. Giáo viên có thể cho học sinh nghe và tự ghép lời, giáo viên chỉ hướng dẫn và sửa lỗi hát sai cho học sinh, sau đó giáo viên cho học sinh tự luyện tập 1 số động tác biểu diễn.

3.  Tích hợp dạy âm nhạc với  trò chơi

Phương pháp trò chơi là một trong những phương pháp dạy học được đưa vào trong giảng dạy ở tất cả các bậc học, trong đó phù hợp nhất là bậc học tiểu học và trung học cơ sở. Ở lứa tuổi đó, các em thích hoạt động, hiếu động, ưa khám phá. Học sinh được học tập thông qua các trò chơi làm cho giờ học nhẹ nhàng, thoải mái, thú vị, kích thích hứng thú. Tùy theo từng phân môn, nội dung bài dạy để giáo viên có thể lựa chọn các trò chơi phù hợp:

Ví dụ: Khi cho học sinh ôn tập bài hát Trống cơm ở chủ đề dân ca Quan họ Bắc Ninh, giáo viên cho học sinh chơi trò chơi “Hoà tấu”.

Tác dụng:  Giúp học sinh vừa học hát vừa tập sử dụng các nhạc cụ gõ đệm cũng như vỗ tay đúng phách, đúng nhịp, đúng tiết tấu.

Chuẩn bị: Các nhạc cụ gõ thanh phách, song loan, trống nhỏ, thẻ điểm.

Cách chơi: Giáo viên chia lớp thành 3 nhóm:

+ Nhóm 1: Sử dụng song loan, tập gõ theo âm hình tiết tấu, kết hợp hát

+ Nhóm 2: Sử dụng thanh phách, tập gõ theo âm hình tiết tấu, kết hợp hát

+ Nhóm 3: Sử dụng trống nhỏ, tập gõ theo âm hình tiết tấu, kết hợp hát

Giáo viên bắt nhịp cho từng nhóm chơi

+ Nhóm 1: Chia làm 2, một nửa hát, một nửa gõ nhạc cụ song loan theo âm hình tiết tấu 1

+ Nhóm 2: Chia làm 2, một nửa hát, một nửa gõ thanh phách theo âm hình tiết tấu 2

+ Nhóm 3: Chia làm 2, một nửa hát, một nửa gõ nhạc cụ trống nhỏ

Cuối cùng giáo viên nhận xét và tuyên dương nhóm nào thực hiện hiệu lệnh, hát và kết hợp nhạc cụ đúng nhất. Lưu ý: Trò chơi này chỉ có thể thực hiện sau khi học sinh đã thuộc lời ca, hát đúng giai điệu, đúng tiết tấu.

Ví dụ: Trò chơi điền nốt nhạc còn thiếu

Giáo viên chiếu trên màn chiếu  bài tập đọc nhạc số 6, bản nhạc đã bị xóa đi nột nốt nhạc và yêu cầu học sinh tìm tên những nốt nhạc còn thiếu và điền vào bản nhạc. Ở trò chơi này giáo viên yêu cầu học sinh nhanh tay, nhanh mắt để tìm ra đáp án.

4. Tích hợp nội dung âm nhạc với các kiến thức của môn học khác

Tích hợp nội dung âm nhạc với các kiến thức của môn học khác, giáo viên phải trang bị thêm nhiều về mặt kiến thức của các môn học liên quan và phải có sự chọn lọc lượng kiến thức cung cấp cho bài. Với đặc thù môn âm nhạc giáo viên có thể tích hợp với kiến thức của các môn học như: Giáo dục công dân, lịch sử, địa lí, hội họa, văn học…

Ví dụ: Tích hợp kiến thức của nhiều môn học để giảng dạy phân môn âm nhạc thường thức giới thiệu về nhạc sĩ Đỗ Nhuận và bài hát Hành quân xa

Tích hợp kiến thức môn lịch sử: Giáo viên giới thiệu cho học sinh diễn biến cuộc chiến tranh anh dũng của quân và dân ta đánh thắng thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954.

Tích hợp kiến thức môn địa lý: Giáo viên giúp học sinh nắm được vị trí địa lý căn cứ Điện Biên Phủ, một căn cứ qui mô lớn nhất, bất khả xâm phạm tại Đông Dương.

Tích hợp kiến thức môn mĩ thuật: Giáo viên sử dụng hình ảnh, tranh vẽ để cho HS cảm nhận sâu sắc hơn về sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tích hợp kiến thức môn giáo dục công dân: Giáo dục tinh thần yêu nước và đấu tranh bảo vệ tổ quốc, biển đảo của học sinh.

Trên đây là một số cách thức về việc ứng dụng dạy học tích hợp trong môn âm nhạc ở trường phổ thông. Thực tế, ở mỗi địa phương, mỗi nhà trường và thậm chí mỗi giáo viên đều có cách tiến hành dạy và học riêng trên cơ sở những quy chuẩn chung. Do đó có thể nói mỗi giáo viên cần căn cứ tình hình cụ thể của lớp mình, trường mình, địa phương mình để lựa chọn hình thức tích hợp cũng như thiết kế bài dạy cho phù hợp với đối tượng nhằm phát huy cao nhất hiệu quả cảu giờ học cũng như môn học.

 

 

                                     

                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Bộ giáo dục và đào tạo (2005), Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên THCS  chu kì III môn âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.    Bộ giáo dục và đào tạo (2015), Tài liệu tập huấn dạy học tích hợp ở trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Nxb Đại học Sư Phạm, Hà Nội.

3.    Nguyễn Hải Châu, Bùi Anh Tú (2007), Những vấn đề chung về đổi mới giáo dục Trung học cơ sở môn Âm nhạc, Nxb Giáo dục.

4.    Trần Thị Thanh Thủy (2016), Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5.    Lê Anh Tuấn (2012), Một số định hướng xây dựng chương trình giáo         dục phổ thông môn âm nhạc sau năm 2015, Kỷ yếu hội thảo khoa        học, Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc